Chất dân gian trong “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu)
Tây Bắc xứ sở của những bản tình ca, của những truyện thơ xốn xang, nao lòng người đọc, người nghe. Những bản tình ca này hấp dẫn bởi chất thơ đầy xúc cảm, bởi những câu chuyện tình lãng mạn, đôi lúc ly kỳ… Nhưng không thể phủ nhận hồn cốt của những bản tình ca ấy, hấp dẫn là bởi chất dân gian thấm đẫm trong từng chi tiết.
Truyện thơ Xống chụ xon xao - Tiễn dặn người yêu được dân tộc Thái trân trọng, nâng niu như viên ngọc quý. Trước đây, bất cứ một người Thái nào cũng đều từng thuộc, từng hát một vài câu của tác phẩm này. Người ta hát Tiễn dặn người yêu lúc buồn, lúc vui, khi đau khổ, khi sung sướng… Bối cảnh hát có thể là “hạn khuống”- nơi thanh niên nam nữ vừa quay xa kéo sợi, vừa hát tỏ tình những đêm trăng. Cũng có lúc họ hát trong đám cưới, lúc lên nương, khi làm ruộng, lấy củi…
Ở bất cứ người Thái nào, bất cứ hát nơi đâu, họ cũng đều có thể tìm thấy đôi nét tâm trạng của mình trong lời hát. Cũng bởi thế, người Thái đã ví von: “Hát tiễn dặn lên, gà ấp phải bỏ ổ, cô gái quên hái rau, anh đi cày quên cày”. Nhiều người nói rằng: người Thái yêu Xống chụ xon xao giống như người Kinh yêu Truyện Kiều của Nguyễn Du vậy.
Truyện thơ Xống chụ xon xao là một tác phẩm trữ tình tự sự, kể về thân phận của đôi trai gái yêu nhau tha thiết mà không lấy được nhau, bởi sự ngăn cấm của cha mẹ, mà thực chất là thứ luật lệ hôn nhân gả bán của chế độ phong kiến. Đây cũng là bản tình ca đẫm tràn nước mắt của mối tình thuỷ chung đến mức lạ kỳ: “Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông; không lấy được nhau thời trai trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già”[3, 93] Bản tình ca còn là tiếng thét căm hờn, lên án sự ngăn cản tình yêu tự do: “Không được nàng ta làm giặc giữa phủ, không lấy được em, anh làm loạn giữa mường”[3, 89]…
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật làm nên sự say mê, quý trọng Xống chụ xon xao của người Thái. Theo chúng tôi, cảm hứng say mê này được tạo nên bởi nhiều yếu tố như cốt truyện, làn điệu “khắp”, cách xây dựng hình ảnh gần gũi, dễ hiểu, vần thơ dễ nhớ… Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến việc tác phẩm sử dụng nhiều câu dân ca, những hình ảnh, điển cố dân gian, thủ pháp dân gian… Mà chúng tôi tạm gọi là “chất dân gian” thấm đẫm trong tác phẩm.
Tranh minh họa
Tiễn dặn người yêu vận dụng nội dung dân ca, tục ngữ, thành ngữ
Mở đầu bản tình ca này, tác giả dân gian kể về hai nhân vật là Anh và Chị từ khi còn là bào thai của hai bà mẹ sống cùng một bản, một mường. Ở đoạn này, chúng ta nghe như là Quám ón é - Lời bé thơ trong kho tàng dân ca Thái mà các bà, các mẹ thường dỗ dành, thường nựng con cháu thuở bé thơ. Quám ón é còn thường được người xưa hát mở đầu đám cưới, khi những người sẽ làm cha, làm mẹ tương lai, ở thời kỳ đầu chung chăn gối. Những lời thơ này kể lại công lao của người mẹ mang nặng đẻ đau và công đức của ông bà, xóm làng nuôi dưỡng, hun đúc cho đứa trẻ nên người:
“…Chaư kin xổm pa bong
Ón nọi khảu tọng me xong bươn
…Me lả chaư kin xổm mák kham
Ón nọi khảu tọng me xam bươn
… Me lả chaư kin xổm pa lý
Ón nọi khảu tọng me xí bươn…”
(…Mẹ thèm chua cá ướp
Bé em vào lòng mẹ hai tháng
…Mẹ thèm ăn chua quả me
Bé thơ vào lòng mẹ ba tháng
...Mẹ thèm ăn chua cá đòng đong
Bé thơ vào lòng mẹ bốn tháng...)[2, 16]
Đoạn thơ này dài 37 câu, được tác giả dân gian vận dụng, lược bỏ một số câu cho gọn lại còn 25 câu thành đoạn mở đầu Xống chụ xon xao. Những câu thơ chính, được tác giả dân gian giữ lại gần như y nguyên:
“Thèm ăn gỏi cá chua,
Bé xinh vào lòng mẹ hai tháng,
Mẹ yêu thèm ăn dở chua me,
Bé yêu vào lòng mẹ ba tháng,
Mẹ yêu thèm gỏi cá diếc,
Bé xinh vào lòng mẹ bốn tháng...”.[3, 43]
Anh và Chị “lớn bởi rau nhiều giỏ, khỏe bởi măng nhiều ngọn”, cũng như những chàng trai cô gái khác họ lên “sàn hoa” tâm tình bên bếp lửa “tận khi gà gáy, đeo mộng về nhà lúc xế vầng trăng”. Họ hẹn hò, yêu nhau “chung trái tim không thể xẻ đôi”. Ngay từ thuở ban đầu, khi tình yêu đang độ nồng cháy họ đã lo sợ “Then không thương”, “Trời cao không giúp” và hơn cả là “sợ mẹ cha không ưng”. Sự lo lắng của họ đã thành hiện thực. Thiên nhiên, trời đất dường như cũng hiểu và cảm thông với nỗi lo lắng của đôi trai gái. Tác giả miêu tả hình ảnh mặt trời “tâm trạng”, khi Chị trên nương về, ở nhà, cha mẹ đã gả bán Chị cho người mình không yêu:
Cộp nừng ta vễn tốk mã lỏ
Ta vễn tắm mã lỏ
Ta vễn chăm nả phai
Ta vễn cai pai chãn hưỡn chụ”.
Chiều tới mặt trời rụng
Mặt trời xuống thấp
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sàn người thương...) [3, 52]
Hình ảnh mặt trời này, cũng từng xuất hiện nhiều lần trong Tản chụ xiết xương (Tâm tình tiễn thương) - tác phẩm tập hợp những bài dân ca Thái phổ biến vùng Tây Bắc:
“Nhớ lúc mặt trời rơi, mặt trời thấp
Mặt trời đi mặt trời không đợi” [4, 350]
Trong dân ca Thái Tản chụ xiết xương, khi muốn diễn đạt rằng, tục ở rể với thời gian chỉ có hạn, không ở rể mãi, cũng như con rể không thể nuôi bố mẹ vợ suốt đời thì sử dụng hình ảnh bánh chưng, cháo không thay được bữa cơm chính:
“Khảu tổm báu tang lánh
Khảu canh báu tang ngái
Lụ khươi báu liệng po ta me nai hặn thảu”
(Bánh chưng không thay cơm chiều
Cháo không thay cho bữa sáng
Con rể chẳng nuôi bố mẹ vợ đến già) [4, 399]
Trong Xống chụ xon xao, khi Chị đang tìm cách trì hoãn ngày về nhà chồng (bị ép gả), để chờ người tình đi buôn trở về, hy vọng có tiền, trở nên phong lưu sẽ chuộc lại người yêu, bố mẹ Chị đã sử dụng cách nói của câu dân ca trên, để thuyết phục con gái về nhà chồng:
“Cốm dẻo không thay cơm chiều
Cốm thơm không thay cơm sáng
Rể chẳng nuôi cha mẹ vợ đến già” [3, 73]
Nam nữ người Thái xưa, khi trưởng thành, thường được tự do lên “hạn khuống” để tâm tình, bày tỏ tình cảm yêu đương bằng những lời dân ca chan chứa, khát khao. Những lời ca ấy đôi khi nói lên cả những nỗi lo sợ của các cô gái, nếu sau này, lấy được nhau rồi, người chồng sẽ đối xử với mình ra sao đây?
“Chí au nhing ma vạy cọ lọ hỉnh ty khảu má
Cọ lọ xá ty quấn hôm sư lê?”
(Sẽ đưa em về ở nơi xó chạn để chậu gạo ngâm
Xó giàn bếp nơi khói cuộn thì sao) [4, 305]
Nỗi lo của câu ca ấy đã thành hiện thực trong Tiễn dặn người yêu, khi Anh vô tình chuộc được Chị ngoài chợ chỉ bằng một cuộn lá dong! Họ không nhận ra nhau, vì giờ đây Chị đã trải qua hai đời chồng, đã tàn tạ, già nua, Anh coi Chị như người ở cho nên:
“Mà nay, anh bỏ em dưới gầm chạn nước rỏ
Dưới giàn bếp khói tụ
Đuôi tóc em yêu phủ trắng gio” [3, 117]
Tục ngữ Thái có câu khuyên chớ nghe lời xúc xiểm, nói ra nói vào; trước bất cứ điều gì cũng phải có chính kiến của mình:
“Nghe lời vịt mất trứng
Nghe lời gà mất vườn” [2, 219]
Dựa vào ý câu tục ngữ này, tác giả dân gian Tiễn dặn người yêu đã để bà mẹ khuyên răn Chị nên yên phận gái đã có chồng (người không có tình yêu):
“Lụ cu nhá phăng quam pết xăng nớ
Phẵng quãm pết chí xia xáy
Phẵng quãm cáy mẵn chí xia xuân
Phẵng quãm nhuỗn mẵn chí xia pì nọng”
(Con mẹ chớ nghe lời vịt
Nghe lời vịt mất trứng
Nghe lời gà mất vườn
Nghe lời gièm pha mất anh em) [3, 55]
Sự vận dụng nội dung, ý nghĩa của dân ca, tục ngữ, thành ngữ trong Xống chụ xon xao còn thể hiện ở nhiều đoạn thơ, câu thơ khác nữa mà chúng tôi không thể kể hết. Việc làm này, dường như đã trở nên quen thuộc và có thể khẳng định rằng ảnh hưởng của chất dân gian đã tạo cho tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng dân tộc Thái.
Tiễn dặn người yêu sử dụng lối “hát kháy” và “thậm xưng” của dân ca Thái
Có một đặc điểm khá độc đáo trong dân ca Thái, đó là lối hát “xiết”, tức là lối hát kháy, cạnh khóe, trêu chọc nhau cho vui. Ở lối hát này, người hát tự hạ thấp mình, nâng đối phương lên, nhiều khi hơi quá, không thể có thật. Trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu, có nhiều lần sử dụng lối hát này của dân ca. Khi Chị bị ép gả cho người mình không yêu, Anh (người tình của chị) vô cùng đau khổ. Anh càng đau khổ hơn, thất vọng cay đắng khi nghe tin đồn về nhà chồng của Chị chỉ là giả dối:
“Cõ pừa tiếng pay taử cọ tiếng tò hữa tẹ nã
Tiếng mữa nưa cọ tiếng tò chạng
Tiếng họt lả mình chụ tò đán pũ pha”
(Đồn về xuôi tiếng đồn bằng thuyền
Đồn lên ngược tiếng đồn bằng voi
Đồn đến anh tiếng bằng núi đá) [3, 94]
Trong dân ca Thái, khi nam nữ thanh niên hát đối đáp nhau, thường sử dụng mấy câu thơ trên như là “công thức” mở đầu cho một cuộc hát, một đoạn hát sau đó, nói rõ thực hư thế nào:
“Đồn về xuôi tiếng đồn bằng thuyền
Đồn lên ngược tiếng đồn bằng voi” [4, 363]
Hoặc thay đổi một vài từ khác đi:
“Đồn về xuôi đồn có nhiều thuyền
Đồn lên trên đồn có nhiều voi” [4, 356]
Trong Tiễn dặn người yêu, sự thực ngôi nhà của người chồng chị không như tiếng đồn, mà hết sức tồi tàn, xiêu vẹo, bé nhỏ đến mức ngoài trí tưởng tượng, làm cho chị thất vọng đến tột cùng:
“Tẳng xam xau mạy mí
Tẳng xí xau mạy ỏ
Tẳng dọ dẹ buốk quãi
Tẳng ai khãi pá pẹt
Tẳng pét hỏng põ dú phua mĩa ló nã
Nộk chíp chắp cọ bay
Nộk phãy chắp chãy cã cọ lộm
Mè cáy cỏm kin nặm taử làng cọ phưỡn
Ma khảu hua hang ók
Hók khảu mạk nhắng cẵn”
(Dựng ba thân cột lau
Dựng bốn chân cột sậy
Dựng nghiêng bên vũng trâu
Dựng trống bên bãi cỏ
Dựng tám gian, vợ chồng chui vừa đủ
Chim chích đậu mà xiêu
Chim ri đậu mà đổ
Gà nhảy sàn uống nước mà rung
Chó lọt đầu hở đuôi
Xuyên ngọn giáo thừa cán) [3, 95]
Trong Tản chụ xiết xương (Tâm tình người yêu) cũng hát tương tự:
“Dựng ba cột cây mí
Dựng bốn cột cây sậy
Dựng xiêu vẹo vũng trâu
Nơi rậm cỏ lưỡi trâu dựng nhà
Dựng tám gian đủ ở mà thôi
Chim chích đậu lung lay
Chim lửa đậu cũng đổ
Mái gà cúi uống nước dưới gầm sàn cũng nghiêng ngả
Chó đầu vào đuôi ra
Mũi lao vào cán còn ở ngoài” [4, 233]
Trong kho tàng văn nghệ dân gian của nhiều tộc người thường sử dụng nghệ thuật thậm xưng. Tức là nói quá lên để khắc sâu, làm nổi bật một vấn đề, một tính cách nhân vật hoặc một sự kiện nào đó. Lối nói này rất phổ biến trong dân ca Thái. Cũng như nhiều tác phẩm dân gian khác, Tiễn dặn người yêu đã sử dụng rất đắc địa lối nói thậm xưng này. Chẳng hạn, nhiều lần tác giả miêu tả nước mắt theo lối nói quá lên, thực tế không thể có như vậy. Đây là đoạn miêu tả nước mắt của Anh, lúc “bẽn lẽn” quay về sau khi bị cha mẹ Chị từ chối tình yêu sâu nặng của hai người:
“Cúi mặt nước mắt rỏ
Ngẩng lên hàng lệ rưng
Nước mắt rơi đầm gối
Hàng lệ tuôn thấm đệm” [3, 50]
Khi miêu tả nước mắt của Chị, tác giả dân gian còn sử dụng nghệ thuật thậm xưng ở mức độ cao hơn nữa. Bởi thế, nhiều người nhận xét không sai rằng Tiễn dặn người yêu là bản tình ca đẫm tràn nước mắt:
“Cúi mặt nước mắt rỏ
Ngẩng lên hàng lệ rưng
Nước mắt rỏ hai dòng
Rỏ ba dòng
Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn giỏ
Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn” [3, 60]
Hoặc :
“…Dòng rơi đằng trước đủ tràn năm máng
Dòng rơi đằng sau đủ cho em rửa mặt ăn cơm
Một dòng đủ rửa trâu to mang luộc
Dòng rơi xuống đất đủ đắp đập
Dòng vào hốc đá đủ bắc lên làm ruộng bậc thang” [3, 111]
Trong các tác phẩm dân ca khác, như Tâm tình tiễn thương, Tâm tình người yêu, Câu đố Thái… Các tác giả thường dùng nghệ thuật nói quá lên để miêu tả một điều gì đó không thể có thật, không thể xảy ra. Cách nói này thường để khẳng định sự trường tồn của tình yêu, sự chung thuỷ đến khôn cùng của các mối tình:
“Chín sẽ quên và mười sẽ quên
Sông Mã cạn cát mịn thành muối
Mũi thuyền chèo mọc lá nảy mầm
Áo vắt sào có cánh bay đi, hãy quyên
… Ống rượu cần mọc lá trong chum, hãy quên…” [1, 32]
Trong bài dân ca Khen nhà gái, tác giả dân gian cũng dùng lối nói thậm xưng để nói quá lên về bản của cô gái. Thực ra là để truyền đi một thông điệp là tấm lòng ngợi ca, thán phục của chàng trai với mục đích tán tỉnh, yêu thương đến cô gái [4, 360]. Khi miêu tả sự quyến rũ, sức mạnh ghê gớm của giọng hát cô gái mà mình muốn tỏ tình thì chàng trai hát khen quá mức, trong bài dân ca Tiếng đồn Út dồn vang:
“Tiếng hát vọng vào vách đá, đá sẽ hóa thành vôi tôi
Em hát vào suối cạn nước sẽ dâng lên như sông Đà
Hát vào chài, lưới sẽ cuốn thành lụa
… Hát vào người già nua sẽ hoá thành người non trẻ…” [4, 357]
Chúng tôi còn có thể tìm ra rất nhiều câu hát, bài hát có cách nói của dân gian mà bản tình ca “Xống chụ xon xao” đã vận dụng, làm nên chất dân gian say đắm lòng người. Chúng tôi hy vọng có thể trở lại đề tài này ở cấp độ nghiên cứu sâu và cao hơn. Điều chúng tôi muốn khẳng định trong bài viết này là chất dân gian bàng bạc, thấm đẫm trong tác phẩm là nét nghệ thuật độc đáo, tạo nên giá trị, tình cảm yêu quý trường tồn của bản tình ca dân tộc Thái này.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Mào Ết, Hoàng Tam Khọi (1998), Tản chụ xống xương (Tâm tình tiễn thương), Nxb Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên.
[2]. Hoàng Trần Nghịch (2011), Phương thức giáo dục cổ truyền của dân tộc Thái, Nxb Hội Liên hiệp văn học - Nghệ thuật Sơn La.
[3]. Mạc Phi (2013), Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao), Nxb Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Sơn La.
[4]. Lò Ngọc Duyên (sưu tầm, dịch) (2011), Tâm tình người yêu (Tản chụ - xiết xương), Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
Ca trù Việt Nam, vào năm 2009 đáng nhớ, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là...
Bình luận