Từ “Chân trời mùa hạ” đến “Quay đầu lại là bờ” - bước tiến về tư duy tiểu thuyết của Hữu Phương 

Trong số các cây bút sinh trưởng, thành danh và “bám trụ” suốt đời tại đất lửa Quảng Bình, nhà văn Hữu Phương là một tên tuổi có nhiều thành tựu. Anh từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh  Quảng Bình từ 1998-2009; và cũng như tôi, trên chục năm, Hữu Phương có thêm một chức nghe sang trọng, nhưng đơn vị “ba không” (không trụ sở -không kinh phí - không quyền hành): đó là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở địa phương (Huế và Quảng Bình).

Do vị trí đặc biệt như “chiếc cầu nối hai miền đất nước”, trong nhiều thời đoạn của lịch sử Việt Nam, tỉnh Quảng Bình đã phải gánh chịu nhiều đau thương, đồng thời cũng là nơi hội tụ những anh hùng. Có thể nói, hiện thực đó là “đất dụng võ”, là cội nguồn cảm hứng bất tận đối với văn nghệ sĩ. Có lẽ vì thế, Quảng Bình là địa phương thành lập Hội Văn học nghệ thuật sớm nhất. Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình (1961-2021) vừa được long trọng tổ chức tại Thành phố Đồng Hới  xinh đẹp đầu Xuân 2022. 

Trong số các cây bút sinh trưởng, thành danh và “bám trụ” suốt đời tại đất lửa Quảng Bình, nhà văn Hữu Phương là một tên tuổi có nhiều thành tựu. Anh từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh  Quảng Bình từ 1998-2009; và cũng như tôi, trên chục năm, Hữu Phương có thêm một chức nghe sang trọng, nhưng đơn vị “ba không” (không trụ sở -không kinh phí - không quyền hành): đó là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở địa phương (Huế và Quảng Bình). Hữu Phương sinh năm 1949, vị chỉ thua tôi 10 tuổi; năm 1972, khi anh tốt nghiệp khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh thì tôi đang chạy ngược xuôi đến các đơn vị giao thông ở Quảng Trạch và Bố Trạch quê anh, theo dõi công việc sửa chữa cầu đường để đón thời cơ ngừng bắn đến gần.

Mấy chục năm cùng hoạt động văn nghệ, tôi và Hữu Phương đã hơn một lần “ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng” trong các dịp đi trại sáng tác hay dự hội nghị. Vậy mà nhiều lúc cứ “thắc mắc” không hiểu cái “duyên” nào, nguồn cơn nào đã đưa một thầy giáo dạy toán từ bục giảng bước sang địa hạt văn chương một cách ngoạn mục như thế. Có lẽ chỉ do lĩnh vực sáng tạo vốn là bí ẩn và tiềm năng con người là vô tận? Như tôi biết, Hữu Phương là người thích “vui vẻ”, không ưa đại ngôn. Tuy vậy, trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn Việt Nam in năm 2020, Hữu Phương đã “tự bạch” như sau: “Văn chương là gì mà không hiểu sao càng chí tâm chí cốt với nó, càng thấy thương đất nước…”.

Có thể nghĩ, đó là động lực đã đưa thầy giáo Hữu Phương trở thành một trong số tác giả có nhiều thành tựu, nhất là về tiểu thuyết. Bạn đọc chú ý đến Hữu Phương từ truyện ngắn Ba người trên sân ga đã được dựng thành phim Đời cát; anh cũng đã có 3 tập truyện ngắn đạt Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuậ Lưu Trọng Lư, nhưng sau tiểu thuyết Chân trời mùa hạ (NXB Hội Nhà văn, 2007) - Giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2006-2010) của Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Phương đã tạo được dấu ấn về thể loại được xem là “cỗ máy cái” của nền văn học với 2 tiểu thuyết được xuất bản tiếp theo là Súng nổ bến Thiên Đường (NXB Công an Nhân dân, 2014) và Quay đầu lại là bờ (NXB Văn học, 2019). 

