Thơ các nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6

Họ là nhà báo trước khi trở thành nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Họ đã hoặc đang công tác tại các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Thơ của họ là những cảm xúc chiêm nghiệm, suy tư...nhưng luôn ánh lên vẻ đẹp nhân bản. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), Thời báo Văn học Nghệ thuật Việt Nam giới thiệu trang thơ của một số các nhà báo – nhà thơ, cộng tác viên tích cực.

Lê Huy Quang

NGHỀ BÁO

                       Nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21/6/2022

Không uốn cong ngòi bút

Qụy lụy trước đồng tiền

Một tấm lòng trung thực

Vì hạnh phúc nhân dân…

Vì cuộc sống bình yên

Vạch trần loài sâu bọ

(đục khoét và tham ô

Giết người và cướp của)…

Góp một phần rất nhỏ

Cho đất nước bình yên

Và thanh thỏa tâm hồn

Ta yêu nghề làm báo…

Thơ các nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6 - 1

NSND Lê Huy Quang (phải) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (trái) tại buổi ra mắt sách “Ký ức Hà Nội” của Lê Huy Quang năm 2019

Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình)

Phía sau một viên đạn

sự có mặt của một ngai vàng

đủ bừng hàng nghìn khuôn mặt

tấm giấy da trào dâng trên lối mòn ngón tay

vết xước những trái tim đi qua nhau nhọn và dài

chuốt từng thước đất

chúa tạo ra loài người chúa không tạo ra tấm mạng che thân

thời gian chăng đầy những cuộc rượt đuổi

ngoi ngóp & lều bều

mặc định chân dung kẻ di cư trong lớp huyền khải cô độc

kỷ nguyên nào cũng quàng lên chu kỳ ấy

đứa trẻ không với tới họng súng

câu hỏi bật lên trong tiếng khóc tị nạn

sinh ra để tự do hay sinh ra để thỏa hiệp hay sinh ra để lùi bước

đoàn người nối dài tìm cố quốc

bỏ lại sau lưng vết chân giao chỉ

từ máu từ nước mắt

con người thêm lần nữa tạo ra mình

chỉ duy nhất ánh sáng rướn lên

và bắt đầu nặn ba trăm sáu lăm ngày hạnh ngộ

mỗi phút giây trôi qua

con người chưa bao giờ ngừng ăn những hạn hẹp chính mình.

Thơ các nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6 - 2

Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh

Vương Tâm (Hà Nội)

Trôi

Tôi nhìn em trôi cùng sương mờ

Cờ bay xuôi dòng sông Cần Thơ

Cây sào cời bình minh câu hò

Thuyền hoa vàng phơi thơm đong đưa

Em cười tình chênh chao nghiêng bờ

Lời rao bồng bềnh eo thon tơ

Vai gày tay chèo buông mong chờ

Bần thần hồn trôi êm hương xưa

Tôi lần theo hoa trôi ven bờ

Tìm người cùng mây soi gương mơ

Mong hoài mà sao ai tình cờ

Em cười thuyền trôi trong mây thu

 Chợ nổi Cái Răng (5/2022)

Nguyễn Nho Khiêm (Đà Nẵng)

Đà Nẵng và mưa

E về Đà Nẵng là mưa

Ướt hoang nỗi nhớ anh vừa hong khô.

Mù khơi biển gió sóng xô

Phù hoa âm vọng hư vô tìm về.

Đỉnh trời khát gọi cơn mê

Mắt môi nồng cháy mơ quê quán nhà

Nhớ mùa Bách hợp là hoa

Câu thơ tương hợp mấy xa cho vừa?

Em về Đà Nẵng là mưa

Tháng tư ướt lạnh lời chưa nối lời

Mùa qua ngày rụng tháng rơi

Gieo thương đồng rộng nảy chồi yêu thương.

Nhìn ra mộng mị con đường

Phù vân mấy lớp tơ vương rối lòng

Rằng em, tươi nhánh môi cong

Nụ cười dịu mát vui trong những ngày.

Nguyễn Thị Hạnh Loan (Hà Tĩnh)

Bình minh em và hoàng hôn anh

Tặng H.

Em đếm từng tia nắng lướt qua ngày

Em rắc thật nhiều những vì tinh tú

Trốn vào đêm nơi anh đang say ngủ

(Trái đất tròn nên hai đứa bỗng gần hơn)

Anh bình minh còn em lại hoàng hôn

Con sóng đuổi nhau địa cầu quay không dứt

Như nỗi nhớ lớn dần trong lồng ngực

Và những tin yêu ập đến bất ngờ

Ta có lỗi gì đâu khi nói hết những mong chờ

Cuộc đời vốn là bài thơ viết sẵn

Anh hãy đọc để biết lòng say đắm

Để hiểu vì sao anh lại muốn hôn em

Ta ước hoá thành tia nắng dịu êm

Lặng lẽ hôn lên môi người đang ngủ

Thôi đừng lý giải vì sao vũ trụ

Vì sao một ngày mắt em chợt long lanh...

Khi bình minh em và hoàng hôn anh...

Hồng Thanh Quang (Hà Nội)

Chuyến bay sang xứ lạ

Chuyến bay sang xứ lạ,

Để bớt những gì quen...

Tôi không tìm lại nhớ

Trong ngày em đã quên...

Tôi bây giờ tuổi muộn,

Hờ hững trước người dưng...

Với chính mình cũng vậy,

Chỉ thơ buồn giắt lưng...

Tự trách thời nông nổi

Những ngây ngô thiệt thà...

Tôi đã làm em khổ

Khi mãi không chốt già...

Chẳng biết còn nhiều ít

Thời gian trong cõi đời...

Tôi lại tìm xứ lạ,

Để thôi đau lẫn người...

6/4/2022

Nguyễn Hữu Quý (Quảng Trị)

Chảy như sông quê

À ơ sông chảy quê nhà

Buồm nâu, nón trắng xưa xa hiện về

Nắng dài bóng mẹ trên đê

Cái đòn gánh nối lê thê phận đời.

Chảy đi cho kịp mưa rơi

Ướt rừng, ướt biển, ướt nơi mẹ nằm

Con đi vớt hạ lưu rằm

Cửa sông cát khuyết trăm năm chưa đầy.

Bay là gió, bay là mây

Chảy như sông giữa lòng tay chai sần

Còn nghe bóng mẹ tảo tần

Đổ vào lòng cối vét dần cám thơm.

Sông bày nức nở tấm cơm

Chiêm mùa xới lại rạ rơm cuối nguồn

Bưng lên thì thụp mưa tuôn

Đèn soi giọt mẹ trong cuồn cuộn đêm.

Chảy như sông dáng trăng liềm

Ôm quê cái dải lụa mềm không phai

Chảy như chẳng lụy rộng dài

Để tôi còn nhớ bờ vai trắng ngần…

Văn Công Hùng (Gia Lai)

Đồng hồ cát

Thơ các nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6 - 3

Đồng hồ cát (Nguồn ảnh: Internet)

giọt nước khỏa trần đồng hồ cát

ngày lăn trên những vệt nắng mòn

xuyến chi trắng từng phút giây chờ đợi

òa trong nhau cơn khát dịu dàng

em hồi hộp từng cơn đắng mặn

và lặng nhiên nồng vỡ đến cạn chiều

em là sét phóng trong ngày giông bão

bức tranh tường căng mỏng cuộc miên du

này những đường cong rùng mình bạc mắt

này những thiên đường kỳ ảo bâng quơ

này núi lửa dập dềnh man lạc

này là em bí ẩn đến đau mùa

ngày cho nhau và ngày hoang dại nhớ

những kiệt cùng sóng ập vào đêm...

Lê Va (Hòa Bình)

 Núi

Triệu triệu năm rồi

Vẫn vậy

Sừng sững cao

Trầm ngâm sâu

Ai đến, ai đi cứ tự nhiên

Núi không đon đả chẳng ưu phiền

Đến: Núi rộng lối cho khám phá

Đi: Núi không rũ áo kiểm tra

Chỗ này công cao việc rộng

Chỗ kia đắp đập ngăn sông

Đối với núi chỉ là chuyện vặt

“một nốt ghẻ, một vết gai châm”

Đời núi dài lắm núi xanh lắm

Bõ chi đâu hỡi vạn kiếp người

Ai đến, ai đi ấy cứ tùy

Núi không vồn vã chẳng hoan ca

Lê Thành Nghị (Hà Nội)

Những bóng người đã qua

(Ghi ở Nhà số 4 phố Lý Nam Đế - Hà Nội)

Thơ các nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6 - 4

Nhà số 4 phố Lý Nam Đế - Hà Nội (Nguồn ảnh: Internet)

Ngôi nhà ấy để lại những phận người

In trên tường, trên cửa sổ khôn nguôi

Như những vết thương nhói buốt!

Hoa đại khẽ rơi như tiếng thở li biệt

Tôi như vừa mất một dáng sau cây

Không thấy nữa dù cây vẫn biếc!

Không thấy nữa dù thềm bóng mát

Những dấu yêu đã mất hút trên đường

Những vân tay trang sách đầy vết đạn!

Không thấy nữa bóng người ban sớm

Để nửa đêm thức một tiếng thơ buồn

Cũng có lúc buồn ngân lên tiếng hát!

Không thấy nữa trên đầu mây ngũ sắc

Như phù vân lớp lớp tới thiên thu

Trời sau đó vẫn một vòm xanh biếc!

Năm tháng đã qua buồn vui cũng khác

Bóng người đi đã mãi khuất sau nhà

Nhưng một thời nguyên vẹn chẳng đi qua!

Lê Thanh My (An Giang)

Ngước nhìn đêm

Chưa bao giờ người nói với tôi về bầu trời

trong lòng tôi thiên hà vô vị

không thể sánh bằng chút le lói trong tay

chúng tôi ít khi nói về ngày mai

hiện tại mới là tất cả

tôi nhớ từng bước chân hối hả

hơi thở thoát ra từ lồng ngực

vài giọt mồ hôi tươm trên má

những buổi chiều…

bên nhau không cần biết được bao nhiêu

lời rồi cũng tan theo gió

buồn sẽ trôi theo mây

chỉ ánh mắt ngước nhìn nhau đêm ấy

luôn tràn đầy.

Trần Chấn Uy (Nha Trang)

Đêm ở làng

Chân ngày sải bước vừa chạm bến

Tay đêm đã khép một vòng ôm

Giấc ngủ chờ khuya chưa kịp đến

Ngoài song lấp lánh mắt sao hôm.

Vạc nhón chân đêm dầm sương lạnh

Cá đớp trăng non rụng ao bèo

Chim nhát bất ngờ đêm vỗ cánh

Vạc bỗng giật mình ghé mắt theo.

Đồng xa lúa chửa, đòng ngậm sữa

Hứa hẹn chân chiêm ruộng giát vàng

Bãi vắng, ma trơi vừa nhóm lửa

Cua đồng cởi yếm lả lơi trăng.

Sóng thở, sông trôi, thuyền ngái ngủ

Gió đồng man mác, mõ cầm canh

Ai mang nhung nhớ về xóm cũ

Phảng phất hương đêm, bưởi trổ cành.

Đoàn Văn Mật (Hà Nội)

Bên bờ cát

Tôi như hạt cát buồn

vượt sông dài ra biển

đi tìm dấu chân mình

vấp vào muôn nẻo sóng

dấu chân từng lên non

dỡ đá san vực thẳm

dấu chân từng lội rừng

tìm cây về cho bóng

ra đến biển thì mất

dừng ở sông thì còn?

bao câu hỏi thường hằng

tấp đầy lên bờ cát

lẫn vào dấu chân người

xóa đi rồi lại mọc

ra đến biển thì mất

dùng ở sông thì còn?

Bình Nguyên Trang (Hà Nội)

Chiều

Đầy ắp hay rỗng không

đâu cần chi phải nói

người đã đi qua sông

hay người đang còn đợi

buông mong ngóng đi rồi

Về khác gì Đã tới

Buổi chiều không tiếng nói

buổi chiều lặng im soi

bàn không và ghế trống

nào phải không ai ngồi

Vô ngôn hay có lời

đâu còn là dấu hỏi

chiều đi chiều lại tới

đâu bận lòng nắng rơi...

Hồ Tĩnh Tâm (Vĩnh Long)

Gió

Trên đỉnh gió

Rờm rợp cao nguyên cỏ vàng tóc rối

Em và tôi trong thế giới thần tiên

Thế giới đam mê thế giới dịu hiền

Thế giới chao nghiêng dẫn vào tội lỗi

Mịn mượt đồi trăng quỳ chân sám hối

Hương cỏ vàng hương cỏ vàng xốn xang

Bềnh bồng ru nhau lời gió đa mang

Mắt biếc làm chi còn thêm môi mọng

Cỏ vàng duềnh lên nắng ngờm ngợp sóng

Ngực thu trần gieo sức gió mơn căng

Cởi lòng ra cuồn cuộn lướt băng băng

Dâng sức lửa cùng em mùa hoa cỏ

Gió gọi gió cao nguyên lồng lộng gió

Tuột cả đất trời vào thung lũng xanh non

Bài thơ trao nhau duyên phận vuông tròn

Gió và cỏ trong lòng ta thổi mãi

Vọng tàn thu chợt biết mình vụng dại

Em trẻ trung như khúc hát gọi rằm

Dịu dàng dịu dàng dịu dàng xa xăm

Mà cột chặt đến nghẹn ngào bật khóc

Này vòng tay, này bờ vai, suối tóc

Ta biết gió rùng mình phiêu bạt tím trời xa

Mai Nam Thắng (Hà Nội)

Hồ Lak Liu Riu

Thơ các nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6 - 5

Hồ Lăk rực rỡ giữa núi rừng Tây Nguyên (Nguồn ảnh: Internet)

Sóng liu riu…

Và gió hiu hiu…

Độc mộc nằm phơi như thát lác mắc cạn

Buôn Jun vắng lặng

Hồ Lak mùa khẩu trang…

Đêm qua Ban Mê thức cùng Đam San

Chiều nay M’Liêng nhớ cùng Lak Liêng (*)

Nhớ tiếng cồng chiêng

Nhớ voi đủng đỉnh

Rừng không còn nguyên sinh

Buôn thêm nhiều biệt điện

Dịch giã là giọt nước tràn ly…

Có những cuộc giao tranh để lại sử thi

Có những cuộc tình hóa biển, hồ, sông, núi…

Có sự hoang vu tượng hình dấu hỏi

Chiều nay bên hồ Lak liu riu…

                                  

14/12/2021

 (*) Chàng trai trong truyền thuyết về hồ Lak của người M’Nông.

Nguyễn Bích Hạnh (TP. Hồ Chí Minh)

Biển và anh

Em nhìn về phía mặt trời

Nơi thẳm xanh đại dương vô tận

Những con sóng chạy theo nhau từng đôi

Dải núi soi mình tìm đáy

Biển và anh lấp lánh nắng ngời

Em nhìn về phía mặt trăng

Đêm biển thở dạt dào không tuổi

Hạt cát nào quấn quít bàn chân

Anh đặt lên bàn tay em nhói

Ngôi sao xanh vũ trụ nguyên sinh

Em nhìn về phía anh

Mây và những cánh buồm cùng giấc mơ phiêu lãng

Chỉ bởi cuộc đời hữu hạn

Nên em yêu anh bằng cả ngày mai

Chân trời rạng rỡ một vòng quay

Có biển và anh,

                em khuyết lại đầy...

Đinh Quang Tốn (Hưng Yên)

VỀ  QUÊ  TRẠNG  TRÌNH *

Tôi đi tìm quán Trung Tân

Nơi ông ngồi với nông dân thuở nào

Dẫu mình bóng cả cây caoVẫn ăn măng trúc, tắm ao cùng người...

Bao vua tối phế đi rồiNgười thương dân được lên ngôi dân thờ

Sông Hàn thao thức đôi bờBốn trăm năm... vẫn từng giờ nhớ ông!

Bóng ông thấp thoáng trên đồng “Một mai, một cuốc”... bến sông, vườn nhà

Mà tâm trời rộng biển xaGỡ sao thế sự đang đà nhiễu nhương?...

Dân an cùng với Nước cườngNhững câu sấm... Người tìm đường mở ra

Hay lời thiêng của ông chaLặn vào non nước, truyền qua tháng ngày?...*Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

Nguyễn văn Mạnh (Hải Phòng)

Miền hoa phượng

Thơ các nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6 - 6

Hoa phượng (Nguồn ảnh: Internet)

Hải Phòng, có một sớm Bến Nghiêng

Bình minh phượng, xua bóng đêm trăm năm vây phủ

Nước mắt mẹ sáng ngời ánh lửa

Cho một Hải Phòng

Đi trước về sau.

Nơi đồng đội cùng cha đi gọi mặt trời

Đêm dằng dặc tiếng ve thao thức

Trái tim biển gửi vô hồi sóng đập

Theo những con tàu không số…

Về Nam.

Đất quặn mình trong bão tố, đạn bom

Phố, nhà ta bao lần đổ nát

Phượng cháy như đức tin dọc đôi bờ sông Lấp

Hoa thắp trong em hy vọng đợi anh về

Anh nhặt tiếng ve

Trong máu phượng nhòe vương Thành Cổ

Thắt lòng…

Em, nơi mưa nguồn chớp bể

Bạc trắng hai đầu một nỗi nhớ thương.

Dội phía ngày xa bầm dập tiếng đời thường

Mảnh chiến tranh cứa lòng đêm trở gió

Mái nhà ta ủ trong vòm phượng vĩ

Em giấu bàn tay sần chai vào những nụ cười

Ve chênh chao khúc nở, khúc bồi

Nhọc nhằn khuya sâu phố thở

Những yêu giận, buồn vui xum tụ

Đắp bồi tình phố, hồn quê.

Phượng mùa này nở chín những triền đê

Và tỏa sáng con đường ra biển lớn

Mắt Hòn Dấu hướng về xa thẳm

Cánh buồm căng, hăm hở tiếng khơi xa.

Ở ven trời bão táp mưa sa

Phượng vĩ thủy chung vẫn đỏ mùa đất Cảng

Anh neo trái tim nơi miền sóng

Lắng đất trời náo nức ve sôi.

                            Hải phòng tháng 6/2022

Tin liên quan

Tin mới nhất