Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp

Nguyễn Tư Nghiêm không những là bậc danh họa hàng đầu của nước ta mà ông còn là một người giàu lòng yêu nước, ông đã từng là cán bộ lãnh đạo của Việt Minh tổ chức cho đồng bào ở quê nhà đứng lên lật đổ thực dân phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Nguyễn Tư Nghiêm là người con của dòng họ Nguyễn Tư danh giá và nổi tiếng ở Nam Đàn. Ông nội ông là Nguyễn Tư Thận một danh y giỏi làm việc cho nghĩa quân yêu nước Phan Đình Phùng, Thân phụ ông là Phó bảng Nguyễn Tư Tái một người bạn vong niên của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Sau khi đậu Phó bảng Nguyễn Tư Tai đã được triều đình bổ nhiệm tới chức Tham tri (tương đương Thứ trưởng hiện nay) nhưng vì lòng yêu nước thương dân ông đã cáo quan về lập ấp làm ruộng. Bởi vậy, ngoài tài năng của mình, Nguyễn Tư Nghiêm còn được sinh ra, lớn lên và được tiếp sức bởi truyền thống yêu nước của gia tộc Nguyễn Tư và tinh thần hiếu học của người dân xứ Nghệ.

Gia tộc của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Thân phụ của Nguyễn Tư Nghiêm là ông Nguyễn Tư Tái. Nguyễn Tư Tái (1868 - 1948) quê quán xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn). Nguyễn Tư Tái là bạn vong niên của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi đậu cử nhân (năm Giáp Ngọ 1894) Nguyễn Tư Tái được điều ra làm quan và được giao giữ chức Tri huyện huyện Phong Điền, sau đó là Tri phủ phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp - 1

Chân dung Nguyễn Tư Nghiêm.

Đến năm Giáp Thìn (1904), niên hiệu Thành Thái thứ 14, Nguyễn Tư Tái tham gia kỳ thi Hội trúng cách vào thi Đình đậu Ất Tiến sĩ, thường gọi là Phó bảng.

Sau khi đậu Phó Bảng Nguyễn Tư Tái được thụ hàm Hàn Lâm Viện Kiểm thảo và giữ chức Phủ thừa tại Phủ Thừa Thiên. Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Tư Tái tham gia nhóm biên soạn cuốn “Đại Nam liệt truyện tiền biên” quyển thứ nhất. Sau đó, ông được điều về kinh làm việc Thừa phái ở Bộ Hình. Một thời gian sau, ông tiếp tục được thăng lên chức Thị lang bộ Hộ thuộc trật chánh tam phẩm. Thời nhà Nguyễn, chức Thị Lang bộ Hộ đứng đầu các viện hoặc phủ trong một bộ và chỉ đứng sau Thượng Thư và Tham tri. Bộ Hộ là cơ quan hành chính thời kỳ phong kiến Việt Nam, tương đương với Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp ngày nay.

Tiếp theo, Nguyễn Tư Tái được bổ nhiệm chức Tham tri. Đây là chức phó quan của Thượng Thư. Theo “Từ điển chức quan Việt Nam” cho biết: Thời Nguyễn mỗi bộ đều lập Tả, Hữu Tham tri đứng dưới Thượng Thư. Theo quan chế thời Minh Mệnh chức Tham tri thuộc trật tòng nhị phẩm (tương đương với chức Thứ trưởng ngày nay).

Mặc dù là vị đại quan trong triều với tiếng tăm và bổng lộc lớn nhưng Nguyễn Tư Tái vẫn đau đáu với nỗi đau mất nước, ngày càng chán cảnh quan trường nên vào khoảng những năm hai mươi của thế kỉ XX, ông từ quan, rồi ra vùng đất Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) nơi trước đây ông đã từng trị nhậm để khai cơ lập làng.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp - 2

Nhà thờ họ Nguyễn Tư ở quê hương.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa: Cụ Nguyễn Tư Tái đã di cư về vùng đất này. Cụ đã làm tờ trình và được Tổng đốc Thanh Hóa chấp nhận cho chiêu dân khai phá vùng đất thuộc khu vực làng Hoàng Cừ giáp ranh với làng Bình Trị để lập ấp. Ban đầu, ấp do ông Nguyễn Tư Tái thành lập chỉ khoảng 15 hộ gia đình, sau dân cư đông dần, một số từ Nghệ An ra, một số là dân phu đi làm công trình thủy lợi sông Chu rồi ở lại, một số từ ngoài Bắc tản cư vào đây lập nghiệp.

