Kinh tế Việt Nam từ góc nhìn Ngân hàng Thế giới

Vào trung tuần tháng 6 năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam. Theo đó,WB cho rằng, nhờ tổng cầu trong nước hồi phục nhanh, tổng thu tháng 5 tăng khoảng 29,4% so cùng kỳ năm trước, giúp ngân sách Nhà nước duy trì bội thu tháng thứ 5 liên tiếp. Chính phủ không vay nợ nhiều trên thị trường với khối lượng trái phiếu phát hành và bảo lãnh trong 5 tháng chưa bằng một nửa tỷ lệ ghi nhận cùng kỳ năm trước. Những động thái diễn ra tạo thuận lợi để Chính phủ thực hiện tốt chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời với hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Từ những kiến giải của các nhà nghiên cứu và quản lý, bài viết tổng hợp một số nét nổi bật theo nhận định của định chế tài chính toàn cầu W.B

Nét nổi bật về tình hình xã hội trong đại dịch

Theo các nhà phân tích, đại dịch Covid-19 tác động bất lợi đến mọi hoạt động xã hội và đang tiếp tục giảm dần. Tính từ đầu đại dịch đến ngày 8 tháng 6 năm 2022, trên địa bàn cả nước số ca lây nhiễm đã lên tới 10,7 triệu với trên 43.080 người tử vong.

Doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng sốc hơn 30 lần chỉ có 8 nhân viên

Đến đầu tháng 6, tình trạng căng thẳng giảm mạnh với số người bị lây nhiễm xuống dưới 1500 ca/ngày. Nhờ giãn cách xã hội nới lỏng, các chỉ số di chuyển chủ yếu đang dần hồi phục; số lượt người đến nhà hàng, trung tâm mua sắm và các điểm bán lẻ, giải trí đã đạt mức như trước đại dịch.

Giao thông vận tải đã phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng vẫn còn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Số liệu điều tra cho thấy, thời gian người dân ở nhà tháng 5 vẫn cao hơn 7% so với trước đại dịch. Điều này được cho là do lao động văn phòng đã chọn cách làm việc ở nhà và mặt khác, tình trạng lây nhiễm còn tồn tại, người bị nhiễm Covid-19 còn phải cách ly tại nhà để hồi phục.

Những diễn biến kinh tế gần đây

Trong tăng trưởng, các ngành công thương và tài chính có vai trò quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô. Nhận định này đã được phân tích trên phương diện cung cầu của những ngành chủ đạo trong nền kinh tế.

Công nghiệp - ngành đóng góp chủ yếu để tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc

Nghiên cứu thực trang công nghiệp Việt Nam các nhà phân tích nhận thấy, chỉ số sản xuất tháng 5 tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tương đương với tốc độ trước đại dịch, riêng sản xuất đồ uống tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước, Thực tế còn cho thấy, tiêu dùng trong nước đang tăng mạnh; sản xuất may mặc, giày da; máy vi tính, hàng điện tử và sản phẩm quang học duy trì tăng trưởng vững chắc với tốc độ lần lượt là 26,8%, 17,9% và 16,8%.

Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị lại giảm từ 26,6% trong tháng 3 xuống còn 6,1% trong tháng 4 và chỉ đạt 3,7% trong tháng 5. Xu hướng chững lại này liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguyên vật liệu đầu vào và kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị đã giảm trong 3 tháng so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Việt Nam từ góc nhìn Ngân hàng Thế giới - 1

Phục hồi công nghiệp sau đại dịch (Ảnh minh họa)

Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng được điều chỉnh theo mùa vụ) là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ phát triển ngành công nghiệp. Chỉ số này trong công nghiệp chế biến, chế tạo đã từ 51,7% của tháng 4 tăng lên 54,7% trong tháng 5, là mức cao nhất trong 12 tháng qua, PMI còn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp cả nước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên đà khôi phục

Số liệu công bố của WB đã chỉ ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 12,7% của tháng 4. Tốc độ tăng trưởng phản ánh tiêu dùng trong nước được củng cố với sự trở lại của du khách quốc tế.

