Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương

Ngày 12/11, tại Hà Nội, tiến sĩ Lịch sử nghệ thuật Amandine Dabat, đại diện gia đình vua Hàm Nghi đã trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi với mong muốn công chúng Việt Nam và du khách quốc tế có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của vị “Hoàng đế bị lưu đày, người Nghệ sĩ ở Algiers” ngay tại chính quê hương của ông.

Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương - 1

Đại biểu tham dự Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi. Ảnh: Trung Nguyễn

Phát biểu tại Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers), Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, việc tiếp nhận và trưng bày bức tranh có ý nghĩa rất lớn đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và với nền mỹ thuật Việt Nam nói chung. Điều đó thể hiện thái độ trân trọng và ghi nhận nghĩa cử của gia đình vua Hàm Nghi hồi hương tác phẩm hội họa của nhà vua yêu nước, đồng thời tôn vinh những tấm lòng hảo tâm hiến tặng tác phẩm nghệ thuật cho Bảo tàng.

“Tác phẩm Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) không chỉ bổ sung, làm giàu thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”, tiến sĩ Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.

Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương - 2

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trung Nguyễn

Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là hoàng đế thứ tám của vương triều Nguyễn. Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành và ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1888, vua bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Algiers (thủ đô Algeria) năm 1889. Ông sống tại một biệt thư trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Algiers khoảng 12 km và vẫn giữ theo phong tục nước nhà cho đến khi qua đời tháng 1 năm 1944.

Trong thời gian bị lưu đày, nhà vua theo học hội họa và điêu khắc, theo đuổi trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng. Trước khi tạ thế, ông đã để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật bao gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác. Nhiều tác phẩm của ông được giới nghệ thuật biết đến qua các cuộc đấu giá và triển lãm tại Pháp.

Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương - 3

Vua Hàm Nghi (1871-1944). Ảnh tư liệu

Bức tranh sơn dầu Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) được Vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908 thể hiện quang cảnh đồng quê gần nhà ông ở Algiers. Phong cảnh hoàng hôn dưới góc nhìn ngược sáng là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông.

Sử dụng phong cách chấm họa ảnh hưởng từ các họa sĩ Pháp vào cuối thế kỷ 19, tác giả đã làm cho màu sắc rực rỡ của buổi chiều tà trở nên rung động. Năm 1926, bức tranh được triển lãm tại phòng trưng bày Mantelet-Colette Weil ở Paris với tựa đề Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) và ký tên Tử Xuân.

Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương - 4

Bà Amandine Dabat trao giấy chứng nhận bức tranh cho ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyễn

Vua Hàm Nghi có quan điểm nghệ thuật độc đáo, với ông, hội họa, nghệ thuật chính là khoảng trời tự do. Ông chủ yếu vẽ tranh phong cảnh, một vài tranh chân dung, một vài lính thủy mà không vẽ chủ đề chính trị.

Nhận xét về tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi, TS. Nora Taylor viết: “Phong cảnh của Algieria trong tranh của Hàm Nghi được xem là sự kết nối đến nguồn cội với tư cách là một người đang khao khát trở về quê hương”.

Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương - 5

Tác phẩm "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" của Hàm Nghi vừa được tiến sĩ Amandine Marie Anne Dabat trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyễn

Tiến sĩ Amandine Dabat chia sẻ: “Vua Hàm Nghi đã trở thành họa sĩ và nhà điêu khắc trong suốt thời gian lưu đày tại Algiers. Những tác phẩm đầu tiên của ông, từ năm 1889 đã đưa ông trở thành họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Luận án tiến sĩ mà tôi đã dành để nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, nay đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, đã chính thức ghi danh ông vào lịch sử của ngành nghệ thuật Việt Nam”.

Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương - 6

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, tiến sĩ Amandine Marie Anne Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trung Nguyễn

Về tác phẩm Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers), tiến sĩ Amandine Dabat nhận định đây là một trong những tác phẩm quan trọng của Vua Hàm Nghi. Bức tranh miêu tả những đồi núi xung quanh biệt thự nơi Vua Hàm Nghi sinh sống cùng gia đình tại El Biar. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho những nghiên cứu hội họa của Vua Hàm Nghi, trong đó có ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu ấn tượng, với kỹ thuật gần như là chấm điểm.

“Vua Hàm Nghi vẽ thiên nhiên và tìm cách thể hiện ánh sáng trong những rung động tinh tế nhất của nó. Chính việc tìm kiếm sự tinh tế này đã thúc đẩy ông suốt cuộc đời không ngừng hoàn thiện kỹ thuật vẽ. Ông đặc biệt yêu thích thử thách bắt được khoảnh khắc hoàng hôn, một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, với những gam màu đầy hoài niệm, cho phép ông thể hiện, qua mọi sắc thái màu sắc và bầu không khí, cảm xúc và khát vọng vươn lên trên hoàn cảnh lưu đày của mình”, tiến sĩ Amandine Dabat cho hay.

Bà Amandine Dabat hy vọng rằng việc trao tặng bức tranh này sẽ mở đường cho việc trao tặng tác phẩm khác của Vua Hàm Nghi, để công chúng Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về di sản nghệ thuật của ông.

Tác phẩm hội họa “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của vua Hàm Nghi hồi hương - 7

Các đại biểu và công chúng nghe giới thiệu về tác phẩm "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)". Ảnh: Trung Nguyễn

Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra buổi Gặp gỡ báo chí và công chúng yêu nghệ thuật và ra mắt sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger của tiến sĩ Amandine Dabat tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và là một nghệ sĩ tài hoa trong thời gian ông sống lưu vong tại Pháp và Algieria.

Tác giả cho biết, cuốn sách đã giải thích và làm rõ về cuộc đời nghệ thuật của Vua Hàm Nghi, những ảnh hưởng của ông, sự phát triển phong cách của ông và mối liên hệ của ông với các nghệ sĩ lớn của thời đại. Cuốn sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger giúp bạn đọc Việt Nam hiểu rõ bối cảnh của tác phẩm của Vua Hàm Nghi và từ đó đánh giá đúng vị trí của bức tranh này trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, tiến sĩ Amandine Marie Anne Dabat là hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi - chắt gái của công chúa Như Lý (con gái của vua Hàm Nghi). Bà là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris 7-Diderot). Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (tại Paris) với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger.

Hương Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Từ Quảng Nam ra Huế phải qua đèo Hải Vân, có thể đi ô tô hoặc tàu lửa. Con đường quanh co men theo sườn núi, nhìn sang phía bên kia là biển xanh bao la, và ngang đầu mây trắng lửng lơ bay…