Vệ tinh của Elon Musk đưa Internet tới rừng Amazon, tội phạm bất ngờ hưởng lợi
Nhờ hệ thống Internet vệ tinh Starlink, các nhóm tội phạm nguy hiểm hoạt động ở rừng rậm Amazon, Brazil, dễ dàng biết trước các cuộc đột kích của đặc vụ liên bang.
Các đặc vụ liên bang Brazil phá huỷ một sà lan khai thác trái phép ở bang Roraima, Brazil ngày 14/3. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, các đặc vụ liên bang Brazil trên 3 chiếc trực thăng ngày 14/3 đột kích vào một điểm khai thác mỏ trái phép trong rừng mưa nhiệt đới Amazon. Nhóm tội phạm chống trả quyết liệt rồi bỏ trốn. Các đặc nhiệm phát hiện thứ mà nhóm tội phạm bỏ lại là thiết bị kết nối Internet vệ tinh Starlink.
Starlink, hệ thống Internet vệ tinh Starlink của tập đoàn SpaceX do tỷ phú Elon Musk sở hữu, có gần 4.000 vệ tinh quỹ đạo thấp trên bầu trời, giúp kết nối mọi người ở những góc xa xôi nhất của rừng mưa nhiệt đới Amazon và nhiều khu vực hẻo lánh khác.
Tuy nhiên, các nhóm tội phạm nguy hiểm của Brazil hoạt động ở vùng rừng Amazon đã tận dụng hệ thống Internet tốc độ cao này để phục vụ các hoạt động trái phép.
Với Starlink, các nhóm tội phạm có thể điều phối công việc mà không cần có mặt tại điểm khai thác trái phép, kiểm soát hậu cần, nhận cảnh báo trước về các cuộc đột kích bất ngờ của đặc nhiệm liên bang hay thanh toán mà không cần di chuyển tới thành phố.
Các đặc vụ liên bang đã tìm thấy một thiết bị đầu cuối Starlink đang hoạt động tại khu mỏ khai thác trái phép trong cuộc đột kích ngày 14/3. Họ cũng thu giữ thủy ngân, vàng, đạn dược cùng nhiều trang thiết bị của thợ mỏ tại khu vực Ouro Mil - thuộc kiểm soát của băng nhóm tội phạm đáng sợ nhất ở Brazil.
Một số trang thiết bị, trong đó có thiết bị đầu cuối Starlink, và đạn dược bị thu giữ trong cuộc đột kích vào một khu mỏ khai thác trái phép. Ảnh: AP
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã tìm cách trấn áp các hành vi hủy hoại môi trường, đặc biệt là việc khai thác mỏ trái phép ở Yanomami, vùng lãnh thổ sơ khai lớn nhất của Brazil. Trong những năm gần đây, ước tính có khoảng 20.000 người đào vàng làm ô nhiễm các nguồn nước chính khi dùng thủy ngân để tách vàng. Họ phá vỡ cuộc sống bình lặng của người bản địa, mang đến dịch bệnh và nạn đói.
Lực lượng đặc nhiệm Ibama, thuộc Cơ quan Môi trường Brazil, đã thu giữ 7 thiết bị đầu cuối Starlink tại Yanomami trong 5 tuần qua.
Những thợ mỏ trái phép từ lâu đã sử dụng Internet vệ tinh để liên lạc và hợp tác làm ăn, nhưng các hệ thống cung cấp Internet vệ tinh này kết nối chậm và thiếu ổn định, nhất là vào những ngày mưa.
Starlink có thể giải quyết toàn bộ các vấn đề trên. Mới xuất hiện ở Brazil từ năm ngoái, nhưng nó nhanh chóng được ưa chuộng. Người dùng có thể tự lắp đặt, thiết bị hoạt động tốt ngay cả khi di chuyển, tốc độ Internet dù ở rừng rậm vẫn nhanh như ở thành phố, và đặc biệt kể cả khi có bão, thiết bị này vẫn hoạt động tốt.
Hugo Loss, một điều phối viên của Cơ quan Môi trường Brazil, nói với hãng tin AP rằng các lợi ích mà Starlink đem lại lập tức được các nhóm tội phạm ở Amazon khai thác.
"Công nghệ này rất nhanh và nó có thể cải thiện khả năng quản lý một mỏ khai khoáng trái phép", ông Loss nói. "Bạn có thể quản lý hàng trăm điểm khai thác mỏ trái phép mà không cần có mặt tại bất cứ điểm nào".
Một quan chức khác của Cơ quan Môi trường Brazil cho biết, chính quyền địa phương đang truy quét tội phạm ở vùng Yanomami và Starlink đang khiến nỗ lực này trở nên phức tạp.
Khi các nhóm tội phạm sử dụng Starlink, chính quyền địa phương cũng tận dụng hệ thống này. Các đặc vụ liên bang đã lắp đặt một thiết bị đầu cuối Starlink tại một chốt kiểm soát trên sông Uraricoera - một hành lang quan trọng nếu muốn vào vùng Yanomami. Một quan chức địa phương cho biết, các đặc vụ đã sử dụng Starlink để gửi ảnh và video thực địa trong cuộc đột kích ngày 14/3.
Cơ quan Môi trường Brazil cho biết, các cơ quan liên bang đang nghiên cứu cách chặn tín hiệu Starlink ở các khu vực khai thác trái phép, cho rằng việc này là rất quan trọng để ngăn hành vi khai thác lậu.
Bình luận