Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ

“Hằng ngày tôi vẫn vẽ, vẽ và vẽ. Vẽ cho tôi thêm sức khỏe, bởi vẽ cũng là môn lao động trí óc lẫn chân tay hiệu quả. Đã bước chân vào con đường hội họa đâu có mấy ai lại muốn rời đi quá sớm. Cứ vẽ thôi, vẽ cho đến chết...”

Một chiều cuối thu tôi đến nhà triển lãm mỹ thuật trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) để gặp họa sĩ Ngô Quang Nam. Ông đang tất bật chuẩn bị cho buổi triển lãm tranh cá nhân dù đã bước sang tuổi bát tuần. Họa sĩ hăm hở dẫn tôi đi dạo quanh ngắm nghía một lượt. Dễ dàng nhận thấy đó đều là những tranh phong cảnh làng quê Việt Nam, thiên nhiên đất nước, rồi bóng dáng những người bà, người mẹ, người vợ và văn hóa thời kỳ trước đã đi vào tranh ông một cách dung dị, tinh tế, nhẹ nhàng.

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 1

Họa sĩ Ngô Quang Nam (áo đen) giới thiệu tranh với những bạn bè tham quan triển lãm. Ảnh Phạm Hằng.

Tuy thời trai tráng ông theo học chuyên ngành sơn dầu ở Viện hàn lâm Mỹ thuật Pra-ha (thủ đô của Tiệp Khắc trước đây), được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng phong cách biểu hiện của ông suốt đời vẫn luôn giữ được sắc thái dân tộc Việt Nam thật đáng trân quý!

Nhìn ông hăm hở trước những bức tranh của mình, tôi nhận thấy niềm hạnh phúc lấp lánh trong đôi mắt ông và tôi tin rằng trong trái tim ông cũng rộn ràng, xao xuyến biết bao. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên về sức vẽ, họa sĩ bảo: “Hằng ngày tôi vẫn vẽ, vẽ và vẽ. Vẽ cho tôi thêm sức khỏe, bởi vẽ cũng là môn lao động trí óc lẫn chân tay hiệu quả. Đã bước chân vào con đường hội họa đâu có mấy ai lại muốn rời đi quá sớm. Cứ vẽ thôi, vẽ đến chết...”.

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 2

Bạn bè vong niên tới tặng hoa chúc mừng triển lãm tranh của họa sĩ Ngô Quang Nam. Ảnh Phạm Hằng 

Nếu ai có mặt tại buổi khai mạc triển lãm tranh Ngô Quang Nam vào tối mùng 4 tháng 11 vừa qua, sẽ thấy toàn diện hơn cuộc đời sáng tác của lão ông say nghề này. Họa sĩ hôm ấy trong bộ com-lê lịch thiệp, khuôn mặt luôn niềm nở, rạng rỡ bởi với ông ở tuổi này vẫn được đông đảo bè bạn vong niên đến chúc mừng thì còn gì tuyệt vời hơn.

Giáo sư, họa sĩ Đặng Quý Khoa – một người bạn thân thiết với họa sĩ Ngô Quang Nam từng nói những lời chân tình mà dí dỏm: “Nếu tôi là một giai nhân, tôi sẽ tặng anh một nụ hôn biết ơn! Nụ hôn của một giai nhân biết ơn khi xem tranh mà thấy được cái vẻ đẹp bên trong của một tâm hồn. Mong rằng chị ấy (ý nói vợ họa sĩ) đừng cau mày!”.

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 3

Một vị khách chăm chú thưởng tranh. Ảnh Phạm Hằng

Không chỉ là một họa sĩ chịu khó sáng tạo, say mê tìm tòi khám phá cái mới trong hội họa, ông còn có khiếu làm thơ. Và khi vẽ về quê hương đất nước, vẽ về người mẹ… rung động của ông là rung động của con mắt thơ, của tâm hồn thơ phảng phất trong từng bức họa, dù chỉ là kí họa. Triển lãm lần này trưng bày đủ cả tranh sơn dầu, sơn mài, màu nước, kí họa… nhưng thế mạnh hơn cả vẫn là tranh màu nước.

