Họa sĩ Thành Chương: Cá tính tạo nên phong cách “độc nhất vô nhị” trong làng hội họa Việt Nam
Cuối tuần qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Thông tấn tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Thành Chương - Chuyện người họa sĩ”. Được biết, đây là buổi giao lưu đầu tiên mở màn cho sáng kiến tổ chức các buổi “Art Talk gặp gỡ giao lưu cùng hoạ sĩ” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm tạo cho khách tham quan và những người yêu nghệ thuật cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với các hoạ sĩ tại không gian trưng bày của Bảo tàng.
Khách mời đầu tiên của chương trình là Họa sĩ Thành Chương, người hoạ sĩ được biết đến bởi những tác phẩm trừu tượng, độc đáo và phong cách sống tài tử, cá tính. Thông qua buổi trò chuyện với những người yêu quý mình, quen biết mình cũng như những người chưa biết gì về mình, hoạ sĩ Thành Chương mong muốn đây là dịp giúp ông và mọi người quan tâm tới ông và tranh của ông sẽ thêm hiểu nhau hơn.
Buổi Art Talk đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của giới chuyên môn, những người yêu nghệ thuật và đông đảo các bạn trẻ.
Những ngụ ý trong sáng tạo nghệ thuật của hoạ sĩ Thành Chương
Người ta thường tìm thấy những khung cảnh thanh bình, thân thuộc của nông thôn Việt Nam trong các bức tranh của họa sĩ Thành Chương. Ông là người vô cùng đam mê những giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, sau khi trực tiếp trải qua thời kỳ chiến tranh tàn bạo và khốc liệt, hoạ sĩ đã xác định dùng nghệ thuật của mình để ca ngợi cuộc sống thanh bình, yên ấm mà bao thế hệ phải đánh đổi bằng xương máu mới có được.
Hoạ sĩ Thành Chương chia sẻ những câu chuyện thú vị tại chương trình.
Là một người yêu say đắm cảnh làng quê Việt Nam, ông đã dành sự quan tâm đặc biệt để vẽ những điều mình yêu thích và hình ảnh con trâu là một trong những hình ảnh không thể thiếu được trong khung cảnh làng quê yên bình đó. Hoạ sĩ Thành Chương muốn tạo hình của mình mang tinh thần, hồn cốt và thần thái người Việt nên ông đã rất nhiều lần đưa hình ảnh con trâu vào những sáng tạo nghệ thuật của mình.
Con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là một thành viên trong gia đình người Việt, con trâu còn gắn bó với vòng đời của người Việt. Từ khi còn nhỏ những đứa trẻ thường được giao nhiệm vụ chăn trâu, người ta đánh giá một đứa trẻ ngoan khi con trâu nó chăn được ăn no nê, khoẻ mạnh, sạch sẽ. Khi lớn lên, người nông dân làm việc, lao động cùng con trâu với các công việc đồng áng. Và đến lúc về già thì người nông dân ấy lại quay về chăn trâu.
Hình ảnh con trâu trong tranh của hoạ sĩ Thành Chương.
Thêm một lý do nữa khiến hình ảnh con trâu luôn “đeo bám” hoạ sĩ là tuổi thơ ông đã từng được sống một cuộc sống thanh bình nơi làng quê, ông cũng đã từng chăn trâu cắt cỏ, với hoạ sĩ Thành Chương đó là những kỷ niệm đẹp đẽ và ông muốn mọi người cảm nhận được ngụ ý đó trong sáng tạo nghệ thuật của mình.
Sống ở một vùng quê mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc - vùng Kinh Bắc, cộng với việc bản thân ông là một người rất mê những nét truyền thống văn hoá dân tộc, bằng tất cả những hiểu biết về văn hoá, nghệ thuật truyền thống, từ cảnh quan, sinh thái, kiến trúc, tâm linh ông đã đam mê nó và tìm hiểu nó một cách cặn kẽ. Ông chia sẻ: “Với tôi, tinh thần văn hoá truyền thống không còn là những hình hài cụ thể mà những cái đó đã thấm vào máu rồi được chuyển thành các tác phẩm nghệ thuật”.
“Tôi vẫn là tôi từ ấy đến bây giờ”
Hoạ sĩ Thành Chương là con trai của Nhà văn Kim Lân – một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, trong buổi trò chuyện, hoạ sĩ đã chia sẻ một số mẩu chuyện nhỏ chứa đầy kỷ niệm của ông với cha mình, cũng như một số điều ít biết về tuổi thơ ông.
Khán giả vỗ tay hưởng ứng những câu chuyện dí dỏm về tuổi thơ của hoạ sĩ Thành Chương.
Hoạ sĩ cho biết, nhà văn Kim Lân là người vô cùng mê hội hoạ, sau này đam mê ấy không thực hiện được nên nhà văn đã truyền đam mê đó cho các con mình, chính vì vậy, trong số 7 người con của ông có đến 5 người theo nghề hoạ sĩ, đó là mong muốn của nhà văn.
Từ nhỏ ông đã là một đứa trẻ bướng bỉnh, nghịch ngợm, những mẩu chuyện về “tuổi thơ dữ dội” của ông như ba lần bị bố đánh sáng mùng một tết, ba lần gặp Bác Hồ, sở thích sưu tầm đồ cổ… mà ông kể đã đem lại những tiếng cười thích thú cho khán giả, khiến ai cũng đều phải công nhận ông đã bộc lộ sự thông minh và có cá tính ngay từ khi còn nhỏ. Chính cá tính ấy đã tạo nên một phong cách “độc nhất vô nhị” trong làng hội họa Việt Nam sau này.
Ông từ sớm đã bộc lộ năng khiếu vẽ và có sự khác biệt với bạn bè đồng trang lứa trong cách nhận thức hội hoạ. Trong một lần được giao đề tài vẽ tranh về giao thừa, không giống như các bạn cùng học vẽ các hoạt động như dọn dẹp nhà cửa, mua sắm tết, mặc quần áo mới ông đã có một lối đi rất riêng.
Ông kể, ngày xưa tết quanh bờ hồ được trang trí những chiếc đèn nhỏ đủ màu sắc trên cây, khi những bóng đèn được thắp sáng thì mỗi góc mà ánh đèn đổ xuống làm cho những cái bóng ở dưới đất hiện lên rất nhiều màu sắc, chúng đan xen vào với nhau trông rất vui mắt. Ấn tượng với hình ảnh đó, nên không giống ai cả, ông đã vẽ những mảng màu đan xen dưới đất với một ánh sáng của đêm giao thừa theo cách trừu tượng.
Tranh "Vợ nhặt" của Hoạ sĩ Thành Chương.
Hoạ sĩ Thành Chương cho biết, trong cuộc đời theo đuổi đam mê với nghề hoạ sĩ, đã có những lúc vì gặp những trở ngại mà ông phải đứng trước việc lựa chọn phải từ bỏ hay tiếp tục ước mơ.
Trong một lần được nhà văn Kim Lân gợi ý đi học một nghề khác “nghề phúc chứ không phải nghề họa”, ông đã thẳng thắn thưa lại rằng: “con yêu nghề vẽ, trước yêu nghề một thì giờ yêu gấp hai ba, con vẽ không phải bằng tình yêu, đam mê nữa mà vẽ để khẳng định năng lực của mình”. Và ông đã giữ tinh thần làm việc đó gần như trong suốt cuộc đời để chứng minh niềm đam mê hội hoạ và tài năng của mình.
Đúc kết lại chặng đường nghệ thuật của mình, hoạ sĩ Thành Chương khẳng định: “Cách nghĩ của tôi, cá tính của tôi, phong cách vẽ của tôi từ bé đến bây giờ, trong môi trường như thế, với một cá tính như thế không có gì thay đổi. Tôi vẫn là tôi từ ấy đến bây giờ”.
Hoạ sĩ Thành Chương và Báo Văn Nghệ
Trở về sau gần 10 năm là một anh bộ đội chiến đấu nơi chiến trường, Hoạ sĩ Thành Chương lựa chọn gắn bó với Báo Văn Nghệ và lựa chọn ấy kéo dài 35 năm, cho đến khi ông nghỉ hưu. Nhiều người đã đặt câu hỏi thắc mắc rằng tại sao một người hoạ sĩ với cá tính nghệ thuật đặc biệt với một lối đi riêng như hoạ sĩ Thành Chương lại gắn bó ở một tờ báo lâu như vậy.
Hoạ sĩ chia sẻ, ông và Báo Văn Nghệ có một tình cảm đặc biệt, Báo Văn Nghệ ra đời cùng năm sinh với ông, nhà văn Kim Lân cũng là một trong những người khai sinh ra tờ báo đó. Ông nói: “Cụ Kim Lân là người khai sinh ra báo văn nghệ và cụ cũng sinh ra tôi, thì tôi với báo Văn nghệ như anh em, nên tôi chọn gắn bó với nó”.
Thêm một lý do nữa là tờ Báo Văn Nghệ từ ngày xưa đã có một truyền thống lẫy lừng, có thời kỳ từng là tờ báo của cả nền văn học nghệ thuật nước nhà, vậy nên ông cho biết: “Tôi tự hào khi được phục vụ nó và nó xứng đáng có được tôi”. Suốt những năm đó ông đã đóng góp rất nhiều công sức cho Báo Văn Nghệ, bản thân ông cũng là một trong những người tiên phong trong việc đổi mới tờ báo.
“Không thể vẽ nhẹ nhàng được, phải mạnh, phải khỏe cho nên dễ quen với sơn dầu, bột màu hơn là lụa… Vẽ không...
Bình luận