Để có tiền giúp đỡ người dân nghèo an cư lạc nghiệp, ông đã về quê thế chấp một số ruộng vườn, nhà cửa cho “nhà banh” Canh nông lấy tiền tậu trâu, bò, nông cụ giúp dân khai hoang lập nên làng Lạc Lâm như ngày nay.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp - 3

Cháu chắt thăm mộ cụ Nguyễn Tư Tái thận phụ họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm tại xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn Thanh Hóa.

Sau một thời gian, từ 15 hộ ban đầu đã phát triển tới hàng trăm hộ dân sinh sống ổn định nên ông xin được lập thành làng với tên gọi Lạc Lâm (nghĩa là vui với núi rừng). Làng Lạc Lâm nay là thôn Lạc Lâm và thôn Dân Tiến, xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Giai đoạn đầu mới vỡ hoang, đời sống của Nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn vất vả, với uy tín của mình, ông đã xin triều đình miễn thuế cho dân. Trong nạn đói năm 1945, ông đã cứu sống nhiều người dân trong làng khỏi chết đói bằng cách cho dân gặt lúa chưa chín về chia phát mọi người và bày cách rang lên giã nhỏ để ăn cầm cự qua nạn đói.

Ngày 15/2/1948, Nguyễn Tư Tái qua đời, hưởng thọ 82 tuổi. Thương tiếc vị quan thanh liêm, đức độ, Nhân dân xã Thọ Tiến đã lập miếu thờ làm thành hoàng của làng Lạc Lâm. Phần mộ và miếu thờ ông Nguyễn Tư Tái hiện nay thuộc làng Dân Tiến, xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 

Sự nghiệp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922 tại làng Trung Cần, xã Trung Cần, tổng Nam Kim (nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Thân sinh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là ông Nguyễn Tư Tái, người có công với dân với nước.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, nên từ nhỏ ông được cha dạy dỗ và cho theo Hán học, lớn lên ông theo cả Tây học. Ông đặc biệt thích vẽ tranh nên theo anh trai ra Hà Nội tìm đến họa sĩ Lê Phổ để học vẽ. Năm 1941, ông thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập vào năm 1925 bởi họa sĩ người Pháp Victor Tardieu. Trường đã đào tạo những họa sĩ Việt xuất chúng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Quang Phòng, Mai Văn Hiến, Phan Kế An, tạo điều kiện cho các họa sĩ Việt Nam được hoạt động chuyên nghiệp, góp một phần quan trọng cho nền nghệ thuật nước nhà).

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp - 4

Chứng nhận về việc Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có tác phẩm được trưng bày tại một bảo tàng của Hoa Kỳ

Khi còn là sinh viên năm thứ 3, ông đã vẽ bức tranh sơn dầu “Người gác Văn Miếu” với phong cách mới lạ và táo bạo. Bức tranh đã được giải nhất tại triển lãm Salon Unique năm 1944.  Cũng trong năm, đó các bức tranh “Cổng làng Mông Phụ”, “Đánh cờ dưới bóng tre” của ông cũng được đánh giá cao.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương giải tán, Nguyễn Tư Nghiêm trở về quê và tham gia phong trào cách mạng tại địa phương. Trong phong trào cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Tư Nghiêm đã có nhiều công lao đóng góp.

Ngày 25/5/1945, Việt Minh Nam Đàn được thành lập, các làng, xã gấp rút thành lập tổ chức Việt Minh. Việt Minh làng Dương Liễu do ông Trần Xuân Mai làm chủ nhiệm, Việt Minh làng Trung Cần do ông Lê Văn Tĩnh làm chủ nhiệm. Sau đó cấp trên điều động đồng chí Nguyễn Tư Nghiêm về chỉ đạo phong trào cách mạng ở làng Trung Cần.

Để triển khai và lên kế hoạch hoạt động cho tổ chức Việt Minh, vào tối ngày 19/7/1945, đồng chí Nguyễn Tư Nghiêm triệu tập cuộc họp tại nhà thờ cụ Bang Khuyến (tức nhà thờ họ Nguyễn Hữu) để phổ biến 10 chính sách của Việt Minh và nêu một số nhiệm vụ cần làm ngay như: Tổ chức và vận động quần chúng tham gia các cuộc biểu tình thị uy; Phân công người mang cờ, viết khẩu hiệu, rải truyền đơn và quyết định tổ chức biểu tình trên địa bàn làng Trung Cần.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp - 5

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật năm 1996)

Theo kế hoạch, tối ngày 20/7/1945, Ban vận động tổ chức biểu tình thị uy và đông đảo quần chúng Nhân dân tập trung tại nhà thờ cụ Thừa Tái (tức nhà thờ chi Nguyễn Tư) đứng đầu là ông Nguyễn Tư Nghiêm và các ông Nguyễn Hữu Liễu, Nguyễn Bá Đào… mang theo trống, mõ, tù và, đuốc, gậy, gộc… xuất phát từ nhà thờ cụ Thừa Tái qua nhà thờ họ Nguyễn, xuống trang Nghinh thần, qua xóm Bàu, xuống chùa Giai, rồi qua các xóm Vũng, Bãi, Hác, Gát, cuối cùng về đình Trung Cần. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập! Đả đảo phát xít nhật, Ủng hộ Việt Minh.

Sau cuộc biểu tình của làng Trung Cần, làng Dương Liễu và làng Đông Châu cũng tổ chức biểu tình kéo dài 2-3 đêm. Sáng ngày 23/8/1945, dưới sự chỉ huy của tổ chức Việt Minh, Nhân dân các làng, xã nhất tề đứng dậy giương cao cờ đỏ sao vàng kéo về thị trấn Nam Đàn giành chính quyền ở huyện. Lúc này, Nguyễn Tư Nghiêm là Ủy viên Ủy ban giải phóng huyện Nam Đàn. Sau khi giành được chính quyền Ủy ban khởi nghĩa đã giới thiệu danh sách và chức vụ của các đồng chí trong Ủy ban Cách mạng Lâm thời huyện Nam Đàn gồm 11 đồng chí, trong đó đồng chí Nguyễn Tư Nghiêm ủy viên phụ trách công tác giáo dục.

Sau hai năm hoạt động tại địa phương, năm 1947, Nguyễn Tư Nghiêm ra chiến khu Việt Bắc hoạt động. Một thời gian ông được họa sĩ Tô Ngọc Vân, lúc bấy giờ đang là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam mời làm giảng viên khoa Mỹ thuật của trường tại Việt Bắc.

Sau năm 1954, Nguyễn Tư Nghiêm phụ trách Xưởng tranh của Hội Văn Nghệ Việt Nam, đồng thời tiếp tục giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1959, ông là giảng viên tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Đồng thời ông còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957 - 1983).

Trong khoảng 70 năm hoạt động nghệ thuật của mình, Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tác rất nhiều tác phẩm mỹ thuật với các chủ đề như: những điệu múa cổ, Thánh Gióng, Kiều, và những con giáp.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp - 6

Nguyễn Tư Nghiêm vẽ rất nhiều tranh về Thánh Gióng với tạo hình mạnh mẽ với những chất liệu khác nhau, tư thế khác nhau và tạo nên những tác phẩm rất độc đáo.

Ông vẽ rất nhiều tranh về Thánh Gióng với tạo hình mạnh mẽ với những chất liệu khác nhau, tư thế khác nhau và tạo nên những tác phẩm rất độc đáo. Mặc dù cùng một đề tài những ông luôn có cái nhìn mới và cách vẽ mới tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn. Những tác phẩm “Trạm gác” (1948), “Nghé con” (1957), “Giao thừa bên hồ gương” (1957), “Nông dân đấu tranh chống thuế” (1960)… đều có sự kết hợp sâu sắc giữa tình cảm và lý trí, truyền thống và hiện đại, thấm đậm triết lý phương Đông.

Âm hưởng không gian đình chùa trong tranh của Nguyễn Tư Nghiêm luôn hiển hiện với ngôn ngữ tạo hình hiện đại và gợi cảm. Ông cũng rất thành công trong việc khai thác hoa văn, chạm khắc đình làng các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vào tranh của mình. Ông đã tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu và làm việc trên nhiều chất liệu chẳng hạn như: sơn mài, sơn, bột màu và than chì.

Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo ra một phong cách nghệ thuật đặc biệt có tính dân tộc kết hợp với hiện đại. Những tác phẩm hội họa của ông được các họa sĩ trong nước và nước ngoài yêu thích và sưu tầm. Chất liệu có thế mạnh nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống, về sau là bột màu, giấy dó.

Giới phê bình nghệ thuật thời bấy giờ từng nhìn nhận, tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, tạo nên bản sắc riêng. Ông từng nói: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có cả nhân loại và hiện đại”. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm luôn được các đồng nghiệp và các thế hệ hậu sinh khâm phục và kính trọng về tri thức và đam mê nghệ thuật của ông.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ông Trần Khánh Chương từng nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là thế hệ vàng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, là danh họa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Các tác phẩm của ông là niềm tự hào của giới mỹ thuật Việt Nam, là những báu vật của văn hóa Việt Nam… Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là người có ảnh hưởng rất lớn đến mỹ thuật Việt Nam. Ông là tấm gương lao động nghệ thuật cực kỳ đáng khâm phục. Suốt cuộc đời ông không màng đến danh lợi, chỉ dành hết tâm sức cho việc sáng tạo nghệ thuật”. 

Nhận xét về người thầy của mình, Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng cho biết: “Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và họa sĩ Nguyễn Sáng là hai họa sĩ mà cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, tư duy tạo hình rất đặc biệt, rất độc đáo, có thể nói là hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Với Nguyễn Tư Nghiêm, ông là người luôn có tư duy độc đáo về ngôn ngữ tạo hình, hệ thống nét, cấu trúc tác phẩm. Nó thể hiện quan điểm mà ông đã từng đưa ra: Khi đến tận cùng văn hóa truyền thống thì chúng ta sẽ đến được với hiện đại. Đó là quan điểm của một người đi trước thời đại, nhìn trước được vấn đề. Quan điểm đó vẫn là một chân lý của nghệ thuật đương đại ngày nay”.      

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một lần đến thăm họa sĩ tại nhà riêng đã nói: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao những cống hiến của họa sĩ đối với nền văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà thông qua công tác giảng dạy, lao động sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm góp phần tích cực cổ vũ quân và dân ta chiến đấu giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước”. 

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – Gia tộc và sự nghiệp - 7

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được giới chuyên môn trang trọng xếp vào nhóm tứ kiệt thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bao gồm các danh họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) cùng với nhóm tứ kiệt: Trí - Vân - Lân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí – Tô Ngọc Vân – Nguyễn Tường Lân – Trần Văn Cẩn), họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX tới nay. Hiện nay, tên của ông được nhiều nơi đặt làm tên đường phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình… 

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải nhất tại triển lãm Salon Unique năm 1944, Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1948 và 1990,  Giải thưởng hội họa quốc tế Sophia (Bulgaria- năm 1983), Giải thưởng Triển lãm Hội họa và Đồ họa quốc tế lần thứ nhất năm năm 1987 tại Hà Nội, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (năm 1996) và nhiều giải thường khác. Bên cạnh đó ông còn được tặng thưởng nhiều huân, huy chương khác: Huân chương độc lập hạng nhì; Huân chương kháng chiến hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 70 tuổi, ông lập gia đình với họa sĩ Nguyễn Thu Giang (con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân). Nguyễn Tư Nghiêm là một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, ông sống và cống hiến hết mình cho hội họa, sức sáng tạo bền bỉ và ảnh hưởng của ông đã vượt thời đại. Nguyễn Tư Nghiêm ít nói, ít tuyên ngôn nhưng trong một lần phát biểu tại hội nghị về quan điểm nghệ thuật của mình ông nói: “Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại”. Ông được đánh giá là người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa.            

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời ngày 15/06/2016 (tức ngày 11/5 âm lịch) tại Hà Nội. Sau khi mất hai năm linh vị ông được gia đình và con cháu rước về thờ tự tại nhà thờ Nguyễn Tư tại xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Nguyễn Tư Nghiêm cũng là một trong ít hoạ sĩ có bảo tàng riêng, tọa lạc tại 90B2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là Bảo tàng Nguyễn Tuân - Nguyễn Tư Nghiêm.

Nguyễn Đình Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất