Nghệ thuật múa đồng hành cùng dân tộc

Với vị trí là lĩnh vực quan trọng, tinh tế của đời sống xã hội, văn hóa nghệ thuật đã hun đúc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, khí phách của biết bao thế hệ người Việt Nam. Trải qua những biến thiên của lịch sử, những cuộc tiếp biến văn hóa lớn, văn hóa nghệ thuật nước nhà đã chứng tỏ được bản lĩnh khi tiếp thu, chọn lọc tinh hoa từ những nền văn hóa khác nhau, tạo nên những giá trị nhân văn mang đậm bản sắc dân tộc, trao truyền cho các thế hệ sau những di sản vô giá.

Không nằm ngoài dòng chảy đó, nghệ thuật múa Việt Nam đã ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ. Với tinh thần của người “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”, các nghệ sĩ múa đã tự nguyện dấn thân nơi tuyến lửa, xông pha trên các chiến trường để cho ra đời những tác phẩm múa ghi lại dấu ấn lịch sử hào hùng. Những tác phẩm vượt thời gian thấm nhuần giá trị tư tưởng văn hóa, văn nghệ của Đảng, trở thành mốc son lịch sử của ngành Múa Việt Nam thời kì ấy có thể kể đến như: kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Tấm Cám, Bà má miền Nam, Người mẹ cầm súng, Gặp gỡ trên mâm pháo, Vợ chồng dân quân, Lựu đạn gỗ, Tay chài vai súng Những tác phẩm múa của thời hoa lửa đã góp phần to lớn cổ vũ tinh thần đồng bào và chiến sĩ anh dũng vượt qua những gian khó, khốc liệt của chiến tranh, nhân lên ý chí và sức mạnh để làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Bên cạnh đó, sự ra đời của các đơn vị đào tạo múa chuyên nghiệp như Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), Trường Múa Tp. Hồ Chí Minh, Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội,... là cả một sự nỗ lực tuyệt vời của thầy và trò ngành múa, là sự quan tâm chính đáng của Đảng, Nhà nước dành cho nền nghệ thuật múa nước nhà. Như vậy nghệ thuật múa ngay từ ban đầu đã có được nền móng vững chắc, từ những “cái nôi” đào tạo chuyên nghiệp đã cho đời ra nguồn nhân lực chất lượng cao, là những con người có đủ tài năng, nhân cách và thể chất để xây dựng văn hóa nghệ thuật và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Cũng từ đây 4 lĩnh vực chuyên môn của nghệ thuật múa là đào tạo, sáng tác, biểu diễn, lý luận được phát triển sâu rộng và gắn kết tổng hòa.

Nếu trong thời chiến, nghệ thuật múa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, đóng góp tích cực cho cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, thì trong giai đoạn xây dựng và tái thiết đất nước, nghệ thuật múa cũng đã tạo được những dấu ấn đầy kiêu hãnh, tự hào, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc và hội nhập sâu rộng với thế giới. Cùng với sự chuyển mình của đất nước, nghệ thuật múa Việt Nam cũng đã có nhiều đổi thay để phản ánh đúng tinh thần của thời đại. Chúng ta thấy những gương mặt mới, những tác phẩm mới dần lộ diện với nhiệt huyết và sức trẻ, luôn bám sát hiện thực cuộc sống. Đề tài đã được mở rộng, phong phú về nội dung và phương thức biểu hiện, nhiều tác phẩm đã bắt đầu miêu tả thế giới nội tâm với những góc khuất của con người. Như vậy, nghệ thuật múa không chỉ tồn tại trên sân khấu với tư cách là tác phẩm biểu diễn phục vụ khán giả mà nó còn “len lỏi” vào đời sống dân sinh như một nhu cầu tất yếu. Hàng loạt kịch múa và các tác phẩm được ra đời đánh dấu sự trưởng thành của thế hệ nghệ sĩ kế tiếp như: kịch múa Đất nước, Tiếng trống Bắc Sơn, Bài ca ra trận, Bông lau trắng, Khúc biến tấu từ pho tượng cổ, Mệnh trời tình đất, Thơ múa Con đường từ trái tim, Trăng treo (NSND Ứng Duy Thịnh); Nguồn sáng (NSND Phạm Anh Phương – Hồng Phong);  Ngọc trai đỏ (NSND Việt Cường – Kim Quy); Ngọn lửa Hà Thành (NSND Công Nhạc); Khoảnh khắc bất tử (NSND Anh Phương, Hồng Phong, Tuyết Minh); Mặt trời trong tim (NSND Tô Nguyệt Nga); Hương quê, Mùa xuân trên bản H’Mông (NSND Chu Thúy Quỳnh); Bến lụy, Lời ru của rừng (NSND Phạm Anh Phương); Nguyệt cô hóa cáo (NSND Văn Quang); Mẹ mặt trời (NSND Xuân Thanh); Ballet Kiều (Tuyết Minh, Phúc Hùng); Tổ khúc Múa Ánh sáng tâm hồn (biên đạo Tuyết Minh)… Có thể thấy, hành trình cách tân tràn đầy hứng khởi của nghệ thuật múa đã hòa với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân để thai nghén và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra môi trường và điều kiện để phát triển con người Việt Nam toàn diện hướng tới giá trị chân - thiện - mĩ.

Có thể nói, nghệ thuật múa đã đồng hành cùng dân tộc và trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nghệ thuật múa đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trong lòng khán giả, múa đã xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, là món ăn tinh thần vô giá đối với nhiều tầng lớp dân chúng và trở thành nhân tố không thể thiếu trong nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước. Nghệ thuật múa thực sự đã đóng vai trò góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trở thành ngôn ngữ quan trọng để từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội. 

Nhìn từ mốc son kỷ niệm 80 năm thành lập Hội Văn hoá cứu quốc có thể thấy, nghệ thuật múa Việt Nam đã hoà cùng nhịp đập của dân tộc, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển văn hoá và con người Việt Nam hôm nay. Đội ngũ nghệ sĩ của ngành múa đã âm thầm cống hiến, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, đồng hành cùng văn nghệ sĩ các ngành nghệ thuật trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng rất tự hào khi đã thực sự trở thành “mái nhà” thân thiết, đầm ấm, đoàn kết các nghệ sĩ múa trên hành trình xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập. Chính sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam với các Bộ, Ban, ngành và với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp khác cũng đã giúp cho nền nghệ thuật nước nhà ngày một vững mạnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Hội đã có hơn một nghìn hội viên trên toàn quốc, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSND, NSUT, NGND, NGUT… Bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đã tổ chức thực hiện rất nhiều hoạt động nghệ thuật chuyên ngành như: Vận động sáng tác tác phẩm theo đường lối của Đảng; Mở các trại sáng tác; Tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo, các cuộc điền dã thâm nhập thực tế cho hội viên; Tổ chức thành công các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên ngành; Đầu tư, tài trợ và trao thưởng cho nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị;… Điều đó chứng tỏ các hoạt động của Hội ngày càng bám sát đời sống, nâng cao về chất lượng và hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp.

Năm 1989, bằng việc ra đời Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, đội ngũ nghệ sĩ múa trên cả nước đã có môi trường và điều kiện để tiếp tục phát huy tài năng, tâm huyết, gửi gắm tình cảm và trách nhiệm của mình nhằm đổi mới, sáng tạo, đóng góp những thành tựu quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật. Trải qua hơn 30 năm phát triển và trưởng thành, với 7 kỳ Đại hội, dưới sự tín nhiệm, tin yêu của hàng nghìn hội viên trên toàn quốc, Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động nghề nghiệp trên cả 4 lĩnh vực: Đào tạo - Sáng tác – Biểu diễn – Nghiên cứu lý luận. Hội đã quán triệt sâu sắc những nội dung cơ bản trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn gần đây là Nghị quyết 23-NQ/TW, Nghị quyết 33-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và cả phương thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của đời sống văn hóa nghệ thuật nói riêng. 

Bước vào xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, nghệ thuật múa Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nước ngoài để làm giàu và phát triển nền nghệ thuật múa nước nhà. Dòng chảy múa đương đại đã kịp thời hoà cùng dòng chảy của múa dân tộc, tạo nên hơi thở mới, sức sống mới cho nghệ thuật múa Việt Nam. Đội ngũ các biên đạo trẻ của ngành múa đã và đang kế tục thành tựu của thế hệ đi trước, ngày càng khẳng định tài trí và năng lực của mình, thể hiện sự sáng tạo, năng động, vững bước đảm nhận vai trò kế nhiệm lớp cha anh đi trước. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nghệ thuật múa có nhiều bước tiến vượt trội, nhiều diễn viên, biên đạo được học tập nâng cao trình độ tại nước ngoài, nhiều nghệ sĩ và tác phẩm múa của Việt Nam đã dành những giải thưởng quốc tế danh giá. Tất cả cho thấy nghệ thuật múa đã phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước và sứ mệnh “sâu rễ bền gốc” của nghệ thuật múa là vì con người. Con người vừa là đối tượng, vừa là chủ thể thưởng thức nghệ thuật. Mục đích cuối cùng của nghệ thuật múa là để góp phần nâng cao đời sống con người, giúp con người Việt Nam hiện đại có tri thức, văn minh, có tâm hồn văn hóa và coi văn hóa là “vũ khí” cần thiết để vững vàng bước vào thời đại mới.

Giai đoạn tới, tình hình trong nước và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, khó lường, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động quyết tâm nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, bám sát mọi chủ trương đường lối của Đảng, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức Hội của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; tích cực sáng tạo và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đến với công chúng, chuyển tải được quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong các sáng tác nghệ thuật. Bám sát đời sống, nghệ thuật múa sử dụng sức mạnh tự thân vốn có của mình để miêu tả cho hay, cho sinh động cái mới, cái tốt đẹp, cao cả và kịp thời phê phán những khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống.

Để hoàn thành tốt nhất vai trò của mình, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam sẽ luôn đặt mục tiêu hành động, xây dựng những kế hoạch hoạt động của mình trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước, trong đó vấn đề xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới vẫn giữ vị trí trung tâm và xuyên suốt nhất. Bên cạnh đó hoàn thành tốt chức năng tham mưu đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, quản lý nhà nước đối với nghệ thuật múa theo hướng bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị của Đảng; chủ động tham gia công tác quản lý, nâng cao vai trò tư vấn, giám sát, phản biện về những vấn đề cơ chế, chính sách liên quan đến văn học nghệ thuật. 

 Tương lai của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đặt trên vai của các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có thế hệ trẻ, mong rằng Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế và hỗ trợ tối đa về điều kiện sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ; Cần có các dự án dài hơi được đầu tư trọng điểm, thiết thực hơn nữa cho các tác phẩm, công trình giá trị, tạo hiệu ứng xã hội lớn lao nhằm quảng bá, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, khán giả. Cùng với đó là các chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các cán bộ làm công tác lí luận, phê bình; chính sách phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ cả ở trong và ngoài nước. Với đặc thù của nghệ thuật Múa, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam rất mong được Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo và Bộ Văn hóa tạo điều kiện cho Hội chuyên ngành đóng vai trò chủ động trong các cuộc thi tài năng dành cho diễn viên biểu diễn cấp quốc gia, nhằm tạo sân chơi chuyên nghiệp, hữu ích cho đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn.

PHẠM ANH PHƯƠNG

Tin liên quan

Tin mới nhất