Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật

Ngày 8/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra tọa đàm “Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật” với sự tham dự của nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến. Tọa đàm đã gợi lại những kí ức sôi nổi của phong trào “Bình dân học vụ” và tinh thần hiếu học của nhân dân ta đã được nhen nhóm trong những năm đầu giành độc lập qua lăng kính mỹ thuật của thế hệ họa sĩ kháng chiến.


Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 1

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (bên trái) tại tọa đàm. Hiện bà là Phó chủ tịch Hội đồng Phê bình mỹ thuật thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam và giảng dạy tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Ảnh: Phạm Hằng

Tọa đàm còn có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh – Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các cán bộ, nhân viên công tác tại Bảo tàng cùng đông đảo sinh viên các trường Đại học Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Mỹ thuật Việt Nam tới giao lưu.

Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ triển lãm “Truyền thống hiếu học” - một phần trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về chủ đề này, đa số tác phẩm khắc họa sinh động phong trào “Bình dân học vụ” và một số tác phẩm được sáng tác sau khi đất nước thống nhất, thể hiện những góc nhìn khác nhau về chủ đề học tập.

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 2

Không gian triển lãm “Truyền thống hiếu học” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh Phạm Hằng 

Trong không khí cởi mở, gần gũi của buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến xúc động chia sẻ về những kỉ niệm của nền mỹ thuật Việt Nam giai đoạn chiến tranh (từ sau năm 1945), về kí ức phong trào giáo dục sôi nổi dưới sự khai sáng của Bác Hồ được lưu giữ qua nét vẽ của những tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Diệp Minh Châu, Đỗ Hữu Huề, Trần Văn Cẩn, Ngô Tôn Đệ…

Từng là cán bộ đời đầu và là người phụ nữ săn lùng "kho báu" cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Viện Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Viện trưởng), nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết mình rất ấn tượng với bức tranh “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của họa sĩ Đỗ Hữu Huề. Tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1976, bức tranh này đạt giải C, Bảo tàng mua ngay tại triển lãm, 7 hay 8 trăm đồng.

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 3

Bức tranh "Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng" của họa sĩ Đỗ Hữu Huề. Ảnh Phạm Hằng

“Giống nhiều họa sĩ vẽ Bác Hồ, Đỗ Hữu Huề luôn muốn thể hiện góc cạnh về tình cảm của Bác đối với ngành giáo dục, với thế hệ học sinh Việt Nam qua tác phẩm của mình. Sinh thời Bác luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục và những phong trào học tập do Người phát động lan tỏa rộng khắp và trở thành nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo. Trong lĩnh vực mỹ thuật, có hàng nghìn tác phẩm của các thế hệ nghệ sĩ thể hiện sinh động truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc cũng như sự tiếp nối đến ngày nay”, nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Nhớ lại những kỉ niệm của nền mỹ thuật Việt Nam giai đoạn chiến tranh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến chia sẻ, “ví như bức tranh “Đi học” của họa sĩ Hồng Hải, vẽ những em học sinh đội mũ rơm cắp sách tới trường trong khung cảnh vùng quê tại Sài Sơn, Quốc Oai khiến tôi nhớ về thời gian khó nhất của đất nước trong những năm đầu sau kháng chiến. Ấy vậy mà dù ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, con người ta vẫn nêu cao tinh thần hiếu học. Tinh thần ấy đi vào hội họa cũng sôi nổi đến thế, hội họa cũng hòa mình vào khí thế chung của dân tộc…”

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 4

Bức tranh "Đi học" (sơn mài) của họa sĩ Hồng Hải vẽ năm 1976. Ảnh Phạm Hằng

Vào những năm đầu giành độc lập, phong trào “Bình dân học vụ” và các hoạt động cổ vũ, động viên học tập do Bác Hồ phát động lan tỏa và được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện, trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm vừa có giá trị ghi lại sinh động những giai đoạn lịch sử của dân tộc, vừa có giá trị giáo dục, khơi dậy niềm tự hào, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông học tập, rèn luyện, phấn đấu đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, truyền thống hiếu học là một chủ đề luôn cập nhật, thú vị, không chỉ có giá trị phản ánh tinh thần hiếu học được tiếp nối qua các thế hệ đến ngày nay, mà còn truyền tải được nhiều thông điệp giáo dục ý nghĩa trong cuộc sống. Do đó, đề tài này vẫn luôn hấp dẫn các thế hệ họa sĩ. Qua những bức tranh “Truyền thống hiếu học” đã cho ta thấy một hiện thực khách quan trải dài theo lịch sử đất nước mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dày công lưu giữ lại cho thế hệ sau này chiêm ngưỡng.

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 5

Sinh viên tham quan triển lãm "Truyền thống hiếu học". Ảnh Phạm Hằng

Cuối buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đã dành thời gian trò chuyện cùng những bạn sinh viên quan tâm và muốn tìm hiểu về đề tài truyền thống hiếu học trong hội họa. Những chia sẻ gần gũi, thú vị của một người am hiểu chuyên sâu về lịch sử hội họa như nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đã đem lại cho những người trẻ tham dự tọa đàm góc nhìn sâu sắc hơn về một đề tài nổi bật và xuyên suốt của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ kháng chiến. Đồng thời tọa đàm đã lan tỏa, khích lệ tinh thần hiếu học tiếp nối truyền thống cha anh đến những thế hệ tương lai của đất nước.

Những hình ảnh khác của buổi tọa đàm “Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật”:

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 6

Đông đảo các bạn sinh viên tại các trường đại học đến tham gia, tìm hiểu về truyền thống hiếu học trong hội họa. Ảnh Phạm Hằng

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 7

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cùng các cán bộ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Phạm Hằng

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 8

Bức tranh "Công nhân học vẽ" của họa sĩ Hoàng Công Luận trưng bày tại triển lãm "Truyền thống hiếu học". Ảnh Phạm Hằng

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 9

“Nghe lời Bác dạy”, tranh sơn dầu của họa sỹ Vương Trình. Ảnh Phạm Hằng

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 10

"Đọc báo đội" (1962) - họa sĩ Trần Đức Phú. Ảnh Phạm Hằng

Truyền thống hiếu học dưới góc nhìn nghệ thuật - 11

"Bủ Đường biết đọc" - bức tranh đầy ấn tượng của họa sĩ Tô Ngọc Vân, vẽ một người mẹ vùng trung du trong phong trào "Bình dân học vụ". Ảnh Phạm Hằng

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất