"Nỗi ám ảnh cuộc đời" chân thực, giản dị mà lay gọi...

Tôi và Trần Anh Tuấn biết nhau từ những năm đầu của thập niên tám mươi vì học cùng trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Tôi không học cùng khoa với Tuấn nhưng đều là bộ đội được gửi học vào trường sư phạm nên cũng có nhiều điểm chung tạo sự gần gũi.

Ra trường, tôi và Tuấn đều giảng dạy ở các học viện của quân đội… Đến năm 1995, hắn chuyển ngành về làm cán bộ giảng dạy Khoa Chính trị, Nhạc viện Hà Nội. Năm 1996, tôi cũng “theo chân” hắn về làm Thư  ký Tòa soạn Tạp chí Thời trang trẻ.

Gặp lại tôi với bao dự định làm báo, viết văn, Tuấn nghe háo hức lắm. Hình như sự nhiệt tình cháy bỏng của tôi “lây” sang hắn, máu viết báo của Tuấn bắt đầu nổi lên, hắn bắt tôi phải giúp hắn viết báo. Tôi chiều theo sở thích của hắn. Hắn có năng khiếu nên tiếp thu rất nhanh và thực hành viết luôn (nghe nói hồi học cấp ba hắn từng đoạt giải học sinh giỏi môn văn của tỉnh).

Ban đầu tôi gợi ý hắn viết về chân dung nghệ sĩ (vì hắn ở môi trường đó). Quả thật, tôi hơi ngạc nhiên khi hắn đưa tôi bản thảo một số bài viết về chân dung NSND Trần Hiếu, NSND Trần Thu Bạch Hà, NSND Trung Kiên… để đăng trong chuyên mục “Những người nổi tiếng”. Chất lượng bài viết của hắn khá tốt nên tôi biên tập và cho đăng ngay. Bài viết của hắn được nhiều bạn đọc yêu thích và có thư hồi âm khen ngợi.

Những năm tiếp theo, như đã bắt trúng mạch nguồn, hắn viết nhiều về một số ca sĩ trẻ như Trọng Tấn, Mỹ Linh, Lan Anh, Anh Thơ… và được đăng trên rất nhiều báo. Trong đó tôi vẫn thích nhất bài Khánh Linh - Họa mi hót trong mưa của hắn viết đăng trên báo Người Lao động…

Nhờ khả năng viết lách tốt, Trần Anh Tuấn được điều về Bộ Văn hóa-Thông tin để làm thư ký cho Thứ trưởng - NSND Nguyễn Trung Kiên. Lúc này Tuấn tha hồ thả sức để viết không chỉ giới hạn trong Nhạc viện Hà Nội mà toàn ngành Văn hóa… Báo Nhân dân hàng tuần đặt Tuấn viết nhiều bài về mục Văn hóa phát triển. Tôi vẫn thích nhất bài Bắc Hà mùa mận chín và Làng văn hóa Khe Ván mà hắn viết khi đưa đoàn nhà báo đi thực tế ở Lào Cai và Yên Bái…

Có lẽ do Tuấn tổ chức nhiều đoàn nhà báo đi thực tế nên hắn “học mót” nhiều chiêu của các nhà báo kỳ cựu như Trần Bảo Hưng (Báo Đại Đoàn kết, Nguyễn Văn Hùng (Báo Phụ nữ Việt Nam), Mai Nam Thắng (Báo Quân đội Nhân dân)… để viết tốt hơn. Hắn làm cộng tác viên cho nhiều báo như Nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Hà Nội mới, Người Lao động, Văn hóa, Điện ảnh Kịch trường… Trong giới báo chí nhiều người biết và yêu quý đặt bài cho Tuấn.

Đến lúc nghỉ hưu, do có năng khiếu viết báo, lại là Thạc sĩ Khoa Xã hội và Nhân văn, đã từng là chuyên viên cao cấp của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiểu biết nhiều về truyền thông về công nghệ thông tin, nên Trần Anh Tuấn được cơ quan báo chí của Hội Truyền thông số Việt Nam mời về làm phóng viên. Hàng tuần, hàng tháng bài vở của hắn ra khá đều. Nhiều bài viết của Tuấn rất được độc giả đánh giá cao và cho nhiều “like”…

Trong thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, Trần Anh Tuấn không chỉ tham gia làm báo mà hắn còn viết lời cho nhiều bài hát được các nhạc sĩ của Học viện âm nhạc Việt Nam phổ nhạc. Ấn tượng nhất với tôi là bài Hát về Can Lộc quê ta do nhạc sĩ Huy Loan phổ nhạc và NSND Thanh Hoa biểu diễn (về sau NSUT Tố Nga cũng biểu diễn).

Tuấn cũng viết lời cho bài hát Hành khúc Trường Đại học phòng cháy chữa cháy do nhạc sĩ Minh Khang phổ nhạc, đến nay bài hát vẫn được các thế hệ học sinh Trường Đại học phòng cháy chữa cháy coi đó là “Trường ca”. Tôi vẫn nhớ mấy câu kết của bài hát thật ấn tượng: “Vinh quang thay! Những chiến sĩ Phòng cháy, chữa cháy/Tạm biệt mái trường đi khắp muôn nơi/Đem tuổi xuân giữ màu xanh cho đất nước/Cho em thơ vui bước đến trường/Cho những căn nhà chung niềm vui mới/Tổ quốc mến yêu ơi/Nguyện tiếp bước cha anh/Vì hạnh phúc mọi người/Ở đâu có giặc lửa/Là có chúng tôi…”.

Chưa bao giờ tôi thấy Tuấn viết văn cả, ấy vậy mà trong một năm vừa qua, có lẽ do Covid, nên thời gian ở nhà nhiều, hắn bắt đầu lao vào viết văn. Tôi thấy hắn gọi điện mon men hỏi mượn tôi các cuốn sách lý luận viết văn. Tôi ngạc nhiên nói với hắn: “Ông còn định kiêm thêm nghề viết văn nữa hay sao mà hỏi, khó lắm. Ông muốn đâm đầu vào đá à?”. Nói vậy nhưng tôi lại nghĩ: “Thằng này đã nói là hắn làm”…

"Nỗi ám ảnh cuộc đời" chân thực, giản dị mà lay gọi... - 1

Tập truyện ngắn "Nỗi ám ảnh cuộc đời" của tác giả Trần Anh Tuấn

Lúc đầu hắn viết bút ký đơn giản như Ký ức Vị Xuyên; Dòng sông tuổi thơ rồi sau đó bắt đầu viết truyện ngắn… Quả thực tôi hơi lấy làm ngạc nhiên về khả năng viết văn của Trần Anh Tuấn. Tôi coi đây như một “hiện tượng”, bởi trong một thời gian ngắn, hắn cho ra đời nhiều bút ký và truyện ngắn. Những bút ký và truyện ngắn hắn viết ra đều được đăng trên Thời báo Văn học Nghệ thuật và Tạp chí Văn hóa phát triển.

Hắn viết rất lên tay, truyện sau chắc tay hơn truyện trước. Truyện ký Đêm chia muỗi hắn viết khá xúc động, hấp dẫn về một cô gái Quảng Bình mồ côi cha mẹ sống một mình, nhưng với tấm lòng bao dung dám bỏ màn để cùng chia muỗi với bộ đội…

Đặc biệt truyện ngắn Hào đoàn phí thấm máu lại càng xúc động hơn. Trần Anh Tuấn đã dựa trên một cốt chuyện có thật và khai thác một cách sáng tạo làm cho độc giả thấy được một giá trị nhân văn mà chưa một tác phẩm văn học nào đề cập đến. Một người lính pháo binh trước lúc hy sinh vẫn rút trong ngực áo mình một tờ hai hào (mệnh giá lúc bấy giờ) nhờ anh em đồng đội đóng đoàn phí… Đó là một chi tiết hết sức xúc động phản ánh tinh thần trách nhiệm trước tập thể của người chiến sĩ…

Hay truyện ngắn Kỷ vật của người đã khuất, Trần Anh Tuấn viết về một chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận biên giới, mặc dù rất ác liệt, nhưng vẫn tranh thủ mài giũa những mảnh đạn pháo làm thành những chiếc nhẫn, chiếc lược để gửi về tặng người yêu. Trước lúc hy sinh vẫn băn khoăn “Không biết món quà đã đến tay người yêu chưa”…

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, Trần Anh Tuấn viết truyện ngắn Chuyện tình cô giáo vùng cao như một món quà tri ân những thầy cô đã xung phong lên miền núi, miền biên giới để mang những “con chữ” cho các em nhỏ…

Trần Anh Tuấn có vốn sống khá phong phú, đặc biệt là những năm tháng đời lính đã cho hắn những chi tiết hiện thực sống động, có thể nói là rất đắt. Truyện ngắn cần chi tiết sống động để bồi đắp cho cốt truyện, làm cho truyện “sống” được, Tuấn đã có đầy đủ điều đó.

Đọc truyện của Tuấn viết, tôi thấy nó rất hấp dẫn và cũng rất thực, vì nó tươi nguyên sự sống… Bên cạnh đó, văn của Trần Anh Tuấn mộc mạc, chân thật, đã gây xúc động mạnh cho người đọc. Mới viết hơn năm, Trần Anh Tuấn đã cho in hai mười truyện ngắn và bút ký. Đó là một thành công đáng kể. Tuấn đang say viết. Hy vọng, viết càng nhiều càng đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để cho ra đời những tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn!

Tôi viết bài này cũng là lời giới thiệu của tập truyện ngắn Nỗi ám ảnh cuộc đời của tác giả Trần Anh Tuấn - một cây viết có nhiều triển vọng. Nỗi ám ảnh cuộc đời là tập truyện ngắn đầu tay của Trần Anh Tuấn chủ yếu viết về đề tài tình yêu và người lính. Đây là đề tài đã có nhiều người thành công nhưng cũng không ít người thất bại. Trần Anh Tuấn đến sau nhưng có cách viết khác lạ và gần gũi vì anh là người trong cuộc. Truyện của anh thực như cuộc đời, giản dị mà lay gọi…

Minh Tứ: Neo lòng nơi bến sông xưa

Trần Quang Đạo

Tin liên quan

Tin mới nhất