Sau khi Chính phủ mở cửa biên giới (cuối tháng 3 năm 2022), khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn 70% so với tháng 4, là mức tăng cao nhất từ tháng 4 năm 2020, nhưng vẫn chưa bằng 16% mức ghi nhận được trước đại dịch.

Kinh tế Việt Nam từ góc nhìn Ngân hàng Thế giới - 2

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (Ảnh minh họa)

Là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh thu bán lẻ hàng hóa, song doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trở lại trong tháng 5, nhờ vào dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ, tăng gần 70% và đã cao hơn 12,4% so với trước đại dịch cách đây 3 năm. Doanh thu dịch vụ lữ hành tuy thấp hơn 60% so với trước đại dịch, song vẫn tăngg gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, xuất nhập khẩu gánh nhiều hệ lụy.

Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm đã bị thâm hụt tới 1,7 tỷ USD

Theo các nhà phân tích, sau 3 tháng tăng tốc, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm từ 25,2% so cùng kỳ năm trước của tháng 4 xuống 18,0% trong tháng 5 và tăng trưởng nhập khẩu chậm lại với tốc độ 14,6%, thấp hơn so với 16,5% của tháng 4. Tăng trưởng xuất khẩu thấp chủ yếu là do xuất khẩu điện thoại giảm mạnh (từ 52,0% của tháng 4 xuống chỉ còn 15,2% trong tháng 5). Mặt khác, sản xuất máy móc bị chững lại và kim ngạch nhập khẩu máy móc, một kênh cung cấp đầu vào quan trọng cho xuất khẩu, giảm dần.

Nhìn chung, xuất khẩu sang Hoa Kỳ giữ được mức tăng trưởng với tốc độ 29,2% so cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu từ 19,5% của tháng 4 xuống chỉ còn 3,6% trong tháng 5. Tình trạng này xuất phát từ xuất khẩu điện thoại giảm và xuất khẩu máy vi tính và hàng điện tử bị chững lại,

Tăng trưởng nhập khẩu đi ngang, thể hiện sự không đồng đều giữa các mặt hàng nhập khẩu, máy móc tương đương 14% tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 3,5% trong tháng 5/2022, là tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Nhập khẩu nhiên liệu các loại tiếp tục gia tăng với tốc độ chậm hơn, từ 117,9% so cùng kỳ năm trước của tháng 4 giảm xuống còn 61,5% trong tháng 5. Nhập khẩu vải và các đầu vào dệt may và da giày chiếm 8,0% tổng kim ngạch nhập khẩu, đã tăng trở lại, với tốc độ 8,0% so cùng kỳ năm trước trong tháng 5 so với 1,0% của tháng 4.

Đầu tư là xã hội là khâu tạo sự ổn định vĩ mô, trong điều kiện Việt Nam vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn có vai trò rất quan trọng.

Vốn FDI đăng ký có xu hướng giảm nhưng vốn giải ngân vẫn tiếp tục gia tăng

Trong tháng 5 năm 2022, vốn FDI đăng ký chỉ đạt 879 triệu USD, thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2020 và cũng là tháng giảm thứ tư liên tiếp. Điều này phản ánh những bất định gia tăng do giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 và những xung đột giữa một số quôc gia.

Sau thời gian tương đối sôi động, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp, với giá trị góp vốn và mua cổ phần trong tháng 5 giảm 40% Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, đánh dấu chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp giải ngân tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam từ góc nhìn Ngân hàng Thế giới - 3

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản (Ảnh minh họa)

Lạm phát nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4%

Phân tích hoạt động kinh tế vĩ mô, chuyên gia WB nhận thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, từ 2,6% của tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5/2022, tương đương với tỷ lệ lạm phát của tháng 5/2021.

Giá xăng và dầu diesel tăng lần lượt đến 5,9% và 4,0% là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát. Lạm phát giá lương thực, thực phẩm tăng nhẹ từ 1,1% so với cùng kỳ năm trước của tháng 4 lên 1,3% vào tháng 5. Lạm phát cơ bản, cũng tăng nhưng với mức thấp hơn, từ 1,5% vào tháng 4 lên 1,6% trong tháng 5.

Chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng tăng chậm trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, các chỉ số này vẫn cao hơn xu hướng lịch sử. Diễn biến giá cả cũng có thể thấy qua giá nhập khẩu bình quân một số mặt hàng nhập khẩu. Giá xăng dầu tiếp tục leo thang nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng 2 và tháng 3, trong khi giá than lại giảm sau 2 tháng tăng mạnh.

Sau khi giảm vào tháng 3, giá phân bón và sắt thép tăng nhẹ trong tháng 4 và tháng 5, (giá phân bón tăng 2,8% vào tháng 4 và 5,6% trong tháng 5). Qua đó đã khẳng định nhiên liệu nhập khẩu là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những biến động toàn cầu.

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế vĩ mô

Tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 5 tăng 16,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với mức tăng của những tháng trước nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước 1,5%,

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế làm tăng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm mạnh từ 2,56% trong tháng 2 xuống 1,37% trong tháng 4 và 0,33% trong tháng 5, gần bằng mức lãi suất trong tháng 5/2021. Đây là dấu hiệu của thanh khoản dồi dào.

Các cấp có thẩm quyền đã chính thức ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có thời hạn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 Hỗ trợ lãi suất đã nhắm đến một số ngành cụ thể, bao gồm những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch như vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống,và du lịch. Những biện pháp hỗ trợ này có tổng quy mô ở mức 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD  hoặc 0,5% GDP và có hiệu lực đến hết năm 2023.

Nguồn thu Nhà nước gia tăng đã góp phần duy trì cân đối  thu chi và ngân sách Nhà nước liên tiếp bội thu

Theo các chuyên gia ngân hàng Thế giới; tổng thu ngân sách Nhà nước đã tăng 29,4% so cùng kỳ năm trước. Tháng 5 là tháng tăng thứ năm liên tiếp tăng thu nhờ tổng cầu trong nước được củng cố, trong khi tổng chi đi ngang. Nhờ đó, cân đối ngân sách Nhà nước tháng 5/2022 đạt bội thu 1,8 tỷ USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Chính phủ thu được 57,1% tổng dự toán thu nhưng chỉ chi 1/3 tổng dự toán, cân đối ngân sách bội thu 9,5 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,0% kế hoạch, tăng nhẹ so với tỷ lệ 21,4% cùng kỳ năm trước. Chi thường xuyên chỉ đạt 38,6% dự đoán, thấp hơn so với 41,6% cùng kỳ năm trước.

Kho bạc Nhà nước đã phát hành trái phiếu Chính phủ bằng đồng nội tệ có tổng giá trị tương đương 343 triệu USD trong tháng 5 với kỳ hạn 10 năm trở lên. Tỷ lệ trúng thầu từ 22% của tháng 4 tăng lên 43% trong tháng 5 đã đảo ngược lại xu hướng suy giảm trong 3 tháng trước đó. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt 14,1% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhiều phân tích, nhu cầu vốn thấp từ phía Chính phủ dường như tương quan với mức bội thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm 2022 và với sự  gia tăng chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp (trên thị trường sơ cấp,lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ từ 2,28% cuối tháng 4 lên 2,34% vào cuối tháng 5, nhưng đã tăng lên đến 3,25% trên thị trường thứ cấp).

Trong tình trạng bất định gia tăng, giá hàng hóa tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và điều kiện tài chính toàn cầu đang bị thắt chặt,nền kinh tế Việt Nam gần đây đã duy trì được đà hồi phục tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% và doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế cả nước.

Từ góc nhìn khách quan của một định chế tài chính toàn cầu, Ngân hàng Thế giới lưu ý, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục gia tăng, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.

W.B đã nhấn mạnh đến các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó, hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu cần được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu gia tăng. Do những cú sốc giá hàng hóa thế giới ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá cho các đối tượng sử dụng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm bớt khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

Từ tầm nhìn dài hạn chuyên gia ngân hàng Thế giới khuyến nghị Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung, khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế, những giải pháp này có thể làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh trong dài hạn. 

Thành Ý

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân