Người đàn bà sống cùng lịch sử đất nước
(Arttimes) - Tôi không chỉ biết những câu chuyện cuộc đời của một Việt nữ đi song song với những giai đoạn lịch sử Việt Nam, từ trước Cách mạng tháng 8/1945 đến nay qua cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” vừa được nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành, mà còn là một người bạn vong niên của bà hơn ba chục năm nay.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng năm nay đã vào tuổi 92 (sinh năm 1923), nhưng chúng tôi vẫn được gọi bà là “chị” với sự kính trọng, yêu quý. Trước đây bà sống, làm việc tại Hà Nội, sau giải phóng mới vào TP Hồ Chí Minh, hai chị em vẫn thường gặp nhau. Cũng như nhiều người khác, mỗi khi được trò chuyện với bà, được nhìn ngắm những thành quả mà bà đã làm, tôi luôn kinh ngạc trước sự hăng say, sáng tạo, hiệu quả, không tuổi tác, không mệt mỏi của bà. Hơn chín mươi tuổi nhưng bà vẫn bắt kịp cái mới, sự thay đổi của cuộc sống và thực hiện mọi công việc quản lý, sáng tạo, giao lưu văn hoá - nghệ thuật Việt Nam với thế giới… liên tục và hiệu quả mà những người trẻ chưa chắc đã làm được… Mỗi lần gặp, trò chuyện với bà, cũng như nhiều người khác, tôi như được tiếp thêm sinh lực để sống, làm việc, chỉnh sửa cách sống của mình và có cách nhìn bình thản, nhân ái hơn với cuộc sống.
Đầu thế kỷ XXI, (năm 2001) bà đã viết, xuất bản bằng tiếng Pháp cuốn tự truỵện mang tên “Áo dài” tại Paris. “Áo dài” đã được độc giả Pháp và nhiều nước khác yêu thích, đánh giá cao và đã được dịch ra tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác, được táo bản nhiều lần. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, xã hội, nhà văn, nhà báo trên thế giới đánh giá rất tốt về tác phẩm này qua các bài viết trên sách, báo quốc tế. Nhiều nhà xuất bản trong nước đã đề nghị bà dịch “Áo dài” ra tiếng Việt để độc giả Việt Nam được đọc. Bà Xuân Phượng cũng đã đồng ý với đề nghị này, nhưng thay vì dịch sách, bà đã viết mới cuốn hồi ký mang tên “Gánh gánh gồng gồng” trong thời gian tạm nghỉ công việc vì dịch bệnh COVID-19.
Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng”, Nhà xuất bản Văn hoá Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành, khổ 16x24, dầy hơn 300 trang (cả văn bản và hình ảnh tư liệu) được trình bày đẹp, bìa sách sử dụng tranh của hoạ sỹ Trương Đình Hào (một nhân vật được nhắc đến trong cuốn sách), đưa đến người đọc những câu chuyện cuộc đời của một người phụ nữ Việt Nam có gần trọn thế kỷ sống, hoạt động, gắn liền với các sự kiện hào hùng, gian khổ của lịch sử đất nước từ trước năm 1945 đến nay. Trong cuộc đời hoạt động với nhiều ngành nghề, trách nhiệm ở những vùng đất khác nhau, bà đã gắn bó với những chuyển động của thời kỳ tiền cách mạng tháng 8, Kháng chiến chống Pháp, Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phòng miền nam thống nhất đất nước… Bà cũng đã cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp (trong đó có rất nhiều trí thức, văn nghệ sỹ danh tiếng của đất nước) sống qua thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn, gian khổ ở miền Bắc và những năm đầu đất nước thống nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Gánh gánh gồng gồng” bà Xuân Phượng kể những câu chuyện trên chặng đường bảy, tám mươi năm, tác giả đã chọn lựa những hoàn cảnh, sự việc của bản thân, người trong gia đình, đồng đội, đồng nghiệp… sống động, gắn liên với những sự kiện chung của lịch sử và rất riêng (theo tính cách, lối sống, cách nhìn nhận của mình - tác giả, nhân vật trong tự truyện). Cách chọn lọc, cáh kể của Xuân Phượng đã tạo nên sức cuốn hút, giúp người đọc tìm thấy nhiều điều bổ ích về những sự kiện lịch sử, về nhan vật chính (tác giả) và những nhân vật có liên quan đã sống bằng cách thích nghi với nhiều hoàn cảnh, nhiều khó khăn, thiếu thốn mà vẫn giữ được cho mình phẩm cách, văn hoá, tình yêu thương, che chở, đùm bọc, giúp đỡ nhau… Có thể nói ý thức sống, sự hoà mình vào đời sống cộng đồng bằng tấm lòng độ lượng… đã hình thành ý thức sống trong đó lòng nhân ái, sự bao dung, sẵn sàng chấp nhận sống giữ được mình, là chính mình, làm được những điều mình yêu thích, trân trọng, giữ gìn các mối quan xã hội, bạn bè… là động lực sống và vượt lên mọi thử thách của cuộc sống.
Tác giả, nhân vật Nguyễn Thị Xuân Phượng đã từng là đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong gia đình trí thức “danh gia vọng tộc” ở cố đô Huế, theo học trường Pháp (“Tu viện của những loài chim”) trên Đà Lạt. Khi Nhật đảo chính Pháp, bà cùng gia đình về lại Huế, theo học trường Đồng Khánh danh tiếng. Bị thuyết phục bở khát vọng độc lập của dân tộc bà tham gia “Thanh niên cứu quốc” và từ Huế bà trốn nhà lên chiến khu làm kháng chiến chống lại sự tái xâm lược của thực dân Pháp. Cuộc đời người cán bộ, chiến sỹ trong kháng chiến vô cùng gian khổ, thiếu thốn nhưng bà và những người cùng cảnh không hề kêu ca, than vãn, số người bỏ chiến khu trở về thành phố, gia đình cũng có nhưng không nhiều và không vì lý do cơm áo. Cô nữ sinh Đồng Khánh Xuân Phượng đã sẵn sàng làm đủ mọi công việc từ đơn vị nghiên cứu chế tạo thuốc nổ, đến y tá trạm quân y tiền phương rồi làm báo (báo “Công tác lúa gạo”)… Trong hoàn cảnh đầy thử thách, gian khổ ấy, Xuân Phượng vẫn giữ được những mối quan hệ tình bạn, tình yêu sự trong sáng, thơ mộng và xây dựng ra đình với người sỹ quan pháo binh người Huế, mang họ Tôn Thất.
Sau chiến thằng Điện Biên Phủ, Xuân Phượng đã là bà mẹ hai con. Ngày được lệnh rời khỏi chiến khu, bà đã gánh hai đứa con đi trên hai trăm cây số đường rừng để rồi được một gia đình người Hà Nội đưa ba mẹ con về Hà thành cho cư trú tạm ở phố cổ.
Những năm đầu hoà bình, gia đình bà thành cư dân khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu. Khu nhà này nguyên là kho chứa hàng hoá, thuốc phiện lậu của Nhà đoan thời tạm chiếm, trở thành một “chung cư” (khu tập thể) của nhiều gia đình bộ đội, cán bộ ngành tài chính từ chiến khu kháng chiến trở về. Những hộ gia đình này vốn là người dân từ các vùng quê khác nhau, trong đó có không ít người ở các tỉnh sau sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) ranh giới chia cắt đất nươc thành hai miền Nam - Bắc. Xuân Phượng vừa lo kiếm sống, nuôi gia đình vừa theo học ngành Y, trở thành Bác sỹ trưởng phòng khám quân Ba Đình, rồi vào làm cán bộ chăm sóc sức khoẻ ở cơ quan Văn hoá đối ngoại - Bộ ngoại giao. Với khả năng sử dụng tiếng Pháp thành thạo, Xuân Phượng được phân công phục vụ các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam trong đó có nhiều nhà Ngoại giao, Văn nghệ sỹ, Nhà báo. Một lần, bà bất ngờ được đưa lên gặp Bác Hồ ở Chủ tịch Phủ cùng một số đại diện của các hãng phim ở Hà Nội. Bác giới thiệu ông bà Jorit Ivens – một nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới, người Hà Lan - Bác giao cho bà Xuân Phượng đi cùng làm phiên dịch và chăm sóc sức khoẻ cho ông bà J. Ivens và nhóm làm phim trong những chuyến đi vào vùng bão lửa “luỹ thép Vĩnh Linh”. Qua những chuyến đi đầy vất vả, nguy hiểm, bà Xuân Phượng đã trở thành người em, người bạn thân thiết của ông bà J. Ivens và được họ truyền cho bà niềm say mê trở thanh phóng viên chiến trường. Nghề Đạo diễn phim tài liệu của bà Xuân Phượng (xưởng phim Đài truyền hình Việt Nam) chính là từ sự chỉ dậy và những tác phẩm nổi tiếng của Đạo diễn Jonrit Ivens.
