Sứ mệnh cao cả của văn nghệ sĩ

Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư tổ chức là một mốc son tiếp nối mạch nguồn “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, là động lực và mục tiêu của sự phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mục tiêu phải xây dựng, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn học, nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hướng con người đến “chân, thiện, mỹ” để đạt giá trị cốt lõi của dân tộc mà lực lượng nòng cốt dẫn dắt chính là đội ngũ văn nghệ sĩ… 

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 

Tư tưởng của Bác là: “Xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, dân tộc làm cơ sở” (Trích lời khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946). Vào giai đoạn cuộc kháng chiến diễn ra quyết liệt, chỉ trong 2 năm Bác Hồ triệu tập tổ chức 2 hội nghị văn hóa toàn quốc (lần thứ hai từ ngày 16 - 20/7/1948) được coi là “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” để huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân, toàn quân trong cuộc kháng chiến, kiến quốc vượt qua mọi thử thách cam go và vì thế mà giành chiến thắng oanh liệt.

Trước cách mạng tháng Tám 1945, khi dân tộc ta chưa có Nhà nước của Nhân dân, Đảng đã xây dựng Đề cương văn hóa (1943) với 3 tính chất: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Trong công cuộc đổi mới, Đảng có nhiều quan điểm, đường lối văn hóa kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đồng thời Bộ Chính trị cũng có Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Đi đôi với các Nghị quyết của Đảng là Nhà nước ban hành hệ thống cơ chế, chính sách về văn hóa, văn học, nghệ thuật để Nhân dân được thụ hưởng và giới văn nghệ sĩ sáng tạo.

Hiện nay, đất nước có nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phải bứt phá vượt lên để xứng đáng là đội ngũ tiên phong của sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; góp phần tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước với mục tiêu chiến lược: Năm 2030 kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, năm 2045 kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) trở thành quốc gia phát triển của thế giới.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế trong xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số cần có tầm nhìn, ở đó toát lên những giá trị tinh thần, lối sống, thói quen, tập quán, cách ứng xử con người với nhau dần dần định hình bởi công nghệ số, văn hóa số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, v.v…Văn hóa lấy nhân tố con người là trung tâm, doanh nghiệp là “trái tim” của nền kinh tế.v.v…

Trong các Nghị quyết của Đảng đều xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng đối với việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người, trong đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Trong thế trận ấy, văn học, nghệ thuật luôn là mũi nhọn tiên phong trên mặt trận có ý nghĩa quyết định và đội ngũ văn nghệ sĩ là những chiến sĩ xung kích, vun đắp các giá trị mới của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong công cuộc đổi mới, thời kì hội nhập và phát triển đất nước. Đó là sứ mệnh cao cả của tầng lớp văn nghệ sĩ Việt Nam.

Bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 có đoạn: “Vai trò xây dựng văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng nề chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ảnh được tầm vóc, của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.” và “nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc…”. Đảng cũng nhận định: “Vẫn còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Cá biệt có một số trí thức, văn nghệ sĩ chưa mạnh dạn, thẳng thắn, bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm sai trái. Một số văn nghệ sĩ dễ dàng “chiều” theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, tìm cách quảng bá những tác phẩm chống đối chế độ, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số lãnh tụ tiền bối,…”. Hiện nay, ở nước ngoài có 50 đài phát thanh và truyền hình chương trình tiếng Việt, 430 báo, tạp chí, 40 nhà xuất bản tập, hàng ngày ra rả tuyên truyền chống phá Việt Nam, đòi hỏi giới báo chí truyền thông, văn nghệ sĩ tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu thù địch chống phá của chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn giới văn nghệ sĩ:“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Văn nghệ sĩ là người của công chúng, luôn có lượng độc giả, khán giả lớn nên có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội. Niềm vinh dự ấy đặt ra trách nhiệm của văn nghệ sĩ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu trong đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, lệch lạc, có chính kiến cá nhân chuẩn mực, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc.

Trên thực tế, thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, văn nghệ sĩ hoạt động trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn thậm chí phải hi sinh nhưng văn học, nghệ thuật phát triển vượt bậc và xuất hiện rất nhiều tác phẩm có giá trị, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem. Những tác phẩm đó truyền cảm hứng mạnh mẽ, tạo động lực, khơi dậy sức mạnh nội sinh để toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thử thách giành chiến thắng. Còn bây giờ, đất nước hoàn bình, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhiều chính sách ưu đãi, động viên trí thức, văn nghệ sĩ, vậy mà văn học, nghệ thuật dường như chững lại, dè dặt, cầm chừng.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam sáng ngày 12/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nói: “Gần đây chưa có những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm với sự cố gắng của Nhân dân ta, sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước ta trên trường quốc tế. Đơn cử, trong thời gian vừa qua khi cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19 song chưa có những tác phẩm văn học, nghệ thuật khắc họa được sự khốc liệt của dịch bệnh cũng như sự kiên cường, hy sinh, đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc, góp phần cổ vũ tạo cảm hứng, khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn để chiến thắng dịch bệnh…”.

Rõ ràng, chiến lược về văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII là rất đúng đắn, định hướng cụ thể, sáng tỏ mục tiêu. Đường lối ấy “đặt hàng”cho giới văn nghệ sĩ một sứ mệnh cao cả và trách nhiệm vinh quang hơn lúc nào hết để có những tác phẩm xứng tầm, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh, Nhân dấn hạnh phúc.

None

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất