Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam

Khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, họa sĩ Dương Bích Liên là một người nghệ sĩ tài ba mà thầm lặng, ông đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho nghệ thuật, các tác phẩm của ông vẫn còn đọng lại những giá trị sâu sắc trong đời sống hôm nay.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên (17/7/1924 - 17/7/2024) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra chương trình trò chuyện nghệ thuật với chủ đề “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng” để hiểu rõ hơn về con người và nghệ thuật của ông.

Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam - 1

Không gian buổi trò chuyện nghệ thuật “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng”.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, nền mỹ thuật Việt Nam may mắn có được “bộ tứ cuối cùng” của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương là “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”, đây là gạch nối hết sức quan trọng trong sự phát triển của mỹ thuật nước ta sau này. Thế hệ sau học được ở các ông sự chân chính và đặc biệt là việc giữ gìn phẩm cách của một người nghệ sĩ.

“Dương Bích Liên là nhà trí thức uyên bác, đời sống nghệ thuật của ông như một mạch chảy đầy nghị lực, đầy cảm xúc, đầy tính quyết liệt và chính kiến”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Là người gần gũi, cũng như chứng kiến trực tiếp nhiều thăng trầm trong cuộc đời của họa sĩ Dương Bích Liên, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết, Dương Bích Liên thuộc lớp sinh viên cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó, ông tham gia kháng chiến và cống hiến trọn đời cho cách mạng và nghệ thuật. Những kỷ niệm kháng chiến được ông lưu giữ, đặc biệt là những tháng ngày ở chiến khu, được nung nấu hàng thập kỷ để làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế.

Nghệ thuật của Dương Bích Liên đóng góp một cái nhìn mới vào đời sống mỹ thuật, ông dùng bút pháp tả thực – lãng mạn của trường phái hội hoạ “Tân cổ điển và Ấn tượng” để diễn đạt tâm tư con người trước hiện thực mới. Ở ông, có một sự gặp gỡ không ngẫu nhiên của cái nhìn trực giác phương Tây với cái nhìn nội tâm mẫn cảm của nguồn cội Việt, góp phần mang lại một diện mạo mới cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Theo họa sĩ Đặng Thị Khuê, phong cách của ông kiên định với cái nhìn duy mỹ, hoài cảm với ký ức chắt lọc hòa lẫn đậm đà trước xúc cảm trước hiện thực. Thế giới nghệ thuật của Dương Bích Liên là cả một sự tương phản, vừa như lánh đời, vừa cuồng nhiệt; vừa uyên thâm, lại vừa bình dị, cao thượng và bâng quơ.

“Điều đó, phải chăng đến từ sự xúc cảm thuần khiết, chỉ có được ở những tâm hồn lớn, nhạy cảm bẩm sinh và lao động miệt mài. Sự lựa chọn của ông ấy là rất rõ ràng, ông ấy như là một ánh sao, một tia chớp thầm lặng di qua bầu trời nghệ thuật của thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi Đổi mới, và để lại những ánh hào quang lung linh”, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho hay.

Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam - 2

Họa sĩ Đặng Thị Khuê giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Dương Bích Liên.

Tranh của họa sĩ Dương Bích Liên mang vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, lãng đãng cổ kính vừa gợi cảm vừa bí ẩn. Tái tạo vẻ đẹp tự nhiên qua nhãn thức của riêng mình, ông gửi gắm cả tâm tình trong mối ưu tư da diết... vì thế những khoảng trống trong tranh Dương Bích Liên lại chứa nhiều ý nghĩa nhất khiến người xem bị ám ảnh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho rằng, điều đặc sắc nhất trong nghệ thuật của Dương Bích Liên là những “khoảng trống thầm lặng” được ông thể hiện trong các tác phẩm, nó cũng phần nào phản ánh cuộc sống cô đơn, thầm lặng của ông.

Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam - 3

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ tại chương trình.

Mọi chất liệu đều được ông thể hiện nhuần nhuyễn, độc đáo, siêu thoát đặc biệt là các thể loại sơn mài, sơn dầu, phấn đấu và chì than.

Trong tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc - một trong những bảo vật quốc gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với bút pháp phóng khoáng, dạt dào đầy cảm xúc họa sĩ Dương Bích Liên đã dựng lên một không gian núi rừng Việt Bắc hùng vĩ. Tác phẩm giàu chất hiện thực lãng mạn, thể hiện được vẻ đẹp của con người, thiên nhiên Việt Nam bằng bút pháp tinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bức tranh đã mang đến cho công chúng những xúc cảm sâu lắng, đặc biệt về Bác Hồ trong những năm tháng Người sống và làm việc ở Việt Bắc. Giữa phong cảnh núi rừng rộng lớn, hình ảnh Bác Hồ được tác giả thể hiện rất tài tình ở nét thần thái. Để có thể vẽ được như vậy chính nhờ việc Dương Bích Liên đã từng được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam - 4

Tác phẩm "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" chất liệu sơn mài được Dương Bích Liên sáng tác năm 1980.

Nhiều tác phẩm khác của ông như: Thiếu nhi đi khai hoang, Đi học đêm, Hành quân đêm, Thiếu nữ áo trắng, Chiều vàng, Ngày mùa, Hào,… cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.

Bên cạnh đó, ông cũng rất nổi tiếng với mảng vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung thiếu nữ. Ông dành cho đề tài này nhiều say mê và ưu ái, các nhân vật nữ luôn là những nguồn cảm hứng, những hình ảnh trung tâm của những biểu cảm thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ của ông. Chân dung thiếu nữ của ông rất đa dạng, là những cô gái đẹp ông nhận ra và bắt gặp trong cuộc sống đời thường, mang một ánh sáng dung dị, thánh thiện, trong trẻo.

Là danh họa lớn của nền mỹ thuật nước nhà nhưng đời sống nghệ thuật của họa sĩ Dương Bích Liên lại là một dòng chảy lặng lẽ đầy tính nghệ thuật. Ông đã thầm lặng sáng tạo cho đời những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, gửi gắm nhiều suy tư, trăn trở về số phận.

Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924 tại Khoái Châu, Hưng Yên trong một gia đình trí thức nho học. Gia đình ông có nhiều người thành đạt, lập nghiệp theo con đường nhân sỹ, giáo chức, thầy thuốc, một dòng tộc có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước. Ông nội và bác ruột của ông là những sĩ phu yêu nước từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, một người bác ruột khác của ông là giáo sư Dương Quảng Hàm.

Ông học khoa Hội họa, khóa XVIII (1944-1945) của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là một trong bộ bốn “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái) - “tứ trụ” của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Ngoài hội họa, họa sĩ còn say mê cả triết học, văn học và sân khấu. Với vốn ngoại ngữ giỏi, ông luôn cập nhật thông tin về thế giới nghệ thuật hiện đại, lấy sách và những người bạn trí thức trẻ thuộc nhiều ngành giới làm bạn tâm giao, tri kỷ. Ông mất ngày 12/12/1988.

Với những cống hiến của ông cho nền nghệ thuật nước nhà, họa sĩ Dương Bích Liên đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II (năm 2000).

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất