Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa

“Nói đến Nguyễn Tư Nghiêm là nói đến cuộc đời sáng tạo miệt mài không ngừng nghỉ, là nói tới sự kiên định một mối hoài niệm về quá khứ nghệ thuật truyền thống. Ông là người nghệ sĩ mang tâm hồn dân tộc và thời đại một cách lắng đọng”. Đó là nhận định của Họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban Thư ký, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam ngày nay) tại buổi trò chuyện nghệ thuật với chủ đề “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với Đương đại” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa - 1

Buổi trò chuyện "Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Người kết nối Giá trị thẩm mỹ Truyền thống với Đương đại" diễn ra trong không gian triển lãm "Hà Nội Sức sống và Niềm tin" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Huyền Thương

Người đồng hành cùng thế kỷ nghệ thuật

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922 trong một gia đình có truyền thống Nho học ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha ông là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái, đỗ cùng khoa thi với cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (1941 - 1946). Họa sĩ tham gia cách mạng từ năm 1945. Sau năm 1954, ông làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957 - 1983).

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa - 2

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh tư liệu

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Bên cạnh đó, ông còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Sự nghiệp hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm được giới chuyên môn trân trọng xếp vào nhóm “bộ tứ huyền thoại” "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Đây là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX tới nay.

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa - 3

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Huyền Thương

Chia sẻ về "bộ tứ huyền thoại" này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Bài học nghệ thuật mà các ông để lại lớn nhất là bài học về phẩm cách của người nghệ sĩ. Các ông là những người đi trước trong im lặng - mang đến những luồng gió mới cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”.

Về nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, danh họa đã giữ được nguyên vẹn hồn cốt của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, của tâm hồn người Việt Nam, của mỹ cảm người Việt Nam.

Còn theo họa sĩ Đặng Thị Khuê, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là người đồng hành cùng thế kỷ nghệ thuật, ông đã tham dự trực tiếp vào cả ba giai đoạn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam từ thời kỳ đặt nền móng cho sự hình thành nền nghệ thuật hiện đại - kết nối chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn đến thời kỳ chuyển đổi - kết nối giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa dân tộc rồi tới thời kỳ đổi mới và phát triển.

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa - 4

Hoạ sĩ Đặng Thị Khuê trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tư liệu về danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm.  Ảnh: BTC

Sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại trong nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm

Nguyễn Tư Nghiêm là một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, ông sống và cống hiến hết mình cho hội họa, sức sáng tạo bền bỉ và ảnh hưởng của ông đã vượt thời đại.

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa - 5

Các diễn giả chia sẻ tại buổi trò chuyện. Ảnh: BTC

Họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết, nghệ thuật của ông chia làm hai giai đoạn: Hiện thực và Siêu thoát.

Thời kỳ đầu từ năm 1945 - 1960 với những tác phẩm mang tính thời sự trong những chủ đề, đề tài thiết thực vào đời sống, bộc lộ một năng lực bao quát và xử l‎ý kỹ thuật điêu luyện như tác phẩm sơn mài Con nghé quả thực (1957), Đêm Giao thừa bên bờ Hồ Gươm (1957), Nông dân tranh đấu chống thuế, 1930 (1960),...

Sau đó là thời kỳ chuyển tiếp, biến ảo của nhịp điệu, khi ông chuyển sang các đề tài như điệu múa cổ, Thánh Gióng, 12 con giáp... với nhiều chất liệu khác nhau.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mạnh về sử dụng chất liệu sơn mài, bột màu, giấy dó,… Tranh của ông là sự hòa quyện của văn hóa dân gian với kỹ thuật tạo hình độc đáo của hội họa hàn lâm châu Âu, là sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại.

Các diễn giả đánh giá ông là người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa.

Với quan điểm nghệ thuật: “Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại”, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã đưa hội họa Việt Nam trở lại nguồn cội với một loạt tranh dân gian như: Trung Thu (1963), Múa sư tử (1962), Ông Gióng (1976), Gióng (1990),...

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa - 6

Bức sơn mài "Gióng" (1990) của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trong đó, bức sơn mài Gióng (1990) của danh họa là một trong những bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm thể hiện chủ đề anh hùng dân tộc Thánh Gióng bằng ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật lập thể, vị lai. Sử dụng nhiều các nét kỷ hà, xen lẫn các yếu tố trang trí là những họa tiết, hoa văn vận dụng từ nghệ thuật Đông Sơn là các họa tiết trang trí phổ biến trên các rìu đồng, lá chắn ngực, văn hình zích zắc, văn hình vòng tròn đồng tâm…

Qua tác phẩm, Nguyễn Tư Nghiêm đưa người xem về một thời kỳ huyền sử xa xưa với cội nguồn văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ biểu hình của nghệ thuật phương Tây hiện đại. Qua sự chồng chéo hình thức, nhịp điệu, màu sắc và ánh sáng, tác giả thành công khi thể hiện một "cảm giác động" và tính đồng thời của các trạng thái tâm hồn, cấu trúc phức tạp của thế giới.

Nguyễn Tư Nghiêm: Người đem giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào hội họa - 7

Bà Nguyễn Thu Giang, vợ danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm chia sẻ tại chương trình. Ảnh: BTC

Buổi trò chuyện nghệ thuật còn có sự tham dự của họa sĩ Nguyễn Thu Giang, vợ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, bà cũng là con gái út của cố nhà văn Nguyễn Tuân. Bà Thu Giang xúc động gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức và các diễn giả đã giúp người yêu nghệ thuật hiểu thêm về con người và sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất