Chùm thơ về thương binh liệt sĩ

Thời báo Văn học Nghệ thuật Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc chùm thơ về thương binh liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022).

KHÓC CHỮ (1)

Nguyễn Thị Mai

Không phải chữ hồi đi học

Run run những nét dại khờ

Không phải chữ trong lá thư

Viết cho người yêu thời trẻ

Mà là chữ trong chiếc lọ

Chôn cùng đồng đội hy sinh

Một lần đi tìm liệt sĩ

Anh gặp lại chữ của mình

Còn nguyên những dòng nắn nót

Tự tay anh viết rõ ràng

Tên tuổi, quê hương, đơn vị

Hy sinh vào ngày, tháng, năm…

Chữ đã nằm cùng đồng đội

Năm mươi năm dưới đất sâu

Thay anh làm nhân chứng sống

Đợi người thương xót tìm nhau

Anh nấc nghẹn trong nước mắt

Khóc chữ của mình năm xưa

Ai hay cỏn con chiếc lọ

Làm bia giữ bạn đến giờ

Chùm thơ về thương binh liệt sĩ - 1

Minh họa

THƯƠNG BINH NGOÀI CHÍNH SÁCH (2)

Nguyễn Thị Mai

Rõ ràng sẹo đạn đầy thân

Viên bi chứng tích trong chân vẫn còn

Đã từng bao trận hứng bom

Tưởng nằm lại Cánh Đồng Chum không về

Ra đi giữ trọn lời thề

Hồ sơ đời lính ngày về lại rơi

Để rồi tập tễnh muôn nơi

Xin người chứng nhận, xin lời xác minh

Vết thương đủ lý, đủ tình

Mà không chứng nổi cho mình nỗi đau

Giờ hơn bốn chục năm sau

Chờ mong, ngóng đợi… quá lâu thành thường

Mỗi lần giời đất ẩm ương

Viên bi lại nhắc mình thương lấy mình

Mỗi năm, tháng Bảy nghĩa tình

Người như cây khuất, lặng thinh rừng già

Lạt Thuồng, đồng đội đã xa

Cánh Đồng Chum biết… nhưng mà ai tin?

Chùm thơ về thương binh liệt sĩ - 2

Cánh Đồng Chum (Nguồn: internet)

KHÓI TRẦM NGƯỢC GIÓ

Nguyễn Đức Bình

Thắp hương trên mộ cánh tay

Ta về tự viếng thân này của ta .

Biệt nhau

Tay nhỉ ? Đã xa !

Năm mươi năm trước đã là của nhau .

Cõi người ngấm hết nỗi đau

Đứt lìa…

tay phải vùi sâu đất rừng.

Trường Sơn đạn nổ bom rung

“Pháo đài bay” đã ai từng nếm qua.

Nỗi này ta chịu riêng ta

thiếu tay lệch mãi

lệch ba bốn đời.

Khói trầm ngược gió chơi vơi

Gửi mồ liệt sỹ chưa nơi yên nằm

Bảng vàng Danh dự xa xăm

“Danh” đâu đã thấy 

“Dự”, trăm nỗi người.

Mai này cải táng thân tôi

Xương tàn một nắm lẻ đôi tay gầy !

Chùm thơ về thương binh liệt sĩ - 3

"Khói trầm ngược gió" (minh họa)

NGÀY VỀ

Nguyễn Đức Bình

Bảng vàng bia đá cũng mòn 

Huân chương rồi bạc mãi còn nỗi đau 

Cỏ xanh xanh mướt một màu 

Đau oằn chín khúc vò nhàu lòng son 

Trường Sơn nắng lửa mưa bom 

Vết thương là của hồi môn chiến trường 

Ngày về về lại cố hương 

Nửa con mắt trái dò đường đổi thay 

Gập ghềnh chạm vạt cỏ may 

Vấn vương níu chặt găm đầy bước chân 

Gió làng lạc giọng người thân 

Nghĩa trang xóm đã bao lần khói bay 

Ai người cắt cỏ nơi đây 

Nghiêng vành nón trắng khóc ngày sang sông 

Nỡ ôm nước mắt theo chồng 

Gửi dòng lệ đắng người không còn về

Sông nghèo vỗ vẹt chân đê

Tấm bia mộ mẹ ! đây quê hương mình !

TÍM ĐỢI

Nguyễn Quốc Dũng 

Không di ảnh không mộ phần yên nghỉ

Lẫn vào cỏ. Thành mây phiêu lãng cuối trời.

Mẹ cũng không còn để mong nhìn con lần cuối

Riêng chị vẫn chờ chàng trai tuổi hai mươi.

Trăng theo tháng hết tròn rồi lại khuyết

Đám trẻ theo mùa gắng gỏi lớn lên

Bao cô gái theo chồng ríu rít vui như tết

Mình chị với sao trời thức mỗi đêm đêm.

Ngày nối ngày âm thầm nuôi hy vọng

Mấy chục xuân rồi dằng dặc nỗi xa

Chị cứ đợi! Nghĩa là anh vẫn sống

Trong mọi người. Cùng chị. Cả trong ta.

Khi biết đợi lẽ đời còn biết đẹp...

Sông núi linh thiêng hồn cốt bao người.

Ơi đất nước mấy ngàn năm giặc giã

Xin cúi nghiêng mình thắp nén hương "tươi."

NGỦ ĐI ĐỒNG ĐỘI ƠI!

Nguyễn Quốc Dũng

Chiến tranh tắt đã lâu rồi !

Anh còn đâu đó? Khoảng trời xa xăm.

Tôi giờ tóc bạc tháng năm

Nổi chìm giữa chốn bụi trần hành hương     

 Anh đi trong cõi vô thường

Những vầng mây khói ngàn phương vỗ về       

Từng hàng mộ góp thành quê

Bao nhiêu bia trắng lời thề không tên       

Chiều xanh... xanh thẳm... lặng yên       

Nắng chan chan nắng cay lên mắt nhòa       

Trời quê ta đất quê ta

Các anh nằm với bao la đất trời

Ngủ đi anh... đồng đội ơi!

Tôi tan thành gió ru người trăm năm.

ANH MÃI LÀ ANH GIẢI PHÓNG QUÂN

Thảo Trang

Chùm thơ về thương binh liệt sĩ - 4

Chiến sĩ giải phóng quân (minh họa, nguồn: Báo Nghệ An)

Anh nằm đó tấm bia mộ vô danh

Mấy chục năm rồi không tìm ra tên họ

Cha mẹ sinh ra phải đâu là không có

Kẻ thù nào đã cướp mất tên anh

Khi tổ quốc cần anh dâng hiến tuổi xanh

Không chút đắn đo không lời từ biệt

Đứng trước quân thù lòng đầy nhiệt huyết

Gìn giữ nước nhà dù thịt mất xương tan

Hơn bốn mươi năm đất nước bình an

Anh nằm lại nơi chiến trường nắng gió

Ngan ngát bên anh tỏa hương hoa cỏ

Sóng biển rì rào ru giấc ngàn năm

Đã tắt lâu rồi ngọn lửa chiến tranh

Nhưng còn mãi một nỗi đau da diết

Tổ quốc khắc ghi những người con bất diệt

Anh ra đi tên để lại cho đời

Sẽ mãi là             

Anh giải phóng quân ơi

CÒN MÃI TÌNH YÊU

Thảo Trang

Cưới nhau chưa quen hơi lạ

Rồi anh vội vã lên đường

Để lại người vợ yêu thương

Với bao nỗi niềm mong nhớ

Chiến trường bom rơi đạn nổ

Nơi anh biền biệt tháng ngày

Chị thèm hơi ấm bàn tay

Những đêm đông về lạnh giá

Thời gian trôi đi hối hả

Chiến tranh đã kết thúc rồi

Ngày về nước mắt lại rơi

Thương anh chẳng còn nguyên vẹn

Nỗi đau tháng ngày dồn nén

Lặng thầm chị giấu trong tim

Cuộc đời  đâu được  bình yên

Khó khăn nối dài chồng chất

Chỉ có tình yêu không mất

Chị giành bù đắp cho anh

Để đời thêm những mầm xanh

Cho tình thắm tươi hạnh phúc!

KHE SANH - ĐƯỜNG 9 – NAM LÀO

Nguyễn Hoàng Yến

Chùm thơ về thương binh liệt sĩ - 5

 Đường 9 - Nam Lào (Ảnh: TTXVN)

Đường 9 – Nam Lào em ơi có biết không

Có một phần thịt xương anh ở đó

Rừng Quảng Trị xác xơ bom cháy cỏ

Nắng đỏ mắt người

Máu đỏ đồi tranh

Cả trung đoàn – đồng đội của anh

Hứng hỏa lực Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh nhả đạn

Súng quét ngang

Trực thăng quét bạt

Ngã xuống rồi vẫn hát khúc quân ca

Mảnh cối trực thăng

Ôi trời đất vỡ òa

Đau đớn

Xót xa

Không kêu la sợ hãi

Rồi hòa bình

Chiến tranh xa… xa ngái

Chưa bao giờ anh gặp lại các em

Cô dân công hỏa tuyến vượt màn đêm

Băng lửa đạn cho anh thêm mạng sống

Muốn tìm em giữa rừng xanh gió lộng

Chiến địa mênh mông Quảng Trị nóng khô người

Em đâu rồi những cô gái xinh tươi

Có được về quê nở nụ cười hạnh phúc

Hay nằm đó giữa Trường Sơn bao ngày nắng rực

Dang dở thanh xuân

Ký ức đốt tê lòng

Tháng bảy về em ơi có biết không

Nén tâm nhang giữa mênh mông hương khói

Nghĩa trang Khe Sanh đồng đội đâu mà hỏi

Chỉ có mộ bia… vọng tiếng nói ân tình

Gió thì thầm khúc hát chốn uy linh

Kể câu chuyện nhân sinh nơi sống thác

Đêm Trường Sơn ánh trăng khuy bàng bạc

Những đóa hoa lòng xào xạc nhớ quê hương.

24/4/22

N.H.Y

Kính mến viết tặng chú Phạm Hoàn, thương binh trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, tại cao điểm 1001.

(1) - Cựu chiến binh Nguyễn Đình Kiềm trợ lý chính trị Sư đoàn 312, đã tham gia mặt trận Quảng Trị năm xưa, từng xin nhận trách nhiệm viết thông tin về các đồng đội hy sinh để đặt trong lọ thủy tinh nhỏ chôn cùng họ sau các trận đánh ác liệt. Năm 2017, trong chiến dịch đi tìm hài cốt liệt sĩ, anh đã tìm được nhiều đồng đội với chiếc lọ thủy tinh trong đó còn nguyên mẩu giấy do tay anh viết rất cẩn thận và nắn nót.

(2) - Từ bài thơ này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và làm được chính sách thương binh  sau 40 năm cho ông Nguyễn Văn Mừng- thôn Bãi Cả- xã Bình Sơn- huyện Lục Nam- Tỉnh Bắc Giang, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 866 - Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào, bị thương năm 1971 tại Xiêng Khoảng.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).