Mối lo về 30 ngày cuối hỗn loạn của ông Trump
Tổng thống Trump còn gần 30 ngày cuối nhiệm kỳ và được cho là có thể trở nên bốc đồng và có những hành động khó lường trong thời gian này.
Theo CNN, điều đáng lo ngại ở đây là một tổng thống sắp mãn nhiệm đầy giận dữ và không ngần ngại phát tán thuyết âm mưu - với sự hưởng ứng của những cố vấn thân tín - có thể gây tác động đến đâu.
Trong nhiệm kỳ, chưa bao giờ ông Trump có ít ràng buộc như bây giờ, khi chỉ còn nắm quyền gần 30 ngày nữa. Sắp mãn nhiệm, ông cũng có động lực hơn bao giờ hết để tập trung vào nỗ lực phủ nhận kết quả bầu cử, theo CNN.
Đang có nhiều lo ngại ông sẽ lạm dụng quyền lực trong những tuần cuối nhiệm kỳ. Ảnh:
Getty Images. Hai cách ông Trump gây tổn hại cho nước MỹNhững ngày này, ông Trump chỉ ở Nhà Trắng. Tại buổi họp nội các tuần trước, ông không bàn công việc chính phủ mà dành phần lớn thời gian nói về gian lận bầu cử, nêu lại những thuyết âm mưu.
Ông có nhiều cuộc họp với các cố vấn thân cận, bàn đến những kịch bản phi thực tế nhất như ra thiết quân luật, tịch thu các máy kiểm phiếu.
Ngày 21/12, ông họp với một nhóm nghị sĩ Mỹ, tìm cách dàn xếp để lật ngược kết quả bầu cử trong phiên họp ngày 6/1 của Quốc hội.
Chỉ tiếp xúc với những cố vấn “ruột”, những người khen ngợi ông nhiều, ông Trump tiếp tục đưa ra những lời nói dối, thuyết âm mưu, kích động và gây chia rẽ trong “vương quốc Twitter” của mình, khiến nhiều nhân viên Nhà Trắng lo ngại ông sẽ làm gì tiếp theo.
Theo CNN, ông Trump có thể tiếp tục phá hoại nước Mỹ trong những ngày cuối theo hai cách: bằng sự hung hăng, kích động của mình, và bằng việc từ bỏ nghĩa vụ lãnh đạo mà ông từng tuyên thệ.
Nỗ lực phủ nhận kết quả bầu cử của ông Trump đang đe dọa tính chính danh của chính quyền Biden trong mắt hàng triệu người Mỹ. Ảnh:
New York Times. Từ bỏ nghĩa vụ lãnh đạoNỗ lực khởi kiện, phủ nhận kết quả bầu cử của ông Trump, gạt đi các thông lệ trong nền dân chủ Mỹ đã gieo hoài nghi trong hàng triệu cử tri, và đe dọa tính chính danh của chính quyền Biden.
Đang có những lo ngại trong số các nhân viên Nhà Trắng và các lãnh đạo quân đội rằng ông Trump có thể dùng quyền hạn tổng thống và tổng tư lệnh một cách nguy hiểm.
“Chúng ta không biết ông ấy có thể làm gì”, một sĩ quan ở Lầu Năm Góc nói. “Chúng ta đang trải qua giai đoạn kỳ lạ”, người khác nói thêm.
Việc ông Trump thờ ơ với các cuộc khủng hoảng dồn dập ở Mỹ cũng có thể coi là một sự phá hoại về chính trị. Ông thờ ơ về đại dịch đã làm 18 triệu người mắc bệnh và làm gần 320.000 người tử vong, khi nước Mỹ đang trải qua dịp lễ Giáng sinh đen tối nhất trong nhiều thế hệ.
Trong hệ thống chính trị Mỹ, nhất là trong các cuộc khủng hoảng quốc gia, sự lãnh đạo và động viên của tổng thống có sức nặng lớn.
Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đang chú tâm và lãnh đạo để đảm bảo rằng chương trình tiêm phòng Covid-19 quy mô khổng lồ sẽ thành công, nhất là sau khi chính ông coi nhẹ dịch bệnh, khiến virus lây lan mạnh.
