Họa sĩ Phạm Trí Tuệ thành công trong các loại hình nghệ thuật

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ sinh năm 1942, quê làng Vũ La, xã Nam Đồng, huyện Nam Sách, nay thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Năm 1958, ông có cơ may gặp đoàn văn nghệ sỹ đi thâm nhập thực tế ở nông thôn. Trong đoàn có họa sĩ Sỹ Ngọc, thấy cậu bé Tuệ cứ mải mê theo đoàn, ông đưa bút mực cho Tuệ vẽ. Thấy cậu bé Tuệ có những nét vẽ đặc biệt, ông giới thiệu cậu về Hà Nội học. Rồi Tuệ đã miệt mài theo đuổi nghề vẽ cho đến khi mất với hơn hai trăm tác phẩm, thành công ở mọi thể loại màu nước, ký họa, sơn dầu, sơn khắc, cổ động, vẽ bìa cho các loại sách báo và sáng tạo logo.

Hơn năm mươi năm cầm cọ, họa sĩ Phạm Trí Tuệ vừa học vừa làm, vừa nghiên cứu thể hiện từ nét vẽ đến màu sắc trong từng loai hình tác phẩm. Ở loại hình tranh cổ động, ông bám sát vấn đề thời sự, tạo cho mình có thói quen nhạy cảm với vấn đề thời sự trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong thời điểm đất nước làm hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa và miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.

Những bức tranh cổ động của Phạm Trí Tuệ gắn liền với nhiêm vụ đất nước và địa phương miền Nam thể hiện tinh thần bất khuất của đồng bào và phong trào du kích bám địch mà đánh…; miền Bắc thì “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chi viện cho miền Nam, “Mỗi người làm việc bằng hai”; “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Giặc phất cứ đi”...

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ thành công trong các loại hình nghệ thuật - 1

Chiều hậu phương, sơn dầu, sáng tác 1972

Trên mặt báo trên và các nơi công cộng, tranh cổ động của Phạm Trí Tuệ đã tạo thêm khí thế cổ vũ phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân, vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Ông quan niệm tranh ký họa phải chộp nhanh, vẽ nhanh những nét sống động trong khoảnh khắc từ xưởng máy, trên công trường và những nét sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Chính từ quan niệm đó ông đã thành công ở nhiều bức vẽ minh họa cho sách báo, truyền được cảm hứng sinh động cho người xem.

Ông được mời cộng tác vẽ bìa và minh họa cho các tác phẩm văn học và báo chí. Ông luôn có trách nhiệm, có tác phẩm ông đọc đến hai, ba lần mới nảy ra cái ý tưởng để vẽ bìa và vẽ minh họa. Tính khái quát của bìa và minh họa giúp bạn đọc hiểu khái quát ban đầu khi đọc tác phẩm. Ông cho rằng vẽ phải cộng hưởng chủ đề tác phẩm.

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ thành công trong các loại hình nghệ thuật - 2

Bờ ao, sơn dầu, sáng tác 2011

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ còn vẽ logo, bìa sách… Nhất là các tạp chí, đặc san các ấn phẩm của địa phương mà ông vẽ bìa, đều có nét riêng cho từng chủ đề, không số nào lặp lại nhau, đều có nét sáng tạo riêng. Những logo ông sáng tác cho ấn phẩm và sản phẩm đều có nét riêng, như những logo cho các loại đặc sản bánh đậu xanh Bảo Hiên, Nguyên Hương, Tiên Dung ở Hải Dương cũng khác biệt của từng loại thương hiệu, mẫu hàng hóa trên thị trường quốc tế. 

Trong suốt cuộc đời lao động và sáng tạo nghệ thuật, ông xác định phải rõ nét về chuyên môn, phải thể hiện là người được đào tạo và biết tìm tòi cái hay của các bậc đàn anh. Ông phấn đấu để tỏ rõ là người có năng khiếu, lại được đào tạo bài bản, không phải là người vẽ theo cảm tính chủ quan của mình họăc bắt chước của người khác. Vậy mà qua các cuộc trao đổi, hội thảo ông luôn tỏ rõ chuyên môn và chất uyên bác của một tài năng.

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ thành công trong các loại hình nghệ thuật - 3

Một tác phẩm tranh cổ động của họa sĩ Phạm Trí Tuệ

Họa sĩ Hà Huy Chương, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương đánh giá: "Họa sĩ Phạm Trí Tuệ là lớp đàn anh ở tỉnh Hải Dương. Ông không chỉ thành công ở tranh đồ họa mà còn đạt những giá trị riêng về hội họa và mỹ thuật ứng dụng. Tranh hội họa của Phạm Trí Tuệ có bố cục bài bản, đường nét tinh tế nhưng cũng rất phóng khoáng về hình, màu sắc và những chi tiết sống động. Cuộc đời sáng tác của họa sĩ Phạm Trí Tuệ không ồn ào mà mà bình lặng, khiêm nhường, tận tình với các lớp  họa sĩ đàn em, để lại nhiều giá trị lâu dài đối với mỹ thuật Hải Dương". 

Những họa sĩ được ông kèm cặp đã ghi dấu ấn về ông như họạ sỹ Đặng Việt Cường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương thì tôn vinh hoa sĩ Phạm Trí Tuệ là "thầy tôi!". Con trai họa sĩ Phạm Trí Tuệ  là nhà thiết kế đồ họa Phạm HaKy, tuy có nhiều sáng tạo mới song vẫn có những bức họa thành công theo lối vẽ của cha mình.

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ thành công trong các loại hình nghệ thuật - 4

Chân dung tự họa bằng tranh sơn dầu của họa sĩ Phạm Trí Tuệ, 2019

Tác phẩm của ông qua nhiều lần triển lãm đã được lưu giữ tại các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, và các sưu tập tại một số nước Anh, Pháp, Nhật Bản…

Hơn năm mươi năm công tác ở Hà Nội và ở địa phương, dù ở cương vị nào ông cũng cố gắng, trách nhiệm cao trong công tác quản lý và giúp cho đồng nghiệp về tay nghề chuyên môn. Đặc biệt  từ khi ông làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà, ông luôn chăm lo tới sự nghiệp chung của tổ chức Hội.

Nguyễn Thanh Cải

Tin liên quan

Tin mới nhất