Ngắm tranh ông, người xem rất thích thú chăm chú từng đường nét phóng khoáng, mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng trong tranh mà ông đã tạo dựng. Nhiều mảng màu đậm nhạt rất điêu luyện, kỹ thuật, có nhiều lớp màu chồng chặn lên nhau tạo ra những độ nhòe huyền ảo. Bút pháp màu nước của họa sĩ có thể nói là giao thoa của các mối quan hệ mật thiết giữa phương pháp tạo hình tranh thủy mặc và tranh màu nước hiện đại, vì thế tranh của ông gần gũi với mọi lứa tuổi.

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 4

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 5

Ngoài những bức tranh sơn dầu, sơn mài ông vẽ trong những năm gần đây, triển lãm còn trưng bày một số tranh màu nước họa sĩ Ngô Quang Nam vẽ từ thời chiến tranh. Ảnh Phạm Hằng 

Ngoài tranh phong cảnh thì bóng dáng những người bà, người mẹ, người vợ qua những "Đường cày đảm đang”, "Mùa Hoa Bằng Lăng" hay "Mẹ tôi"... luôn là nguồn cảm hứng xuyên suốt, tựa như "nàng thơ" ngự trị trong tâm hồn người vẽ. Họa sĩ Ngô Quang Nam chia sẻ, những bức tranh ông vẽ người phụ nữ Việt Nam đều xuất phát từ sự thấu cảm với nỗi đau thương, mất mát của người bà, người mẹ, người vợ khi chiến tranh đi qua: “Tình yêu đất nước, yêu con người Việt Nam và say mê vẽ đã tiếp thêm cho tôi sức lực mà quên đi tuổi tác, quên đi những nhọc nhằn của cuộc đời”.

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 6

Họa sĩ Ngô Quang Nam bên bức tranh “Mẹ tôi”. Họa sĩ chia sẻ, mẹ ông mất đã lâu nhưng trong tâm khảm ông luôn nhớ về mẹ. Ông ví mẹ như một đóa sen, hiện lên trong tranh hiền từ mà sáng chói, tựa như phật như tiên. Ảnh Phạm Hằng

Qua cái nhìn tưởng đơn giản mà cô đọng, đầy xúc cảm, trái tim tinh tế của họa sĩ rung theo nhịp điệu của âm vận và thi từ. Một sự cô đọng của kinh nghiệm và trí tuệ, với những ký ức sâu lắng qua cái nhìn hình thể hòa đồng cùng nhịp điệu tâm hồn. Ngô Quang Nam, một tâm hồn rất “đời”, đầy cảm xúc của một thi nhân. Ông đã vẽ chính tâm hồn mình. Với những trăn trở và dự định ấy, với sức khỏe như hiện tại, tin rằng họa sĩ Ngô Quang Nam sẽ còn có nhiều bức tranh có giá trị để lại cho đời.

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 7

"Trên cao nguyên"

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 8

"Đường cày đảm đang"

Họa sĩ Ngô Quang Nam: Vẽ từ rung động của con mắt thơ, tâm hồn thơ - 9

"Mùa hoa bằng lăng"

Họa sĩ Ngô Quang Nam sinh năm 1942, quê ở Thanh Hóa, ông tốt nghiệp Viện hàn lâm Mỹ thuật Pra-ha năm 1973. Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Ông đã có nhiều giải thưởng: Giải nhất Viện hàn lâm Mỹ thuật Pra-ha 1973, giải thưởng Hùng Vương năm 1985 và có nhiều tranh triển lãm ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Chi-lê, Mỹ, Thụy Sĩ và Ác-hen-ti-na cùng nhiều tranh trong các bộ sưu tập ở bảo tàng một số nước và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hùng Vương.

Ông cũng từng có nhiều năm làm công tác quản lý của ngành văn hóa như: Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật thuộc Bộ. Tuy bận nhiều công việc nhưng họa sĩ vẫn dành nhiều thời gian để sáng tác và hoạt động trong các hội đồng nghệ thuật chấm tranh, tượng của Nhà nước.

Ngoài lĩnh vực hội họa ông còn sáng tác điêu khắc, sáng tác văn học và sách nghiên cứu khác về lịch sử và văn học, với hơn hai chục đầu sách như: 8 tập thơ, 1 trường ca, 4 tiểu thuyết lịch sử, 7 tập nghiên cứu văn học và hàng trăm bài báo khác. Đáng kể là Ngư phong và Tượng phong (2013), Bút tre (2018), tiểu thuyết lịch sử Trăm năm khổ nhục nhưng vĩ đại (2019).

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất