Nhà báo Phan Quang ngưỡng mộ một cây bút tài năng và nhân hậu

Nhà báo Phan Quang, một người mà tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ. Nhà báo Phan Quang có hai phạm vi hoạt động quan trọng. Với tư cách một quan chức cao cấp, Phan Quang đã từng giữ bảy, tám chức tương đương với Bộ trưởng, Thứ trưởng, ba lần là Đại biểu Quốc hội và nhiều trách nhiệm trong hoạt động quốc tế. Nhà nước sẽ ghi nhớ công ơn của ông. Những trách nhiệm trên chứng tỏ sự tín nhiệm của cấp trên và đồng nghiệp với tác giả. Song, còn một phạm vi hoạt động quan trọng khác là những sáng tạo tinh thần phong phú và giá trị trên nhiều lĩnh vực văn hóa, báo chí, văn nghệ, dịch thuật.

Tôi không so sánh nhưng muốn liên hệ với nhà thơ Huy Cận. Ông là nhà thơ nổi tiếng, lại là quan chức cao cấp, hai lần là Bộ trưởng, năm sáu lần là Thứ trưởng của nhiều Bộ. Ông cùng hoạt động nhiều năm cho UNESCO và từng làm cố vấn văn hóa ở Đông Nam Á cho các các Tổng thống Pháp Mi-tơ-răng và J. Si-rắc. Trong một lần ông cho tôi xem danh thiếp: Huy Cận - nhà thơ – bộ trưởng.

Ông nói “chức tước rồi sẽ qua đi còn lại với Huy Cận là nhà thơ”. Trong danh thiếp của nhiều cơ quan, tùy thuộc đại diện của cơ quan mà cách sắp xếp cũng khác nhau, nhạc sĩ Thuận Yến với danh thiếp Đại tá nhạc sĩ Thuận Yến, nhà văn công an Hồng Thái với danh thiếp Thiếu tướng nhà văn Hồng Thái. Với Phan Quang tôi chỉ biết phần quan chức nhà nước sẽ ghi công và phần còn lại mang bản sắc phong cách, sức sáng tạo là ở những sáng tao tinh thần.

Phan Quang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ghi dấu ấn riêng và giá trị bền vững. Gọi anh là nhà báo, nhà báo tài năng đã viết hàng mấy trăm bài báo với tư cách người lãnh đạo cao nhất của báo chí. Nhiều trang viết mang tính chất cương lĩnh cho từng thời kỳ và các bài báo của nhà báo hành nghề thong dong, hấp dẫn.

Nhà báo Phan Quang ngưỡng mộ một cây bút tài năng và nhân hậu - 1

Nhà báo lão thành Phan Quang (Nguồn: Sưu tầm)

Ông là nhà văn với nhiều thể loại văn xuôi, chính luận, bút ký, truyện ngắn. Tôi thích hơn cả là những bút ký của ông về đồng bằng sông Cửu Long, về nhiều miền của đất nước. Trong viết còn cần thể hiện tinh thần yêu nước, yêu cuộc sống gần xa của dân tộc.

Ông cũng có nhiều bút ký viết về nước ngoài. Thật không dễ khi viết bút ký về nước ngoài. Phải hiểu kỹ đất nước và con người dân tộc qua trang viết. Nhiều nhà văn, nhà báo đi công tác nước ngoài nhưng không dễ có bút ký. Những bút ký như của Xuân Diệu, Huy Cận, Thép Mới không nhiều.

Nhà báo Phan Quang với các bút ký về Trung Quốc, về sông Mít-si-xi-pi ở Mỹ, Thơ thẩn Paris ở Pháp chân thực và duyên dáng. Ông cũng là dịch giả đáng tin cậy với nhiều tác phẩm từ cổ đại đến hiện đại. Ông giỏi tiếng Pháp qua giao dịch ngôn từ cũng như trang viết.

Một lần tôi sang Pháp thăm trường báo chí Lille do ông Trần Mai Hạnh làm trưởng đoàn, có nhà ngoại giao Pháp gốc Viên nói "Xin lỗi các ông, các nhà báo, nhà văn sang đây đều nói tiếng Pháp thuộc địa, duy chỉ ông Phan Quang là nói chuẩn mực về tiếng Pháp. Có thể kể thêm và quan trọng hơn cả ông là nhà văn hóa lớn. Kiến thức văn hóa nền của ông rất vững chắc, có thể nói là thông tuệ, uyên bác. Với kiến thức văn hóa đã tiếp sức nuôi dưỡng triển các hoạt động tinh thần phong phú, có bản sắc.

