Ông là danh họa Bùi Xuân Phái

“Không thể vẽ nhẹ nhàng được, phải mạnh, phải khỏe cho nên dễ quen với sơn dầu, bột màu hơn là lụa… Vẽ không phải là sao chép hoặc đo cho chính xác. Thay vào đó, người họa sĩ phải biết kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc để phân định hình ảnh thực tế và thông qua óc tưởng tượng để chuyển đổi sang phần hội họa. Nếu nặng quá về hiện thực thì còn gì là phần xác, phần hồn của hội họa nữa. Yếu tố này nó chỉ phù hợp với lĩnh vực nhiếp ảnh mà thôi” - Bùi Xuân Phái.

"Phải đặt tên là Bùi Xuân Phố mới đúng"

Đó là câu của nhà văn Nguyễn Tuân nói với tôi đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX khi đến mời ông viết lời tựa cho tập sách nghệ thuật Hội An đô thị cổ, do NXB Đà Nẵng ủy nhiệm đặt giúp.

Tôi vừa bước vào cửa thấy ông vẫn ngồi trên chiếc ghế mây tròn và thấp bên chiếc mâm đồng nhỏ có chén rượu đang uống dở và mấy miếng giò lụa ông nhâm nhi thưởng thức hương vị của giò. Bên cạnh là chiếc giá kiểu như giá vẽ của họa sĩ, kẹp bài đang viết có tên “Họa sĩ Bùi Xuân Phái”, ký tên: Nguyễn Tuân.

Ông nói: “Mình đang viết về họa sĩ Bùi Xuân Phái. Con người tài năng như thế nhưng cũng vẫn đói, vì sống trong sạch và dân Việt ta thời ấy còn nghèo, lấy tiền đâu ra mà mua tranh. Bài mình viết khi in ra sẽ mời gọi Việt Kiều về nước mà mua tranh Bùi Xuân Phái”. Nhấp chén rượu đang uống dở, ông đủng đỉnh từng chữ: “Con người hiền khô, ít nói nhưng nhiều tài. Phải đặt tên ông ta là Bùi Xuân Phố mới đúng hoặc là Phố Phái, Phái Phố”.

Ông là danh họa Bùi Xuân Phái - 1

Chân dung Nguyễn Tuân, 5/1972. Tranh Bùi Xuân Phái vẽ trên giấy dó

Mấy hôm sau, tôi được chứng kiến cuộc đối thoại giữa họa sĩ Bùi Xuân Phái với họa sĩ Bửu Chỉ (vừa ở Huế ra) tại quán cà phê Lâm. Bửu Chỉ được mệnh danh là “người hùng”. Bằng tác phẩm hội họa dám đối đầu với chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông đang tụng ca tài năng siêu phàm của danh họa Bùi Xuân Phái là người đứng đầu của nền hội họa Việt Nam. Ông tự “xếp” mình là ngôi thứ nổi danh số một ở Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Nam. Ông Phái chỉ nhẹ nhàng cười mỉm mà rằng: “Với anh Bửu Chỉ có thể là như anh nói nhưng ở Hà Nội và Việt Nam này đâu chỉ có một mình tôi, “cỡ” như Bùi Xuân Phái… nhiều lắm!”.

Tôi chợt nhìn thấy Bửu Chỉ nét mặt hơi biến sắc trước sự khiêm tốn của danh họa họ Bùi.

Một hôm ông Phái đến số 19 Hàng Buồm đưa minh họa truyện ngắn cho họa sĩ Đỗ Dũng - người trực tiếp trình bày mỹ thuật cho Tuần báo Người Hà Nội. Sẵn giấy báo khổ lớn và mực nho, ông Phái nhúng bút “phóng” liền hai bức chân dung họa sĩ Đỗ Dũng. Sau đó, ông vẽ tôi đến ba lần.

Tôi nhìn rõ mồ hôi lấm tấm trên trán, ông hạ bút xuống và khẽ lắc đầu: “Vẽ anh Hoàng Kim Đáng khó quá. “Ka-rắc-te” không hiện rõ”. Và ông quả quyết rằng: “Các đề tài khác tôi làm chủ bút pháp một cách dễ dàng nhưng thể loại chân dung chưa hẳn thế. Phái tôi cũng chỉ là hạng xoàng thôi”. “Đâu có, bác khiêm nhường quá! Bác Phái vẽ chân dung ông Bá Đạm, nhà sưu tập tranh Tô Ninh, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và đặc biệt là chân dung nhà văn Nguyễn Tuân… thần thái nhân vật, tính cách, bút pháp trộn đâu cho lẫn, chất tạo hình, rồi cả chân dung họa sĩ - người đẹp Văn Dương Thành nữa chứ!”.

Ông cười nhỏ nhẹ: “Cũng chỉ được vài bức như thế thôi, chưa phải là “thần bút” chân dung được. Người khen Phái phải là tranh phố cổ, mảng tranh sân khấu hay Tháp Rùa, Hồ Gươm gì đó…vậy thôi”.

Đầu thập kỷ 80, Việt Kiều về nước chưa nhiều. Quả thực bài viết về Phố Phái của Nguyễn Tuân được in ra, Việt Kiều lác đác đã có người về mua tranh Bùi Xuân Phái và có lẽ cũng là lúc ông có chút tiền góp thêm để hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đứng ra tổ chức Triển lãm tác phẩm hội họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái vào ngày 22/12/1984 đến 22/1/1985. Thời gian mở cửa kéo dài một tháng mà vẫn có nhiều người muốn đến xem.

Đây là một triển lãm đồ sộ và gây ấn tượng mạnh nhất từ trước cho đến hôm nay: 107 tác phẩm được tuyển chọn rút ra từ hàng nghìn tác phẩm, trong đó đề tài về phố cổ chiếm 30/107 (có hai bức về Hội An và Đà Nẵng); điển hình như Phố Hàng Đồng, Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Mắm, Ngõ chợ Ngô Sĩ Liên, Phố Hàng Giầy, Hàng Thiếc, nào Ngõ Phất Lộc, nào Chợ Hàng Bè, nào Phố Hàng Nón, phố Đào Duy Từ, nào Phố Tô Tịch, Phố Hàng Buồm, Hàng Bạc nào phố Bông Nhuộm… “Đẩy” cảm giác người xem về một Hà Nội 36 phố phường xa xưa, gần như huyền thoại.

Ông là danh họa Bùi Xuân Phái - 2

Hồ Gươm 1987, tranh Bùi Xuân Phái

Mảng chân dung đâu chỉ có Ông Bá Đạm, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Văn Dương Thành… mà ông gửi gắm cả tình cảm, tài năng sở trường trong Chân dung Nhung, Hai em bé, Thiếu nữ, Thiếu nữ đan len, Chân dung Nhung đội mũ, Chân dung ông T. soi gương, Chân dung thiếu nữ chải tóc… Số lượng tác phẩm chân dung cũng khá đậm: 27/107 bức.

Hút mắt người xem là mảng đề tài sân khấu, hóa trang chèo… Thể loại tranh phong cảnh như: Cảnh nông thôn, Phong cảnh Cát Bà, Phong cảnh Sông Đà, Cảng Đà Nẵng… Ông “tả” cảnh sinh hoạt như Xúc than vào lò (Quảng Ninh), Trong ngày cưới, Hà Nội chiến đấu, Bến phà sông Đà, Phố Hàng Bè sau mưa… và cũng chưa có triển lãm nào có nhiều nhà sưu tập đến thế.

Chưa kể Bảo tàng Mỹ thuật, tôi đếm cả thảy có đến 18 nhà sưu tập tranh Phái có tên trong triển lãm, như các ông: Nguyễn Bá Đạm, ông Tô Minh, ông Lê Chấn, Ông Jorlan - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, ông Trần Văn Lưu, ông cà phê Lâm, ông Lê Chính, họa sĩ Văn Đa, ông Bổng, nhà nghiên cứu văn hóa Dương Tường, bà Bùi Yến Lan, bà Bùi Tuyết Nhung, bà Xuân Quỳnh, ông Nguyễn Nhật…

Xem tranh Bùi Xuân Phái có nhiều người muốn hiểu kỹ về tác giả. Có đấy! Bùi Xuân Phái, ông sinh ngày 1/9/1921 và mất ngày 24/6/1988 hưởng thọ 67 tuổi. Ông quê làng tranh truyền thống Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Đông) nay là Hà Nội, nhưng sống chủ yếu ở phố ổ Hàng Phèn, trong Hà Nội 36 phố phường.

