Nhà văn Như Bình: Vẽ để thấy đời sống rộng dài hơn

Nếu như thơ và tạp bút là những trang viết rất thật, rất phiêu, như bứt ra từ đời sống, từ tình yêu, chiêm nghiệm của một người đàn bà nhiều suy tư, thì hội hoạ lại là một bầu không khí mới, một nơi không giới hạn để Như Bình thỏa sức ước mơ… Với những gam màu vui tươi, ấm áp, những nét vẽ sinh động, tình cảm, tranh của Như Bình là niềm giãi bày, bộc bạch khát khao của người đàn bà nhiều năng lượng sáng tạo.

Lần thứ 2, sau 3 năm cầm cọ, nhà văn Như Bình trình làng một series tranh mang tên “Hẹn” trong sự kiện giới thiệu hai tác phẩm thơ "Sự im lặng biếc xanh" và tạp bút "Thương những xa xôi" của chị. Ở cuộc ra mắt thơ và văn, chị trưng bày giới thiệu 35 bức tranh được Như Bình sáng tác trong 3 năm gần đây, gồm tĩnh vật, chân dung, phong cảnh… được thể hiện với chất liệu acrylic trên toan. Thật mừng ở cả cuộc triển lãm chung đầu tiên và trưng bày tranh riêng vừa rồi, các tác phẩm của chị đều được bạn bè, những người yêu thơ và văn của chị nồng nhiệt đón nhận và lựa chọn sở hữu.

Nhà văn Như Bình: Vẽ để thấy đời sống rộng dài hơn - 1

Nhà văn Như Bình sáng tác tranh

“Nếu như thơ và tạp văn là những câu chuyện rất chân thật, những câu chuyện chưng cất lên từ đời sống của tôi thì tranh là những gì tôi mơ mộng và khát vọng. Thơ và tạp văn kể chuyện, giãi bày thì tranh là khát khao, mơ ước. Chữ của tôi ở thơ và văn đều buồn, cô đơn, day dứt thì tranh tôi lãng mạn tươi vui, tôi gửi gắm ở đó bao nhiêu mong cầu mãnh liệt về một cuộc sống ấm áp và bình yên”. Đó là những "Hoàng hôn tím", "Bến bình yên", "Bình minh tím", "Thiền biển", "Thu sau bão", "Bình yên", "Hẹn với mùa thu"...

Nhà văn Như Bình: Vẽ để thấy đời sống rộng dài hơn - 2

Tranh Như Bình lãng mạn như thơ

Tranh Như Bình lãng mạn như thơ. Chị còn có sự cộng hưởng cảm xúc vẽ tranh bắt nguồn từ những tác phẩm thơ của chị. Có thể nói gọi những bức tranh này là những tác phẩm phái sinh từ thơ. Tiêu biểu là: "Sự im lặng biếc xanh", "Tảng đá đang thiền", "Rỗng không" series tranh "Biển" và "Thiền". Trong đó 2 bức "Sự im lặng biếc xanh" và "Tảng đá đang thiền" được dùng làm tranh bìa cho hai cuốn sách mới ra mắt bạn đọc, và là  phiên bản hai của thơ bằng hội hoạ của chị.

 Như Bình chia sẻ, chị tìm đến hội họa cũng thật tình cờ, cách đây chừng 3 năm, trong những thời điểm cuộc sống của chị có nhiều xáo trộn, tưởng như chỉ là tìm một nơi an trú cho tâm hồn nhạy cảm, nhiều tổn thương, nhưng rồi chị mê vẽ lúc nào không biết. Như Bình hối hả vẽ, giữa những bộn bề của cuộc sống và công việc làm báo. Chị vẽ mọi lúc mọi khi có thể, như chị sợ mất đi những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống của con người mà chị bắt gặp và xúc động.

Nhà văn Như Bình: Vẽ để thấy đời sống rộng dài hơn - 3

Đôi lúc tôi tự hỏi, vì sao chị nhiều năng lượng sáng tạo đến thế. Thời gian của chị bị xé vụn thứ thì công việc làm báo, thứ thì viết văn sáng tác, chị lại còn là lãnh đạo ở đơn vị, công việc hành chính công sở bề bộn, trong khi hội họa cần sự tĩnh lặng, cần thời gian, cần không gian để vẽ.

Vì thế, những bức vẽ của chị thường được hoàn thành lúc thành phố đã bắt đầu một ngày mới. Chị vẽ xuyên đêm, xuyên ngày nghỉ. Chị vẽ vội vàng say đắm, vẽ như muốn níu giữ lại những xúc cảm đang ứ đầy trong chị. Vẽ như thể nếu không vẽ lại những đẹp đẽ đó, chỉ chớp mắt sự vô thường của đời sống sẽ xoá hết những thăng hoa, để chị ngẩn ngơ tiếc nuối đi tìm.

Hội hoạ ghé thăm Như Bình hay Như Bình tìm đến hội hoạ như một nhu cầu tự thân? Thật khó để tách bạch. Cảm giác như hội hoạ đến với chị là lúc đã hội đủ duyên. Bởi có muốn cũng chẳng vẽ được nếu cảm hứng hội họa không tràn đầy trong Như Bình. Mỗi bức vẽ như một câu chuyện, một lát cắt, một mảng màu pha từ chính cuộc đời người đàn bà Hà Tĩnh lạc phố ở Hà Nội. Câu chuyện trên toan mà cây cọ Như Bình kể, có khi nhẩn nha, lúc lại dữ dội, cuồng nhiệt. Từng gam màu ấm lạnh loang tràn trong ngôi nhà tâm hồn mở cửa cho sự thinh lặng biếc xanh của cuộc sống. Vẽ là cách chị tán thán những xúc cảm, kể những câu chuyện về mình về người, về những yêu thương, buồn bã hay cô đơn và khát khao bình yên hạnh phúc trong chị.

Cây cọ Như Bình mở ra thế giới tĩnh vật, phong cảnh, thế sự hay chân dung bạn bè. Tĩnh vật của chị sống động, gần gũi, là đóa sen cuối mùa, một bình hoa chuối và những chú mèo con, những bông cúc đầu thu… hay chân dung những người bạn, một khoảnh khắc thiên nhiên đẹp lạ… Vẽ chân dung, tĩnh vật, hay thiên nhiên thì cũng là cách Như Bình bày tỏ tình yêu của mình với cuộc đời, một tình yêu nồng nhiệt, say mê và đầy xúc cảm.

Nhà văn Như Bình: Vẽ để thấy đời sống rộng dài hơn - 4

Có thể nói, thế mạnh của Như Bình là màu sắc, thứ bẩm sinh trời cho. Màu của chị tràn ra trên toan, rực rỡ, mê đắm, như bao nhiêu tình yêu với cuộc đời, với cái đẹp, chị dồn hết cả vào đó. Đặc biệt, thời gian gần đây, chị sử dụng nhiều gam màu nóng, một sự pha màu rất bản năng nhưng tinh tế, bằng xúc cảm chứ không phải của kỹ thuật. Vì với một hoạ sĩ tay ngang như chị thì rõ ràng kỹ thuật là thứ chị còn phải rèn giũa nhiều.

Nhưng hội hoạ của người vẽ tay ngang lại có sự hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ. Đến với hội hoạ tay ngang cũng có cái được cái hay ở chỗ, các bức tranh của chị còn nguyên sự hồn nhiên đầy rung động. Kỹ thuật có thể chưa bằng hoạ sĩ chuyên nghiệp nhưng sự rung cảm, hồn nhiên trên mỗi bức tranh thì không ai có thể dạy được cho ai, không phải cứ muốn mà có, nó phải là những xúc cảm bẩm sinh mà chỉ những người làm nghề mới thấu hiểu được.

Vì thế, tranh của chị rất tình cảm, thuyết phục người xem ở sự trong sáng chân thành. Ngắm tranh Như Bình thấy cuộc sống thật dịu, đẹp, rực rỡ, an vui ngay cả trong nỗi buồn, sự cô đơn.

Nhà văn Như Bình: Vẽ để thấy đời sống rộng dài hơn - 5

Nhưng tôi yêu những bức tranh trừu tượng của chị, điển hình là series vẽ về biển, thiền biển. Ở đó, Như Bình bắt đầu tìm ra lối đi riêng của mình. Ở đó, nội tâm của chị tràn đầy và bút lực mạnh mẽ. Như Bình đa tài, và chị đam mê vẽ, hai yếu tố quan trọng để chị có thể đi con đường dài và xác lập một cái tên Như Bình trong hội họa.  

Ngôi nhà nhỏ của Như Bình chật chội giữa thành phố đông chen chúc người, nhưng chị vẫn dành một góc riêng cho hội họa. Ở đó, giữa ban công đầy nắng, nhìn ra một khoảng trời xanh, người đàn bà nhiều năng lượng sáng tạo ấy có bất cứ chút thời gian nào lại ngồi vào giá vẽ, để vẽ nên những giấc mơ của mình về đời sống, về cái đẹp. Một giấc mơ thật bình yên, trong lành giữa bộn bề, xáo trộn của cuộc đời.