Khi những bộ phim về chiến tranh Việt Nam của Jorit Iven gây tiếng vang trên thế giới, giúp nhân dân các nước châu Âu, châu Mỹ hiểu tõ cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc của Đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn và ý chí quyết thắng của quân, dân Việt Nam, cũng là lúc bà Xuân Phượng rẽ hẳn sang con đường mới, trở thành phóng viên chiến trường, đạo diễn phim tài liệu. Bà đã về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam và làm nhiều bộ phim tài liệu có giá trị. Năm 1975, bà và những người làm phim của Truyền hình Việt Nam đi cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt và Sài Gòn. Nhiều bộ phim tài liệu của bà đã ra đời và dành được nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế. Bà cũng có mặt trong đội ngũ cán bộ nhân viên tiếp quản Đài truyền hình Sài Gòn và tiếp tục làm nghề Đạo diễn tại đấy.
Sau khi về hưu, bà có dịp gặp lại người mẹ, đang cư trú ở Mỹ, sau 40 năm xa cách, tại Paris - Cộng hoà Pháp. Trong phút đầu tiên gặp lại nhau (ở sân bay Charles de Gaulle). Bà mẹ đã hỏi con: "Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ!". Bà Xuân Phượng không thể trả lời mẹ, nhưng câu hỏi ám ảnh này đã là động lự khiến bà quyết định viết về cuộc đời mình, như để trả lời cho mẹ, cho chính mình và mọi người nguyên cớ khiến ta sống, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử đất nước
Đã từng có nhưng ngày sống ở Paris và một số nước châu Âu khác với nhiều mối quan hệ gia đình, bạn bè, người Việt cũng như người nước ngoài, bà Xuân Phượng nhận thấy những hiểu biết về đất nước, con người,Việt Nam, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sỹ của rất nhiều người ấy còn quá ít ỏi, xơ xài. Vì vậy, từ năm 1989 bà đã nẩy sinh ý mở phòng tranh, tổ chức triển lãm tranh của các hoạ sỹ Việt Nam ở nước ngoài tưởng truyền bá văn hoá, nghệ thuật Việt với thế giới. Năm 1991, triển lãm tranh đầu tiên của hoạ sỹ Việt Nam đã được mở ở Paris. Triển lãm đã góp phần đánh thức, làm thay đổi sự nhìn nhận của giới trí thức, văn nghệ sỹ Pháp với nghệ thuật hội hoạ và bản sắc độc đáo của văn hoá Việt Nam. Từ đó đến nay, bà đã tổ chức hàng chục cuộc triển lãm tranh ở nhiều nước trên thế giới. Bà đã giúp nhiều hoạ sỹ còn yếm thế ở các vùng miền cả nước có đièu kiện giới thiệu tranh của mình ở nước ngoài. Những chuyến giao lưu văn hoá, nghệ thuật ấy đã giúp bà thiết lập đượ nhiều mối quan hệ thân thiết với những người trong gia đình, bạn bè cũ, đồng nghiệp, trí thức, văn nghệ sỹ trên thế giới. Bà đã có dịp gặp lại người thầy, người bạn lớn, đạo diễn Joris Ivens (hai vợ chồng ông đã chuyển sang sinh sống ở ở Paris - Pháp) và những người bạn tình cờ tim thây nhau sau hơn nửa thế kỷ xa cách…
Viết lại cuộc đời, một cuộc đời quá dài, quá nhiều sự kiện từ sung sướng, gian khổ, từ hồn nhiên, ngây ngô đến những thử thách, trải nghiệm, tác giả Xuân Phượng thường không quên những tình cảm tốt đẹp, những niềm hạnh phúc, cá mối quan hệ chan chứa tình người trên mỗi chặng đường bà đã đi qua, thay vì sự thở than, hờn oán, chê trách, phủ định những tháng ngày đã sống. Cái đẹp, cái hay của “Gánh gánh gồng gồng” toát lên từ đấy, truyền đến cho người đọc niềm tin yêu vào những điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại với cuộc đời. “Gánh gánh gồng gồng” tạo dựng được hình ảnh một người phụ nữ đầy đủ bản lĩnh, dám đương đầu, làm chủ cuộc đời, luôn tiếp cận với những đổi thay của thời cuộc để sống, thích nghi, sáng tạo và dành được những hiệu quả đích thực cho những mục đích sống của mình. Nhưng tác giả không muốn bạn đọc nhận thức mình (nhân vật “tôi”) trong tác phẩm là độc đáo, duy nhất vì bà đã kể đến rất nhiều người khác (các nhân vạt trong cuốn sách như: ngừoi trong gia đình, bạn học, n để lại những rung động đầu đời, giới trí thức, văn nghệ sỹ và cả những thế hệ người dân bình thường trong khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu Ha Nội. Những nhân vật có tính cách, số phận, hoàn cảnh khác nhau đã kết hợp, tạo ra sự phong phú, đa dạng của cuộc sống, tôn vinh lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Cách kể những câu chuyện với các nhân vật ở thì quá khứ nhưng vẫn tiếp tục nhắc đến những lần gặp gỡ ở một qua khứ gần, hay ở những năm tháng hiện tại với nhiều hoàn cảnh sống, suy nghĩ, tình cảm khác nhau là một cách kể chuyện thú vị, vừa làm tròn số phận nhân vật vừa khơi gợi vào suy nghĩ, cảm xúc của người đọc với các nhận vật dù chỉ là nhân vật phụ, được kể không nhiều trong tác phẩm. Bên cạnh đó, cách kể chuyện, hành văn ngắn gọn, xúc tích, không cà kê, dư thừa (thậm chí có chút gì thiêu thiếu) đã kích thích người đọc nghĩ ngợi, suy đoán, khiến “Gánh gánh gồng gồng” trở thành cuốn tự truyện nhiều sức cuốn hút, dễ đọc. Và không ai có thể nghĩ đây là cuốn sách của người già, người phụ nữ ở tuổi 92.
Ngày 21 háng 9 năm 2020 vừa qua, Tác giả Xuân Phượng mang “Gánh gánh gồng gồng” về lại Hà Nội, nơi bà đã sống gần ba mươi năm, để tổ chức cuộc “Gặp gỡ mua thu Hà Nội”. Rất nhiều người bạn đồng lứa, cùng thời (ở lớp tuổi U 100) đã đến để được gặp lại ngươi cũ, kỷ niệm xưa và cũng rất đông những người bạn, độc giả trẻ đến để được gặp, được nhìn tận mắt nhân vật chính, tác giả sách và những nhân vật mà họ đã/sẽ thấy trong cuốn sách.
Đã có khoảng thời gian gần ba tháng kể từ khi “Gánh gánh gồng gồng” đến tay bạn đọc các lứa tuổi, để các thế hệ đọc giả khác nhau cảm nhận, đánh giá cuốn sách. Nhiều người đã bầy tỏ sự trân trọng, yêu quý với những kỷ niệm quá khứ, sức sống mãnh liệt của người đàn bà đi cùng lịch sử hiẹn đại của đất nước và sức làm việc phi thường của người phụ nữ không có tuổi, yêu cuộc sống và luôn cống hiến cho đời những thành qủa sáng tạo, có sức cổ vũ cho các thế hệ người Việt trong những bước phát triển xã hội hôm nay và mai sau. Chỉ sau 1 tháng, nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đã tái bản với số lươngj sách bằng lần xuất bản đầu tiên. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất đối với tác giả và cuốn sách là: Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam đã quyết định trao giải thưởng Văn học năm 2020 (về văn xuôi) cho “Gánh gánh gồng gồng”. Lễ trao giải đã được thực hiện vào sáng ngày 20 tháng 11 vừa qua tại Hà Nội.
Bình luận