Ông Trump cũng coi nhẹ vụ hack chấn động gần đây nhắm vào chính phủ Mỹ, và hoài nghi khả năng Nga đứng đằng sau, dù Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tư pháp William Barr đều nêu tên Moscow là thủ phạm.
Hai vấn đề trên cho thấy ông Trump đang “từ bỏ nghĩa vụ tổng thống của mình một cách hoàn toàn”, khiến bê bối cựu Tổng thống George W. Bush thờ ơ với trận bão Katrina năm 2005 trông như một vụ việc rất nhỏ. Vậy mà ông Bush từng bị chỉ trích nhiều tháng liền sau trận bão.
Một nhân viên y tế được tiêm phòng Covid-19 ở Arlington, bang Virginia. Ảnh:
New York Times. Các “van an toàn” kiềm chế ông TrumpCác hành xử của ông Trump ngày càng trở nên khó lường, khi mà ngày ông mất quyền tổng thống đang đến gần. Washington đang chuẩn bị tinh thần cho một loạt lệnh ân xá có lợi cho các đồng minh của ông Trump, thậm chí những lệnh ân xá có dấu hỏi về pháp lý.
Các kế hoạch mà một số cố vấn cực đoan của ông Trump bàn đến, như đưa quân đội tới các bang chiến trường để tổ chức bỏ phiếu lại, là phi thực tế. Ngay cả khi cấp dưới của ông Trump có bất chấp để thực hiện kịch bản đó, tòa án Mỹ cũng sẽ không chấp nhận các động thái phá hoại dân chủ, như đã thấy qua việc bác bỏ hàng loạt vụ kiện.
Sự phủ nhận kết quả bầu cử chưa từng có của ông Trump diễn ra đồng thời với việc các “van an toàn” trong nền dân chủ Mỹ vẫn trụ vững - tòa án, giới chức bầu cử các bang.
Nhưng bản thân việc một tổng thống thất cử bàn tới thiết quân luật để đảo ngược kết quả đã là không tưởng và không thể chấp nhận, nhất là trong nền dân chủ lâu đời nhất, ảnh hưởng nhất thế giới.
Nhìn trong nước Mỹ, sự thờ ơ của ông Trump đã rất nghiêm trọng. Nhưng nhìn từ bên ngoài, hành xử của ông Trump đang gửi đi tín hiệu không tốt.
Sự hỗn loạn những ngày cuối của ông Trump còn được thể hiện khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr, một đồng minh tương đối trung thành, lại hoàn toàn phản bác sếp mình, trong buổi họp báo cuối trước khi rời cương vị.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr. Ảnh:
Reuters.
Ngày 21/12, ông Barr nói Nga dường như là thủ phạm tấn công mạng, đồng tình với phát ngôn trước đó của ông Pompeo, và đi ngược lại tweet của ông Trump.
Ông Barr cũng nói không cần thiết phải chỉ định công tố viên đặc biệt để điều tra cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử. Ông nói không có lý do gì để chính quyền liên bang tịch thu máy kiểm phiếu.
Ông Barr vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng với các thượng nghị sĩ Cộng hòa, và các bình luận của ông sẽ càng giúp Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện Mitch McConnell dập tắt các tiếng nói phủ nhận kết quả bầu cử trong đảng Cộng hòa.
Kế hoạch lật ngược kết quả của một số nghị sĩ khi Quốc hội Mỹ họp ngày 6/1 sẽ không thành. Hạ viện là do đảng Dân chủ kiểm soát, còn Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy đa số thượng nghị sĩ Cộng hòa có hứng thú với việc phủ nhận kết quả.
“Màn diễn” đảo ngược kết quả có thể vẫn được một số nghị sĩ Cộng hòa tiến hành, để lấy lòng cử tri địa phương mình vốn tin vào gian lận. Nhưng như vậy sẽ càng gieo hoài nghi về bầu cử Mỹ, gây hại cho chính quyền Biden nhiều năm tới.
“Tôi nghĩ chúng ta đang thấy ông Trump tuyệt vọng đến mức nào, và thấy ‘những con chuột còn lại trên tàu’ - nếu chúng ta có thể ví như vậy - cũng tuyệt vọng đến mức nào”, Lawrence Wilkerson, từng cố vấn cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, nói.
Theo ZingBình luận