Họa sĩ Đào Hải Phong:

Xem tranh Như Bình thấy ngay tinh thần của một nhà thơ, chị vẽ tranh tràn đầy cảm xúc ồ ạt, hối hả cả ở màu và những nhát bút dường như không kịp toan tính và rất tình cảm đẹp. Mỗi bức tranh như một câu chuyện nhỏ, có lẽ Như Bình không muốn “Ấn” mình ở một dòng phái nào trong thế giới hội họa mênh mang này vì chị đa tài. Tranh Như Bình hồn nhiên gần như khi chị thấy một lọ hoa hay một áng mây trong thiên nhiên nếu làm chị rung động thì đều được chị ngay lập tức vẽ một cách hồn nhiên không toan tính. Sự hồn nhiên đó cũng là nét đặc trưng để thấy diện mạo và phong cách của Như Bình. Như Bình vẽ như sợ mất đi một tình cảm chân thành của mình với thiên nhiên hoa lá mà chị cảm thấy biết ơn những giá trị đó dành cho chị.

Họa sĩ Đặng Tiến:

Như Bình viết văn, làm thơ chân thành, tình cảm thế nào thì khi tiếp xúc với hội họa, sáng tác mỹ thuật cũng chân thành, tình cảm như vậy. Thêm phần háo hức của người được đắm chìm trong lĩnh vực mới, thế giới mới, sự khám phá mới.

Mọi việc không đơn giản. Như Bình từng tâm sự: “Có lẽ trong các ngành nghệ thuật, hội họa là khó nhất. Ngoài cảm xúc, tư duy, hội họa đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay, kỹ năng xử lý chất liệu, rồi những bố cục, hình…”. Nên nhiều lúc Bình thấy …nản! Nhưng với bản năng của người làm nghệ thuật, dễ bị kích thích bởi cảm xúc sáng tạo, Bình lại say sưa, chìm đắm với toan, màu sau giờ đi làm, nhiều khi cả đêm để hôm sau… mệt phờ. Nhưng vô cùng hạnh phúc khi bức tranh vẽ xong Bình thấy toại nguyện.

Tranh của Bình toát lên sự đam mê đến cuồng nhiệt. Đôi khi, sự “non tơ” ban đầu lại làm nên vẻ đẹp bất ngờ. Và điều quan trọng, những ai xem tranh của Bình đều cảm được tình cảm và sự chân thành của tác giả; như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực bằng chính sự đam mê, chân thành ấy.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên:

Nhiều người có thể bất ngờ khi Như Bình cầm cọ, nhưng khi tôi ngắm những bức tranh đầu tiên của Như Bình, tôi không bất ngờ. Như Bình tài hoa và khi chị vẽ, tôi biết là chị có khả năng hội họa. Tôi theo dõi từng bước đi của chị và  thấy có những bức tranh đã phát lộ cái riêng của Như Bình. (Có những người vẽ cả đời vẫn không tìm được cái riêng). Hội họa rất gần với thơ, vì đó là những sáng tạo mang tính hình tượng, chắt lọc từ đời sống, xúc cảm. Như Bình có sự kết nối giữa thơ và họa. Chị rất có khả năng hội họa và có đam mê. Nếu chị tìm ra con người của mình, chắc chắn chị sẽ thành công với hội họa.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương:

Tôi không bao giờ hỏi Như Bình vì sao vẽ. Như Bình đến với hội hoạ để cuộc sống của cô ấy được rộng dài hơn, vậy thì thắc mắc làm gì nữa. Và cũng đừng soi xét hình màu, tương quan hay bố cục làm gì. Hãy để Như Bình được tự do đi trên con đường của mình. Hãy để Như Bình được vui sống và hạnh phúc với những gì cô ấy muốn. Hội hoạ cũng đã làm cho Như Bình rộng dài hơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Chúc mừng Như Bình đã đến và ở lại với hội hoạ.

Việt Hà

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ukraine có động thái bất ngờ giữa lúc lạm phát tăng sốc

Ukraine có động thái bất ngờ giữa lúc lạm phát tăng sốc

Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) đã quyết định tăng lãi suất chính sách lên mức 13,5% mỗi năm, vượt qua kỳ vọng của thị trường là giữ nguyên ở 13%. Động thái này nhằm kiểm soát lạm phát đang tăng cao và ổn định thị trường ngoại hối.

Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi: Tầm vóc và sức sống

Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi: Tầm vóc và sức sống

Bằng tư duy sắc sảo, phong cách đặc sắc, khả năng nhìn nhận khoáng đạt mà sâu sắc, Nguyễn Đình Thi đã góp phần vào việc định hình và phát triển tư tưởng lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam ở những giai đoạn quan trọng. Chính những định hướng này đã giúp nền văn nghệ cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong thời kỳ đổi mới, vai trò c