'Câu chuyện nghệ thuật' - hiện tượng sách 2020 tái bản chỉ sau hai tháng phát hành

Chỉ sau hai tháng chính thức phát hành, cuốn sách 'Câu chuyện nghệ thuật' của tác giả E.H. Gombrich tiếp tục được tái bản tại Việt Nam và sẽ ra mắt vào tháng 1/2021.

Câu chuyện nghệ thuật (tên tiếng Anh: The Story of Art) là câu chuyện về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của tác giả về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo...

'Câu chuyện nghệ thuật' - hiện tượng sách 2020 tái bản chỉ sau hai tháng phát hành - 1
Bìa cuốn sách 'Câu chuyện nghệ thuật'. (Nguồn: Omega+)
Điều gì thú vị trong cuốn sách?

Thay vì chỉ đơn thuần liệt kê các yếu tố lịch sử và nghệ thuật, E. H. Gombrich tập trung lột tả những thay đổi liên tục trong mục đích nghệ thuật để biến chúng thành dòng chảy chủ đạo cho câu chuyện trong cuốn sách, cũng như chỉ ra sự tương đồng hay đối lập giữa các tác phẩm của mỗi thời đại, từ đó mang đến một cái nhìn bao quát về nghệ thuật châu Âu qua từng thời kì.

Với khoảng 60% dung lượng dành cho ảnh màu minh họạ, ấn bản thứ 16 có sự tương quan thị giác giữa nội dung và hình ảnh, đồng thời được bổ sung các trang gấp mô phỏng nhiều bức họa cùng tác phẩm khổ lớn, phần chú thích cuối sách cũng được cập nhật đầy đủ hơn so với các phiên bản trước đây.

Đặc biệt, 600 trang sách về lịch sử nghệ thuật được kể một cách dễ hiểu, không sử dụng bất kì biệt ngữ hay các ẩn dụ lý thuyết phức tạp, bởi ban đầu Gombrich viết cuốn sách với mong muốn dành cho các độc giả trẻ mới bước chân vào thế giới nghệ thuật. Cuốn sách sẽ giúp những người ngoại đạo thấy được đường hướng phát triển của câu chuyện mà không bối rối với vô vàn tiểu tiết, đưa độc giả đến một trật tự dễ hiểu với phong phú những cái tên, những thời kỳ và phong cách giúp quá trình tiếp cận các tác phẩm chuyên ngành sau đó dễ dàng hơn.

Lựa chọn khảo sát nghệ thuật từ góc nhìn lịch sử, E. H. Gombrich mong muốn giúp độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các bậc thầy muốn nhắm tới. Với cái nhìn chân thực từ góc độ phê bình nghệ thuật cùng cách viết mạch lạc, dễ hiểu cùng nền tảng kiến thức đa dạng, tác giả đã tạo nên một cuốn sách phù hợp cho mọi độc giả yêu thích tìm hiểu về nghệ thuật ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Từ khi xuất bản, Câu chuyện nghệ thuật vẫn tiếp tục duy trì thành công của nó ở vị trí là một tác phẩm kinh điển trong danh sách các đầu sách nghệ thuật tuyển chọn.

Tái bản có gì mới?

Ấn phẩm mới sẽ giữ nguyên thiết kế bìa sách cùng một số hiệu đính về mặt nội dung giúp cuốn sách hoàn thiện hơn khi đến tay độc giả trong lần tái bản này.

Ông Vũ Trọng Đại, đại diện Công ty sách Omega+ cho biết: “Từ giai đoạn chuẩn bị đến khi phát hành, tác phẩm luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả Việt. Dù phải lỡ hẹn một năm mới có thể chính thức ra mắt, nhưng sức hút của Câu chuyện nghệ thuật không hề giảm sút. Nếu trên thế giới, tác phẩm đã xác lập kỷ lục hơn 8 triệu bản được bán ra thì tại Việt Nam, Câu chuyện nghệ thuật cũng trở thành 'hiện tượng sách 2020' khi có thể tái bản chỉ sau hai tháng phát hành. Đây là kỷ lục tái bản chưa từng có tại Omega+”.

Trước đó, tác phẩm được phát hành lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10/2020. Đây là bản dịch dựa trên ấn bản mới nhất, lần thứ 16 và được dàn số trang tương đương bản gốc tiếng Anh của nhà xuất bản Phaidon nhằm đảm bảo tương ứng giữa nội dung cũng như hình ảnh minh họa. Ngay khi ra mắt, tác phẩm đã được nhiều độc giả và chuyên gia đánh giá cao.

'Câu chuyện nghệ thuật' - hiện tượng sách 2020 tái bản chỉ sau hai tháng phát hành - 2
Lựa chọn khảo sát nghệ thuật từ góc nhìn lịch sử, E. H. Gombrich mong muốn giúp độc giả hiểu được ý đồ nghệ thuật mà các bậc thầy muốn nhắm tới. (Nguồn: Omega+)

Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ: “Trong tác phẩm, E.H. Gombrich đã diễn giải nghệ thuật theo cách khách quan nhất. Tác giả tránh sử dụng những biệt ngữ chuyên môn và chỉ đề cập tới các tác phẩm mà ông đã từng được chiêm ngưỡng và tiếp cận để có thể đơn giản hóa, cũng như làm rõ thông điệp mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt. Giữa bối cảnh thông tin chỉ đơn giản lặp lại những điều mà người nghệ sĩ đã nói, khiến cho nghệ thuật trở nên xa lạ và khó hiểu với công chúng thì cuốn sách sẽ giống như một sợi dây nhắc nhở rằng chúng ta cần một nền tảng kiến thức để có thể thưởng thức nghệ thuật”.

Trong khi đó, họa sĩ Vũ Đỗ. nhà giáo dục nghệ thuật đồng thời là người sáng lập The Painter’s Studio cho biết: “Dưới góc độ một họa sĩ, điều hấp dẫn tôi là những hình ảnh từ các tác phẩm được minh họa trong sách. Nó giúp một họa sĩ trẻ như tôi học được thêm về bối cảnh, bút pháp của các nghệ sĩ kỳ cựu trên thế giới. Đặc biệt, so với phiên bản trước, sách có những chú thích diễn giải về tôn giáo, những câu chuyện nhỏ giúp bạn hiểu thêm về nghệ thuật tùy vào bối cảnh thời đại lúc bây giờ”.

Câu chuyện nghệ thuật là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật của nhà sử học nghệ thuật gốc Áo nổi tiếng E.H. Gombrich và được mệnh danh là một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả. Cuốn sách được in lần đầu năm 1950 và trong 70 năm qua đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn tám triệu bản bán ra trên toàn thế giới.

Theo TGVN

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.