Hình tượng người phụ nữ trong ảnh nghệ thuật Việt Nam

Một trong những đối tượng mô tả có sức hấp dẫn lạ thường, đã từng làm “say đắm” các nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh, đó là hình ảnh người phụ nữ.

Thật vậy, người phụ nữ trước hết là những người mẹ, người vợ giàu lòng yêu nước. Đó là một truyền thống quý giá, mang dòng máu quật khởi của Bà Trưng, Bà Triệu. Và trong suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống đó không ngừng được hun đúc và càng được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Dưới con mắt của các nhà nhiếp ảnh, hình tượng người phụ nữ vô cùng phong phú. Ống kính nhiếp ảnh đã mô tả người phụ nữ với tất cả tấm lòng trìu mến và khâm phục, Phụ nữ Việt Nam ngày nay được Đảng, Bác Hồ giáo dục và bồi dưỡng đã tiến lên “làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân mình”. Đặc biệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, vai trò của người phụ nữ có một ý nghĩa cực kỳ to lớn.

Nhân dân ta đời đời nhớ ơn liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, hiên ngang, anh dũng trước quân thù. Tấm gương sáng chói của chị, đã trở thành sức mạnh tinh thần của thế hệ ngày nay. Võ Thị Sáu người con gái đất đỏ, máu liệt sĩ đổ xuống để bón xanh mãi “cây đời” hôm nay. Nó đã trở thành hình tượng nghệ thuật độc đáo, tượng trưng cho cái đẹp Việt Nam.

Bởi thế, chúng ta không lấy làm lạ bức ảnh Nữ dân quân của Nguyễn Đình Ưu đã được trao Huy chương Vàng trong cuộc thi quốc tế năm 1961 tại Budapet, Hungary. Chẳng phải vì người dân quân gái ngoại thành Hà Nội ấy có nét mặt, hình thể xinh đẹp, đầu chít khăn mỏ quạ, màu áo nâu non đằm thắm rất Việt Nam, mà chính vì “hình ảnh cô thôn nữ ấy đã khái quát được tính cách anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam”.

Hình tượng người phụ nữ trong ảnh nghệ thuật Việt Nam - 1

Nữ dân quân. Ảnh Nguyễn Đình Ưu 

Tinh thần đó càng được phát triển mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Trong sự nghiệp vĩ đại ấy, phụ nữ đã góp phần cống hiến to lớn rất đáng tự hào. Nhân dân ta với tấm lòng ngưỡng mộ và hãnh diện trước “nụ cười chiến thắng” của Võ Thị Thắng, người con gái gan vàng dạ sắt, không hề khiếp sợ, không chịu cúi đầu trước kẻ thù tàn bạo. Giữa bầy ác quỷ, chị vẫn hiên ngang đứng đó, môi nở nụ cười tràn đầy tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Ở đây, người nghệ sĩ đã bắt giữ được cái “khoảnh khắc ngưng đọng” có sức biểu hiện cao nhất là “nụ cười” bất tử, biểu hiện cho khí phách của người phụ nữ Việt Nam.

Trong bức tranh hùng vĩ của chiến tranh nhân dân trên cả hai miền Nam Bắc, hình ảnh chị em đã được ghi lên phim nhựa với những nét hào hùng, hai mươi tám ngày đêm, quên ăn, quên ngủ anh dũng giữ từng góc phố trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Thi đua với người phụ nữ miền Nam, phụ nữ miền Bắc, ngoan cường đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Đó là chị em nữ thanh niên xung phong kiên cường bám tuyến, bám phà, chỉ đường cho “xe ta đi vào trận tuyến”. Với tinh thần “địch phá ta cứ đi”, người nữ hoa tiêu đứng vững trên trọng điểm bắn phá của địch, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Với cái nhìn nhanh, nhạy, Đinh Quang Thành đã biết khám phá ra cái mới, cái vĩ đại trong con người phụ nữ Việt Nam.

Dưới con mắt của các nhà nhiếp ảnh, hình tượng người phụ nữ không còn “khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa” mà “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Ống kính các anh đã “chộp” được những “mẫu người” mang tầm vóc thời đại. Đó là hình ảnh trung đội nữ dân quân vùng biển Ngư Thủy, Quảng Bình, chân đồng vai sắt, kéo pháo lên đồi cát nóng bỏng, giáng trả máy bay địch, bắn đắm tàu chiến Mỹ, bảo vệ quê hương.

