Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng

Đại tá, TS. Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện 175 nói về Bệnh viện 175: Là bệnh viện tuyến cuối của Quân đội tại phía Nam, những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân y 175 được đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, từng bước xây dựng thành “Quần thể y tế đa năng” ngang tầm khu vực.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 1: Quân đội ta “Trung với nước, Hiếu với dân”

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 2: Đại tướng ra trận

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 3: Những vị tướng nơi đầu sóng ngọn gió

Bệnh viện vững mạnh toàn diện

Đứng chân trên địa bàn TP HCM, Bệnh viện có điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện, nhưng cũng không ít khó khăn. Với phương châm “Y tinh - Đức sáng - Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hội nhập, phát triển, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ Bệnh viện trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Bệnh viện vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng - 1

Bệnh viện 175

Hiện nay, Bệnh viện thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: Sẵn sàng chiến đấu; khám, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; xây dựng cơ bản; huấn luyện Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tổ chức bảo đảm y tế cho huyện đảo Trường Sa, Nhà dàn DK1, tuyến đảo phía Nam và thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất trên giao.v.v.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Bệnh viện triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; đồng thời, tích cực tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Khi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bệnh viện chuyển đổi một phần tổ chức, biên chế, thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và vừa. Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng chuyển đổi một phần tổ chức, biên chế và cơ chế làm việc của Bệnh viện trở thành Trung tâm - “thành trì” chống dịch Covid-19.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này, Bệnh viện triệt để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, khai thác hiệu quả nguồn kinh phí, trang thiết bị trên cấp và các cơ quan, đơn vị, địa phương hỗ trợ, tích cực cải tạo, thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2 nặng và vừa. Chủ động rà soát, làm tốt công tác chuẩn bị, dự phòng các trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện bảo đảm cho công tác điều trị, sẵn sàng ứng phó với tình huống số lượng bệnh nhân tăng cao. Chỉ đạo sát sao các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp không để dịch Covid-19 lây nhiễm chéo sang đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ.

Trên cơ sở tiếp thu và vận dụng những kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 của các quốc gia trên thế giới và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng, Bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản và thống nhất quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cho cán bộ, nhân viên y tế. Triển khai phòng khám tiền phương để phân luồng bệnh nhân, tiến hành thủ tục khai báo y tế, sàng lọc tại cổng, khám, xét nghiệm sàng lọc cho tất cả trường hợp đến Bệnh viện.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng - 2

BV 175 có sân bay trực thăng cấp cứu lớn nhất miền Nam.

Từ đầu tháng 5-2021 đến nay, Bệnh viện đã tiến hành test nhanh kháng nguyên cho hơn 60.000 lượt người đến khám, điều trị và công tác. Các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đều được xử lý cách ly tạm thời, phân loại cấp độ từng bệnh nhân, chuyển đi các bệnh viện trên địa bàn theo từng tuyến để điều trị, cứu chữa. Cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đều được kiểm soát chặt chẽ qua khai báo y tế, tổ chức xét nghiệm, sàng lọc định kỳ hoặc khi có bất thường, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên yên tâm làm việc.

Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2, Bệnh viện tập trung toàn lực cho việc xây dựng và nâng cấp Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và vừa, tổ chức điều trị bệnh nhân mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Với quy mô ban đầu 200 giường bệnh theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện đã nhanh chóng huy động nhân lực, vật lực, quyết liệt tổ chức triển khai, hoàn thiện trong 48 giờ, đảm bảo đón bệnh nhân đầu tiên vào ngày 19-7-2021.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng - 3

Hình ảnh tại Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid – 19, Bệnh viện Quân y 175

Xuất phát từ hiệu quả hoạt động của Trung tâm và để đáp ứng nhu cầu số bệnh nhân Covid-19 nặng và vừa ngày càng tăng cao, Trung tâm đã được nâng cấp từ 200 lên 350 giường bệnh (11-8-2021) và hiện nay lên đến 500 giường bệnh.

Cứu sống hàng ngàn bệnh nhân Covid-19

Trước nhiệm vụ cấp bách đó, Bệnh viện lấy Ban Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 làm nòng cốt, nhanh chóng triển khai các công việc, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đúng tiến độ. Kịp thời triển khai các kỹ thuật hồi sức hiện đại như: thở HFNC, thở máy chức năng cao, lọc máu hấp phụ và liên tục, ECMO, v.v. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực của Trung tâm đã phát huy sáng kiến, thực hiện kỹ thuật ECMO cho 02 bệnh nhân trên cùng một máy trong điều kiện không đủ máy thở cho các bệnh nhân nguy kịch mang lại kết quả tốt, góp phần cứu sống nhiều ca bệnh.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng - 4

Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid – 19, Bệnh viện Quân y 175

Để duy trì hoạt động của Trung tâm thành nền nếp, mang tính chuyên nghiệp cao, đạt hiệu quả vững chắc, Bệnh viện thực hiện chặt chẽ việc phân tầng điều trị, phù hợp với mức độ nhiễm của người bệnh. Chủ động lựa chọn, sắp xếp tổ chức biên chế, bố trí lực lượng làm việc theo ca, kíp trực phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện yêu cầu phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Ban Giám đốc Trung tâm, chủ trì các khoa, ban, nhất là đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên trực tiếp theo dõi, điều trị người bệnh.

Thực hiện đúng phác đồ điều trị, theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng bệnh nhân hằng ngày, lấy đó làm cơ sở để nâng hoặc hạ cấp điều trị cho phù hợp. Thường xuyên rà soát, phân loại bệnh nhân để chuyển dần từ nặng sang vừa đến nhẹ theo từng tầng điều trị đã xác định; tổ chức xét nghiệm, đánh giá mức độ phục hồi của bệnh nhân để cho ra viện đúng thời điểm, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng cũng như quá tải cho Bệnh viện và dành “cơ hội vàng” cứu chữa bệnh nhân khác khỏi lưỡi hái tử thần. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và vừa đã tiếp nhận, điều trị và chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân, góp phần quan trọng vào công cuộc chống dịch của TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Cùng với đó, Bệnh viện tích cực tham gia hỗ trợ các địa phương trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch, thông qua các tổ, đội tăng cường cho việc tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các địa bàn trọng điểm. Ngay từ đầu tháng 7-2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và UBND TP HCM, Bệnh viện lựa chọn 150 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có nhiều năm kinh nghiệm, sức khỏe tốt tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 7 của Thành phố; cử hơn 500 lượt cán bộ, nhân viên đi lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao, như: quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân và huyện Hóc Môn, với trên 65.000 mẫu (cả RT-PCR và test nhanh), kịp thời phát hiện nhiều trường hợp dương tính; điều động 20 tổ tiêm vắc-xin với hơn 85.000 liều tại quận 7, Gò Vấp và thành phố Thủ Đức, Long An, Bình Dương; tổ chức tiêm gần 12.000 liều vắc-xin cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và công dân Nhật Bản sinh sống, làm việc trên địa bàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Giai đoạn cao điểm, Bệnh viện tiến hành xét nghiệm trên 50.000  mẫu RT-PCR, phát hiện và cách ly hàng trăm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Với những đóng góp quan trọng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 được Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là cơ sở, tiền đề để tiếp tục xây dựng Bệnh viện vững mạnh, tiêu biểu, thực sự là một “thành trì” chống dịch Covid-19 của TP HCM và các tỉnh phía Nam, tạo động lực, hiệu ứng mạnh mẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch covid 19.

Vị tướng có đủ tài, tâm và tầm và “bệnh viện trong mơ”

Giám đốc BV 175 là Thiếu tướng, PGS-TS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn. Nhiều báo chí, văn nghệ sĩ, đồng nghiệp gọi ông là một bác sĩ tài hoa, điều này rất đúng, ông đa tài và tài hoa từ thời trai trẻ, còn là sinh viên Học viện Quân y và tài hoa cho đến hôm nay. Nhưng đúng hơn phải gọi ông là một vị tướng rất tài, có tâm và có tầm. Ông đã biến 175 thành một “dream hospital” vươn cao kiêu hãnh trên nền xưa bóng cũ. Mà không chỉ là tòa ngang dãy dọc với máy móc trang thiết bị tiên tiến hàng đầu, Bệnh viện Quân y 175 hôm nay đã có Viện Chấn thương chỉnh hình hiện đại như khách sạn, có sân bay cấp cứu bằng trực thăng ra đời. Một Bệnh viện đa khoa mới hiện đại đang dần hoàn thiện. 

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng - 5

Thiếu tướng, PGS-TS-BS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn.

Nhưng điều tuyệt vời hơn, Thiếu tướng đã cùng Đảng ủy và ban giám đốc bệnh viện xây dựng 175 thực sự trở thành một bệnh viện của quân và dân. Báo chí viết về Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: “Với tinh thần “tất cả cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân”, là một nhà giáo, một Phó giáo sư rất trẻ, trẻ ở cả tuổi đời và ở tư duy, tướng Sơn đã từng bước thực hiện hoài bão đưa bệnh viện lên một tầm cao mới không chỉ trong chuyên môn khám chữa bệnh mà còn là một trung tâm đào tạo huấn luyện y khoa thật hàn lâm, chính thống và đẳng cấp, cho cả quân y và ngành ngành y tế nói chung”.