Tài năng hội họa của ông phát lộ từ rất sớm. Năm 1941 vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Hai năm sau - năm 1943, mới 24 tuổi đã có bức tranh Phố Hàng Thiếc được tham dự triển lãm hội họa quốc tế tại Tokyo (Nhật Bản). Có lẽ đây cũng là bước khởi đầu để ông dấn thân “thâm canh” đề tài phố cổ mà nhà văn Nguyễn Tuân nói quả quyết rằng: “Chỉ riêng tranh phố Phái mà được triển lãm ở nước ngoài thì tiền bán tranh thu được để đâu cho hết!” Bùi Xuân Phái - Danh họa tầm cỡ thế giới đấy!”.

Lại có người hỏi: Vậy cái chìa khóa mở ra phong cách, sở trường, sở đoản của ông Phái là gì? Ông trả lời một cách chậm rãi rằng: “Trong sự nghiệp hội họa của tôi, sở trường, bút pháp và thể loại là “Không thể vẽ nhẹ nhàng được, phải mạnh, phải khỏe cho nên dễ quen với sơn dầu, bột mầu hơn là lụa…”, “…vẽ không phải là sao chép hoặc phải đo cho chính xác. Thay vào đó, người họa sĩ phải biết kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc để phân định hình ảnh thực tế và thông qua óc tưởng tượng để chuyển đổi sang phần hội họa. Nếu nặng quá về hiện thực thì còn gì là phần xác, phần hồn của hội họa nữa. Yếu tố này nó chỉ phù hợp với lĩnh vực nhiếp ảnh mà thôi”.

Lại có người xem tranh Bùi Xuân Phái và “phán”: “Tranh ông Phái phảng phất tính chất nghệ thuật trường phái Paris mà ông rất hâm mộ”. Ông cũng không phản đối và thường nhận là mình là có ảnh hưởng nhưng trong tranh tôi vẫn là tranh của riêng Bùi Xuân Phái. Ngoài đề tài phố cổ ghi dấu ấn, ông còn thể hiện thành công nhiều mảng khác như chân dung sân khấu chèo, đề tài nông thôn, tĩnh vật, khỏa thân…

Lại có người xem triển lãm cho rằng tranh Bùi Xuân Phái “hoài cổ” như Bà Huyện Thanh Quan, nhưng nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến lại có ý kiến khác: Bùi Xuân Phái khác với Bà Huyện Thanh Quan, ông đã dùng sắc độ mạnh mẽ để tả cảnh vô tri… vẻ trầm tư cổ kính được ông gợi nhớ bằng hội họa hiện đại và ông cũng chỉ vẽ bằng cảm nhận, bằng tài năng hòa sắc với bút pháp sơn dầu.

Những tác phẩm của Bùi Xuân Phái được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ quả là chính xác. Tác phẩm Phố Hàng Mắm là một ví dụ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến viết:

“Phố Hàng Mắm là một trong hai tác phẩm đẹp nhất trong sưu tập tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phố Hàng Mắm hiện lên với hình ảnh đặc trưng của một phố cổ nằm trong 36 phố phường Hà Nội xưa. Cả một dãy phố như nép mình run rẩy trong cái nhìn cổ kính rêu phong. Những mái nhà nhấp nhô cao thấp dưới bầu trời trắng đục đầy mây, những ô cửa sổ nhỏ xinh, màu nâu đất đón nhận ánh hoàng hôn mòn mỏi. Cả một dĩ vãng buồn vui hiện lên dưới những mảnh tường trắng viền đen tinh tế, tạo không gian tĩnh lặng tự ngàn xưa cho mỗi ngôi nhà.

Không phải ngẫu nhiên mà Bùi Xuân Phái lại chọn Phố Hàng Mắm trong muôn ngàn tác phẩm của mình để định vị trên trang bìa cuốn vựng tập trong triển lãm cá nhân duy nhất năm 1984. Cũng không phải ngẫu nhiên Phố Hàng Mắm lại hiện hữu trên màn ảnh truyền hình Hà Nội cùng với thơ Nguyễn Đình Thi làm nhạc nền gây ấn tượng cho người thưởng thức về một Thăng Long - Hà Nội”.

Có một thời gian dài ông cộng tác với nhà hát Chèo Việt Nam để thiết kế sân khấu cho những vở chèo cổ truyền thống như Thạch Sanh, Xúy Vân, Lưu Bình - Dương Lễ, Thị Mầu lên chùa… đây là cơ hội để ông có được một loạt tác phẩm gọi là “Tranh Chèo”. Ông hiện hữu trong tranh mình bóng dáng những diễn viên đang soi gương đánh phấn, kẻ lông mày hay đang thay áo, những dáng người đứng ngồi thấp thỏm, những nhạc công áo the khăn xếp đang so lại dây đàn, nét mặt chăm chú, thoáng chút lo âu.

Trong ánh sáng nhạt nhòa hay tối sẫm của những góc khuất sau cánh gà sân khấu là những gương mặt diễn viên với nỗi mong chờ pha lẫn mệt mỏi. Mỗi bức tranh là một rung động dạt dào của những sắc màu rực rỡ, rộn ràng của đêm diễn. Ấy là màu thiên lý buông dài thắt lưng hoa lý hoa hiên, những mảng tím hoa cà chập chờn trên vai cô đào hát, là áo đỏ chót trên nền lục xanh thẫm của tấm váy Thị Mầu dập dờn, chuyển dộng uốn éo khi nồng nàn, khi lại lạnh lùng theo từng tiếng trống nhịp phách.

Trước giờ biểu diễn là một trong hàng trăm tác phẩm được ra đời trong hoàn cảnh như thế. Ba nhân vật trong tranh mỗi người một vẻ. Hai người đàn ông trong vai người kéo nhị và đánh đàn nguyệt. Cô đào hát đang soi gương trang điểm. Những mảng mầu nguyên chất được họa sĩ họ Bùi sử dụng thật rực rỡ trên tấm áo nhạc công và đào hát.

Tác phẩm đã khai thác triệt để cái ưu việt của mầu sắc sân khấu chèo. Tấm áo đỏ thắm, chiếc thắt lưng xanh biếc trên nền tấm váy đen nhức làm cho cô đào như ngoa ngoắt hơn, lẳng lơ hơn. Hai nhạc công bên nhau màu áo lam đỏ hỗ trợ màu vàng chóe của cây đàn nguyệt trên nền áo vàng nhạt. Một sự pha màu sắc tuyệt vời làm lay động cả không gian trong hậu trường sân khấu thật đẹp đẽ và thi vị làm sao.

Khoảng năm 1956 - 1957 trở đi, ông lại ghi dấu ấn mình trong minh họa trên các báo, tạp chí chuyên ngành, nhất là trên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Thời kỳ này ông không còn dạy mỹ thuật nữa vì có dính đôi chút “Nhân văn giai phẩm”. Tên tác giả Bùi Xuân Phái phải ký tên khác như: Vi Vu, Piha, Ly… trong các tranh hài hước, minh họa cho các báo, trình bày bìa sách…

Dù ký tên là gì đi nữa, người xem vẫn cứ nhận ra một phong cách Bùi Xuân Phái trong tác phẩm của mình! Mỗi kỳ in báo Tết trên báo Văn nghệ, ông cùng với các họa sĩ tên tuổi như Văn Cao, Sĩ Ngọc, Lê Chính, Thành Chương… mỗi người mang theo một be rượu “quốc lủi”, một gói lạc rang húng lìu thức suốt đêm cùng với biên tập viên Bế Kiến Quốc, Đỗ Bạch Mai, Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng để xem tranh, chỉnh màu bìa số báo Tết trước khi chạy máy in. Khi về, mỗi người lại dùng xe đạp của mình ra về với một niềm vui khó tả.

Bùi Xuân Phái vẽ để sống - sống để vẽ 

Bùi Xuân Phái, ông là một họa sĩ thiên tài từ khi còn trẻ, để lại một gia tài tác phẩm vô cùng đồ sộ với hàng nghìn tác phẩm trên tranh sơn dầu, màu nước, chì than, bút sắt. Ông vẽ trên gỗ, trên vải, trên giấy, cả trên giấy đã in báo. Ông vẽ cả trên tờ lịch, trên bao thuốc lá cũng thành những tác phẩm “mini’ để tặng bạn bè, người thân. Hà Nội không ít người được ông vẽ và ký tặng như thế và trở thành món quà kỷ niệm quý vô giá.

Ông là danh họa Bùi Xuân Phái - 3

Họa sĩ Bùi Xuân Phái 

Nhưng quan trọng hơn, ông đã để lại cho đời những tác phẩm đáng nhớ như: Phố Hàng Mắm (1984), Phố Cổ Hà Nội (1974), Hà Nội kháng chiến (1966), Xe bò trong phố Cổ (1972), Phố Vắng (1981), Trước giờ biểu diễn (1984), Vợ chồng Chèo (1967), Hóa trang sân khấu Chèo (1968).

Ông được nhận nhiều giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên 1996, Giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc 1946 - 1980, Giải thưởng trình bày sách tại Leipzig - CHDC Đức, Giải thưởng Mỹ thuật thủ đô Hà Nội, các năm: 1969, 1981, 1983 và 1984. Họa sĩ Bùi Xuân Phái được trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997”.

Thiên tài hội họa Bùi Xuân Phái, ông vẽ để sống, sống để vẽ cho đến lúc qua đời. Trong đời tôi được biết hai cái chết vô cùng xúc động:

Nhiếp ảnh gia tài năng Trương Trừng (ở Hội An) ra đi ở tuổi 49. Ông nhận giải thưởng lớn nhiếp ảnh toàn Đông Dương năm 1943, do đích thân toàn quyền Đông Dương trao tặng, tác phẩm của ông sau được in trên tờ giấy bạc 500 đồng Đông Dương. Trước lúc ra đi, ông gọi vợ con đưa máy ảnh đã lên phim sẵn để ông chụp. Ông ra hiệu cho vợ con đứng ở phía trước (dưới chân ông). Ông bấm máy trong giàn giụa nước mắt rồi vĩnh viễn lìa đời trong tiếng khóc than thảm thiết.

Danh họa Bùi Xuân Phái vẫn vẽ khi đang nằm viện. Trước lúc lâm chung chừng 10 phút, ông còn để lại cho đời 2 bức tranh. Ông vẽ đôi chân của mình và chai huyết thanh đang truyền, nhỏ từng giọt một và kịp ghi dòng chữ: “Trong lúc ốm đau, thời gian đi cực kỳ là chậm! Nhất là đêm gần về sáng…”, rồi ông buông bút, tắt thở, từ giã mọi người trong tiếng khóc tiếc thương vô hạn, với sự có mặt của gia đình vợ con và bè bạn, cả sự tiếc thương và bất lực của các thầy thuốc tài năng, đành rơi nước mắt tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.

Những danh nhân như nhiếp ảnh gia Trương Trừng, như danh họa Bùi Xuân Phái, họ sẽ sống mãi cùng năm tháng. Tên danh họa Bùi Xuân Phái được ghi tên trên đường phố Hà Nội, ở Quảng Bình, ở Quảng Nam, Đà Nẵng…và sẽ còn những đường phố nhiều nơi trên quê hương đất Việt được mang tên ông.

Ngày 1/9/2019, đúng ngày sinh lần thứ 99 của ông, trên trang tìm kiếm lớn nhất của thế giới đã vinh danh cố họa sĩ Bùi Xuân Phái trên Google Doodle. Sự kiện này để mọi người nhớ đến trên đất nước Việt Nam (nói chung) cũng như những người yêu Hà Nội nói riêng hãy ghi nhận những cống hiến to lớn với nhiều tác phẩm hội họa kinh điển nổi danh khắp thế giới. Ông được vinh danh là họa sĩ hàng đầu của châu Á thế kỷ XX. Ở Việt Nam ông cũng được liệt vào hàng “Tứ Trụ” trong hội họa Việt Nam của thế kỷ XX như: “Nghiêm, Liêm, Sáng, Phái”.

Năm 2008, gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lập quỹ “Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội’. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là giải thưởng tôn vinh văn hóa nghệ thuật dân tộc do Quỹ Bùi Xuân Phái và Báo Thể Thao Văn hóa tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh của danh họa họ Bùi.

Quỹ này nhằm vinh danh những tác giả, tác phẩm, những công trình có đóng góp xuất sắc vào việc tôn vinh Hà Nội và thể hiện tình yêu sâu lắng với mảnh đất thiêng liêng “Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”, nơi ông đã gắn bó cả cuộc đời mình.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân