Sức mạnh của vết thương - Thơ mọc lên từ nỗi đau

Một lần, cách nay đã lâu, trong cuộc tao ngộ văn chương với các bạn văn cùng trà tuổi, nhà văn Bảo Ninh vốn kiệm lời ở giữa đám đông, hôm đó nói một câu ngắn gọn, chắc nịch và thâm thúy: “Làm cái anh viết văn phải có thân phận mới mong câu chữ có được sức nặng”.

Mặt trời mọc từ phương Bắc hay là thơ mọc lên từ nỗi đau

  Hôm nay, qua một người mới quen - ông Nguyễn Ngọc Phan, làm việc ở báo Thời báo Văn học nghệ thuật - tôi có trong tay tập thơ mới của Ánh tuyết Niềm tự trọng của những đóa hoa. Tôi vẫn tự nhận mình không sành khi đọc thơ (bằng văn xuôi), nhưng lần này có gì đó lôi cuốn tôi từ tập thơ mới của nữ thi sĩ quê hương năm tấn (Thái Bình).

Đọc xong, trước lúc đặt bút viết bài phê bình, tôi lật giở sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (in lần thứ V, NXB Hội Nhà văn, 2020, tr.22), tìm tác giả, đọc thấy những dòng Suy nghĩ về nhề văn: “Cuộc đời tôi nhiều bầm dập đau buồn, tôi luôn ở tâm bão trên cấp 13. May thay tôi có những trang viết để tôi vơi bớt những nỗi niềm”. Tôi nghĩ, nhà thơ không hề nói quá, không cố “nống” lên cái tâm sự có thực - nỗi buồn - từng chung thân với đời mình trong nhiều thời gian và không gian khác nhau.

Bài thơ Mời chồng về ăn tết, theo tôi, tiêu biểu cho lối viết “thơ mọc lên từ nỗi đau” trong thơ Ánh Tuyết. Trước lúc vào thơ, tác giả viết hẳn 115 chữ, như một dạng đề từ, để làm phát sáng những câu thơ (20 dòng lục bát, quy ra 140 chữ) về sau được “viết trong tâm trạng rưng rưng nỗi niềm”. Có thể nói , đây là một bài thơ có “tứ” lạ (còn mới hay không lại phải bàn tiếp). Người chồng trong thơ rất “lạ”, bởi:

“Sống, giao thừa chẳng ở nhà/ Rượu nồng, hoa thắm xót xa...đợi người.../Tết này lạnh lẽo một nơi/ Rượu nồng, hoa thắm...đau lời rượu hoa.../Cháu con thương nhớ mong chờ/Người về ấm cửa ấm nhà....Người ơi!/Mùa xuân đang đến kia rồi/Có nghe thao thiết những lời...có nghe!”. Nỗi đau thấm từng câu chữ thơ. Tất nhiên. Nhưng có những bài thơ nỗi đau toát lên ngay từ nhan đề, như Tháng ba buồn, Suông, Cỗ người cõi âm, Nỗi buồn, Khóc, Ân hận, Buông, Đám cưới hai liệt sỹ, Nỗi đau Rào Trăng, Ăn mày vỡ bát, Kiếp hề, Nhạt tình, Đau tình (13 bài/tổng số 59 bài trong tập).

Trong bài thơ ngắn (4 câu) Mặt trời mọc từ phương Bắc, tôi đọc thấy nỗi buồn giăng mắc nơi nơi: “Anh đừng thương nỗi buồn của em/Em đang khốn khổ buồn thương kẻ khác/Mặt trời trong em mọc từ phương Bắc/Trái tim đang yêu, em bất lực với nó rồi”. Nhưng đậm đặc nhất phải nhắc tới bài Nỗi buồn: “Ai không có được nỗi buồn/Chỉ là cái xác không hồn mà thôi/Buồn, vui, cay đắng ở đời/ Bầu nên một chữ CON NGƯỜI viết hoa”. Thiết nghĩ, sẽ có người đọc bài thơ này cho rằng nhà thơ đã “báo động giả” (!?); còn nhà thơ sẽ trả lời (tôi đồ rằng): “Các vị tin thì tin, không tin thì thôi!”.

Ai đó nói không phải không thấu tình, đạt lý rằng: trong cuộc đời và trong thơ có những nỗi buồn đẹp. Tôi vừa dược tặng tác phẩm mới Sức mạnh của vết thương (phê bình - tiểu luận) của nhà văn Hoàng Thụy Anh (công tác ở Tạp chí Nhật Lệ, Hội LHVHNT Quảng Bình). Chính cấu tứ của tác phẩm mới này của bạn văn đã gợi ý cho tôi viết phê bình tập thơ Niềm tự trọng của những đóa hoa của Ánh Tuyết. Người ta nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng trong trường hợp này, đặt cạnh nhau hai tác phẩm, dẫu thuộc các thể loại văn học khác nhau, nhưng xét đến cùng chúng có sự gần gũi đáng quan tâm.

Niềm tự trọng của những đóa hoa – mạch thơ của một người nữ sống kiêu hãnh

Niềm tự trọng của những đóa hoa là nhan đề (dẫu hơi dài) một bài thơ được dùng đặt tên chung cho cả tập thơ thứ chín của Ánh Tuyết. Nhà văn Trầm Hương đã viết tự tin: “Tôi kiêu hãnh vì được là đàn bà!” (Phái đẹp, cuộc đời & cây bút, NXB Hội Nhà văn, 2015, quyển 1, tr. 298). Trong bài thơ Niềm tự trọng của những đóa hoa, Ánh Tuyết viết về những can qua, bể dâu đời mình (dẫu cho có lúc nhạt duyên, bẽ bàng, sớm nắng chiều mưa, lắt lay trời chiều,...) thì cũng đừng bao giờ nản lòng hay nhụt chí, trái lại: “Xinh tươi kiêu hãnh lên đi/ Là hoa, em biết làm gì...Hoa ơi!”. Phụ nữ là phái đẹp, phái mạnh (chứ không phải phái yếu). Phụ nữ phải năng ý thức về vẻ đẹp tạo hóa riêng ban tặng cho giới mình. Ngày xưa, cổ nhân vẫn chỉ giáo “hàm răng mái tóc là vóc con người”, nhất là với nữ giới.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết một tác phẩm nổi tiếng Tóc chị Hoài (tùy bút,1943), sau này ở ngoài đời người phụ nữ nào có mái tóc đẹp thì các đấng mày râu khi gặp, cùng nhau xuýt xoa: “Kia kìa, chị Hoài!”. Phụ nữ có quyền kiêu hãnh về sắc đẹp của mình. Trước hết là mái tóc đẹp (đấy là nói chuyện ngày xưa, còn ngày nay thì “thương lắm tóc dài ơi!”). Bài thơ Tóc mây, dẫu làm theo thể lục bát, ai đó nghĩ nó không hợp với đối tượng, nhưng hơi thơ rất hiện đại:

“Tóc mây đổ xuống bờ vai/ Để cho ai nhớ thương hoài tóc mây/ Năm năm...tháng tháng...ngày ngày.../ Tóc mây một suối vẫn dày như xưa/ Thèm làn gió nhẹ hững hờ/ Được ngồi vuốt nhẹ đôi bờ vai thon/ Tay nâng niu những sợi mềm/ Tóc mây... mà cả một niềm vấn vương.../ Em đừng chải tóc trước gương/ Để ai bối rối chạnh thương ...tóc mềm...”. Tứ thơ “kiêu hãnh được làm đnà bà” trong thơ Ánh Tuyết còn đọng lại trong một bài thơ hay khác như Kính trọng sự cúi đầu: “Mẹ già lưng còng  đầu cúi rạp/ Dâng trọn đời cho con cháu, sức còn đâu?/ Cây lúa nuôi người chờ bông chín/ Bông trĩu nặng, cây tàn, đầu cúi ngẩng làm sao! (...)/ Kiêu hãnh thay sự cúi mình/ Kính nể thay phút quang vinh cúi đầu”.

Đây là kiểu thơ “suy tưởng”, tuy nhiên chạm tới sự hài hòa và cố kết giữa chất đời và triết luận. Nhưng viết thơ kiểu này, chẳng khác chi nghệ sĩ biểu diễn xiếc trên dây, mạo hiểm nhiều khi nghẹt thở. Tôi thực sự hồi hộp khi đọc. Và thở phào nhẹ nhõm khi nhà thơ, cũng như nghệ sĩ xiếc, tiếp đất an toàn, như cách viết khiêm nhường và nhiều ngụ ý sau: “Cánh tàn hương vẫn còn lưu/ Còn bâng khuâng biết bao nhiêu nồng nàn/ Con người trên khắp thế gian/ Học sen, học cả cách tàn của sen” (Sen tàn).

  Cổ nhân nói: “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” là chí lý. Với người phụ nữ truyền thống thì các chuẩn mực đức hạnh thường là “tề gia nội trợ”, “công dung ngôn hạnh”, “vượng phu ích tử”, “nữ công gia chánh”,... Gia tài của người phụ nữ không gì khác ngoài gia đình – tổ ấm hạnh phúc, “hang ổ cuối cùng”. Trong bài thơ Gia tài, tôi tâm đắc khi đọc: “Gia tài lớn nhất của em/Trĩu vai một gánh giang sơn giữa đời/Là cha mẹ, là các con/Là anh, là tiếng cười giòn mâm cơm/Em giàu chẳng thể giàu hơn/Trời xanh mây trắng của em cả mà/Niềm vui chung của chúng ta/Nỗi buồn em...chút gọi là của riêng”.

Ở đây, tôi thấy, khiêm nhường và kiêu hãnh dường như không tách bạch rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật. Người phu nữ biết kiêu hãnh (không phải là kiêu căng), cũng chính là người khiêm nhu hơn ai hết. Nói niềm kiêu hãnh của người nữ trong thơ Ánh Tuyết là nói đến phẩm chất tối quan trọng “tôi chính là tôi”. Nhưng ở đây người nữ dịu dàng hơn khi tự xưng Là em (một bài thơ hay, theo tôi): “Em vừa là cơn nắng/ Cơn mưa cũng là em/ Vừa bỏng rát cơn hè/Đã lại che bóng mát/ Vừa rủ rê cơn khát/ Hạ nhiệt chính là em”.

Điệu nói trong thơ – ánh phản điệu cảm, điệu nghĩ của nhà thơ

Nhà thơ Ánh Tuyết, theo tôi, là người có tính “nhị nguyên” cả trong cách sống và cách viết, hiểu là “kim cổ giao duyên”. Không nệ cổ, đã đành; song cũng không tân thời, cũng bởi lứa tuổi, nghề nghiệp, thổ nhưỡng văn hóa quy định (theo cách tiếp cận “phương pháp tiểu sử tác giả”). Vì thế điệu cảm, điệu nghĩ và điệu nói trong thơ Ánh Tuyết cũng thường “chia đôi” khá rõ ràng. Tôi gọi đó là điệu nói dân gian (thời cổ) và điệu nói @ (thời kim). Sẽ có người cho rằng tôi áp đặt công thức, điều vốn rất kỵ trong nghệ thuật. Nhưng quý vị cứ thử một lần cùng tôi làm một cuộc phiêu lưu chữ vào thơ Ánh Tuyết, xem sao (!?).

Điệu nói dân gian được sử dụng đắc lực khi viết về những gì thuộc về truyền thống (Sen và bèo, Hương thầm, Mời chồng về ăn tết, Gửi chàng Chiêu Hổ, Ta còn con chữ gửi trên cuộc đời, Cuối năm tắm nước mùi già, Xanh,...). Điệu nói dân gian tạo nên cái/sự nền nã trong thơ Ánh Tuyết (tôi gọi là phần “tĩnh”).

Điệu nói thời @ phù hợp với thời cuộc khi văn hóa – văn học đại chúng lên ngôi, người đọc là “khách hàng/ thượng đế”, thích những gì nhanh/ hiệu quả tức thời (Chùa thời @, Đeo kính cho trâu, Đùa chút, Đùa dai, Thị Màu đừng bỏ chiếu chèo, Nỗi đau hóa đá, Ngày cá tháng Tư, Tự do, Ngẫu hứng Valentinne, Thói đời, Trâu bò thời @, Chuyện của thời đánh giặc Cô vít,...). Sẽ có người tỉ mỉ mà nói rằng, điệu nói thời @ trong thơ Ánh Tuyết đều thuộc nhóm “thơ thời sự”. Nhưng nên nhớ lại câu nói nổi tiếng của đại thi hào Đức (XIX) W. Gớt: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Điệu nói thời @ tạo nên cái/sự “động” trong thơ Ánh Tuyết.

Vĩ thanh

  Vậy tập thơ thứ chín Niềm tự trọng của những đóa hoa của  Ánh Tuyết, liệu có dư ba trong lòng người yêu thơ?! Một tập thơ hay, đó chắc chắn là một điều khó đạt tới, không riêng gì với Ánh Tuyết. Nhưng chọn được dăm bài thơ hay trong tập thơ này, thì điều đó không khó. Viết đến đây, tôi nhớ tới ý của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sinh thời nói, đại ý: một tác giả viết được độ 50 truyện ngắn, nếu đạt tỷ lệ 1/10 “cái” hay, đã là thành công. Ông tự nhận mình là người đã đạt được điều đó. Vậy nên chọn 1/10 của 59 bài thơ trong tập Niềm tự trọng của những đóa hoa của nhà thơ Ánh Tuyết, thiết nghĩ, là công việc không quá khó khăn của quý vị độc giả yêu thơ./.

(Ấn tượng đọc Niềm tự trọng của những đóa hoa, tập thơ của Ánh Tuyết,

NXB Hội Nhà văn, 2021)

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.