Liên tiếp những chương trình đào tạo và liên kết, những hội nghị khoa học và những đề tài nghiên cứu được hoạch định và tổ chức. Chính không khí học thuật ấy đã tạo nên những thay đổi lớn từ quy trình hoạt động tiên tiến của bệnh viện đến tác phong làm việc chuyên nghiệp của mỗi cán bộ nhân viên. Cũng chính điều đó đã làm thay đổi hẳn hình ảnh bảo thủ vốn có của một bệnh viện quân y trong mắt người dân và tạo một vị thế mới cho người Thầy thuốc Quân y trong xã hội.

Bệnh viện 175 hôm nay không chỉ là Bệnh viện Quân y đầu đàn ở phía Nam mà còn mang tầm quốc gia khi đã trở thành tuyến đầu đảm bảo quân y và y tế cho chiến sĩ và nhân dân biển đảo. Đó không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là cả tấm lòng của người Giám đốc và cả bệnh viện với biển đảo quê hương.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng - 6

Vị tướng 168 lần ra Trường Sa

Những ngày phòng chống dịch Covid- 19 có lẽ là những ngày gian nan vất vả nhất của vị tướng quân y này. Cơm không ăn trọn bũa, đêm không ngủ yên giấc, 24/24 giờ trực trong bệnh viện, chỉ huy, lãnh đạo tập thể y bac sỹ giành giật sự sống cho hàng chục ngàn con người, không chỉ là cán bộ chiến sĩ quân đội mà phần lớn là những người dân.

Ngay từ ngày 30-8-2021, Bệnh viện huy động nguồn lực tại chỗ, triển khai thần tốc Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa và nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175 (Trung tâm) với quy mô 250 giường trong vòng 48 giờ, sau đó nâng lên thành 350 giường và tiếp tục nâng cấp với quy mô 500 giường, cùng các trang thiết bị máy móc cấp cứu hiện đại như 5 hệ thống ECMO, 7 máy lọc máu liên tục, 52 máy thở xâm nhập, 6 máy thở xách tay, 191 máy HFNC, 90 monitor, 5 máy X-quang, 6 máy siêu âm.

Từ khi đi vào hoạt động tới nay, Trung tâm đã thu dung điều trị gần 5.000 bệnh nhân, đã giải quyết ra viện cho hơn 4.000 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân tuổi trên 80, nhiều bệnh lý nền, một số bệnh nhân người nước ngoài, cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí tướng lĩnh đương chức và nghỉ hưu…

Đặc biệt, Trung tâm đã điều trị thành công nhiều sản phụ nguy kịch bằng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Trung tâm điều trị Covid-19  đã chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nổi bật là kỹ thuật ECMO tách đôi, chưa từng có tiền lệ đã góp phần cứu sống những bệnh nhân nguy kịch cận kề tử vong hoặc triển khai ECMO ngay tại cơ sở y tế khác để cấp cứu bệnh nhân sau đó chuyển về Trung tâm điều trị tiếp (ECMO Mobile). Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến như chia tách đường dẫn khí, lọc máu luân phiên…

Cũng phải kể thêm một chiến công lớn của Bệnh viện 175 dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Hồng Sơn, đó là việc bệnh viện  kịp thời hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị trong và ngoài quân đội, TP HCM và các địa phương trong phòng chống dịch: Hỗ trợ tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tặng hàng chục nghìn liều vắc xin phòng Covid-19 cho các tỉnh phía Nam, cử hàng trăm cán bộ nhân viên tham gia vào bệnh viện dã chiến của TP HCM, tham gia hỗ trợ cho nhiều bệnh viện trong khu vực....

Xông pha giữa trận tiền, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế

Đối nội, đối ngoại và quốc tế, cả ba phần việc này Bệnh viện 175 đã làm rất tốt trong những ngày đại dịch, và trên tư cách là người chỉ huy cao nhất, tướng Nguyễn Hồng Sơn luôn xông pha giữa trận tiền. Hơn 168 chuyến bay ra Trường Sa làm nhiệm vụ; khi nước sôi lửa bỏng lại phải dẫn quân đi làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan.

Những vị tướng trong tâm bão - Bài 5: Vị tướng 10 năm mang quân hàm thiếu tướng - 7

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn trong một lần sang Cộng hòa Nam Sudan, nơi các cán bộ Bệnh viện dã chiến đang làm nhiệm vụ - Ảnh: NV cung cấp

Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan được thành lập vào tháng 7-2011 với nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định về chính trị, hòa bình, phát triển kinh tế, hạn chế xung đột, bảo vệ đời sống cho người dân Nam Sudan. Bệnh viện dã chiến đầu tiên là cấp 2 số 1 (2.1) của Việt Nam tham gia lực lượng này vào tháng 11-2018. Đến tháng 11-2019, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường thay thế Bệnh viện 2.1. Và bây giờ là Bệnh viện dã chiến 2.3 của chúng ta sẽ lên đường, tiếp nối nhiệm vụ quốc tế.

