Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa: Phát triển Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định, một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2021 - 2025 là “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN); chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững, giai đoạn 2021 - 2025”. Để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các đề án, chương trình phát triển khoa học và công nghệ như: Kế hoạch 27-KH/TU, Nghị quyết 20/NQ-HĐND, Quyết định 4408/QĐ-UBND, Quyết định 5519/QĐ-UBND làm cơ sở để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là “chìa khóa” quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế.

Đối với Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, khoa học - công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đầy đủ và toàn diện đóng góp của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn vừa qua; đồng thời coi đó là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa: Phát triển Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội - 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi, lãnh đạo Sở KH&CN, trường Đại học Hồng Đức cùng đại diện Văn phòng VCCI, các doanh nghiệp KH&CN trong tỉnh tại buổi giao lưu và phát động khởi nghiệp năm 2022

Tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, ngành KH&CN được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển như là một ngành kinh tế tổng hợp, là công cụ then chốt phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo đó, Sở KH&CN đã chủ động, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách, đề án, chương trình, nội dung, giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định KH&CN là một trong 4 khâu đột phá để phát triển KT-XH của tỉnh. Nhờ đó, KH&CN bước đầu đã trở thành động lực quan trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Đóng góp của hoạt động KH&CN cho tăng trưởng kinh tế GRDP thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 38,56%, tăng cao so với giai đoạn 2011 - 2015.

Năng lực KH&CN của tỉnh được nâng cao: Hệ thống tổ chức KH&CN công lập được tổ chức, sắp xếp lại và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động; nhân lực KH&CN của tỉnh tăng về số lượng, chất lượng...

Kế thừa những kết quả đạt được từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiếp tục chỉ rõ: “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển KT-XH nhanh và bền vững” là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo này, Thanh Hóa ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích KH&CN phát triển theo từng ngành, lĩnh vực trọng tâm có lợi thế của tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, ngành KH&CN tiếp tục tập trung trí tuệ, phấn đấu đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Chủ động, tích cực ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đặc biệt, một số nội dung chủ yếu sẽ được tập trung, bao gồm: đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN ở các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; thương mại, dịch vụ; văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục đào tạo; y tế; tài nguyên môi trường; hoạt động của chính quyền các cấp.

Mục tiêu đến năm 2025: tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên; Có 30% trở lên cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng chuyển đổi số, phát triển 03 loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường;

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 80% trở lên trang website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% trở lên doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch; Chuyển đổi thư viện tỉnh thành thư viện thông minh, xây dựng Cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động,…; 100% học sinh, sinh viên được tiếp cận dịch vụ Internet và các kho học liệu trực tuyến, 20% số trường áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh;

Nghiên cứu sản xuất được ít nhất 02 sản phẩm đông dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xây dựng ít nhất 08 bệnh viện theo hướng bệnh viện thông minh; 100% cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh…;

 Có 90% trở lên lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% trở lên các phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng; 70% trở lên các khu công nghiệp ứng dụng hệ thống quan trắc ô nhiễm môi trường tự động;

Có 50% trở lên hoạt động kiểm tra của các cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, UBND cấp xã khu vực đồng bằng, 80% UBND cấp xã khu vực miền núi áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 trong hoạt động.

Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa: Phát triển Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội - 2

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ Pháp chế, Vụ KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) và lãnh đạo Sở KH&CN Thanh Hóa kiểm tra thực tế điều kiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Sâm Báo” tại huyện Vĩnh Lộc (tháng 3/2022).

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN nhằm thu hút, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp sản xuất phần mềm, nội dung số; nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức KH&CN, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, phát triển thị trường KH&CN.

Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Với những giải pháp, chiến lược đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tin tưởng rằng tỉnh Thanh Hóa sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra để phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành khâu đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng mong muốn.

TS. Nguyễn Ngọc Túy

Tin liên quan

Tin mới nhất