Nhà văn làm sao đến được với công chúng?

Chúng ta đang khuyến khích cho văn hóa đọc bởi sinh hoạt này lâu nay có khuynh hướng sao nhãng, mai một. Những ngày hội đọc sách, triển lãm sách... diễn ra ở nhiều nơi là dấu hiệu đáng mừng. Điều này cũng chứng tỏ sách vẫn có giá trị riêng, bất cứ thời đại nào cũng không thể thay thế.

Nhà văn gắn liền với sự ra đời những tác phẩm văn học. Không có tác phẩm đương nhiên nhà văn không có lý do tồn tại trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Giờ đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều người thưởng thức tác phẩm không bằng đọc sách trực tiếp (như truyền thống) mà thay vì là nghe đọc hoặc xem trên mạng internet. Nhưng hai cách đọc “hiện đại”, mới mẻ này có nhiều hạn chế: Những thứ người ta đưa lên mạng để đọc thường mang tính giải trí là chủ yếu, ít có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Nếu là những tác phẩm giá trị có ở trên mạng thì cũng không nhiều và người đọc phải phụ thuộc vào phương tiện (máy tính, điện thoại...). Vậy nên đọc sách được xuất bản theo truyền thống lâu nay xem ra vẫn thuận tiện hơn.

Trong quá khứ, truyền thống bao năm là khi một tác giả đưa tác phẩm đến nhà xuất bản, sau khi được chấp nhận, sẽ được in thành sách. Tác giả không phải chi bất cứ một khoản “phí” nào cho việc xuất bản này. Không những vậy, còn được lĩnh nhuận bút, tùy thuộc sự ấn định của nhà xuất bản theo chất lượng tác phẩm. Thường là từ 10 -12% giá bán 1 cuốn nhân với số lượng bản in (tirase). Ví dụ: Cuốn tiểu thuyết có giá bán 200.000đ/cuốn. Số lượng in là 1.000 cuốn. Tác giả sẽ được nhận nhuận bút là 10% của 200 triệu, tức 20 triệu. Nhưng không dễ được nhà xuất bản “ô-kê”. Dưới thời bao cấp, ai được in văn, thơ theo phương thức này là rất hiếm hoi. Một là tác giả phải có thanh thế, tiếng tăm. Hai là tác phẩm phải thật đặc biệt. Nếu không có hai điều trên thì phải có quan hệ thế nào đó với nhà xuất bản. Tác giả không nằm trong những trường hợp trên thì khó được nhà xuất bản ngó ngàng tác phẩm.  

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chấm dứt thời bao cấp, nước ta chuyển sang cơ chế thị trường về kinh tế. Tình hình xuất bản sách khác trước. Cũng chấm dứt việc các nhà xuất bản bỏ tiền ra in sách cho các nhà văn dẫu có chất lượng đến đâu. Họ chỉ xuất bản những cuốn theo kế hoạch A khi có sẵn “đầu ra” (Sách in theo kế hoạch A là tác giả không phải mất tiền, còn được lĩnh chút nhuận bút ít ỏi). Thường là những sách phục vụ công tác tuyên truyền, ví dụ sách có nội dung liên quan đến chủ trương xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo... Còn lại một khoản kinh phí nào đó thì các nhà xuất bản sẽ dành cho tác giả mà họ ưu ái.

Như vậy, muốn tác phẩm của mình được xuất bản nhanh chóng, bắt buộc các tác giả phải chi tiền gồm những việc: Trả “quản lý phí”, in ấn (gồm tiền giấy, công in, công trình bày bìa, chế bản). Nhưng in ra, các nhà văn cũng không biết làm sao để có thể đưa tác phẩm đến cho bạn đọc vì thường họ không có nghiệp vụ phát hành. Đa số chỉ để tặng - tặng lan tràn cả cho những người không quen biết và không có nhu cầu đọc. Đã không ít tác phẩm có chất lượng nhưng không đến được những công chúng muốn đọc. Vậy là thành “áo gấm đi đêm”. In ấn kiểu này, thường các tác giả chỉ có thể in một vài trăm cuốn. Tiền mua giấy phép của các nhà xuất bản cộng với tiền in ấn cho mỗi tác phẩm với số bản một vài trăm như thế cũng khoảng 20 triệu đồng. Nếu in bìa cứng, giấy đẹp cho sang sẽ tốn tiền nhiều hơn. Bỏ công sức để viết nên một cuốn tiểu thuyết 300 – 400 trang ít nhất cũng phải 3 tháng. Lao tâm khổ tứ với vốn sống, vốn kiến thức tích lũy có khi cả đời, lại mất mấy chục triệu đồng để cho ra được tác phẩm như đã nói, cuối cùng đã chỉ có một số lượng người đọc cực kỳ ít ỏi (bởi không phải ai được tặng sách cũng đọc). Quả là một nghịch lý cay đắng, trớ trêu. Điều này xảy ra với mọi người viết kể cả những nhà văn tài năng, có thương hiệu viết lách từ lâu.

Nhà văn làm sao đến được với công chúng? - 1

Ảnh minh họa

Có một con đường nữa để nhà văn có thể tiêu thụ tác phẩm. Đó là gửi bản thảo đến các nhà sách. Họ có thể mua đứt bản thảo trọn gói. Giá cả sẽ thỏa thuận giữa hai bên. Sau khi tác giả nhận tiền, coi như bán luôn bản quyền cho bên mua. Họ có thể in bao nhiêu bản, giá bán thế nào, tái bản bao nhiêu lần là quyền của họ, tác giả không có quyền can thiệp. Tất nhiên, tác giả vẫn đứng tên tác phẩm và bên mua không được phép sửa chữa, thay đổi tác phẩm nếu không có sự đồng ý của bên bán. Nhưng không dễ được các nhà sách mua đứt bản thảo theo phương thức này. Mục đích cao nhất và duy nhất của họ là kinh doanh, lợi nhuận. Vậy nên chỉ những tác phẩm nào họ cảm thấy in ra mà bán chạy, có lãi mới “ô-kê”. Còn thì họ không quan tâm và cũng không có khả năng biết tác phẩm có giá trị ra sao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.

Mà “hấp dẫn” theo họ, cũng tức là cái “gu” của số đông người đọc, các tác phẩm ra đời bằng con đường này ít ỏi. Hiện nay, cả nước ta có chừng mấy chục nhà sách kiểu này. Nguồn sách họ tìm đến chủ yếu là dịch từ nước ngoài, vừa không phải mất tiền mua bản quyền, vừa dễ bán. 

Qua việc nói đến hiện trạng xuất bản sách văn học hiện nay đã thấy rõ: Các nhà văn viết ra tác phẩm không biết đưa đến công chúng như thế nào? Làm sao để công chúng đọc được tác phẩm của họ? Cứ tình trạng xuất bản sách như hiện nay thì việc này trở nên hoàn toàn bế tắc.

Tôi có dịp đến một vài nhà xuất bản thấy rất nhiều sách để ngổn ngang. Sách mới xuất bản cũng có mà đã ra đời được một thời gian cũng có. Hình như chưa kịp nộp lưu chiểu sau khi sách được in ra theo quy định của ngành xuất bản. Không hiểu nộp lưu chiểu thế nào mà thấy nói tác giả phải nộp những 15 bản mỗi cuốn sách cho việc này?

Gần đây xảy ra một hiện tượng: Trên mạng, một số nhà sách bán sách nhưng chủ yếu là những sách không phải là văn học và in lậu - tức không có giấy phép xuất bản. Để tiết kiệm chi phí, họ in chữ nhỏ li ti, giấy rẻ tiền và kỹ thuật in tồi nên đọc rất nhức mắt. Giá khá rẻ: Một cuốn sách khổ lớn 600-700 trang mà chỉ có giá chưa tới 200.000đ/cuốn. Phần lớn là những sách nhằm thỏa mãn sự tò mò của người đọc mà tác giả từng là người của “phía bên kia” – quan chức cao cấp trong chế độ Việt Nam cộng hòa trước đây. Ngoài việc biết được một số tư liệu liên quan đến sự sụp đổ và cáo chung của chế độ Việt Nam cộng hòa, những cuốn sách này không có giá trị gì hơn. Quá dài dòng, tản mạn và trùng lặp là những điểm nổi rõ ở những cuốn sách này nên do sách rất dày mà người đọc có khuynh hướng đọc lướt, bỏ qua nhiều chương, mục.

Cũng như mọi lao động khác, lao động sáng tạo của các nhà văn cũng cần phải nhận được những nguồn cổ vũ, động viên. Một trong những nguồn cần thiết nhất là sự đón nhận của công chúng độc giả. Tác phẩm không đến được với họ, làm sao có thể có được điều này? Đây là nỗi trăn trở, băn khoăn rất lớn và chính đáng của đội ngũ những người viết văn, làm thơ hiện nay.

Văn học muốn phát triển mạnh đương nhiên phải gắn với sự xuất hiện thường xuyên những tác phẩm có chất lượng. Ngoài yếu tố tiên quyết là tài năng và sự nỗ lực lao động của nhà văn, không thể không nhắc đến sự quan tâm, những biện pháp hữu hiệu để kích thích, thúc đẩy sự ra đời những tác phẩm giá trị của các cơ quan, tổ chức hữu trách. Còn nếu tình hình xuất bản, in ấn cứ như hiện tại, e rằng sẽ để phí hoài không ít tác phẩm tốt, có chất lượng nghệ thuật mà công chúng không biết đến, không được thưởng thức.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" của Trang Thụy, NXB Hội Nhà văn, 2024)

"Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" là tập truyện ngắn đầu tay của Trang Thụy, tập hợp 11 tác phẩm, hầu hết đã in báo rải rác trong mấy năm gần đây. Tuy mới bước vào làng văn nhưng Trang Thụy đã sớm định hình được một giọng điệu riêng, sắc sảo và độc đáo. Và điều đặc biệt hơn nữa là các tác phẩm của Trang Thụy hầu như tập trung vào một chủ đề duy nhất, đó là số

Trải nghiệm “Phở số Hà Thành” tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

Trải nghiệm “Phở số Hà Thành” tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày (29, 30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động bảo vệ, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể “Phở Hà Nội”, góp phần đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa Thủ đô.