Việt Nam là nước thành viên của tổ chức Liên Hợp Quốc và cần thể hiện trách nhiệm của mình, trong đó có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Việc làm này cũng thể hiện uy tín và vị thế của Việt Nam với thế giới. Đây còn là ước mơ của Bác Hồ từ những năm 1945, 1946. Sau hơn 70 năm, nó đã trở thành hiện thực.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn kể lại những ngày không thể nào quên vừa qua đi làm nhiệm vụ quốc tế:  "Ngày đầu đặt chân đến Nam Sudan, bụi bay mịt trời, cả nước chưa đầy 65 km đường nhựa. Thời điểm đó, tôi đã biết việc tồn tại được trên mảnh đất này là cực kỳ gian khó và nguy hiểm. Chúng ta cũng là đơn vị đầu tiên được phân công huấn luyện, đào tạo bệnh viện dã chiến. Đây là nhiệm vụ rất lớn và nặng nề. Bởi từ trước đến nay, chúng ta chưa có tiền lệ này. Thời điểm gật đầu nhận lời, tôi cũng chưa thể hình dung được sẽ tổ chức như thế nào, huấn luyện và quy mô ra sao. Bệnh viện dã chiến sẵn có của Bệnh viện Quân Y 175 có tính cơ động cao, nhưng lần này có nhiều khác biệt.

Thứ nhất là khó khăn về quy mô tổ chức, tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Thứ 2, Nam Sudan là nước ở Đông Phi. Khoảng 13 triệu dân tại đây luôn sống trong đói nghèo, bệnh tật và đối mặt với xung đột sắc tộc, nội chiến kéo dài. Sự khác biệt về thời tiết, địa hình, địa lý, ngôn ngữ, phong tục khiến lực lượng của ta khó thích nghi.

Điều quan trọng, dù không nói thành lời song ai cũng lo lắng. Đó là lực lượng lúc đi đủ song lúc về liệu có còn đủ như vậy hay không. Tất cả liệu có còn mạnh khỏe. Sốt rét còn không sao vì vẫn điều trị được. Nếu lây HIV, bị phiến quân tấn công gây thương vong 1-2 người thì cũng coi như thất bại. Suốt một năm như thế, lực lượng sẽ có rất nhiều chuyến công tác bằng trực thăng. Sơ suất có thể xảy ra, đôi khi bị phiến quân dùng tên lửa tấn công.

Đợt vừa rồi, tướng lĩnh bản địa còn dặn chúng tôi khi ra ngoài không nhìn thẳng vào mắt thổ dân, không được có động thái sử dụng vũ khí. Bất cứ lý do nào cũng có thể bị khủng bố. Ngoài ra, vấn đề an toàn tình dục cũng được đặt ra trong thời gian công tác. Đó là những vấn đề trước nay không thể nói trên truyền thông nhưng đặt ra áp lực rất lớn cho người chỉ huy.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, gần như thức trắng nhiều đêm trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ, vừa thương đồng chí, đồng nghiệp, vừa tìm cách để  Liên Hợp Quốc chỉ cho 63 con người mà phải xây dựng bệnh viện dã chiến cấp 2 - tương đương cơ sở y tế tuyến quận, huyện của Việt Nam và phải đảm bảo giải quyết được căn bản những cấp cứu nội, ngoại khoa.

Thứ 2, y bác sĩ tham gia lực lượng phải học nhiều môn phụ khác như nguyên tắc căn bản trong ứng xử của Liên Hợp Quốc, văn hóa, tôn giáo, chính sách liên quan thực địa, kỹ năng sinh tồn trong môi trường địa lý, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh. Ví dụ kỹ năng xử lý khi bị cầy mangut, rắn độc, thổ dân bản địa tấn công, rồi cách tự cứu mình trong cơn đói khát ở sa mạc. Thậm chí là câu chuyện về giới tính trong phái bộ với địa phương như lạm dụng tình dục, chống bạo hành…

Thứ 3 là câu chuyện đào tạo tiếng Anh. Tất cả nhân viên bệnh viện buộc phải có trình độ IELTS 5.5 trở lên. Trong quá trình đào tạo, nhiều bạn bị loại bỏ do thể lực yếu, không đủ chuyên môn, mang thai, yếu tố gia đình, chia tay người yêu… Từ khi bắt đầu đào tạo đến giai đoạn gần hoàn thiện, cá nhân đủ tiêu chuẩn được chọn chỉ còn khoảng một nửa. Nhưng với thành công lớn của Bệnh viện 2.1, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo 2.1 tốt thì 2.2 và 2.3 buộc phải tốt hơn.

Và cuối cùng, như chúng ta đã thấy, chúng tôi đã làm tốt tinh thần chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế của Quân đội và đất nước ta.

Trương Nguyên Việt - Bùi Phan Thảo - Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T