Olympic từng biến mất hơn 1.400 năm do một người thấy "gai mắt"

Là sự kiện thể thao quan trọng bậc nhất thế giới, nhưng Thế vận hội Olympic từng bị cấm đoán và gián đoạn hơn 1.400 năm.

Olympic từng biến mất hơn 1.400 năm do một người thấy "gai mắt" - 1

Tranh vẽ Olympic cổ đại (ảnh: History)

Lịch sử Olympic

Theo History, Olympic bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại và lần đầu tiên được tổ chức vào năm 776 TCN. Đối với người Hy Lạp cổ đại, Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất, được tổ chức 4 năm/lần. Đây không chỉ là một cuộc đua thể lực mà còn thể hiện tinh thần chiến đấu và đoàn kết giữa các thành bang Hy Lạp, theo History.

Tương truyền, Olympic được sáng tạo bởi anh hùng Heracles – con trai của thần Zeus và một người phụ nữ tên Alcmene.

Lần đầu tiên tổ chức, Olympic dường như chỉ có một môn thi đấu duy nhất là chạy nước rút. Nhà vô địch Olympic đầu tiên được ghi nhận trong các tài liệu cổ là Coroebus của xứ Elis (thuộc Hy Lạp cổ đại).

Trong những kỳ Olympic sau, các môn thi đấu trở nên đa dạng hơn, bao gồm đấu vật, đấu võ, đua ngựa, điền kinh, ném đĩa, phóng lao, nhảy xa… Đền thờ thần Zeus ở thành phố Olympia (Hy Lạp) được chọn làm nơi tổ chức Olympic.

Giữa thế kỷ II TCN, Hy Lạp mất độc lập vào tay đế chế La Mã (Italia), sự ủng hộ dành cho Olympic cũng giảm dần trong các thế kỷ tiếp theo. Các hoàng đế La Mã lo ngại Olympic là sự kiện để người Hy Lạp tụ tập và đấu tranh, theo History.

Năm 394, Theodosius I Đại Đế (hoàng đế La Mã) ra lệnh cấm đa thần giáo và cấm tổ chức Olympic. Sự kiện thể thao danh tiếng này bị gián đoạn kể từ đây.

Năm 1896, Thế vận hội Olympic hiện đại lần đầu tiên được tổ chức với sự nỗ lực và hỗ trợ của Pierre de Coubertin – nhà giáo dục, sử gia và Nam tước người Pháp. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) được Pierre de Coubertin thành lập vào ngày 23/6/1894 và ngày nay đã có 206 ủy ban thành viên cấp quốc gia.

Từ năm 1896, Thế vận hội Olympic được tổ chức đều đặn 4 năm/lần (trừ thời gian bị gián đoạn bởi Thế chiến II).

Từ năm 1924, IOC tổ chức thêm Thế vận hội Mùa đông (Olympic mùa đông). Sự kiện này dành cho các môn thể thao mùa đông và cũng được tổ chức 4 năm/lần.

Olympic từng biến mất hơn 1.400 năm do một người thấy "gai mắt" - 2

Có nhiều môn thi đấu diễn ra ở Olympic cổ đại (tranh: Britannica)

5 điều ít người biết về Olympic cổ đại

1. Vận động viên chuyên nghiệp ở Olympic cổ đại

Cụm từ “vận động viên nghiệp dư” chỉ xuất hiện vào năm 1896, khi Olympic hiện đại lần đầu tiên được tổ chức. Người Hy Lạp cổ đại thậm chí còn không có từ “amateur” (nghiệp dư). Đối với họ, từ “athlete” (vận động viên) có nghĩa là “người cạnh tranh để giành giải thưởng”, theo History.

Olympic cổ đại không có giải thưởng về vật chất. Thay vì các đàn gia súc, lúa mì hay những túi tiền vàng, ban tổ chức Olympic quyết định trao cho nhà vô địch một vòng lá nguyệt quế. Đây là vinh quang lớn lao vì theo quan niệm của người Hy Lạp cổ, chỉ có 12 vị thần trên đỉnh Olympus và nhà vua mới được đội vòng lá nguyệt quế.

Mặc dù không được thưởng tiền khi tham dự Olympic, nhưng danh tiếng và tiền bạc vẫn chờ đón các nhà vô địch khi họ trở về quê hương.

Theo Britannica, các thành bang Hy Lạp rất coi trọng và sẽ trao thưởng hậu hĩnh cho nhà vô địch Olympic. Ví dụ, thành Athens từng trao cho nhà vô địch Olympic những khoản tiền khổng lồ và nhiều phần thưởng khác như miễn thuế, ghế ngồi hạng nhất trong rạp hát, ăn miễn phí trọn đời và nhà ở…

Vinh quang sánh ngang thần linh và tiền thưởng kếch xù là điều mà rất nhiều người ao ước. Để chuẩn bị cho sự kiện Olympic 4 năm một lần, nhiều nam giới Hy Lạp dành thời gian dài rèn luyện sức khỏe, kỹ năng và thậm chí thuê cả huấn luyện viên hỗ trợ. Họ được coi là các vận động viên chuyên nghiệp.

Olympic từng biến mất hơn 1.400 năm do một người thấy "gai mắt" - 3

Đền thờ thần Zeus, nơi tổ chức Olympic cổ đại (tranh: Britannica)

2. Hình phạt cho kẻ tham nhũng ở Olympic cổ đại

Bất kể là ở thời điểm nào, danh hiệu nhà vô địch Olympic luôn quá hấp dẫn đối với một số vận động viên.

Trước khi tham gia Olympic cổ đại, các vận động viên phải thề trước tượng thần Zeus (vị thần tối cao của người Hy Lạp cổ) rằng sẽ thi đấu công bằng và trong sạch. Tuy nhiên, một số vận động viên Olympic không e ngại Zeus và vẫn tìm cách hối lộ giám khảo, thậm chí là đối thủ, theo IOC.

Vụ bê bối Olympic đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào năm 388 TCN. Eupolus – vận động viên môn quyền thuật của xứ Thessaly – đã “đút tiền” cho 3 đối thủ để họ chịu thua trước anh ta.

Năm 67, Nero – hoàng đế nổi tiếng bạo ngược và kiêu ngạo của đế chế La Mã – đã hối lộ ban giám khảo Olympic để giành chức vô địch. Trong cuộc thi đua xe 4 ngựa kéo, ông ta tham gia với cỗ xe 10 ngựa kéo. Mặc dù bị ngã khỏi xe ngựa và không hoàn thành vòng đua, nhưng Nero vẫn được tuyên bố là vô địch.

Lố bịch hơn, Nero yêu cầu ban giám khảo đưa các môn thi ca, chơi nhạc cụ vào thi đấu Olympic. Đây là các môn ông ta vốn có thế mạnh.

Olympic từng biến mất hơn 1.400 năm do một người thấy "gai mắt" - 4

Những kẻ gian lận trong Olympic phải coi chừng cơn thịnh nộ của thần Zeus (tranh: Grunge)

Theo History, theo quy tắc Olympic cổ đại, các vận động viên có hành vi hối lộ sẽ bị loại và phạt đánh đòn công khai. Người nhận hối lộ cũng bị phạt số tiền khổng lồ. Số tiền này dùng để đúc các bức tượng thần Zeus bằng đồng.

Cho đến khi Olympic bị cấm vào năm 394, có 16 bức tượng thần Zeus bằng đồng đã được đúc.

“Chiến thắng phải đạt được bằng tốc độ của đôi chân và sức mạnh của đôi tay chứ không phải bằng tiền”, dòng chữ tạc trên một bức tượng thần Zeus nhắn nhủ.

3. Chiến tranh và mưu đồ chính trị ở Olympic cổ đại

Các vận động viên Olympic cổ đại đến từ hàng chục thành bang Hy Lạp khác nhau. Họ có thể từng là đối thủ hoặc từng chiến đấu với nhau trên chiến trường.

Trong Chiến tranh Peloponnesian (cuộc nội chiến ở Hy Lạp kéo dài từ năm 431 đến năm 405 TCN, giữa Liên minh Sparta và Liên minh Athens), các vận động viên từ Sparta đã bị phe Athens cấm tham gia thi đấu Olympic.

Năm 364 TCN, quân đội xứ Elis bất ngờ tấn công thành phố Olympia, khi các trận thi đấu Olympic đang diễn ra. Thay vì cổ vũ cho các vận động viên, khán giả chuyển sang cổ vũ cho 5.000 binh sĩ Olympia đang chiến đấu giáp lá cà với quân địch.

Tuy nhiên, những cuộc chiến kiểu này là hy hữu.

Trong hầu hết sự kiện Olympic, các thành bang Hy Lạp vẫn tuân thủ thỏa ước ngầm là đình chiến.

4. “Thương mại hóa” ở Olympic cổ đại

Ngày nay, trong mỗi sự kiện Olympic, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có thể nhận được hàng tỷ USD từ các nhà tài trợ, quảng cáo và đài truyền hình. Nhưng thương mại ở Olympic không phải phát minh của thời hiện đại.

Ở Olympic cổ đại, các thương nhân phải nộp tiền để được cấp phép bán đồ ăn, đồ uống và đồ lưu niệm. Những người bán hàng hóa kém chất lượng, tự ý tăng giá bán hay bán hàng không phép sẽ bị ban tổ chức Olympic phạt tiền, theo World History.

Các nhà thơ, nhà điêu khắc, họa sĩ… ở Hy Lạp cũng tranh thủ sự kiện được tổ chức 4 năm/lần này để rao bán tác phẩm.

Hình ảnh nhà vô địch Olympic được chủ các thành bang đúc trên tiền xu và giữ độc quyền. Muốn tạc tượng hay vẽ tranh chân dung nhà vô địch Olympic, người dân phải nộp tiền để được cấp phép.

Olympic từng biến mất hơn 1.400 năm do một người thấy "gai mắt" - 5

Các chiến binh tham gia Olympic cổ đại (tranh: Guardian)

5. “Nghề” huấn luyện viên Olympic

Điều này hoàn toàn không chính xác.

Giống như nhiều vận động viên ngày nay, các vận động viên Olympic cổ đại cũng có huấn luyện viên và đội ngũ hỗ trợ trong quá trình luyện tập, thi đấu.

Một số huấn luyện viên Olympic cổ đại đã viết những cuốn sách về chế độ luyện tập, dinh dưỡng, nghỉ ngơi cho vận động viên và chúng được lưu giữ đến ngày nay.

Trong thần thoại Hy Lạp, nhiều anh hùng nổi tiếng như Theseus, Achilles, Jason, Heracles đều được nhân mã Chiron, người thầy đáng kính của họ, dạy cách chiến đấu, bắn cung, cưỡi ngựa và rèn luyện sức khỏe. Huyền thoại này cho thấy “nghề” huấn luyện viên đã ra đời từ rất sớm ở Hy Lạp, theo Britannica.

Chính Pháp – tổng hợp

Tin liên quan

Tin mới nhất

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.