Nguyễn Huy Thiệp - Người về đích sớm

(Arttimes) - Xuất hiện trên văn đàn tương đối muộn, nhưng ngay từ đầu, ông đã trở thành một hiện tượng gây tranh cãi hiếm có trong Lịch sử văn học nước nhà. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng:Anh, Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Hà Lan…Các Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008) đã khẳng định vị trí cao của ông trên văn đàn thế giới.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh 29/4/1950 tại Thái Nguyên, quê gốc Thanh Trì, Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Sử ĐHSP Hà Nội năm 1970, ông lên dạy học ở Hát Lót, Sơn La tròn 10 năm. Từ năm 1980 đến nay, sống và làm việc tại Hà Nội. Ông vừa giã từ cõi đời ngày 20/3/2021, thọ 71 tuổi. Tưởng nhớ về sự nghiệp sáng tác văn học của ông, chúng tôi trích đăng bài viết "NGUYỄN HUY THIỆP - NGƯỜI VỀ ĐÍCH SỚM" của nhà thơ Châu Hồng Thủy giới thiệu cùng bạn đọc.

Trong truyện ngắn Giọt máu, một nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp bảo: "Danh hiệu nhà thơ là danh hiệu lỡm người bạc phúc". Lại thêm ông Đồ Ngoạn rùng mình: "Bác ơi, chữ nghĩa nó ghê gớm lắm. Yếu bóng vía là nó ám mình, nó làm cho mình thê thảm, đau đớn mới thôi".

Quả thực, nhiều người theo đuổi nghề cầm bút, cứ ngỡ mình là nhà văn, nhà thơ, cuối đời nhìn lại, thấy hàng chục tập thơ, truyện ngắn của mình là đồ bỏ. Trước mặt họ, đích còn mông lung, mờ mịt lắm. Té ra họ mới chỉ mon men đến ngưỡng cửa văn chương. Thế là tàn một đời người.

Nguyễn Huy Thiệp rất hiểu điều đó. Hè năm 1988, khi tôi phỏng vấn anh để viết cho mục “Các nhà văn là nhà giáo” của báo Người Giáo viên Nhân dân, anh bảo: "Trước khi bắt tay vào viết văn, tôi đã nghiên cứu tiểu sử và tác phẩm của hơn bốn trăm nhà văn. Mấy năm trước có gửi truyện cho một số báo, họ chê không đăng. Hai năm nay, có dăm cái trên Văn Nghệ, chưa có gì đáng kể. Các anh cứ tìm đọc, rồi viết gì thì viết. Tôi coi văn chương chỉ là trò chơi thôi mà". Tuy anh nói vậy, tôi không tin. Một người đã chuẩn bị bước vào nghiệp văn chương bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng tiểu sử, tác phẩm của hơn bốn trăm nhà văn, không thể coi văn chương là trò chơi. Anh bước vào nghề, tự tin vì đã chuẩn bị kĩ càng. Vừa xuất hiện, anh đã trở thành một hiện tượng văn học hiếm có, khuấy đảo không khí văn học nước nhà.

Nguyễn Huy Thiệp - Người về đích sớm - 1

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh chụp năm 2006 - Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán

***

Phải nói, người có công đầu đưa Nguyễn Huy Thiệp lên văn đàn là nhà văn Ngô Ngọc Bội và Nguyên Ngọc (Tổng biên tập báo Văn Nghệ lúc bấy giờ). Cứng bóng vía như hai ông mới dám lăng-xê một nhà văn gai góc trong hoàn cảnh bấy giờ. Thực ra, hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp là sự đòi hỏi của xu thế tự do trong sáng tác đã âm ỉ từ lâu. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với 100 văn nghệ sĩ, với chủ trương cởi trói cho văn nghệ, đã tạo thế "bung ra" trên báo chí. Trong lúc mọi người còn dè dặt, Nguyên Ngọc, Ngô Ngọc Bội đã dũng cảm đi tiên phong, cho đăng những bút kí, tiểu luận làm xôn xao dư luận: Vua lốp (Trần Huy Quang), Cái đêm hôm ấy hôm gì (Phùng Gia Lộc), Người đàn bà quỳ (Minh Chuyên), Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa (Nguyễn Minh Châu); đặc biệt là những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Nền văn học nước nhà như bừng tỉnh. Người ta tranh luận nhiều vấn đề, nhưng tập trung xung quanh Nguyễn Huy Thiệp. Trước đó mấy chục năm, Nguyễn Công Hoan với Kép Tư Bền đã làm bùng nổ cuộc tranh luận giữa phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật" với "Nghệ thuật vị nhân sinh" (1936-1939), rồi đến cuộc chống Nhân văn giai phẩm (1956 - 1958); nhưng các cuộc tranh luận ấy nghiêng về chính trị hơn là học thuật. Đến Nguyễn Huy Thiệp, đấy mới là cuộc tranh luận học thuật sôi động nhất, gay gắt nhất. Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến viết giới thiệu cho tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp một cách nồng nhiệt, nhưng với một đầu đề có vẻ như nghịch lý: "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió".

Đó là lời báo trước con đường văn nghiệp đầy sóng gió của Nguyễn Huy Thiệp. Quả thực, người ta đã cho anh "lên bờ xuống ruộng". Nhưng nhiều người nhảy ra hứng đòn thay anh, "gắn huân chương" cho anh. Anh trở thành cái cớ để hai bên luận chiến, là cái mốc để phân chia ranh giới. Chống Nguyễn Huy Thiệp là bảo thủ, ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp là cấp tiến. Người phê phán Nguyễn Huy Thiệp nhiều nhất là Tiến sĩ Mỹ học Đỗ Văn Khang. Và chính bản thân ông Khang trở thành mục tiêu công kích của phái cấp tiến trên báo chí, cũng như ở các cuộc bàn luận sôi nổi quanh bàn trà. Trong không khí hừng hực luận chiến ấy, Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội tổ chức một cuộc hội thảo về văn học trong thời kì đổi mới. Trong hội thảo, Nguyễn Huy Thiệp phát biểu rất ngắn, tôi nhớ nhất câu khẳng định xanh rờn" của anh: "Tôi tin rằng, mọi người sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực về tôi". Rất tự kiêu, nhưng mà đúng. Báo chí ròng rã hàng năm trời cãi nhau về anh. Bởi anh là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam. Chính tôi cũng là người tốn nhiều giấy mực về Nguyễn Huy Thiệp. Luận văn sau đại học của tôi viết về Tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, do giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh hướng dẫn. Hôm tôi bảo vệ, Nguyễn Huy Thiệp cũng đến dự. Bạn bè, các em sinh viên đến rất đông, phần vì đề tài đang là vấn đề thời sự, phần vì họ tò mò kéo đến xem mặt Nguyễn Huy Thiệp là chủ yếu.

Như trên đã nói, Nguyễn Huy Thiệp là điểm mốc ranh giới phân chia hai phe. Người "chửi" cũng chửi hết lời, người khen cũng khen hết mức. Nhiều người kết tội Nguyễn Huy Thiệp xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, bôi nhọ anh hùng dân tộc, hạ bệ thần tượng (tập trung ở bộ ba: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, và thêm nữa là Tướng về hưu). Họ không thể chấp nhận hình ảnh vua Quang Trung anh hùng lại có thể háo hức trầm trồ xem các đồ biếu xén rồi chửi "Thằng Khải kia, tao cho mày ăn cứt", nhà vua lại mê gái v.v... Họ không thể chấp nhận giọng văn tàn nhẫn lạnh lùng của Nguyễn Huy Thiệp, chê văn Thiệp là đặc Tàu… Người ta giãy nảy lên khi Nguyễn Huy Thiệp cho nhân vật Phăng (người Pháp) viết trong nhật ký về xứ An Nam: "Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó... Nguyễn Du là con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình" (Vàng lửa). Nhiều người ghê tởm về sự "thô tục" trong văn Nguyễn Huy Thiệp, khi anh cho các nhân vật của mình nói năng bạt mạng, du côn; còn ông Kiền, bà Lâm gọi bộ phận sinh thực khí nam nữ bằng đúng tên gọi trần trụi của nó; hoặc "Vua Gia Long muốn "gần" Vinh Hoa, từ âm hộ của nàng tiết ra một chất ngát mùi hoa sữa, khiến nhà vua "xây xẩm mặt mày... ngã quay ra đất, ngất lịm đi" (Phẩm tiết) v.v... Giáo sư Nguyễn Thái Hòa bảo tôi: "Thiệp nó không bịa đâu. Nó am hiểu sử Tàu đấy. Ngày xưa vua chúa kén phi tần, hoàng hậu, người nào có chất sạ thơm là quý tướng, mới được chọn...". Trong bản in lại năm 1997, Nguyễn Huy Thiệp (hoặc biên tập viên Nhà xuất bản) cắt bỏ chi tiết “âm hộ của nàng tiết ra một chất ngát mùi hoa sữa”, cả chi tiết Quang Trung bắt Ngô Khải ăn cứt cũng bỏ, chắc anh (hoặc NXB?) ngại bị người ta chửi.

***

Văn Nguyễn Huy Thiệp là thứ văn "nổi loạn". Nổi loạn về tư tưởng, nổi loạn về phong cách. Về tư tưởng, anh nghĩ những điều mà người khác không nghĩ đến, dám nói những điều mà người khác không dám nói. Mặc kệ người chửi, người khen, Nguyễn Huy Thiệp không viết bài tranh luận. Anh chỉ lừ lừ tung ra trên báo những truyện ngắn, để tác phẩm tự nói lên chính kiến của mình. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh bảo: “Văn đàn ta có hai người ngông. Cụ Nguyễn Tuân mới chỉ ngông về mặt nhân cách. Nguyễn Huy Thiệp ngông hơn, ngông về tư tưởng”. Vâng, ngông vào thời điểm cuối những năm 80 mới chịu nhiều búa rìu dư luận, chứ nếu vào thời buổi bây giờ (năm 2000) chắc sẽ bình thường. Nguyễn Huy Thiệp đã "nổi loạn" chống lại nếp suy nghĩ cũ mòn, một chiều trong mấy chục năm qua, xem xét lại các giá trị đã được xếp loại, lâu nay tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi nữa, thổi vào văn học luồng sinh khí mới. Nhưng cái đó lại nghiêng về chính trị, mọi người cãi nhau cũng đã nhiều rồi, nay tôi không nói nữa.

***

Văn của Nguyễn Huy Thiệp có ma lực, biến ảo, sống động, nhốn nháo, lung linh, khác hẳn thứ văn nhàn nhạt ngự trị văn đàn cả một thời. "Tục" cũng là một yếu tố "nổi loạn", chống thứ văn chương đạo mạo, nhạt nhẽo. "Tục" cũng là một thủ pháp nghệ thuật gây ấn tượng, tăng hiệu quả biểu cảm. Có một giai thoại, kể rằng quân đội của Napoleon (Pháp) bao vây, dồn quân Anh vào tình thế nguy ngập, quân Pháp gọi loa kêu đầu hàng. Viên đại tá chỉ huy quân đội Anh văng tục: "Cứt". Có lẽ không có câu trả lời nào hay hơn, quyết liệt hơn từ đó.

Nguyễn Huy Thiệp căm ghét, khinh bỉ loại trí thức lưu manh. Anh giáo Triệu trong Những bài học nông thôn từng bảo: "Tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với người bình dân... Vì chúng giả hình, chúng nhân danh lương tâm, đạo đức mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa".

Có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là người bảo thủ, khi anh dị ứng với đời sống thị thành, muốn con người quay lại với đời sống núi rừng hoang sơ nguyên thủy, trở về với ruộng đồng thôn dã, Những nhân vật phố phường của anh hầu như chẳng ra gì. Họ sống nhốn nháo, đểu giả, bị đồng tiền làm hỏng, suy đồi về đạo đức: anh thanh niên Hạnh, cán bộ "một Vụ ở Bộ Giáo dục" vì khao khát đồng tiền đã bị phát điên (Huyền thoại phố phường); dòng họ Phạm tàn độc từ khi con cháu rời đất Kẻ Noi, đi học rồi biến chất (Giọt máu); gia đình lão Kiền như một xã hội "không có vua" lộn tùng phèo, bố chồng nhìn trộm con dâu tắm, em chồng làm việc ở Bộ Giáo dục đòi "chim chuột" chị dâu, cậu sinh viên ăn vụng trong nhà bếp; bác sĩ Thủy ở bệnh viện sản nạo thai, đem các thai nhi nấu nuôi lợn và chó bẹc-giê (Tướng về hưu) v.v... Truyện của anh, nghe rợn cả người, giọng văn cứ lạnh lùng, nghiệt ngã, như mổ xẻ, phanh phui những mặt trái của đời sống.

Không! Nguyễn Huy Thiệp không bảo thủ, không chống lại văn minh thời đại. Anh chỉ lên án cái xấu xa của đời sống thị thành trong thời buổi nhiễu nhương. Thầy giáo Triệu là con một vị Bộ trưởng, mẹ anh xuất thân từ một gia đình trí thức tiếng tăm. Đã chín năm, anh từ bỏ thành phố về sống độc thân ở làng quê, làm một giáo viên cấp 1 bình thường, là một phản ứng với đời sống thị thành. Anh bảo: "Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều mang trọng tội. Chúng ta phá tan nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ, lừa bịp bằng tình cảm, bóc lột tận xương tủy, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh" (Những bài học nông thôn). Sự phản ứng của anh Triệu là tiêu cực, chẳng giải quyết được vấn đề xã hội. Những người như anh Triệu phải chết, cũng như Đặng Phú Lân, trong Kiếm sắc (chết một cách khác) đều hàm chứa ý nghĩa sâu xa.

***

Trở về đề tài nông thôn, giọng văn Nguyễn Huy Thiệp tự dưng khác hẳn. Cảnh nông thôn thanh bình và đầy chất thơ, con người nông thôn hiền lành, chân chất trong trẻo tuyệt vời. Hầu như nhân vật nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp đều đẹp. Họ là đối trọng với những nhân vật thị thành, là điểm sáng trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Nông thôn là nơi nương náu cuối cùng, là nơi bảo tồn tâm hồn Việt. Đó là chị Thắm lái đò giàu lòng vị tha, khuyên cậu bé chết đuối hụt không nên trách những người đánh cá (họ không có lệ cứu người chết đuối), vì "Có ai yêu thương họ đâu. Họ đói mà ngu muội lắm" (Chảy đi sông ơi). Đó là vợ chồng cô giáo Thục ở nơi rừng núi Sơn La tốt bụng và chân chất, là bà Lâm, bố Lâm, chị Hiền hồn nhiên, tình nghĩa. Tâm hồn nhà văn nghiêng về những người phụ nữ, ca ngợi vẻ đẹp tầm hồn của họ. Dẫu đôi lúc các nhân vật của anh nhận xét về phụ nữ có vẻ khinh miệt, nhưng đó không phải là tư tưởng chủ đạo của nhà văn. Các nhân vật phụ nữ của anh đẹp, nhưng họ chỉ đẹp khi ít học, ít va chạm đời sống xã hội bên ngoài, không sống trong sự dư dật... Họ là những phụ nữ của nông thôn, phụ nữ của núi rừng... Có vẻ như Nguyễn Huy Thiệp lại sa vào "bảo thủ" trong cách nhìn phụ nữ. Nhưng anh không phải không có lý.

Tôi rất ngạc nhiên, ngỡ như ở Nguyễn Huy Thiệp, có hai nhà văn cùng nhập vào anh. Nhà văn thứ nhất kiêm nhà chép sử, với giọng văn khách quan một cách lạnh lùng, đôi khi nghiệt ngã. Nhà văn ấy cứ thủng thẳng kể, tả các sự kiện, nhân vật, có lúc cụ thể tỉ mỉ đến từng chi tiết, có lúc như tình cờ điểm qua, nhưng đầy dụng ý nghệ thuật. Có thể thấy rõ giọng văn này ở Tướng về hưu, Giọt máu, Không có vua, Kiếm sắc, Vàng lửaPhẩm tiết...  Dấu ấn nghề nghiệp in đậm trong từng trang viết của anh. Sử ký Tư Mã Thiên chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ tới văn phong của Thiệp. Văn của Nguyễn Huy Thiệp hàm súc đến cao độ. Mỗi câu, mỗi chữ đều như bị nén lại, đầy ắp những thông tin, những ý tưởng, đa nghĩa. Mỗi truyện của anh, có nhiều vấn đề được đề cập, có thể triển khai thành nhiều truyện khác.

Nguyễn Huy Thiệp - Người về đích sớm - 2 Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du - nay là Khoa Viết văn – Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội, 2019. Từ phải sang: tác giả Châu Hồng Thủy, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Phạm Đình Trọng

Nếu chỉ có giọng văn như thế, Nguyễn Huy Thiệp đã là nhà văn đáng nể rồi. Nhưng nói tới dòng sông, tới núi rừng, tới đồng quê, tới tâm hồn phụ nữ, Nguyễn Huy Thiệp lại thành nhà thơ, nhà triết học. Con mắt Nguyễn Huy Thiệp nhìn thiên nhiên tinh tế, tâm hồn anh như sợi dây tơ mảnh. Chỉ một ngọn gió mơ hồ thoảng qua cũng ngân lên. Tôi yêu dòng sông ấu thơ của Nguyễn Huy Thiệp thao thiết chảy, tiếng chuông nhà thờ lan trên mặt sông mang mang vô tận, tiếng gõ đuổi cá lanh canh và tiếng sóng vỗ oàm oạp trên mạn thuyền. Những dòng sông trong văn Nguyễn Huy Thiệp đều buồn, buồn tê tái với kỷ niệm xưa, với tiếng gọi đò ráo riết. Dòng sông luôn là nỗi ám ảnh của đời người, Ám ảnh bởi huyền thoại con trâu ở dưới lòng sông, huyền thoại về con gái thủy thần, để tâm hồn đa cảm của nhà văn suốt đời tìm tiếm. Và kia, hoa ban trắng đến nao lòng, bắt người ta phải nghĩ đến nghìn năm trước, và nghìn năm sau hoa ban còn trắng nữa không v.v...

***

Sau năm 90, Nguyễn Huy Thiệp còn viết thêm cả kịch và tiểu thuyết. Những gì anh viết khoảng 10 năm gần đây (1990 -2000), tôi không thích nữa. Ấn tượng để lại sâu sắc trong tôi là những tác phẩm anh xuất bản trong bốn năm (86-90). Chỉ bốn năm thôi, đã đủ làm nên một nghiệp văn. Nguyễn Huy Thiệp đã về tới đích của văn chương. Chặng đường sau của anh, tôi nghĩ, anh không vượt qua nổi chính mình ở giai đoạn trước.

Matxcơva, viết xong lúc 2h26' sáng 15.12.2000

In lần đầu trên Tạp chí “Người Bạn Đường” của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, số 13, Matxcơva, năm 2001

Theo Thời báo Văn học nghệ thuật số 12 năm 2021 None

Châu Hồng Thủy

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T