Có một Vũ Thành Chung nhà thơ - nhiếp ảnh gia đích thực

Nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Thành Chung, sinh ngày 3/3/1948 tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Năm 1967 nhập ngũ khi 19 tuổi, bộ đội thời chống Mỹ (1967 – 1974). Năm 1975 là sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam được cử đi học Đại học tại Mátxcơva, tốt nghiệp với bằng Tiến sĩ Luật – Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Về nước anh có nhiều năm công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhà thơ, Nhiếp ảnh gia Vũ Thành Chung hiện là hội viên của 4 Hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, .

CÓ MỘT VŨ THÀNH CHUNG NHÀ THƠ…

Vũ Thành Chung làm thơ từ rất sớm. Năm 1975 anh đã giành Giải A trong cuộc thi thơ về đề tài Thương binh Liệt sĩ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Năm 2002 có tập thơ in chung Thơ những ngày xa với nhà thơ Kim Chuông và Hà Cừ. Năm 2003 có tập thơ in riêng đầu tiên: Miền quê thao thức. Sau đó là các tập liên tiếp ra đời: Biển nhớ, Thơ xanh bóng núi, Lục bát giao duyên (2005), Cảm ơn nỗi niềm (2007); Cát ru (2009)…

Có một Vũ Thành Chung nhà thơ - nhiếp ảnh gia đích thực - 1

Nhà thơ, NSNA Vũ Thành Chung

Sinh ra ở Hải Phòng nhưng thơ Vũ Thành Chung lại neo đậu, gây ấn tượng ở Thái Bình với hai bài thơ. Bài thơ Lúng liếng, có đoạn viết:

“Mắt em lúng liếng đưa duyên

Làn chèo em đổ cho thuyền đứt neo

Anh về buộc lại dây lèo

Chở em cùng những điệu chèo sang sông”

Bài thơ Lúng liếng vừa được in, nhạc sĩ Huy Thục thích liền. Ông tức thì phổ nhạc, chắp cánh cho bài thơ bay lên. Bài hát qua thơ Vũ Thành Chung do Nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc được tuyển vào Những ca khúc chính thức của Hà Nội năm 2006. Sau đó, nhạc sĩ Huy Thục cùng Vũ Thành Chung trao tặng cho Đoàn ca múa nhạc Thái Bình được độc quyền sử dụng trong các chương trình biểu diễn..

Bài thứ hai cũng viết về Thái Bình nhưng rất kiệm lời, cô đọng và gây xúc động lòng người mang tên 28 vạn người. Tên của bài thơ lúc đầu không ai nghĩ là thơ nhưng khi đọc mới thấy hết sự xúc động:

“Hạt cám cuối cùng đã hết

Củ chuối đào mãi chẳng còn

Rau má không kịp mọc

Đường làng cánh đồng, góc chợ

La liệt xác người đen đúa

Quạ đen che kín mặt trời

Tiếng rên ngày đêm khắc khoải

Người sống đưa người chết

Ngã cùng người chết xuống huyệt

Thái Bình chìm trong đại tang”

và khổ thơ cuối cùng như thức tỉnh:

“28 vạn người chết đói năm 1945

Đang cùng tôi gieo mạ”.

Thái Bình, 2004.

(Bài thơ này in trên Báo Văn nghệ số 18/2/2004).

Thơ Vũ Thành Chung được các nhà thơ đàn anh, các bạn thơ trân trọng và nhiệt tình cổ vũ: Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Thái Giang, Lê Đình Cánh, Nguyễn Trọng Tạo, Lương Sĩ Cầm, Bình Nguyên, Tô Ngọc Thạch, Kim Chuông, Ngọc Bái… viết bài giới thiệu, được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc như Huy Thục, Đoàn Bổng, Thuận Yến, đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã dựng từ Trường ca Tiếng hát mùa hoa phượng đỏ, sau đổi thành Sóng Bạch Đằng. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã bỏ ra hai năm để “dựng” và hoàn thành Đại hợp xướng Sóng Bạch Đằng. Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi âm nhạc Hải Phòng phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Bản Đại hợp xướng Sóng Bạch Đằng đã được Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng phát đầu tiên và sau đó là Đài Tiếng nói Việt Nam. Tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và nhà thơ Vũ Thành Chung đã “một thời vang bóng”.

…VŨ THÀNH CHUNG, NHIẾP ẢNH GIA ĐÍCH THỰC

Tôi gặp Vũ Thành Chung trong “Liên hoan Thơ châu Á-Thái Bình Dương” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh năm 2012. Anh là nhà thơ, đại biểu được mời tham dự Liên hoan thơ Quốc tế lần đầu tiên ở Việt Nam tổ chức nhưng anh còn khoác trên mình chiếc máy ảnh chuyên nghiệp.

Giờ nghỉ, Chung đến gặp tôi tự giới thiệu: “Em là Vũ Thành Chung, nhà thơ nhưng cũng rất mê nhiếp ảnh”.

Chung đưa cho xem một số ảnh phong cảnh, ruộng bậc thang, về Hà Nội, Huế và Tây Nguyên. Đến tấm ảnh chụp đàn vịt với chú thích Quả trứng vàng chụp úp từ trên cao xuống. Đàn vịt hàng nghìn con đang rùng rùng chuyển động, quây tròn lấy anh chăn vịt cầm cờ hướng cho đàn vịt đi hướng khác. Tôi xuýt xoa khen đẹp, có bố cục lạ, hình tượng độc đáo, tôi khuyên: “Anh Chung nên gửi dự thi quốc tế thế nào cũng được giải đấy”. Chung cười: “Em đã gửi dự thi quốc tế và được tặng Huy chương Vàng rồi” - “Có thế chứ, anh Chung có thể tạm “đặt vòng” về thơ mà đi vào nhiếp ảnh, thành công đấy!”. Tôi chưa hề biết Chung đã âm thầm cầm máy ảnh từ mấy năm trước.

Vũ Thành Chung tâm sự: “Mấy mươi năm làm thơ hình như viết đã “mỏi tay cạn chữ”, tôi nhìn sang bên nhiếp ảnh thấy thật hấp dẫn. Bạn bè nhiếp ảnh rủ đi chụp, tôi như bị cuốn hút vào lĩnh vực nghệ thuật mới. Thế là tôi cùng bạn bè nhiếp ảnh rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Ở nơi nào tôi cũng thấy đất nước mình sao mà đẹp thế, có những nơi tôi tới ở lại dăm bữa hay nửa tháng, chụp đi rồi chụp lại khi nào thấy được tấm ảnh ưng ý mới thôi. Được tấm hình nào triển lãm xem như đã là thành công lớn với tôi và mừng lắm. Đi nhiều nơi, kết giao nhiều bạn bè nhiếp ảnh tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích, “Học thầy không tày học bạn” mà, nhất là trong lĩnh vực photoshop. Nghệ thuật ảnh đã thấm vào tôi như người nghiện rượu, sắm thêm đồ nghề ảnh, máy ảnh, ống tele 200 rồi lại 400… Núi cao, biển rộng ở đâu có cảnh đẹp, sự kiện nóng hổi tôi lại xách máy ra đi, vào Nam ra Bắc… nên NSNA Bình Nguyên tặng tôi mấy câu thơ vui: “Đời làm một chuyến đi xa, mỗi năm anh ghé thăm nhà”.

Có một Vũ Thành Chung nhà thơ - nhiếp ảnh gia đích thực - 2

"Tâm giao" - Huy chương Vàng VAPA - Ảnh Vũ Thành Chung

Năm 2023, ở tuổi 75 anh đã hoàn thành tập sách ảnh của riêng mình dày dặn về số trang và nội dung, hình ảnh khá phong phú. Cách trình bày khoa học giúp người xem dễ dàng tiếp nhận. Với cách nhìn nhiếp ảnh của một luật sư, sự giao thoa giữa thơ và âm nhạc với nhiếp ảnh, anh gửi gắm tới người xem về hình ảnh, góc nhìn, đến cách thể hiện cũng có khác với một nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh.

Trên 20 điểm dừng chân chụp ảnh, có chỗ đi nhiều lần, có chỗ dừng chân cả tháng. Trước khi giới thiệu hình ảnh, anh có đôi lời rất ngắn gọn, chẳng hạn như:

Hà Nội - Năm 2010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội) và đặt tên thành Hà Nội nay là Thủ đô nước Việt Nam có ngàn năm văn hiến với tên gọi: Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội “nổi tiếng với những kiến trúc văn hóa độc đáo”.

Hải Phòng kề bên sông Bạch Đằng lịch sử, là trung tâm công nghiệp, cảng biển phía Bắc, một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương. Tháng năm về Hải Phòng rợp trời hoa phượng đỏ.

Ninh Bình - nơi phát tích Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế năm 968, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Ninh Bình là Hạ Long trên cạn với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, “non nước hữu tình”. Bắc Ninh - quê hương của Lý Công Uẩn được quần thần nhà tiền Lê tôn vinh làm vua, sáng lập ra nhà Lý, tồn tại 216 năm.

Có một Vũ Thành Chung nhà thơ - nhiếp ảnh gia đích thực - 3

"Quả trứng vàng" - Đoạt 4 Huy chương Vàng Quốc tế - 3 HCV FIAP - 1 HCV PSA

Về Bắc Ninh là về miền quê quan họ nổi tiếng với bài hát Làng quan họ quê tôi, thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, do nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc. Cố đô Huế - đẹp và thơ với dòng sông Hương, núi Ngự Bình, cầu Tràng Tiền… Chúa Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng cho triều đại Nhà Nguyễn tồn tại hơn một thế kỷ (1802-1945) với 13 vua và Vũ Thành Chung tặng lại cho người xem một bài thơ về Huế. 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong bài thơ Đèo Ngang, có hai câu thơ làm bạn đọc thán phục về sự khám phá thú vị: “Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang/Mà quên mất con đèo chạy dọc”.

Có một Vũ Thành Chung nhà thơ - nhiếp ảnh gia đích thực - 4

"Hà Nội - Thành phố Vì Hòa bình" - Ảnh Vũ Thành Chung

Viết về Thanh Hóa, Vũ Thành Chung cũng có phát hiện và lưu ý người xem ảnh: Thanh Hóa – địa phương phát tích 4 triều đại với 44 vị vua khác nhau, người đời cũng đã có câu “Vua xứ Thanh, Thần xứ Nghệ”. Điều này ít ai biết và di tích lịch sử một trong 4 triều đại đó là Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa thế giới” ngày 27/6/2011.

Nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Nguyên hiện đang là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, người mà tôi rất quý trọng tài năng thơ và ảnh của anh. Bình Nguyên lại rất quý trọng và đánh giá cao sự nghiệp thơ văn và ảnh của Vũ Thành Chung: Làm thơ rồi chụp ảnh, chụp ảnh rồi lại làm thơ.

Vũ Thành Chung đến với nghệ thuật nhiếp ảnh khá muộn nhưng lại sớm thành đạt, tìm cho riêng mình một hướng đi, và cũng khá thành công. Với 3 tấm Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc của FIAP, 1 Huy chương Vàng của Mỹ (PSA), Giải Nhất Ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc - Huy chương Vàng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA, 2014), Giải Nhì cuộc thi ảnh toàn quốc: “Hãy bảo vệ trẻ em” (2013); 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng (2011 – 2012); Giải Nhất cuộc thi ảnh Đẹp: “Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới”- Huy chương Vàng (VAPA, 2014); Giải Nhất Ảnh Nghệ thuật Đảo Ngọc - Cát Bà 2015; Giải Ba Ảnh du lịch toàn quốc - Huy chương Đồng VAPA 2015; Giải Ba Ảnh du lịch Đồ Sơn (2018)…

Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên còn cho biết: Để có sự thành đạt ở cả hai lĩnh vực thơ và nhiếp ảnh này, Vũ Thành Chung đã từng làm kinh tế ở Hải Phòng, lúc khấm khá ông có cả đoàn xe chở khách ngược xuôi nhiều năm sang Lào, có đến hơn chục xe. Dần dà, đoàn xe cứ vơi dần, vơi dần, đến năm thành nhà văn Việt Nam đâu chỉ còn đôi ba cái, rồi đến năm thành nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thì… hết xe!

Điều này không khó lý giải với một nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh mà tâm hồn lúc nào cũng rung động thiết tha đi tìm cái đẹp thì còn đầu óc đâu mà tính toán, cạnh tranh với thương trường nữa.

Đó cũng là cái giá cho văn học nghệ thuật ở nhà thơ, NSNA Vũ Thành Chung. Anh xứng đáng là nhà thơ - Nhiếp ảnh gia đích thực.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất