Nhân dân hay ưu tú? cần tâm phục khẩu phục

(Arttimes) - Phong các danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) và Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) cho giới hoạt động biểu diễn nghệ thuật là việc làm cần thiết thể hiện sự quan tâm, trân trọng, đề cao hoạt động này của Đảng và Nhà nước ta.

Từ lần đầu tiên vào năm 1984 đến nay đã qua 9 lần phong danh hiệu NSƯT, NSND, rất nhiều nghệ sỹ có tài năng, đạo đức và bề dày cống hiến đã được phong tặng. Trước hết, cần khẳng định việc phong tặng các danh hiệu nghệ sỹ là một chủ trương rất đúng đắn của Nhà nước và nhìn trên đại thể, toàn cục là sự nghiêm túc. Tuy nhiên, ngay từ lần phong đầu tiên (1984) đã có những ý kiến trong dư luận dị nghị về sự không chính xác, không thoả đáng ở một số trường hợp. Tình hình này dẫn tới việc có nhiều người không mặn mà khi làm các thủ tục để được phong. Dẫn tới sự không thuận lòng của dư luận xã hội khi phong tặng chưa chính xác ở một số trường hợp như đã nói là do hai nguyên nhân. Thứ nhất, về khách quan, lúc đầu có quy định cụ thể về số lượng các huy, huân chương, giải vàng, giải bạc nghệ sỹ cần đạt được qua các kỳ hội diễn. Thứ hai, về chủ quan, các Hội đồng xét duyệt các cấp chưa phát huy hết sự minh tuệ. Bên cạnh những thành viên có tâm sáng, trí sắc vẫn còn người chưa thực sự khách quan hoặc hạn chế về “gu” thẩm mỹ, rồi bị chi phối bởi những yếu tố nằm ngoài nghệ thuật dẫn đến việc thẩm định thiên lệch, thiếu chính xác.

Nhân dân hay ưu tú? cần tâm phục khẩu phục - 1

Ảnh minh họa

Qua phản ứng của dư luận, Nhà nước đã lắng nghe và điều chỉnh quy định, không coi trọng nhiều về các thứ hạng giải thưởng trong các kỳ hội diễn như trước mà xét tới hiệu quả nghệ thuật, hiệu ứng tài năng, ảnh hưởng trong công chúng. Quả tình đây là một quan niệm rất đúng đắn, sẽ hoàn toàn thuyết phục nếu sự thẩm định công tâm, khách quan dẫn tới những kết quả chính xác – dẫu chỉ là tương đối. Chủ trương cải tiến, thay đổi này đã diễn ra ở một vài lần phong gần đây được xã hội và giới nghệ sỹ đồng tình. Song, tại lần phong gần đây nhất vào năm 2019 lại xảy ra điều ngược lại: Nếu trước, do ràng buộc về số huân, huy chương vàng tại các hội diễn mà nhiều nghệ sỹ tài ba, tên tuổi, được công chúng mến mộ đã bị trượt chỉ vì họ không bao giờ tham dự hội diễn nào thì lần phong năm 2019 lại tỏ ra quá dễ dãi ở một số nghệ sỹ. Không tiện nêu tên cụ thể bởi sẽ khiến họ bị tổn thương lớn mà họ lại không có lỗi. Lỗi là ở những người phong cho họ. Tôi biết rõ trong lĩnh vực ca nhạc có mấy trường hợp được phong NSƯT là quá rộng rãi rồi, vậy mà còn được phong NSND. Có người thì cái tên nghe quen bởi hát quá nhiều bài trên đài phát thanh nhưng không gây dấu ấn gì, không hát được bài nào khiến công chúng ghi nhớ bởi giọng hát dở, không hay nếu không nói là quá tầm thường, thua kém xa nhiều người hát nghiệp dư trong phong trào không chuyên. Người thì tuy được đào tạo bài bản nhưng hát cứ như người nước ngoài hát bài hát Việt, không rõ lời, không truyền cảm. Và trong các loại hình nghệ thuật khác cũng đều thấy có những trường hợp được phong quá rộng rãi như thế. Với số đông công chúng, sự rộng rãi, “đại trà” NSƯT, NSND như thế này không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ vì đơn giản họ chỉ thưởng thức, hay thì họ nghe, dở thì thôi, tắt đài, loa. Nhưng với phong trào thì sẽ phản tác dụng và thể hiện sự dễ dãi, thấp kém trong việc xác định các chuẩn mực nghệ thuật của chúng ta.

Nhớ lại lần phong đầu tiên vào năm 1984, trong lĩnh vực ca nhạc, chỉ có số ít ca sỹ được phong NSND nhưng đều rất xứng đáng: Quốc Hương, Thương Huyền, Tường Vy, Thanh Huyền. Họ thực sự là những nghệ sỹ được số đông công chúng rất ái mộ. Ngay một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực thanh nhạc, cực kỳ nổi tiếng mà lần đó cũng chỉ là NSƯT, phải những lần sau đó mới được đôn lên NSND như Quý Dương, Trần Khánh, Trần Hiếu, Trung Kiên, Thu Hiền, Lê Dung. Vậy mà những người đến NSƯT còn là gượng ép mà cũng NSND thì xếp cùng mâm, cùng thứ hạng với những nghệ sỹ lớn vừa nhắc sao? Như vậy vô tình đã hạ thấp những bậc tài danh vừa có tài đặc biệt vừa có những cống hiến rất lớn cho nền thanh nhạc nước nhà kể trên.

Về vấn đề này, với tư cách trước hết là người thưởng thức văn nghệ, sau là một văn nghệ sỹ, tôi xin có đôi điều như sau:

Thứ nhất: Các danh hiệu nghệ sỹ là để phong cho những người làm công việc hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định ở mục 1 điều 1 Thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL ban hành ngày 16/7/2010 chứ không phải làm công tác văn nghệ nói chung. Vì “nghệ sỹ” tức người làm nghề nghệ thuật bao hàm nghĩa rộng hơn chứ không chỉ biểu diễn (sáng tác, nghiên cứu, lý luận văn nghệ). Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có việc trao đổi xung quanh ý: Nên hay không nên phong danh hiệu nghệ sỹ cho hai đối tượng: Phát thanh viên (PTV) và nhạc sỹ (NS). Thực ra việc này là quá rõ, không cần phải bàn gì nhiều. Ngay sau lần phong đầu tiên (1984), tôi đã nhận thấy đó là điều không chuẩn. PTV không phải là nghệ sỹ tuy nghề này không phải ai cũng làm được, nhất là PTV truyền hình. PTV đọc các bản tin, nội dung liên quan đến văn nghệ còn có chút dính dáng chứ đọc các vấn đề thời sự, chính trị khác thì sao có thể gọi được là nghệ sỹ? Cần tôn vinh thì hãy nghĩ tới việc phong PTV Ưu tú, PTV Nhân dân cho họ (giống như phong thày thuốc, nhà giáo ƯT, ND vậy). Nhưng thiết nghĩ không nên lạm dụng các danh hiệu Ưu tú và Nhân dân để phong cho quá nhiều tầng lớp nghề nghiệp trong xã hội. Mặc dù rất yêu quý, ngưỡng mộ các nữ PTV truyền hình vì vừa xinh đẹp lại có giọng nói hay nhưng tôi cũng xin được nói: Công việc của các bạn chưa phải là nghệ thuật, không thể khó bằng làm nghệ thuật, không đòi hỏi phải lao tâm khổ tứ như các nghệ sỹ biểu diễn. Không thể vì đã có tiền lệ mà cứ tiếp tục duy trì điều không chuẩn này.

Có nên phong các danh hiệu NSƯT và NSND cho giới nhạc sĩ cũng là nội dung các Đại biểu Quốc hội bàn thảo. Cũng rất dễ phân định. Nhạc sỹ sáng tác, lý luận gắn với những tác phẩm, công trình đã được tặng các loại giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước thì không thể phong NSƯT và NSND nữa, trừ trường hợp họ vừa là chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn chương trình ca nhạc giỏi lại có nhiều sáng tác nổi trội. Như vậy, các nhạc sỹ làm công việc chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn chương trình ca nhạc thì đương nhiên vẫn được xét để phong như hiện tại.

Tôi cho rằng dẫu dựa vào bất cứ tiêu chuẩn, tiêu chí nào thì cũng vẫn phải trở lại cái tên của những danh hiệu: NSƯT và NSND. Đã là ưu tú thì phải trên mức bình thường. Hát dở, diễn xoàng, không bằng những người hoạt động nghiệp dư thì sao có thể là ưu tú? Tính từ “ưu tú” là những gì tốt đẹp trên mức bình thường. (Đảng viên, đoàn viên, học sinh, thày thuốc… ưu tú). Còn đã là NSND thì số đông nhân dân phải biết, phải hâm mộ, ưa thích. Không chỉ ngưỡng mộ tài năng (hát, diễn) mà còn quý nể cái nhân cách, phẩm hạnh, đức độ của người nghệ sỹ. Hát hay, diễn giỏi mà cuộc sống đời thường quá nhiều bê bối, nhân cách kém, đạo đức xấu, sống bê tha, buông thả, đi ngược lại truyền thống đạo lý ông cha thì không thể là NSƯT, càng không thể là NSND. Nhìn vào danh sách những nghệ sỹ được phong hai danh hiệu này trong 9 đợt đã diễn ra, thấy để lọt những trường hợp như vừa nêu gây phản cảm, bất bình trong dư luận. Người Việt ta rất trọng đạo lý, phẩm hạnh. Tài giỏi đến đâu mà sống thương luân bại lý, vô nhân, thất đức cũng kể như vô dụng. Có một anh chàng nọ người Hà Nội, trước đây người ta khen có giọng hát hay. Anh ta đi bộ đội rồi đào ngũ, khai ra những bí mật quân sự cho địch biết dẫn tới đơn vị quân Giải phóng bị tiêu diệt, tổn thất nặng nề. Sau ngày 30/4/1975, anh ta di tản sang sống ở Mỹ, trở thành ca sỹ. Những người Việt yêu nước ở hải ngoại đã không muốn nghe anh ta hát bởi nhớ đến hành vi đê hèn của anh ta năm xưa. Đây không phải là vấn đề chính trị mà là nhân cách, phẩm chất, đạo đức của con người.

Một điều nữa không thể không nói: Các danh hiệu là để phong cho những nghệ sỹ được công chúng ghi nhận qua tài năng và ý thức, tinh thần phục vụ. Không thể thay thế tài năng bằng thành tích công tác, sự hy sinh công sức nhất là từng qua chiến tranh, đạn lửa. Nghệ sỹ nào mà hát không hay, diễn không thuyết phục nhưng có nhiều công trạng, thậm chí là thương binh, từng hy sinh xương máu cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thì xin phong anh hùng và mọi trọng thưởng khác để tri ân chứ không thể phong các danh hiệu nghệ sỹ. Việc nào cần đi việc nấy, không thể lẫn lộn.

Tất nhiên, mọi thứ không thể đòi hỏi tuyệt đối. Nhưng đạt được độ chuẩn xác chừng nào hay chừng nấy, cố gắng giảm thiểu đến mức tối đa những lùm xùm, ì xèo trong dư luận để một việc rất có ý nghĩa luôn phát huy tác dụng là điều các Hội đồng xét chọn phải nỗ lực để đạt được. Dẫu sao thì cũng không thể để dư luận kéo dài tình trạng bất tâm phục khẩu phục như vẫn còn xảy ra ở mọi cuộc phong tặng đã qua. Không thể để xảy ra tình trạng có trường h ợp NSND có tài, nhưng sức thuyết phục công chúng lại thua kém NSƯT, hoặc người không được phong danh hiệu gì lại được công chúng hâm mộ hơn NSƯT, thậm chí cả NSND. Những nghịch lý này cần được loại bỏ ở bất kỳ một đợt phong danh hiệu nào./.

None

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.