Nguy cơ nổ ra cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử Tổng thống Mỹ
(Arttimes) - Lượng phiếu gửi qua thư quá lớn hay kết quả quá sít sao tại nhiều bang chiến địa có thể khiến việc thông báo kết quả không thể diễn ra theo đúng kế hoạch, điều này có thể dẫn tới nguy cơ cuộc chiến pháp lý từng xảy ra năm 2000.
Số lượng phiếu gửi qua đường bưu điện quá lớn hay kết quả quá sít sao tại nhiều bang chiến địa có thể khiến việc thông báo kết quả chính thức không thể diễn ra theo đúng kế hoạch. Một kịch bản như thế có thể dẫn tới nguy cơ cuộc chiến pháp lý từng xảy ra năm 2000 khi những tranh cãi nảy sinh trong quá trình kiểm phiếu buộc Tòa án Tối cao phải vào cuộc.
Cả ông Biden (trái) và ông Trump đều có các hoạt động tranh cử đến ngày cuối cùng trước bầu cử. Ảnh: ReutersThống kê cho thấy hơn 100 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại các hòm phiếu, một con số kỷ lục trong lịch sử bầu cử Mỹ và cao hơn gần gấp đôi so với năm 2016. Vấn đề đặt ra là việc kiểm toàn bộ số phiếu này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến và như vậy kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra. Đó là Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến thắng, trong khi ông Joe Biden lại giành chiến thắng cuối cùng một tuần sau đó khi tiến trình kiểm toàn bộ phiếu bầu kết thúc. Ông Lawrence Douglas - Chuyên gia pháp lý Đại học Amherst (Massachusetts) nhận định:
“Sẽ rất nguy hiểm khi thời gian bỏ phiếu kéo dài với việc Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy thực hiện một cuộc chiến pháp lý, tự tuyên bố mình tái đắc cử và cho rằng các phiếu bầu qua bưu điện gian lận cần bị loại bỏ. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào kết quả. Nếu ông Biden thắng rõ ràng ngay từ đầu, có thể không phải trong ngày 3/11 mà một vài ngày sau đó thì cơ hội của Tổng thống Trump thực hiện cuộc chiến pháp lý rất giới hạn. Tuy nhiên nếu có sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu tại một số bang chiến địa như Pennsylvania thì mọi việc sẽ rất phức tạp”.
Chuyên gia phân tích Douglas Herbert của Pháp nhận định, một kịch bản bầu cử có kết quả sít sao dẫn tới tình huống Tòa án tối cao buộc phải đóng vai trò định đoạt như những gì từng xảy ra năm 2000. Theo ông Herbert, thực tế là Tổng thống Trump đã chính thức bắt đầu cuộc chiến này ngay cả trước khi bầu cử diễn ra:
“Khả năng này là hoàn toàn có cơ sở sau khi Thượng viện phê chuẩn việc bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào ghế thẩm phán Tòa án tối cao, đồng nghĩa với việc phe Bảo thủ hiện nắm tới 6/9 ghế tại Tòa án tối cao. Thực tế là đảng Cộng hòa đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý tại nhiều bang nhằm ngăn chặn bỏ phiếu sớm qua đường bưu điện. Như tại Wisconsin, Tòa án tối cao mới đây đã ra phán quyết từ chối đề nghị của đảng Dân chủ gia hạn thời gian kiểm phiếu đối với các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện hay trước đó là trường hợp của bang Texas”.
Theo Hiến pháp Mỹ, để một trường hợp tranh chấp kết quả bầu cử được đưa lên tòa án liên bang, phải có dấu hiệu cho thấy các quyền hiến pháp liên bang, chẳng hạn như Tu chính án 14 bảo đảm các quyền lợi bình đẳng cho công dân, bị vi phạm. Phán quyết của Tòa án Tối cao giữa 2 ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và ông Al Gore của đảng Dân chủ vào năm 2000 đã giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả chỉ vì cả 2 phe lẫn người dân chọn phương án chấp thuận phán quyết, hay nói chính xác hơn, họ chấp thuận thẩm quyền ra quyết định của Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, đối với năm bầu cử 2020, tranh chấp, nếu xảy ra, sẽ phức tạp và rắc rối hơn nhiều so với cách đây 2 thập kỷ.
Theo VOV NoneBình luận