Làm phim như thế, sao có thể hay?

Tôi có nhiều dịp được đi theo, tháp tùng người thân tham gia đóng phim truyền hình và một số lần được mời đóng vài vai phụ. Thấy công việc của họ hay hay, có vẻ thú vị, tôi bèn tò mò, tìm hiểu thì thấy có nhiều điều không thể không quan tâm, vì lâu nay người ta vẫn phàn nàn về chất lượng phim truyền hình Việt Nam chưa đáp ứng được mong đợi của khán giả. Quan sát cung cách làm việc của các đoàn làm phim, tôi mới thấy thảo nào mà các phim ra lò chất lượng nghệ thuật chưa cao.

Kịch bản - nghèo chất văn học 

Khâu đầu tiên cho bất cứ một bộ phim nào là kịch bản. Nhiều năm trở lại đây, phim truyền hình chỉ chấp nhận nhiều tập, phải từ vài ba chục tập trở lên (tới cả trăm tập). Bởi vậy, kịch bản từng tập khó lòng được trau chuốt, nhất là luôn phải chạy theo thời gian. Vậy nên nhiều khi chỉ là những phác thảo ý tưởng, sơ lược cốt truyện nhằm chuyển tải một ý đồ tư tưởng, một nội dung tuyên truyền nào đó.

Nội dung thường dễ hiểu, chỉ dừng lại ở bản thân câu chuyện diễn ra trong phim, rất ít tính khái quát, triết lý nên thiếu sâu sắc. Con người thì mờ nhạt. Đời sống nội tâm các nhân vật ít khi được đào sâu tới mức cần thiết. Vậy nên có thể nói khái quát là ít tính văn học. Sẽ không có gì quá đáng nếu nói khá nhiều phim truyền hình hiện nay chỉ có thể gọi được là những câu chuyện truyền hình.

Làm phim như thế, sao có thể hay? - 1

Ảnh minh họa 

Chất văn học luôn là cái cốt lõi, yếu tố tiên quyết tạo nên giá trị của bất cứ tác phẩm văn nghệ nào (thuộc tất cả các chủng loại). Đó là những phát hiện, khám phá liên quan đến thế giới tinh thần phong phú và sâu sắc của con người. Chất văn học nghèo nàn, mờ nhạt sẽ khiến tác phẩm trở nên hời hợt, không thể khiến công chúng thưởng thức đón nhận và ưa thích.

Thay thế cho tính văn học như đã nói, nhiều kịch bản phim truyền hình chỉ thuần túy là những câu chuyện nhằm minh họa, thuyết lý hoặc tuyên truyền, giáo huấn một ý đồ tư tưởng đã định trước. Kịch bản văn học vốn đã không được viết tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đến khi triển khai thành kịch bản phân cảnh lại luôn được sửa chữa, thay đổi tại hiện trường (khi quay phim) cho phù hợp với bối cảnh, diễn viên… nên khó đạt được sự nhất quán, và vì thế cũng không thể mang lại chất lượng như mong muốn.

Đạo diễn - Bất cập với yêu cầu   

Đạo diễn điện ảnh - đúng nghĩa của từ này - là một công việc khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ hiểu biết về nhiều phương diện: văn học, triết học, âm nhạc, mĩ thuật, mĩ học, thậm chí cả lịch sử, địa lý và nhiều lĩnh vực xã hội khác. Nhưng có lẽ vì rất ít kịch bản có giá trị văn học như đã nói mà các đạo diễn cũng tự hạ thấp yêu cầu về năng lực.

Tôi từng đi theo người nhà đi đóng phim cả tháng mà chẳng thấy vị đạo diễn chính đâu, chỉ thấy các phó, trợ lý, thư ký cùng các thành phần làm phim khác (quay phim, ánh sáng, hóa trang, đạo cụ…) làm việc. Người thay mặt đạo diễn có quyền chỉ đạo buổi quay phim đưa cho các diễn viên những mẩu kịch bản có vai của họ rồi hướng dẫn qua. Họ dặn diễn viên làm thế này, thế nọ, quay phải, quay trái, đến lời nào thì cử động ra sao, giao lưu với nhân vật khác như thế nào. Diễn viên thì cứ thế mà răm rắp làm theo, miễn góp ý, thay đổi.

Một người có tên tuổi ở một lĩnh vực khác được mời đóng một vai phụ, thỉnh thoảng phát hiện thấy vài chi tiết, lời thoại bất ổn, bèn có ý kiến muốn thay đổi cho có sức thuyết phục hơn, liền bị chàng đạo diễn (thực chất là trợ lý) còn non choẹt, mới ở độ tuổi trên dưới 30 phán liền: “Nói chú làm thế nào, chú cứ làm thế cho. Chỉ một thầy thôi, nhiều thầy quá!”. Vậy nên chẳng diễn viên nào muốn “góp ý”, vừa chẳng được gì, lại mất lòng đạo diễn, về sau chẳng bao giờ họ mời đóng nữa.

Làm phim như thế, sao có thể hay? - 2

Ảnh minh họa 

Lẽ ra đạo diễn cần đầu tư, đào sâu cho việc nâng cao kịch bản, biến những dòng chữ trên trang giấy kia thành những hình ảnh sinh động, có giá trị biểu tượng, biểu cảm cao, sâu sắc thì họ lại quá bận tâm đến khuôn hình mà quên đi cảm xúc tự nhiên của diễn viên. Khi họ đã sửa chữa be bét trên kịch bản rồi thì diễn viên cứ thế mà nói, mà diễn không được khác một chữ, một chi tiết nhỏ. Mà làm đúng như thế thì nhiều khi rất gượng gạo, diễn viên cảm thấy cứng nhắc, đề nghị được thay đổi thì đạo diễn rất dễ tự ái.

Có những chi tiết đạo diễn yêu cầu diễn viên làm đi làm lại tới cả chục lần, mặc dù ngay lần diễn đầu tiên, ai cũng thấy là đã rất ổn. Vậy nên đã gây cho diễn viên sự ức chế do mất hết cảm xúc. Trong trường hợp trên, không hẳn là đạo diễn khó tính mà là đã quá chú trọng những chi tiết không đáng phải mất nhiều thời gian trong khi những giá trị khác lẽ ra cần được quan tâm thì lại bị bỏ qua.

Có người nói không ngoa về tình hình đạo diễn như trên: Có lẽ một đạo diễn phim truyền hình hiện nay chỉ nên làm đạo diễn phim quảng cáo sẽ vừa sức hơn.

Diễn viên - Ai cũng làm được 

Đóng góp vào sự hạn chế về chất lượng của nhiều phim truyền hình Việt Nam hiện nay còn có cả đội ngũ diễn viên. Quá nhiều gương mặt quen thuộc. Không phủ nhận nhiều diễn viên không đến nỗi thiếu tài năng nhưng vì tần suất đóng phim quá nhiều mà trở nên nhàm, nhất là các vai họ đảm đương chẳng có gì khác nhau ở nhiều phim, lại có tính cách mờ nhạt.

Tâm lý của nhiều đạo diễn là rất ngại tìm kiếm những gương mặt diễn viên mới, thành thử cứ mời những người đã diễn nhiều trước ống kính cho chắc ăn, khỏi phải mất công phân tích nhân vật, hướng dẫn, uốn nắn, mà thị phạm cho diễn viên làm theo thì họ không có khả năng bởi đạo diễn phim truyền hình không xuất thân từ diễn viên nên họ không thạo diễn xuất. Diễn viên chính cần người quen thuộc đã đành, ngay cả những diễn viên phụ, chỉ loáng thoáng xuất hiện trên phim, họ cũng muốn mời những người đã “nhẵn mặt” vì sẽ nhanh, đỡ mất công tìm kiếm.

Từng xảy ra sự việc đáng buồn cười: Có khán giả cùng một lúc bấm điều khiển chuyển nhiều kênh trên tivi đều thấy một diễn viên xuất hiện. Ngán quá, họ tắt, không muốn xem nữa. Có lẽ các đạo diễn đã không nghĩ tới khả năng: Nhiều khi người xem không thích xem phim của mình chỉ vì “dị ứng” với một vài diễn viên nào đó. Họ đã mất cảm tình thì cứ thấy diễn viên đó có mặt trong phim nào là ghét luôn phim đó.

Rất đáng nói là cứ nhân vật lương thiện, tử tế, đứng đắn, chững chạc thì các đạo diễn nghĩ ngay đến vài ba người diễn viên nào đó. Và nếu đểu cáng, lươn lẹo, mưu mô, xảo trá thì cũng có ngay một vài khuôn mặt diễn viên có sẵn. Họ đã diễn hệt như nhau ở các phim khác nhau. Làm sao khán giả không chán?

Có lẽ ngoại trừ các diễn viên chính có mặt ngay từ đầu tới cuối phim, còn thì những vai phụ không cần biết kịch bản viết về đề tài gì, có cốt truyện ra sao. Đến lúc quay, người thư ký đưa cho người sắm vai phụ những mẩu kịch bản có lời thoại, diễn xuất của họ. Ngay lập tức họ tranh thủ cố gắng đọc qua tại chỗ. Thuộc được lời thì càng tốt, nếu không sẽ được nhắc. Cũng vô hại, và không thể khác, vì thường những vai phụ này không có cá tính gì đặc biệt, diễn viên gần như chỉ làm công việc nói kịch bản, chứ không có gì để phải…diễn! Và như thế, người ta có cảm giác bất cứ ai cũng có thể làm được diễn viên, lên được màn ảnh nhỏ.

Làm nghệ thuật hay... gia công hàng hóa?

Bất cứ một tác phẩm văn nghệ nào cũng là một sản phẩm, và là một thứ hàng hóa đặc biệt. Đã là hàng hóa thì phải tuân thủ mọi quy luật khắc nghiệt của thị trường. Nhưng làm ra “hàng hóa” văn nghệ ngoài sự thông minh của bộ óc, còn có tự tác động rất nhiều của con tim.

Có thể nói, thứ hàng hóa đặc biệt này là sản phẩm của tâm hồn con người. Tuy phim truyền hình là một thứ công nghệ hội thêm nhiều yếu tố khác ngoài nghệ thuật (kỹ thuật, kinh tế…) nhưng sản phẩm cuối cùng là nghệ thuật, mang dấu ấn của trái tim nghệ sĩ. Vậy nên nó đích thực phải là lao động nghệ thuật sáng tạo.

Nhưng quan sát thực trạng làm phim truyền hình như đã nói thì thấy hoàn toàn như một sự gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng trước. Rất ít thấy không khí sáng tạo nghệ thuật thực sự ở những bộ phim vào loại tầm phào, vô bổ (đang chiếm tỷ lệ lớn nhất hiện nay), mà chỉ thấy cách làm việc luôn phải đuổi theo thời gian của ê-kíp làm phim.

Có thể bị câu thúc bởi yêu cầu gia tăng phim nội, cần đảm bảo chỉ tiêu thời lượng phát sóng nào đó mà những người làm phim truyền hình phải “vắt chân lên cổ” để hoàn thành nhiệm vụ, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuối cùng. Nhưng công chúng thì không bao giờ để ý và cảm thấy điều đó. Với họ, chỉ có điều duy nhất: Phim có hay, có bổ ích, thỏa mãn được nhu cầu hưởng thụ của họ không mà thôi. Vậy nên, rất cần xem xét lại việc do phải chạy đua với số lượng mà buộc phải bất cập về chất lượng.

Với cung cách làm phim như nói trên thì số phim dở, nhạt chiếm tỷ lệ quá lớn là điều dễ hiểu vậy.

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