Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết
Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, người Trung Quốc chen chúc trên ô tô, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết, chính thức khởi động mùa Xuân Vận - cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới của loài người.
Hành khách chờ đợi làm thủ tục ở sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Theo Tân Hoa xã, đợt cao điểm Xuân Vận sẽ kéo dài khoảng 40 ngày, từ ngày 14/1 và kết thúc vào ngày 22/2. Trong dịp này, hàng triệu công nhân và người dân Trung Quốc sống xa nhà sẽ về quê đón Tết.
Xu hướng đi chung xe về quê
Đây là năm đầu tiên kỹ thuật viên công trường xây dựng Yang Bo, 22 tuổi tham gia mùa Xuân Vận. Anh chọn lái xe về nhà, lên đường cùng chú chó của mình vào sáng sớm ngày 14/1.
Em bé cầm theo tấm biển ghi dòng chữ "về nhà đón năm mới" trên tàu K4159, chuyến tàu đầu tiên khởi hành từ Bắc Kinh cho đợt đi lại cao điểm dịp Tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Yang làm việc tại thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, cách quê hương Tiềm Giang - thành phố ở miền Trung Trung Quốc - hơn 1.000 km. Chuyến đi dự kiến mất hơn 10 giờ.
Để tiết kiệm chi phí đi lại, Yang tìm kiếm đối tác đi chung xe trực tuyến từ cuối tháng 12 và đã tìm được ba người đồng hành trên hành trình dài về nhà.
"Chúng tôi thậm chí có thể trở thành bạn bè trên đường đi. Thêm vào đó, một trong số họ còn mang theo thú cưng, để chú chó của tôi không cảm thấy cô đơn", Yang nói với Tân Hoa Xã.
Những con tàu cao tốc được bảo trì ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Năm nay, các chuyến đi bằng đường bộ dự kiến sẽ đóng vai trò chính, chiếm khoảng 80% tổng số các chuyến đi liên vùng. Ước tính có 7,2 tỷ chuyến đi bằng đường bộ, với các xa lộ có khả năng đạt mức lưu lượng giao thông kỷ lục trong một ngày.
Dịch vụ đi chung xe ngày càng phổ biến trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc. Trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu, các bài đăng được đánh dấu bằng hashtag "đi chung xe về nhà đón Tết" đã thu hút hơn 5,6 triệu lượt xem và gần 180.000 bình luận.
Năm nay, nhiều người Trung Quốc chọn cách di chuyển bằng xe điện về quê. Tính đến tháng 11/2024, 33.100 trạm sạc đã được lắp đặt trên khắp các khu vực đường cao tốc, Gao Bo, một quan chức của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, cho biết.
Lưu lượng hành khách ngày đầu tăng vọt
Trung Quốc đã đưa nhiều tàu cao tốc mới với tốc độ lên tới 350 km/giờ vào vận hành trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc dự báo hơn 510 triệu lượt hành khách sẽ sử dụng hệ thống đường sắt để di chuyển, với trung bình 12,75 triệu lượt hành khách mỗi ngày trên cả nước, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong ngày đầu tiên của đợt cao điểm, giới chức đường sắt ước tính có khoảng 10,3 triệu lượt khách đi tàu.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc có kế hoạch khai thác hơn 14.000 chuyến tàu chở khách mỗi ngày, cung cấp thêm 500.000 chỗ ngồi. Trước đợt cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán, tổng cộng 185 tàu cao tốc mới đã được đưa vào sử dụng trên toàn quốc, có khả năng đạt tốc độ lên tới 350 km/giờ.
Hôm 14/1, ga đường sắt Thẩm Dương nhộn nhịp khi hành khách hối hả đi qua các hành lang. Nhiều người kéo theo vali và một số người chất đầy quà tặng trong dịp đoàn tụ gia đình.
Cảnh sát điều phối hành khách xếp hàng tại nhà ga Trùng Khánh vào ngày 14/1.
"Mặc dù mới chỉ là ngày đầu tiên của đợt cao điểm đi lại Tết Nguyên đán, nhưng lưu lượng hành khách đã đạt tới 53.000 người", Cai Jiakun, nhân viên làm việc tại ga đường sắt cho biết.
Trong khi đó, ngành hàng không dân dụng Trung Quốc dự kiến sẽ xử lý 90 triệu chuyến bay trong dịp nghỉ lễ, khai thác trung bình 18.500 chuyến bay mỗi ngày, tăng 8,4% so với năm 2024.
Nhu cầu du lịch nước ngoài tăng
Đây là mùa Xuân Vận đầu tiên kể từ khi Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời cũng là lần đầu tiên kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc kéo dài đến 8 ngày.
Người dân Trung Quốc bất đầu về quê ăn Tết từ ngày 14/1.
"Hiệu ứng kết hợp của các yếu tố này sẽ kích thích nhu cầu đi lại liên quan đến đoàn tụ gia đình và du lịch", Yang Zhusong, một nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa, cho biết.
"Các điểm du lịch có băng tuyết như Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân và Thẩm Dương, cũng như các địa điểm ven biển đầy nắng như Hải Khẩu, Tam Á, Hong Kong và Singapore, là những lựa chọn phổ biến nhất", Wu Chengkai, Phó tổng Giám đốc sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán, cho biết.
Gã khổng lồ du lịch trực tuyến Ctrip báo cáo mức tăng 51 phần trăm theo năm trong các lượt tìm kiếm về các chuyến đi nước ngoài trước mùa Xuân Vận. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á nổi lên là những điểm đến hàng đầu. Các lượt tìm kiếm về du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Sự quan tâm đến du lịch đường dài cũng đang tăng lên, với các tìm kiếm của người dân Trung Quốc về các điểm đến ở Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latin tăng hơn 50 phần trăm, theo Tân Hoa Xã.
Bình luận