"Ông lớn" ngành logistics Việt Nam có chủ tịch vừa từ nhiệm làm ăn ra sao?
Viettel Post là đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel chuyên kinh doanh các dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại...
Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Viettel Post vừa công bố thông tin về việc tiếp nhận đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT/thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 – 2029 của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam.
Trong đơn gửi ngày 17/8/2024, ông Nam xin thôi từ nhiệm các chức vụ vì lý do cá nhân.
Ngày 15/8 vừa qua, Đảng ủy, Ban tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cũng đã nhất trí cho Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam nghỉ hưu theo nguyện vọng từ ngày 1/8/2024.
Viettel Post là đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel chuyên kinh doanh các dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại...
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT/thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 – 2029
Trong quý 2/2024, doanh thu công ty đạt 4.945 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Do biên lợi nhuận co hẹp hơn và hụt doanh thu tài chính so với cùng kỳ nên lợi nhuận sau thuế giảm 5%, đạt 93 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Post đạt doanh thu gần 9.620 tỷ đồng, giảm nhẹ so với nửa đầu năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, giảm 12%. Như vậy sau 6 tháng, VTP đã hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận năm.
Cổ phiếu của VTP mới niêm yết trên sàn HoSE, chính thức giao dịch từ ngày 12/3/2024. Đây là một trong những mã tăng vượt trội trong nửa đầu năm 2024, khi tăng từ vùng giá 55.000 đồng hồi đầu năm lên đỉnh 99.000 đồng vào gần cuối tháng 6, tương ứng mức tăng 80%.
Sau khi đạt đỉnh, mã chịu áp lực điều chỉnh và hiện đang giao dịch ở vùng giá gần 79.000 đồng. Vốn hóa của Viettel Post đạt hơn 9.400 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu VTP giảm 0,13%, còn 77.100 đồng. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này.
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index rung lắc nhẹ và có những nhịp điều chỉnh ngay trong phiên giao dịch sáng nay. Bộ đôi VCB và BID phục hồi và là động lực chính hỗ trợ thị trường.
Lực cầu nhập cuộc mạnh mẽ trong phiên chiều giúp VN-Index tiến vượt mốc 1.280 điểm, kết phiên ở mức cao nhất trong ngày.
Kết quả phiên giao dịch ngày 21/8, VN-Index tăng 11,5 điểm (tương đương 0,9%), lên 1.284 điểm. HNX-Index tăng 1,11 điểm (0,47%), lên 238,42 điểm, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (0,4%), đạt 94,48 điểm.
Thị trường duy trì đà tăng tốt
Thanh khoản tiếp tục tăng so với phiên giao dịch hôm qua. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 23,1 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có 241 mã tăng, 174 mã giảm và 70 mã đi ngang.
VCB tiếp tục là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với 2,74 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, PLX có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 0,19 điểm của chỉ số chung.
Nhóm thép giao dịch tích cực với đà tăng ở hầu hết các cổ phiếu như HPG, HSG, NKG, TLH, TVN, VGS,... Đáng chú ý, SMC còn tăng kịch trần lên 11.350 đồng/cổ phiếu.
Khối ngoại lại quay đầu bán ròng với giá trị 431 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.911 tỷ đồng và bán ra 2.343 tỷ đồng.
Những mã bị đẩy bán mạnh nổi bật là HPG 157 tỷ đồng, MWG 96 tỷ đồng, MSN 75 tỷ đồng, TCB 73 tỷ đồng, HSG 67 tỷ đồng,…
Các chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp với vùng hỗ trợ gần nhất là 1.260 điểm. Tuy vậy, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực do đó nhịp điều chỉnh có thể cũng sẽ nhanh chóng kết thúc, chủ yếu mang tính kỹ thuật cùng với áp lực chốt lời gia tăng khi nhiều cổ phiếu đã đạt mức sinh lời cao tính từ vùng đáy ngắn hạn.
Cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế mua đuổi và ưu tiên mua tại nhịp điều chỉnh do thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh khi chỉ số VN-Index giao dịch gần vùng kháng cự 1.273 điểm.
Bình luận