Chuỗi hoạt động đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về các sự kiện, hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Cách đây 70 năm, vào ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, mở ra một chương mới cho sự phát triển của Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam. Sắc lệnh được công bố tại Đồi Cọ, bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Ngay từ khi sắc lệnh 147/SL được ban hành, nhiếp ảnh đã lựa chọn chỗ đứng của mình là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ đó đến nay, sau bảy mươi năm, nhiếp ảnh về cơ bản vẫn đi theo nhiệm vụ và định hướng được nêu trong Sắc lệnh. Với đặc thù của mình là nhạy cảm với những vấn đề thời sự, nhiếp ảnh đã tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng. Nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh nghệ thuật đều chú trọng tới nhiệm vụ này, thể hiện qua hàng chục vạn bức ảnh của công tác truyền thông báo chí và qua hàng nghìn cuộc triển lãm nghệ thuật của các tác giả Việt Nam trong nước và quốc tế.

Nhằm ôn lại truyền thống Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam trên chặng đường 70 năm qua; tri ân các thế hệ nhiếp ảnh đàn anh đi trước đã có nhiều đóng góp cho nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc; đồng thời lan toả sắc lệnh 147/SL lịch sử với tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc... Hội NSNA Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tri ân hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm.

Chuỗi hoạt động đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam - 1

Họp báo thông tin về các sự kiện, hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Theo NSNA, nhà báo Hồ Sỹ Minh (Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống), Hội NSNA Việt Nam đã ban hành công văn Hướng dẫn số 320/CV-NA ngày 19/12/2022 gửi các Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ kỷ niệm ở tất cả các chi hội trên cả nước trong tháng 3. Trong đó có đơn vị tổ chức quy mô cấp khu vực là Hội nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và Hội nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, Hội đã vận động nguồn kinh phí xã hội hoá mua lại hơn 800m2 đất để mở rộng khuôn viên Khu di tích lịch sử Quốc gia Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam ngày nay (diện tích Khu di tích hiện tại rất nhỏ chỉ khoảng 50m2).

“Hiện nay các thủ tục đã xong, người dân đã bàn giao đất và Hội NSNA Việt Nam đã tiến hành xây bờ rào. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục phối hợp với Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Điện Ảnh, Hội Điện ảnh đầu tư thiết kế lại nhà bia và khuôn viên khu di tích xứng tầm với 2 chuyên ngành nghệ thuật lớn được Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập”, NSNA, nhà báo Hồ Sỹ Minh cho biết.

Chuỗi hoạt động đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam - 2

NSNA, nhà báo Hồ Sỹ Minh (Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống)

Theo thông tin tại họp báo, trong 3 ngày (từ 13/3-15/3), chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ diễn ra với những hoạt động chính:

Lễ trao giải và khai mạc triển lãm Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 12 được tổ chức vào chiều ngày 13/3 tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Chương trình về nguồn, dâng hương tại An toàn khu huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” tôn vinh ngành nhiếp ảnh Việt Nam cùng những đóng góp, cống hiến của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 14/3.

Lễ kỷ niệm 70 năm Nhiếp ảnh Cách Mạng Việt Nam được tổ chức vào chiều 15/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) với sự tham dự của 350 đại biểu gồm có các nội dung: diễn văn khai mạc, khen thưởng các cấp; trao Giải thưởng Nhiếp ảnh Xuất sắc năm 2022; phong các tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh năm 2022; vinh danh các nghệ sĩ có 40 năm tuổi hội trở lên lần thứ 2.

Bên cạnh những hoạt động chính, trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Triển lãm ảnh 70 năm nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam; Xuất bản các sách ảnh: “Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “Tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc và nghệ sĩ đặc biệt xuất sắc (E.Vapa và E.vapa/G);

Xuất bản Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống số đặc biệt với nhiều bài viết chuyên sâu, nhằm đánh giá lại toàn bộ chặng đường phát triển và những đóng góp của nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam;

Đồng thời, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam VTV và Truyền hình Nhân dân thực hiện bộ phim tư liệu 70 năm Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam với thời lượng 30 phút và sẽ được phát sóng trên VTV1 vào ngày 11/3 và trên Truyền hình nhân dân và trình chiếu trong lễ kỷ niệm.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày