Chuyện thơ

Có một lần, báo Tuổi Trẻ có bài giới thiệu về một bài thơ. Nguyên văn bài viết như sau:

Chuyện thơ - 1

Ca sĩ Tân Nhân

“Bài thơ có một thời chỉ nằm trong sổ tay. Người nọ chép cho người kia, cứ thế mà lan truyền một nỗi đau không biết từ đâu đến. Chỉ biết là đau thôi, nỗi đau rất thật của một tâm hồn thơ dại. Một nỗi đời nhỏ bé trong một cuộc chiến trường kỳ, những năm 1960, những năm 1970. Sau khoảng nửa thế kỷ, năm 2013, bài thơ bất ngờ trở lại trong tập hồi ký của NSƯT Tân Nhân - nữ danh ca của quê nghèo Quảng Trị, một thời vang danh với những “Xa khơi”, “Ru con”, “Tình quê hương”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”... Trong tập “Tân Nhân” và “Xa khơi” (NXB Lao Động) có một trang ghi thế này:

“Xót xa thay đó là mối tình bất hạnh. Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh bị kẹt và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Cháu Hoài, kết quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha và bao năm sống trên đất Bắc phải mang trong lý lịch của mình là con của một nhạc sĩ ngụy...”.

Ấy là bà kể lại câu chuyện tình buồn bã của mình với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi in trong tập sách của người mẹ, chính là Con sông dòng đục dòng trong của Châu La Việt ngày nào. Cho đến lúc này, bài thơ cũng chỉ “công khai” có lần ấy thôi. Trong nhiều tập sách của Châu La Việt sau này cũng không tìm thấy bài thơ năm 16 tuổi...

Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi: “Con sinh ra là một giọt lệ đau/ Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ/ Đừng giận con mẹ ơi vì thơ bé/ Con nào đã hiểu hết nổi cuộc đời.../ Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi/ Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi/ Con lại mang khuôn mặt người cha ấy/ Vì có con mẹ chẳng thể quên cha/ Mẹ lấy chồng rồi mẹ đẻ em ra/ Hạnh phúc mới có xóa nhòa ký ức?/ Có bố có em mẹ lúc nào quên được/ Khuôn mặt cha và cả khuôn mặt con/ Những phút mẹ vui, những phút mẹ buồn/ Muốn chia sẻ con cũng thành xa lạ/ Đất nước chia hai, mẹ cha đôi ngả/Con là con sông có dòng đục dòng trong.../ Và mẹ ơi con những phút yếu lòng/Mẹ đừng hỏi nước mắt từ đâu thế/Ngày tan nát giọt lệ đau của mẹ/ Nay chảy vào thành nước mắt đời con...”.

Chuyện thơ - 2

Nhà báo Thúy Nga báo Tuổi trẻ

Biết tác giả bài báo là Thúy Nga, tôi điện thoại lại cảm ơn em, và hỏi thêm em đã biết bài thơ này tự bao giờ thế? Thúy Nga cho hay từ ngày Sài Gòn mới giải phóng, khi là một cô nữ sinh có một lần gặp các chị văn công giải phóng và một chị đã đọc cho em nghe bài thơ này, thấy hay cho nên em xin chép lại. Cũng chẳng biết tên tác giả là ai, cho đến gần đây được xem hồi ký của mẹ anh Tân Nhân. “Thế Nga có nhớ tên chị văn công giải phóng ấy không?” Tôi gặng hỏi.Thúy Nga trả lời: “Chỉ biết chị ấy là Văn công giải phóng thôi anh ạ. Các chị ấy đến trường em và giao lưu chung với mọi người, không giới thiệu tên riêng của ai cả…”

Tôi cứ vân vi nghĩ mãi, chị văn công giải phóng ấy là ai nhỉ. Và vì sao có bài thơ này của mình? Bởi nói thật đây là một bài thơ rất riêng tư, chưa in ở đâu cả. Tôi làm bài thơ này vào năm học lớp 9, ghi trong một cuốn sổ nhỏ và cất kín không cho ai hay. Kể cả mẹ của tôi. Suốt những năm bộ đội, cuốn sổ này cũng chỉ nằm đáy ba lô, và khi vào mặt trận, tôi đã hủy đi vì vượt Trường sơn, ba lô nặng quá, lính tráng ai cũng phải tự vứt bỏ đi những gì rườm rà...

Nghĩ mãi , nghĩ mãi, cho đến một lúc sực nhớ ra ...

*

Cuối năm 1973, khi chúng tôi đã từ mặt trận Lào hoàn thành nhiệm vu trở về Hà nội, tôi có quen với Trần Đức, Trần Kim Thu là những học sinh khóa 3 Trường Nghệ thuật Sân khấu ở khu Mai Dịch. Cũng bởi thế mà tôi quen với các bạn học cùng lớp với họ, trong đó có Hòa Bình, Giang Nga (Sáu) và Ngọc Dung, ba cô gái cùng rất xinh đẹp và bất ngờ được tuyển chọn lên đường vượt Trường Sơn bổ sung cho Đoàn Văn công giải phóng mặt trận Quảng Đà. (Cũng là lạ, bởi đây là ba học sinh kịch nói giọng Bắc, lại được tuyển chọn bổ sung cho một đoàn nghệ thuật khu 5, nói giọng Quảng Nam, khớp hai chất giọng này để biểu diễn chung trên sân khấu kịch nói cũng không phải điều đơn giản. Nhưng vì nhiệt tình với tiền tuyến, cả ba vẫn hăng hái lên đường).

Đêm trước ngày họ lên đường, tôi cứ nghĩ mãi xem có món quà gì tặng bạn. Hỏi thì cả ba cô đều bảo bọn em thích thơ, anh chép tặng bọn em mấy bài trên đường hành quân đọc anh nhé. Thế là thức trọn cả một đêm, chép một tập thơ nhỏ trên giấy 5 hào 2 gấp lại, quãng 10 bài gì đó, trong đó có những bài như "Tuổi trẻ Trường sơn", “Thơ ru Huyền ngủ” và bài “Con sông dòng đục dòng trong”. Sáng hôm sau khi đi tiễn họ lên đường, tôi xúc động trao tặng, được ba cô gái đón nhận cũng  rất xúc động, dù đó chỉ là một tập thơ chép tay, và nói thật chữ tôi vốn rất nguệch ngoạc …

Bởi là văn công lên đường, nên tới cung đường nào, trạm giao liên nào, đơn vị nào… lính ta cũng yêu cầu văn công biểu diễn. Trong khi bên ca bên múa họ xuất trận tưng bừng, thì ba cô gái diễn viên kịch nói này lại chưa thể triển khai các tiết mục sân khấu được, nên thay vào đó là hát và ngâm thơ. Cô bé Ngọc Dung vốn rút rát nhất đoàn thì lại được Trời cho một giọng ngâm thơ hết sức véo von, mà chỉ lên Trường sơn mới tự khám phá ra, và thế là buổi diễn nào cũng có tiết mục ngâm thơ Ngọc Dung, với các bài thơ của Châu la Việt sẵn trong cuốn sổ tay mang theo buổi lên đường, và bài tủ là “Con sông dòng đục dòng trong”, nói về nỗi đau chia cắt hai miền của đất nước, được các chiến sỹ ta rất cảm động và vỗ tay đòi nghe đi nghe lại nhiều lần.

Thế là từ những học sinh nghệ thuật kịch nói - ba cô gái trở thành những nghệ sỹ diễn kịch, ngâm thơ, nghĩa là rất đa tài của Trường sơn, của chiến trường khu Năm vô cùng ác liệt. Và điều đặc biệt hơn, họ đã giúp cho những bài thơ còn vụng về của tôi bay vượt Trường sơn, đến được với trái tim những người chiến sỹ trong lửa đạn, và rồi sau này, đến với tuổi trẻ sinh viên yêu cách mạng, yêu văn học của TPHCM ngày đầu giải phóng như lớp nhà báo trẻ Thúy Nga sau này viết về thơ ca và văn nghệ rất xuất sắc …

Hết chiến tranh,  tôi đi tìm các chị. Hòa Bình về quê hương Phú Yên của mình, làm đài truyền hình và phát thanh tỉnh, Giang Nga về Nhà hát kịch nói TW, còn Ngọc Dung " đơm hoa kết trái" với một người bạn tôi cũng là một diễn viên- biên đạo múa xuất sắc là Thanh Tùng, tốt nghiệp khóa 5 trường múa VN và cùng lên đường và những tháng năm lửa đạn trong chiến trường liên khu 5. Người con của họ chính là nghệ sỹ kịch nói Vĩnh Xương Nhà hát kịch nói VN...

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ; Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024”.