Điều dễ nhận thấy hơn cả ở các tiểu thuyết của Hữu Phương là tuy đề tài khác nhau nhưng đều lấy bối cảnh Quảng Bình với những thời đoạn khác nhau. Tiểu thuyết Chân trời mùa hạ lấy bối cảnh là hoạt động sản xuất và chiến đấu ở một hợp tác xã, một làng quê điển hình của Quảng Bình trong quãng thời gian từ cuối những năm sáu mươi đến khi hoà bình được lập lại, đất nước thống nhất. Chân trời mùa hạ với gần 600 trang sách chữ nhỏ, đã tái hiện một cách chân thực cuộc sống phong phú nhiều vẻ ở tầng căn bản nhất của xã hội với những con người đã đóng góp lớn lao nhất trong cuộc chiến tranh. Đó là nông thôn và người nông dân. Chọn vùng quê bị “kẹp” giữa hai con đường số 1 và 15, có ngầm Chánh Hoà là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, có hệ thống thuỷ lợi Đá Mai, có cả đồi núi và bờ biển (trong Chân trời mùa hạ mang tên là “Đại Hoà” - nếu tôi không nhầm thì đây chính là quê hương tác giả), Hữu Phương có điều kiện dựng lại hầu như toàn bộ những cảnh tiêu biểu của Quảng Bình trong thời chống Mỹ: từ cày cấy, làm thuỷ lợi dưới tầm bom đạn Mỹ, bắn máy bay, phá bom nổ chậm, lấp hố bom bảo đảm giao thông… đến cuộc sống với đủ cung bậc tình cảm diễn ra trong những căn hầm...

Đến tiểu thuyết Súng nổ bến Thiên Đường, tác giả dẫn độc giả lên vùng đất Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nổi tiếng với cuộc chiến chống lâm tặc đầy cam go nên cốt truyện có sức lôi cuốn bạn đọc. 

Tác giả chọn nhan đề khá “đắt”, đáp ứng một “tiêu chuẩn” của thị trường là “mẫu mã” phải “bắt mắt”, nhưng trong mạch chính của truyện, cuối tác phẩm mới có một phát súng nổ! Thực ra, mặt trận này, không có tiếng súng nổ, cũng đã luôn căng thẳng, nóng bỏng.

Nhân vật chính là Luận, một sĩ quan công an trẻ, đẹp trai vừa tốt nghiệp Đại học An ninh, được “Giám đốc Công an tỉnh “đánh” vào tổ chức tội phạm phá rừng”.  Lời giới thiệu tác phẩm đã “lật bài ngửa” như thế. Và như thế, đúng ra, độc giả sẽ hồi hộp theo dõi cách thức Luận khám phá, lật mặt kẻ phạm tội và cũng lo cho Luận có thể bị “lộ mặt” theo kiểu một truyện trinh thám thông thường. Nhưng thực ra, Luận chỉ đóng vai một “sinh viên kinh tế” về nhà người quen cũ nghỉ ngơi chờ xin việc, tự do thoải mái quan sát cuộc sống trong vùng, chứ Giám đốc Công an không giao cho anh nhiệm vụ điều tra phá án cụ thể nào. Ông muốn nắm được “toàn cảnh” một địa bàn trọng yếu với bản chất của nó, chứ không nhằm vào một “chuyên án”, một vụ phá rừng nào đó. Có thể đây chỉ là “sáng kiến” của tác giả, mượn “đôi mắt” của Luận miêu tả cuộc sống nhiều mặt phong phú như nó vốn có. Cũng có thể nói đây là ưu điểm của Súng nổ bến Thiên Đường; tác giả đã tránh được kiểu xây dựng cốt truyện bám theo một vụ án, một chiến dịch, một công trình - kiểu cốt truyện chạy theo sự việc và vô hình trung đã tự “bó tay” mình, tự hạn chế mình trong một không - thời gian chật hẹp.

Vì thế, sức hấp dẫn chủ yếu của Súng nổ bến Thiên Đường, không phải là các “pha” săn đuổi mà là số phận các nhân vật và cuộc sống phong phú ở một vùng đất đang nổi tiếng với cả thế giới. Chỉ riêng những trang miêu tả nhóm lâm tặc đi chặt “cụ Sưa” trong rừng Phong Nha, chuyện móc ngoặc “làm ăn” giữa kẻ có chức quyền với những kẻ phá rừng, cảnh lụt lội kinh người vùng rốn lũ Trường Sơn… với nhiều chi tiết sống động, đã tạo được sự cuốn hút đối với người đọc. Hệ thống nhân vật được tác giả xây dựng một cách công phu, đan cài khéo léo, các mối tình say đắm và éo le cũng là nhân tố quan trọng khiến cuốn sách thêm hấp dẫn. 

Tiểu thuyết Quay đầu lại là bờ là phẩm được thực hiện trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2019. Tác giả mượn câu thành ngữ quen thuộc làm tên sách thật là đích đáng đối với hoàn cảnh và tâm trạng của Trương Thuấn, khi ông ta từ Mỹ bất ngờ trở về Đồng Hới -Quảng Bình trong ngày giỗ ông giáo Thọ. Thuấn không phải là nhân vật chính trong tác phẩm - theo thuật ngữ văn học thì ông ta là “nhân vật phản diện”, nhưng xoay quanh Thuấn là cả loạt mối quan hệ dằng dịt với nhiều tình tiết gay cấn tạo nên bi kịch, có sức cuốn hút bạn đọc. 

Nhiều nhà văn trong và ngoài nước đã xây dựng tiểu thuyết thông qua sự thành - bại, được - mất của một vài gia đình để phản ánh cả giai đoạn lịch sử đất nước; tác phẩm này của Hữu Phương cũng vậy. Nhưng điều có lẽ khiến không ít bạn đọc bất ngờ là xoay quanh chỉ một gia đình ông giáo Thọ bình thường ở một tỉnh lỵ nhỏ khiêm tốn như Đồng Hới, chứ không phải là tướng lĩnh hay “danh gia vọng tộc” ở các đô thị trung tâm; và cũng chỉ với một tập sách 400 trang, chứ không phải tiểu thuyết bộ đôi, bộ ba như không ít trường thiên tiểu thuyết gia đình từng nổi danh trên văn đàn; vậy mà Quay đầu lại là bờ đã “chạm” đến hầu hết những sự kiện lớn của lịch sử đất nước hơn nửa thế kỷ vừa qua… Nhờ thế, tác phẩm đã được trao Giải nhì cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam và mới đây là Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư…

*

Như thế, hiện thực được miêu tả trong 3 cuốn tiểu thuyết của Hữu Phương chính là cuộc sống đa dạng, phong phú của quê hương tác giả. Trong lý luận văn học, có tác giả nêu luận điểm, đại ý “anh viết cái gì không quan trọng bằng anh viết như thế nào”; nói cho dễ hiểu, thì tác giả muốn luu ý trong văn chương, chỉ nên quan tâm đến nghệ thuật mà thôi! Điều này có phần đúng, nhất là cái thời người thẩm định các cuộc thi chỉ chú trọng những tác phẩm bám sát thực tế cuộc sống nhân dân rồi “châm chước” về nghệ thuật thể hiện. Đến nay thì không mấy ai quan niệm đơn giản như thế nữa. Thực ra, hiện thực trong 3 tác phẩm của Hữu Phương qua gần 1500 trang sách mà tôi giới thiệu tóm lược ở trên, ngoài giá trị nhận thức giúp cho độc giả trong cả nước thêm hiểu và thương mến Quảng Bình, đã thể hiện phần nào nghệ thuật tiểu thuyết của tác giả về mặt cấu trúc truyện và xây dựng nhân vật. Về hai mặt này, theo tôi, Súng nổ bến Thiên Đường và Quay đầu lại là bờ hay hơn Chân trời mùa hạ, chứng tỏ Hữu Phương viết ngày càng “lên tay”, là cây bút tiểu thuyết đang sung sức.

Trong Chân trời mùa hạ, tác giả đã dành phần lớn số trang để tái hiện khung cảnh chiến đấu và sản xuất ở Đại Hoà. Có thể những khung cảnh đó gắn với kỷ niệm riêng gần gũi thân thiết, nên tác giả không đủ “tỉnh táo” để biết dừng ở mức vừa đủ, tránh sự dàn trải và đơn điệu. Cũng có thể tác giả có ý định tốt muốn dựng một “bảo tàng” làng quê Quảng Bình trong chống Mỹ bằng ngôn ngữ. Tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của L.Tôn-xtôi đã có nhiều trang như thế (cảnh chiến trận Oa-téc-lô và Bô-rô-đi-nô…). Rất tiếc, khung cảnh trong Chân trời mùa hạ, ít có những cảnh hùng tráng đặc sắc và có vị trí quan trọng trong lịch sử chiến tranh ở Quảng Bình, nên không những chưa đủ sức lay động độc giả, nâng tầm nhân vật lên mà ngược lại, những trang miêu tả quá nhiều sự việc “sản xuất, chiến đấu” đã lấn át nhân vật.

Nhược điểm này dễ thấy ở không ít tiểu thuyết Việt Nam, nhất là trước thời kỳ Đổi mới 1986. Riêng Hữu Phương, đến Quay đầu lại là bờ, anh chứng tỏ đã có bước tiến đáng kể về tư duy tiểu thuyết. Có thể nói đọc Quay đầu lại là bờ có cảm tưởng như nhìn một hạt muối thấy biển cả. Với dung lượng có hạn, đạt được điều đó là nhờ tác giả đã tránh lối miêu tả các sự kiện lớn như nhiều tiểu thuyết sử thi trước đây. Trong Quay đầu lại là bờ, các cột mốc và biến cố lớn của đất nước được thể hiện qua cảm nhận và hồi ức của người trong cuộc, chứ không phải tác giả miêu tả diễn biến sự kiện tuần tự theo dòng thời gian nên không chỉ có sức truyền cảm từ số phận nhân vật mà mạch truyện biến hóa rất nhanh… 

Ví như vào đầu tiểu thuyết là khoảng năm 1990, khi tác giả viết: “Đã hơn 15 năm sau ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ngọn lửa chiến tranh đã lụi tắt từ lâu. Những toan tính vuông tròn cũng đã ngã ngũ, tàn cuộc…” Đó là lúc lễ cầu siêu linh hồn ông giáo Thọ được tổ chức và “Đây là lần đầu tiên, con cháu ông giáo Thọ cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều không hẹn mà gặp. Lại có cả người từ bên Mỹ cũng tìm về…”. Một cách mở đầu tiểu thuyết hàm ý tác giả sẽ đặt ra những vấn đề hậu chiến, nhưng với nhà tiểu thuyết, chỉ khi “vấn đề” đặt ra được bạn đọc cảm nhận qua số phận nhân vật thì mới có giá trị thẩm mỹ và cả nhận thức nữa. Chính vì thế, ngay sau chương mở đầu, Hữu Phương đã cho bạn đọc “lật trang sử” gần nửa thế kỷ trước, khi viên cảnh sát Trương Thuấn bỏ vợ con, xuống tàu rời Đồng Hới di cư vào Nam…

Như thế, chỉ qua 2 chương mở đầu tác phẩm, nhà văn đã khéo “gắn kết” biến cố và cũng có thể nói là bi kịch của dân tộc khi đất nước phải chia đôi với những số phận và bi kịch trong gia đình ông giáo Thọ. Quả đúng là bi kịch, khi Huấn - chồng Loan, người chị cả, lại phải đối đầu với Thuấn là chồng cô Phúc, con gái út ông Thọ; cuộc đối đầu kéo dài suốt từ thời chống Pháp cho đến Tết Mậu Thân 1968 - Huấn bị truy đuổi phải trốn xuống hầm bí mật và Thuấn, do sợ Huấn từ dưới hầm tung lựu đạn lên, đã gọi phi pháo dập nát khu vực đó. Không chỉ thế, để “cảnh cáo” những người theo “Việt Cộng”, Thuấn đã cho treo xác Huấn nơi ngã ba đường suốt 3 ngày. Tình cảnh Loan phải biền biệt xa chồng khi Huấn vào Nam chiến đấu; với Phúc thì còn nỗi nhục nhã mang tiếng có chồng theo giặc cũng đều là bi kịch, dù không đổ máu.  

Ông giáo Thọ còn người con rể có số phận khá kỳ lạ. Đó là Phan Trường; anh đang là sinh viên Hán - Nôm thì nhập ngũ, rồi vô Huế; cái ngành học “trái khoáy” lại cứu anh thoát chết, khi bị địch truy đuổi phải chạy trốn vào một ngôi chùa, được nhà sư che chở và nhờ cái vốn Hán Nôm, anh đã đánh lừa được cảnh sát; nhưng dần dà triết lý nhà Phật nhập tâm, anh trở lại quê hương đã thành đại đức Thích Vĩnh Trường. Cuộc đời anh không hẳn là bi kịch nhưng với người vợ, bao năm đau buồn thờ chồng liệt sĩ, nhưng ngày Trường trở về lại thành ông thầy tu thì chẳng thể nào vui.

Tác giả đã viết: “…bi kịch trong quan hệ mỗi gia đình, hệ lụy của cuộc chiến tranh, vẫn như đá đeo nặng trĩu lòng người. Và nó diễn ra theo nhiều chiều hướng, nhiều chiều kích khó hình dung…”. Ngay cả khi đất nước đã thống nhất, vẫn có không ít số phận cam chịu cảnh đời bi thảm. Tác giả không dành nhiều trang miêu tả bi kịch các “thuyền nhân”, nhưng chỉ với cái chết đau đớn của cô gái trẻ trong ngôi biệt thự ở Sài Gòn khi gia đình di tản đủ làm “nặng trĩu lòng người” và chứng tỏ nhà văn không tránh né những sự thật nghiệt ngã…..

Với viên cảnh sát Trương Thuấn, tuy di tản sang Mỹ, nhưng “miền đất hứa” không đem lại cho anh cuộc sống thanh thản do những ám ảnh chiến tranh - đặc biệt là việc anh sát hại Huấn - người anh em cọc chèo, đã biến thành “con ma” quấy phá anh suốt ngày đêm. Vì thế mà anh phải tìm về Huế, tìm lại ngôi chùa đã chôn cất Huấn và đưa di hài anh về quê, tình cờ đúng ngày cầu siêu ông giáo Thọ. Những chương sách giàu kịch tính nhưng số phận đầy bi kịch của Thuấn rút cục được vơi nhẹ rất nhiều, nhờ anh em, vợ con thương xót cảnh ngộ con người lầm lạc đã biết “quay đầu lại là bờ”…

Từ khung cảnh sum họp gia đình ông giáo Thọ, trong phần cuối tác phẩm, tác giả đã gợi mở vấn đề rộng hơn: sự hòa hợp dân tộc và đổi mới đất nước sau ngày thống nhất. Xin trích mấy dòng phác họa chân dung Vỹ (con bà Loan), người “chủ chi” bữa tiệc đoàn viên đêm trước lễ cầu siêu ông giáo Thọ, tổ chức tại Khách sạn Bồng Lai: 

“Anh, từ thuở lòng, đến khi đỗ tiến sĩ ở nước ngoài, vẫn trong lòng tay nuôi dạy của Đảng và Nhà nước. Vậy mà giờ đây, anh bỏ Đảng, bỏ Nhà nước, đi lập doanh nghiệp tư nhân […] Về hình thức, nó khác chi một ông chủ tư bản lớn? Như thế, khác chi cha làm thầy, con đốt sách? Tất cả, với mẹ anh, đều lạ lẫm, ngoài tầm hiểu biết[…] Mỗi khi gần bên Vỹ, nghe nó hở ra lời trái tai, bà hạch ngay tức thì. Bà không cho phép nó nghĩ như thế…” 

Còn đây là điều tác giả gửi gắm, qua suy nghĩ của Vỹ: 

“Đất nước đang chuyển giai đoạn, hoài thai những giá trị mới. Tất phải đau đớn khi từ bỏ những giá trị cũ không còn tác dụng thúc đẩy sự phát triển. Như một thân cây, mỗi năm tách vỏ một lần. Sự đau đớn khi phải tự mình xé thịt, tự mình loại bỏ phần già nua bong lóc. Ấy là khi cây đang mạnh mẽ, lớn dậy… Cuộc chiến tranh thống nhất hai miền cũng vậy […] Giờ là lúc hun đúc trí tuệ của con dân nước Việt, dù trước ở chế độ nào, chiến tuyến nào, giờ ở trong nước hay di tản nơi đâu. Không nên cố chấp…”.

Nói cho công bằng, đoạn cuối tác phẩm, có thể do tác giả chú trọng vào ý tưởng muốn gửi gắm đến bạn đọc, hoặc ngại cuốn sách dày trên 400 trang dày thêm, các nhân vật như Vỹ, ông Trung… không được miêu tả  sinh động như phần trước, nên “chất tiểu thuyết” có phần giảm sút. Thì ở đời, được cái này thì mất cái kia. Để có một tác phẩm toàn bích quả là không dễ…

*

Trường hợp Hữu Phương làm tôi liên tưởng đến Mạc Ngôn - nhà văn đoạt giải Nô-ben nhờ phương pháp “lạ hóa” đã làm nổi bật hiện thực cuộc sống đầy những bi hài kịch của Trung Quốc. Tôi không có ý so sánh, nhưng Mạc Ngôn cũng là nhà văn mà mọi tác phẩm của ông đều lấy bối cảnh làng Cao Mật quê hương của mình. Như vậy, có thể nói con đường Hữu Phương lựa chọn là đi sâu khai thác cuộc sống giàu có muôn vẻ của quê hương để sáng tác, cũng là con đường lớn để lớp nhà văn trẻ giàu tiềm năng của Quảng Bình hiện nay tiếp tục tạo nên những tác phẩm có giá trị hơn nữa …

Nguyễn Khắc Phê

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.