Tranh sơn mài – huyền thoại và hiện thực

Một mối duyên kỳ ngộ giữa nghệ nhân và họa sĩ, giữa chất liệu sơn ta (sơn nhựa) với những bàn tay sáng tạo nghệ thuật, giữa hội họa dân gian truyền thống tích hợp với những quan niệm thẩm mỹ phương Tây, đã cho ra đời dòng tranh hội họa rất độc đáo của dân tộc Việt, đó là tranh sơn mài. Sự xuất hiện của tranh sơn mài Việt Nam là kết quả sự tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ có đức kiên trì, nhẫn nại, và sự thông minh, khéo léo, tài trí, là kết tinh những phẩm chất truyền thống của dân tộc.

Từ sơn ta đến sơn mài

Khi nhắc đến nghệ thuật hội họa Việt Nam, thì một trong những nét đặc thù, tiêu biểu đậm chất văn hóa, được thế giới quan tâm nhiều nhất chính là tranh sơn mài. Từ những chiếc bình, hộp nhỏ xinh, cùng tủ, bàn, đồ trang trí, đủ dáng kiểu rất được ưa chuộng đến những bức tranh nhiều sắc màu huyền ảo, lung linh, độc đáo được ánh xạ lên bởi độ đen bóng của nền vóc gỗ, dần hiện ra nét vẽ những chú mục đồng đang thổi sáo, giai điệu thanh bình trên đồng lúa bao la, những thiếu nữ trong tà áo dài duyên dáng, thướt tha, những cảnh sinh hoạt đời thường nơi làng quê thanh bình, êm đềm,..

Tranh sơn mài – huyền thoại và hiện thực - 1

Ảnh minh hoạ

Tất cả đã tạo nên một hiện tượng sống động “hiện tượng sơn mài Việt Nam”. Thật vậy, để được kỹ thuật như sơn mài ngày nay, đó là một quá trình sáng tạo lâu dài, xuất phát điểm từ Sơn Ta truyền thống, rồi đến Sơn Mài ngày nay.

Theo nhiều tài liệu, nghề sơn ở nước ta có từ thời nhà Lê (thế kỷ 15) với giai thoại về cụ Trần Lư, tức Trần Tướng Công thời Lê Nhân Tông (1443), được Vua cử hai lần đi Trung Quốc học nghề sơn, sáng tạo được kỹ thuật sơn hom, kỹ thuật dùng vàng bạc dát mỏng.

Từ đó, ông được xem là ông Tổ nghề sơn Việt Nam. Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử xa hơn, nghề sơn nước ta đã xuất hiện rất lâu, từ hơn hai ngàn năm trước. Rõ nhất là cây sơn được trồng rất nhiều và là loại cây tốt nhất, lâu đời, trở thành đặc sản ở vùng Phú Thọ - đất tổ Hùng Vương. Các thế hệ nghệ nhân đã kế tiếp nhau bảo tồn và phát triển nghề này, dĩ nhiên trong quá trình làm nghề có sự học hỏi kinh nghiệm, giao lưu văn hóa với các quốc gia khác.

Lần theo dấu vết từ các nhà khảo cổ, vào năm 1961, ở Việt Khê đã đào được một khúc gỗ lớn, ruột rỗng khoét lòng máng, trong đó chứa 100 hiện vật bằng đồng thau và bằng gỗ. Khúc gỗ đó chính là quan tài có niên dại khoảng thế kỷ 3 - 4 TCN. Đặc biệt quan tài này có chứa nhiều đồ đồng có chui là gỗ sơn.

Đáng chú ý khác, là vào tháng 1/ 1972, tại xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng lại tìm thấy một ngôi mộ cổ, trong đó có những dụng cụ về nghề sơn: bút vẽ, bát sơn, bàn vặn sơn (lọc sơn). Điều này, giúp cho giới nghiên cứu đưa ra giả thuyết thuyết là người được chôn là người đã từng làm nghề sơn.

Ngoài những vật chứng nằm sâu trong lòng đất đã được phát hiện, còn một phát hiện kỳ thú khác, đó là trên cái nôi người Việt cổ - vùng đất Phú Thọ, ngày nay vẫn mọc xanh rờn những cây sơn, hơn nữa thuộc loại cây sơn tốt nhất trong khu vực. Ngay những năm 60, 70 ở thế kỷ này, Phú Thọ xuất cảng trên dưới 1500 tấn sơn. Như vậy, văn minh Hùng Vương không chỉ rạng rỡ thời đồng thau, với nghề đúc đồng, mà còn có cả nghề làm sơn, cùng với đồ gỗ, gốm và đan lát,... hình thành nền thủ công mỹ nghệ ngay từ những buổi đầu dựng nước.

Theo thời gian, nghề sơn được phát triển mạnh từ thời nhà Lý (TK 10, 11). Đó thời kỳ phục hưng dân tộc sau ngàn năm Bắc thuộc, việc xây dựng sản xuất nhằm củng cố vương triều và phát huy Phật giáo (lúc bấy giờ trở thành quốc giáo) đã tạo điều kiện cho nghề sơn phát triển.

