Startup Telio giải thể, VNG "mất trắng" khoản đầu tư hơn 515 tỷ đồng?

Với việc Startup thương mại điện tử Telio của nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong bất ngờ tuyên bố giải thể, giá trị khoản đầu tư hơn 515 tỷ đồng của VNG vào doanh nghiệp này cũng “biến mất” trong báo cáo tài chính năm 2024.

Startup Telio bất ngờ thông báo giải thể

Trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia mới đây, ông Bùi Sỹ Phong - nhà sáng lập Telio - một trong những startup thương mại điện tử B2B hàng đầu tại Việt Nam đã chính thức đóng cửa từ cuối tháng 11/2024 và giải thể vào tháng 12/2024. Điều này khiến khoảng 400 nhân viên mất việc, bao gồm cả đội ngũ công nghệ tại Ấn Độ.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đơn vị vận hành startup thương mại điện tử Telio tại Việt Nam là Công ty TNHH Telio Việt Nam được thành lập tháng 1/2019 với vốn điều lệ vỏn vẹn chỉ 10 triệu đồng. Ông Bùi Sỹ Phong sinh năm 1982 giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp. Thời gian sau đó, doanh nghiệp liên tục tăng vốn điều lệ, ở lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp vào tháng 8/2022, Telio Việt Nam tăng vốn điều lệ từ hơn 1.005 tỷ đồng lên hơn 1.086 tỷ đồng.

Startup Telio giải thể, VNG "mất trắng" khoản đầu tư hơn 515 tỷ đồng? - 1

Startup thương mại điện tử Telio bất ngờ tuyên bố giải thể vào cuối năm 2024

Trong khi đó, ở thời điểm thành lập năm 2019, Startup Telio mang sứ mệnh số hóa các cửa hàng tạp hóa truyền thống bằng cách kết nối họ với các thương hiệu và nhà cung cấp. Đây được xem là mô hình tương tự các warung ở Indonesia hay sari-sari store tại Philippines.

Mô hình này của Telio từng rất được kỳ vọng và đánh giá cao khi trải qua năm vòng gọi vốn, Telio đã thu hút khoảng 52,5 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG.

Ban đầu, Telio đặt mục tiêu đạt lợi nhuận EBITDA vào giữa năm 2026, đồng thời kỳ vọng huy động thêm 10-15 triệu USD vào cuối năm 2024. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8/2024, ông Phong cho biết công ty đã cắt giảm khoản lỗ hàng tháng xuống còn 280.000 USD, giảm tới 80% so với mức đỉnh 1,4 triệu USD.

Tuy nhiên, cả kế hoạch gọi vốn lẫn cơ hội sáp nhập đều không thành công, khiến công ty không thể tiếp tục hoạt động dù doanh thu hàng tháng vào thời điểm đóng cửa vẫn đạt 2,5-3 triệu USD.

VNG "mất trắng" khoản đầu tư hơn 515 tỷ đồng?

Báo cáo tài chính năm 2023 cho thấy CTCP VNG (mã chứng khoán VNZ) đã rót tới hơn 515 tỷ đồng vào Telio để nắm giữ 16,55% cổ phần của công ty này. Tương đương, quy mô của Startup Telio sau khi tăng vốn vào tháng 10/2023 lên tới hơn 3.113 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước tình trạng thua lỗ kéo dài của startup này, giá trị khoản đầu tư của VNG đến giữa năm 2024 chỉ còn gần 205 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, cùng thời điểm Telio tuyên bố giải thể, giá trị khoản đầu tư hơn 500 tỷ đồng của VNG cũng không còn xuất hiện trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Startup Telio giải thể, VNG "mất trắng" khoản đầu tư hơn 515 tỷ đồng? - 2

VNG "mất trắng" khoản đầu tư hơn 515 tỷ đồng khi Startup Telio giải thể

Không chỉ Telio, VNG cũng gặp nhiều thách thức với các khoản đầu tư khác. Theo báo cáo tài chính năm 2024 đã được VNG công bố, công ty đã mất hơn 500 tỷ đồng khi đầu tư vào Tiki Global, 33 tỷ đồng vào Rocketeer, 143 tỷ đồng vào Ecotruck và 35 tỷ đồng vào Beijing Youtu.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2024, doanh thu của công ty đạt 9.505 tỷ đồng, trong đó, mảng trò chơi trực tuyến – do VNGGames đảm nhiệm, tiếp tục đóng vai trò chủ lực với gần 6.440 tỷ đồng. Ngoài ra, hai mảng khác có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng gồm: dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet (1.836 tỷ đồng) và quảng cáo trực tuyến (934 tỷ đồng).

Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, VNG báo lỗ sau thuế hơn 1.018 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 2.317 tỷ đồng năm 2023. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp VNG ghi nhận lỗ sau thuế trên 1.000 tỷ đồng.

Hoàng Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất

NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Ban vận động Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước trong kỷ nguyên kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.

Phạm Hồng Điệp với khát vọng yêu

Phạm Hồng Điệp với khát vọng yêu

Không biết từ bao giờ mà cái tên Phạm Hồng Điệp trong giới doanh nhân và cả văn nghệ sĩ Hải Phòng đã trở thành thân thuộc. Anh là một doanh nhân thành đạt, hàng ngày, hàng giờ khối lượng lớn công việc đè lên đôi vai anh, mà theo như bạn bè tâm sự thì anh đã gồng lên gánh vác hết mình, cuối cùng, trời không phụ lòng người, anh đã nhận về thành công.