Hình tượng người phụ nữ trong ảnh nghệ thuật Việt Nam - 2

Cô bộ đội trên đường ra trận cứu em bé

Giặc Mỹ ỷ lắm bom, nhiều đạn, “cánh cụp cánh xòe”, ra oai đe nẹt thế giới, hòng khuất phục nhân dân ta. Ấy thế mà, bằng quyết tâm đối chọi với sắt thép, các đàn chị dân quân Hương Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã bắn gãy đôi “thần sấm”, “con ma”, bắt giặc lái Rô-bin-sơn. Bằng tỷ lệ chênh lệch về hình khối giữa cô gái với đôi mắt kiêu hãnh và tên giắc lái “lênh khênh cúi đầu”, Phan Thoan đã vẽ lên bức tranh khá hoàn chỉnh về cuộc chiến đấu không ngang sức, nhưng thắng lợi thuộc về cô gái nhỏ vùng quê. Bức ảnh O du kích giải tên giặc lái Mỹ đã làm chấn động dư luận người xem tại cuộc triển lãm ảnh quốc tế Sô-phi-a năm 1968 và nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:

                          O du kích nhỏ giương cao súng

                          Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu

                          Ra thế, to gan hơn béo bụng

                          Anh hùng đâu cứ phải mày râu!

Chúng ta rất cảm động, chính trong những ngày nóng bỏng, Ních-xơn ném bom lại miền Bắc, hàng nghìn phụ nữ từ khắp nơi trên hòn đảo Cu Ba tự do, đến chiêm ngưỡng tác phẩm này được trưng bày tại trug tâm Lahabana. Bởi vì bức ảnh đã khái quát được khí phách anh hùng của nhân dân ta nói chung, phụ nữ nói riêng.

Cùng những người phụ nữ nông thôn bình dị ấy, nhưng ở bức ảnh Kéo xác máy bay, của Quang Văn có cái gọi là “Hạ uy lực Huê Kỳ” với bàn tay dịu hiền của người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé. Sức mạnh “Sao, vạch” đã phải ngoan ngoãn chịu khuất phục cô gái ngư dân vùng biển Nam Hà.

Hình tượng người phụ nữ trong ảnh nghệ thuật Việt Nam - 3

O du kích nhỏ 

Bên cạnh những bức ảnh giàu hình tượng, ca ngợi bản chất tốt đẹp của người phụ nữ, các nhà nhiếp ảnh còn hướng ống kính vào những hành động chiến đấu cụ thể làm chủ đề trực tiếp, biểu thị ý đồ nghệ thuật của mình. Cô gái quàng khăn rằn cùng đồng đội vác hòm đạn trên vai lao như bay giữa kênh lạch, để lại phía sau những đụn nước trắng xóa do bom nổ hắt tung lên.

Bằng lối lia máy khéo léo, đã biến hình ảnh người chiến sĩ tải đạn thành người “vũ nữ” tài nghệ, quay tít giữa trời nước Đồng Tháp mênh mông, hòa trong khói bom dày đặc, gợi lên cho người xem cái cảm giác dũng mãnh, nhưng không kém phần thơ mộng. “Một bài thơ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”.

Nếu như bức ảnh Tải đạn, hình tượng người phụ nữ trở thành chất thơ có thực, thì bức ảnh Vào lửa của Vũ Ba, tạo nên một không khí quyết liệt, khẩn trương, là tiếng gọi trả thù cho đồng bào, đồng chí. Trong khi đế quốc Mỹ tự xưng là văn minh nhân đạo nhất, đã mang bom đến đốt cháy làng mạc Việt Nam, giết hại những trẻ em vô tội, thì những người phụ nữ Việt Nam bình thường gan dạ mang băng-ca, túi cứu thương, băng qua lửa đạn vào cứu người bị nạn.

Và biết bao hành động anh hùng khác nữa, mà tên tuổi các mẹ, các chị đã đi vào sử sách. Từ Quảng Bình khói lửa, mẹ Suốt dưới tầm mưa đạn vẫn trèo đò đưa bồ đội qua sông. Và trên đỉnh Trường Sơn cao vút, bóng dáng các chị hiện ra trước khung ngắm của Văn Sắc chơi vơi, lơ lửng giữa tầng mây trùng điệp và dưới kia là vực thẳm ngút ngàn, càng gây cho người xem cảm giác vĩ đại về các chị đang làm chủ núi rừng “mở đường mà tiến, đánh giặc mà đi”. Rồi từ những con đường chằng chịt cheo leo đó, đại quân ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, thành phố mang Bác Hồ vĩ đại.

Hình tượng người phụ nữ trong ảnh nghệ thuật Việt Nam - 4

Đi trực chiến. Ảnh Mai Nam 

Tổ quốc Việt Nam vô cùng tự hào về những bà mẹ, những người vợ, những người chị, những người em gái giàu lòng yêu nước, chẳng những chiến đấu bằng xương máu của bản thân, mà còn hăng hái động viên chồng con, anh em ra mặt trận, sẵn sàng hiến dâng cả những người thân yêu nhất của mình cho đất nước. Đúng như Hồ Chủ tịch nói “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Là những người mẹ mang nặng đẻ đau, người mẹ nuôi con bằng dòng sữa của mình, bằng tâm huyết của mình, bằng toàn bộ tinh lực của mình. Ngoài tình yêu đối với Tổ quốc, đối với cách mạng, có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẹ con, tình vợ chồng?... Cho nên trước mất mát riêng tư, người vợ, người mẹ nào lại không đau xót! Nhưng có đau xót nào hơn nước mất, nhà tan, quân thù dày xéo?

Vì lẽ đó, đứng trước mộ con, đôi mắt bà mẹ Kim Đồng ánh lên niềm tự hào, có đứa con hy sinh vì nghĩa nước. Vũ Quang Huy thấu hiểu tấm lòng bà mẹ, đã thu vào ống kính với tất cả những nét hào hùng, đôn hậu, nhưng đầy tự hào của một bà mẹ Việt Nam. Lâm Hồng Long còn đi xa hơn, mô tả người mẹ già ngày đêm trông ngóng, đợi chờ đứa con thân yêu sau những năm tháng bị Mỹ - Thiệu đầy ải.

Trên bến cảng Sài Gòn giải phóng, người mẹ gặp con nước mắt giàn giụa, mà sao môi mẹ vẫn nở nụ cười tươi. Ôi! Cái vui mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng trong đại thắng mùa Xuân 1975. Bức ảnh Tiếp thêm sức của Đoàn Công Tính cho thấy cũng những người mẹ, người chị chân chất, chung thủy ấy đã biến nỗi nhớ thương người thân đi chiến đấu xa, thành tình cảm yêu thương bộ đội.

Hình tượng người phụ nữ trong ảnh nghệ thuật Việt Nam - 5

Hai mẹ con người tử tù ngày gặp lại. Ảnh Lâm Hồng Long 

Dù chỉ một bát nước chè xanh rót mời người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận, không chỉ tiếp sức anh đi thêm một đoạn đường, mà còn là tình cảm của hậu phương đối với tiền tuyến. Đó là tấm lòng trung hậu của bà mẹ Việt Nam, những con người trọn vẹn tình nghĩa.

Bên cạnh những bức ảnh ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường, rất mực chung thủy, còn có nhiều bức ảnh nghệ thuật thể hiện hình ảnh chị em trong lao động sản xuất. Những tấm ảnh này thể hiện rõ tinh thần làm chủ đồng ruộng, làm chủ xí nghiệp. Có thể nói ống kính của các nhà nhiếp ảnh mô tả khá sinh động, rõ nét phong trào “Ba đảm đang” của người phụ nữ.

Bức ảnh Bờ nương mới của Mai Nam cho thấy giữa cánh đồng chiêm trũng, ngày nay với sức mạnh của người nông dân “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” một mạng lưới mương máng đã hình thành. Trên những bờ mương ấy, vẫn những làn sương sớm lạnh giá của đồng quê, vẫn đàn vịt tung tăng bơi lội dưới nước in bóng rặng phi lao tít tắp rợp mát đồng làng, nhưng “đã vắng bóng người phụ nữ một nắng hai sương, tần tảo, chịu khó gồng gánh đi chợ quê, biểu hiện một nền kinh tế tiểu nông lạc hậu”, mà hiện lên trước khung ngắm là hình ảnh các cô xã viên đeo bình thuốc trừ sâu, đi ra đồng từ sáng.

Một lớp phụ nữ nông thôn mới có tri thức hình thành như thế đó! Bức ảnh khẳng định thế đứng, thế làm chủ đẹp vô ngần của phụ nữ nông thôn Việt Nam, những người làm ra hạt gạo thấm đậm tình nghĩa gửi đến tiền phương nuôi quân đánh giặc.

Ta có thể nói rằng, đảm đang là đức tính vốn có của người phụ nữ. Các bà mẹ không chỉ đảm việc nhà thay chồng con đi đánh giặc, mà còn làm việc nước. Trong mọi ngành, mọi nghề đâu cũng có phụ nữ tham gia. Dù ở đâu, làm gì, các chị đều lao động say sưa cần mẫn, và trở thành hình tượng sinh động, được các nghệ sĩ đặc tả với những nét khái quát điển hình có sức hấp dẫn lớn.

Đó là nét mặt hân hoan, bàn tay khéo léo chạm bạc của người nữ công nhân, mà Đinh Đăng Định đã dày công nghiên cứu mô tả. Cùng chủ đề này, Phạm Tuệ đi vào một khía cạnh khác. Đó là những cô gái vẽ hoa ở xí nghiệp gốm Bát Tràng, đại diện cho lối làm tập thể, có năng suất, có kỹ thuật.

Thật vậy, sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội đã tạo mọi điều kiện cần thiết về kinh tế, xã hội, về vật chất và tinh thần để giải phóng phụ nữ một cách triệt để nhất. Chị em đã có địa vị xứng đáng trong toàn bộ hoạt động xã hội. Đó là những nữ bác sĩ, kỹ sư, nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại, là những đại biểu quốc hội…

Nhưng có điều thú vị dưới con mắt của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, hình ảnh chị em vẫn bình dị, dảm đang. Bức ảnh Như mẹ hiền của Đan Quế là hình ảnh người phụ nữ trí thức làm chủ tập thể “mình vì mọi người”. Đêm khuya, một mình trong phòng bệnh, với ngọn đèn le lói, nữ bác sĩ rón rén từng bước dắt màn lại cẩn thận cho bệnh nhân.

Hơn ai hết, người phụ nữ trước hết là người mẹ hiền, “biết vui trước cái vui chung”, “rất đau khổ trước cái đau khổ của đồng chí, đồng bào”. Rõ ràng qua các bức ảnh nghệ thuật, cái đẹp của người phụ nữ trước hết là “cái đẹp của trí tuệ, tinh thần đã được giải phóng, cái đạo lý làm người, cái đẹp của lao động sáng tạo”.

Là những người xưa kia đã từng bị xã hội phong kiến, đế quốc khinh miệt, phụ nữ Việt Nam ngày nay hiểu sâu sắc rằng không có tri thức không thể có xã hội chủ nghĩa. Do đó dù hoàn cảnh nào, chị em vẫn tranh thủ học tập. Học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của người phụ nữ. Bức ảnh Rủ nhau đi học của cố nghệ sĩ Đức Vân đã thể hiện rõ quyết tâm đó. Bên cạnh lớp nữ thanh niên khỏe mạnh còn có những bà mẹ năm sáu mươi tuổi, tóc đã hoa râm vẫn hăng hái đến lớp. Chí hiếu học đó còn được nhấn mạnh khá đậm nét trong bức ảnh Ngày sản xuất, đêm học tập của cùng tác giả.

Đúng như lời nhận xét của đồng chí Lê Duẩn: “Người phụ nữ vừa là công dân, người lao động của xã hội, vừa là người vợ, người mẹ… Tổ quốc Việt Nam có những người con anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc đó, các nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã, đang và sẽ biểu hiện thành công hình tượng sáng ngời của người phụ nữ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam thống nhất muôn đời.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.