Từ đây, có thể thấy, nghề sơn luôn có mặt ở các triều đại với hàng nghìn, hàng vạn hiện vật quý giá, các tượng Phật, tượng La Hán, hoành phi, câu dối, án thư, tráp quả, bao kiếm, kiệu võng, thẻ bài, chân đền, bát bửu,.. Đến triều Nguyễn, nghề sơn đã phát triển rộng từ Bắc chí Nam, từ cung điện, lăng miếu nơi kinh đô đến làng xã, thôn xóm ở làng quê, từ đình chùa, miếu mạo đến các tư gia, đồ sơn thuộc đủ loại đủ kiểu, quý hiếm hay rẻ tiền đều được sử dụng như những tiện nghi không thể thiếu của mọi tầng lớp. Nhờ màu sắc vàng son lộng lẫy, nhờ chắc liệu bền chắc thích nghi với thời tiết và khí hậu xứ sở, sơn nhựa này được đem đối trọng và phân biệt sơn của người nước ngoài mang đến, nên từ lâu được gọi một cái tên gần gũi và quen thuộc là Sơn Ta để phân biệt với Sơn Tây (giống như trường hợp Tết Ta phân biệt với Tết Tây).

Đến đầu thế kỷ 20 của những năm 30, từ tranh sơn ta đã có một bước chuyển lớn, được xem là một cuộc cách mạng về kỹ thuật, đó là sự xuất hiện của tranh sơn mài - một bước ngoặt có tiếng vang trên thế giới. Công lao lớn của bước tiến này thuộc về thế hệ họa sĩ và nghệ nhân trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (1925). Họ chính là những người tiên phong trong cuộc “cách mạng kỹ thuật” về sơn mài, để có được nền mỹ thuật – mỹ nghệ sơn mài như ngày nay: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Minh..

Tranh Sơn Mài mang hồn dân tộc

Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai,.. vẽ trên nền vóc màu đen. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre,.. và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó.

Theo đó, “sơn” là vẽ tranh bằng chất liệu sơn ta, còn “mài” là cắt lớp bề mặt bị oxi hóa, để lộ màu sắc bên trong. Tác dụng mài là làm phong phú, sống động hình vẽ mang tính chất hội họa dưới nhiều lớp màu chồng chất. Họa sĩ mài tranh để lộ ra những mảng màu mong muốn đúng chỗ, đúng cảm xúc mang yếu tố ngẫu nhiên hoặc bất thần tìm được trong lúc mài, để làm thành một tác phẩm hội họa và sau cùng là đánh bóng tranh.

Do vậy, sơn mài có những điểm “ngược đời”: muốn lớp sơn vừa vẽ nhanh khô thì tranh phải ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy hình ảnh tranh, thì lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Chỉ sau quá trình mài, những hình ảnh từ trong bóng tối mới dần hiện lên. Người thợ làm sơn mài có thể giúp họa sĩ tô các nét, các mảng theo phác thảo rồi mài phẳng qua nhiều đợt, sau đó họa sĩ phải tự tay mài và sửa các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm. Việc làm này nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại trải qua một quy trình tinh vi phức tạp nhờ vào khối óc và đôi tay khéo léo, sự nhẫn nại, kiên trì của các nghệ nhân vẽ tranh.

Danh họa Nguyễn Gia Trí đã nhấn mạnh điều này: “Nghề sơn theo tôi nghĩ, người ngoại quốc không làm được, vì họ sợ sơn sẽ ăn lở tay và không có tính kiên nhẫn như ta. Nhưng ta làm được. Và chính vì những lý do đó nên mang tính dân tộc”.

Tranh sơn mài – huyền thoại và hiện thực - 2

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân Trung Nam Bắc. 1970-1989. Sơn mài. 200x540cm (trích mảng giữa). Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM (Ảnh chụp năm 2003) Nguồn ảnh: Tạp chí mỹ thuật

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ chia sẻ: “có những người Châu Âu muốn học làm nghề sơn mài Việt Nam, nhưng cũng chính trong số họ có người đã nói: “Đây là kỹ thuật và truyền thống hàng nghìn năm, khó lòng bắt chước được”. Và hầu hết họa sĩ đồng ý rằng kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên cao nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.

Đó cũng chính là điều thú vị, bất ngờ và hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này. Không phải ngẫu nhiên, họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói "Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi". Thật vậy, những đặc tính tự thân của chất liệu và bề mặt phẳng nhẵn tạo không gian huyền ảo, “âm tính” khiến cho nó rất phù hợp với hội họa trừu tượng. Tranh sơn mài đã thể hiện một xúc cảm mạnh mẽ, đầy năng lượng nhưng bố cục vẫn chặt chẽ và phong phú với những bí ẩn kỳ diệu do chất liệu tạo thành.

Kể từ đó, huyền thoại về sơn mài mới trở thành hiện thực. Nghệ thuật sơn mài có từ đây và chia thành hai nhánh: sơn mài mỹ nghệ và sơn mài nghệ thuật. Hai nhánh này cũng luôn sát cánh bên nhau trong sáng tạo và bổ sung cho nhau về kỹ thuật. Nếu sơn mài nghệ thuật là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thì sơn mài mỹ nghệ là một trong những ngành chiếm vị trí hàng đầu trong các ngành thủ công mỹ nghệ của dân tộc.

Tranh sơn mài Việt Nam, phản ánh rõ những đặc trưng, tính cách độc đáo của người Việt: Tính biểu cảm (Tính trọng tình), Tính linh hoạt và Tính Tổng hợp. Thật vậy, tính chất huyền ảo, sâu thẳm của sơn mài đã được các họa sĩ diễn đạt về những đề tài thích hợp với tâm lý dân tộc, mang tính trữ tình, biểu cảm cao, thể hiện tâm trạng lãng mạn, tình tự dân tộc như: cảnh cảnh thiếu nữ vui chơi, cảnh đình làng vào hội, cảnh đêm trăng thơ mộng, cảnh đám cưới quê, vinh quy bái tổ,..

Mặt khác, tranh sơn mài còn nổi bật đặc tính linh hoạt của người nghệ sĩ, đó là sự sáng tạo, tìm tòi, khám phá những cái mới. Bên cạnh những màu sắc đã sử dụng: đen, đỏ, nâu, vàng, bạc, nghệ nhân sáng tạo thêm những màu sắc mới như lam và lục, hoặc tận dụng tối đa tính ưu việt của nó trên các chất liệu khác: vỏ trứng, xà cừ, ốc trai,.. làm phong phú thêm bảng màu sơn mài. Tranh sơn mài còn có khả năng đặc biệt là kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác, phối hợp với các kỹ thuật khác: khắc trũng, làm nổi (phù điêu), tích hợp các đề tài đương đại và truyền thống,.. làm đa dạng chủng loại tranh, phong phú nội dung sáng tác nhưng vẫn giữ được bản sắc của chất liệu và tính cách dân tộc.

Với những đặc điểm nghệ thuật, văn hóa đó, tranh sơn mài thực sự trở thành một loại hình nghệ thuật hội họa độc đáo bằng những tác phẩm mang tầm thời đại và rất được các nhà nghiên cứu, sưu tập ngưỡng mộ, như: “Vườn xuân Trung nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, “Ngựa Gióng”của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng, “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của họa sĩ Dương Bích Liên… Những tác phẩm này luôn được trân quý và được xem là những “bảo vật quốc gia” rất đáng trân trọng, minh chứng cho thành quả của một giai đoạn hội họa sơn mài Việt Nam.

Tranh sơn mài – huyền thoại và hiện thực - 3

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ: Tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác năm 1963, bằng chất liệu sơn mài.

Trên đường mở cõi về phương Nam, dòng tranh nghệ thuật độc đáo này ngày càng lan tỏa giá trị văn hóa và phát triển nhiều nhất ở Bình Dương, Gia Định, Biên Hòa,..tạo thành làng nghề thủ công truyền thống. Tại Bình Dương từ làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, đã lan tỏa khắp các vùng xung quanh trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một.

Ở thập niên 40 - 70, tranh sơn mài truyền thống đã nổi lên với các thương hiệu nổi tiếng, như: Thành Lễ, Trần Hà, Văn Thoạt, Hai Hương, Cảnh An,.. Nổi bật nhất là xưởng sơn mài Thành Lễ với 5 cơ sở cùng 2 phòng triển lãm tại Thủ Dầu Một và Sài Gòn. Có thể nói thương hiệu sơn mài Thành Lễ là một mốc son đưa sơn mài Bình Dương đến sự thăng hoa của nghệ thuật và đưa sản phẩm tranh đến với khách hàng quốc tế. Đến nay, tranh sơn mài Thành lễ vẫn là một trong những hiện vật quý hiếm, được nhiều nhà sưu tập tranh săn lùng và ước ao sở hữu.

Ngày nay, trong công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, năm 2015, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp (Bình Dương) chính thức được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều đó, tranh sơn mài không chỉ đóng góp vào kinh tế địa phương mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo, lịch sử truyền thống đặc sắc trên vùng đất Thủ. 

Mỗi bức sơn mài giá trị là một bài thơ lao động công phu của tập thể nghệ nhân, họa sĩ, công nhân trải qua không dưới 20 công đoạn và 100 ngày để hoàn thành. Sản phẩm đó là kết tinh tài năng, công sức, là sự thể hiện văn hóa tinh thần dân tộc. Và như thế sơn mài đã trở thành niềm tự hào của dân tộc, là thông điệp chứa đựng trí tuệ và tình cảm của người Việt gửi đến bạn bè năm châu. Không phải ngẫu nhiên, nhiều nhà nghiên cứu hội họa đã nhận định tranh sơn mài là một cống hiến nghệ thuật của Việt Nam vào nền văn hóa chung của nhân loại. Thật tự hào và đáng trân trọng lắm thay.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín

Danh họa Nguyễn Gia Trí
Danh họa Nguyễn Gia Trí

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm Kỷ Dậu 1908 tại làng An Trạch, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông...

Tin liên quan

Tin mới nhất