Nhà báo Phan Quang ngưỡng mộ một cây bút tài năng và nhân hậu - 2

Nhà báo Phan Quang (phải) và nhà báo Hà Đăng (trái)

Là một nhà văn mà kiến thức văn hóa yếu là nhà văn trung bình, là dịch giả mà vốn văn hóa yếu có thể dịch sai, là nhà ngoại giao mà vốn kiến thức yếu có thể bị dồn đến chân tường. Nhà báo Phan Quang với kiến thức, vốn hiểu biết cuộc sống trong và ngoài nước sâu rộng đã giúp cho ông có tư duy năng động. Tư duy chính luận, tư duy hình tượng, tư duy trừu tượng đều được vận dụng có hiệu quả và thông mạch và không bị giới hạn nào ngăn cách”.

Ông không tự giới hạn mình, không giới hạn trong khuôn khổ chật hẹp cho các hoạt động tinh thần ở nhiều lĩnh vực. Xin được tặng anh một khổ thơ "Không giới hạn':

Người lữ hành nửa đường dừng bước

Cánh chim chiều vội tìm về rừng cây

Hạnh phúc nào đâu ở chốn này

Hãy tiến về phía trước

Quê hương đẹp trăm vùng non nước

Bầu trời lộng gió cho cánh chim bay

Đời vui tươi nâng bước chân ai

Người đi xa sẽ về tới đích

Hạnh phúc như một niềm mơ ước

Từ ngàn xưa cho đến hôm nay

Non nước này. Không giới hạn

Chính với phẩm chất tư duy không giới hạn, ông hiểu rõ những giới hạn của các nhà báo trẻ phải vượt qua và ân cần khích lệ bạn hữu nhiều thế hệ với những thành tựu mới.

Trong cuốn sách “Dưới ánh hoàng hôn”, Phan Quang có nhiều kỷ niệm “Miên man nhớ thầy thương bạn và cảm xúc với nhiều miền quê hương đất nước, Bạch Đằng Giang sông ơi, Nặng lòng với Huế”. Và riêng với các nhà báo, nhà văn ông có những nhận xét chân tình “Cây bút chính luận thăng hoa” Hồ Quang Lợi, ghi nhận chia sẻ niềm vui “Những dấu ấn cuộc đời” của Hồng Vinh.

Đọc “Những bóng chức nghiêng nghiêng” của nhà văn Ngô Thảo, ông “xúc động rưng rưng”… Và tôi cũng được chia sẻ lộc tình nghĩa đó qua “Ngẫm ngợi về một xứ sở hào hoa”. Tuổi cao, đọc hết những hàng sách của bạn hữu các thế hệ, nhận xét, chia vui là phẩm chất cao cả của bậc cao niên nhiều tình nghĩa và trách nhiệm.

Năm tháng trôi qua, những cuốn sách tiếp tục ra đời và còn đó và tiếp tục đem lại nhiều tri thức cho đời. Tôi muốn nghĩ đến một chi tiết về tên những cuốn sách rất hay và tinh tế của ông. Nhà thơ Xuân Diệu thường nói vui “Khó nhất là đặt tên sách. Cũng như người phụ nữ bắt đầu mang thai phải nghĩ ngay đến đặt tên con là vừa”.

Các tên sách của Phan Quang Dưới ánh hoàng hôn, Tím ngát tuổi hai mươi, Thơ thẩn Paris, Trên nẻo đường ngày xưa ta đã đi. Tất cả đều giàu tính thẩm mỹ. Riêng cuốn cuối cùng nhiều cảm xúc. Phải có những năm tháng đã trải nghiệm với nhiều công sức, phải có một vị thế xã hội của cao niên mới có thể hạ một chữ “ta” đắt giá.

Nhà báo Phan Quang ngưỡng mộ một cây bút tài năng và nhân hậu - 3

Nhà báo Phan Quang

Cảm ơn nhà báo Phan Quang, tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ một nhà báo tài năng và nhân hậu.

Hà Tùng Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất