Nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh mỗi vùng miền
Sáng 24/5, tại thành phố Huế đã diễn ra hội thảo “Giá trị văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Lễ ký kết phối hợp hoạt động giữa Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Dự hội thảo có: Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân; Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Lưu; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế Hồ Đăng Thanh Ngọc; cùng đông đảo nhà nghiên cứu, trí thức, văn nghệ sĩ các chuyên ngành văn học nghệ thuật…
Toàn cảnh hội thảo “Giá trị văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết, ba vùng đất Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh có đặc điểm là nơi khởi phát của các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật mang tính chất quốc gia, càng đóng vai trò lớn trong dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam. Việc đánh giá vai trò của văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam, để từ đó dự báo hướng phát triển của nền văn học nghệ thuật trong tương lai là điều hết sức cần thiết.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế Hồ Đăng Thanh Ngọc, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực phát triển đất nước; song với bản lĩnh của các văn nghệ sĩ, đời sống văn học nghệ thuật của cả ba thành phố, của cả nước vẫn diễn ra sôi động, tích cực vừa phát triển bề rộng, vừa đi vào chiều sâu, đạt được những thành tựu có ý nghĩa.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế Hồ Đăng Thanh Ngọc phát biểu đề dẫn hội thảo.
“Dòng chủ lưu của văn học nghệ thuật vẫn là chủ nghĩa yêu nước và cách mạng, tinh thần dân chủ, nhân văn. Các tác phẩm đã tập trung phản ánh các cuộc kháng chiến chống xâm lược; đất nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; với nhận thức sâu sắc, chân thực, đa diện và giàu chất nhân văn. Nền văn học nghệ thuật có nhiều khởi sắc, văn nghệ sĩ của ba thành phố bắt kịp với hơi thở của thời đại, sáng tạo nhiều tác phẩm có tính đa dạng và phong phú về đề tài, chủ đề và phong cách; có giá trị chân - thiện - mỹ đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của công chúng, đóng góp vào kho tàng văn hóa, văn học, nghệ thuật của quê hương và dân tộc”, ông Hồ Đăng Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh thống nhất trong đa dạng, thống nhất từ nguồn cội và thống nhất trong tiến trình phát triển
Với thái độ khoa học và tình cảm nồng ấm trong ngày hội ngộ giới văn nghệ sĩ ba thành phố kết nghĩa, hội thảo “Giá trị văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam” đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tham gia.
Tham luận “Sức sống của sự kết nghĩa Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh” của NSNA Trần Mạnh Thường cùng một số tham luận khác đã nêu bật ý nghĩa của sự kiện kết nghĩa 3 thành phố “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”. NSNA Trần Mạnh Thường viết: “Trong dòng chảy lịch sử 1010 năm, mảnh đất thượng kinh Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, hơn 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân và trên 320 năm Sài Gòn - Gia Định, các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa phát triển đô thị của 3 thành phố mang tính quốc gia và quốc tế, mà mỗi di sản, mỗi sự kiện của mỗi địa phương đều mang ý nghĩa giao thoa, tương hỗ và kế thừa của cuộc hành trình hàng trăm năm mở cõi và giữ nước của dân tộc ta, nhưng vẫn luôn nhớ về nguồn cội, mà như nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ viết: Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Ngàn năm thương nhờ đất Thăng Long”.
Bàn về Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và sự phát triển văn học nghệ thuật của 3 vùng đất, nhiều tham luận khẳng định kết quả thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ cho nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh; góp phần cổ vũ, động viên tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng để xây dựng quê hương. Cả 3 thành phố đã đạt nhiều thành tựu văn học nghệ thuật trong việc quán triệt thực hiện những nội dung của Nghị quyết số 23; đạt một số thành tựu trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn học nghệ thuật; đạt một số thành tựu trong hoạt động sáng tác, quảng bá và nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.
Đông đảo nhà nghiên cứu, trí thức, văn nghệ sĩ các chuyên ngành văn học nghệ thuật tham dự hội thảo “Giá trị văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam”.
Bên cạnh đó, chủ đề “Giá trị của Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học Việt Nam” cũng nhận được khá nhiều tham luận đóng góp. Nhiều tác giả thống nhất rằng, giá trị văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng, là những giá trị tiêu biểu, nền tảng của văn hóa Việt Nam. Mỗi thành phố đều xây dựng và tạo nên gương mặt văn học nghệ thuật, bản sắc riêng, đa dạng, muôn vẻ trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam, thống nhất trong đa dạng, thống nhất từ nguồn cội và thống nhất trong tiến trình phát triển.
TS Trần Thị Minh Thu sau khi nêu bật các giá trị văn học nghệ thuật của từng vùng miền, đã nhận xét: “Văn học nghệ thuật của Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh vừa hội tụ văn hóa đặc trưng của 3 miền, vừa thể hiện sự hòa trộn giữa dân gian và bác học, truyền thống và hiện đại, với đối tượng công chúng thị dân đông đảo, đa dạng từ nhiều nơi đến, nhiều dân tộc. Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn cần tiếp nối mạch nguồn truyền thống trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị mang tính riêng đại diện tiêu biểu nhất của văn học nghệ thuật 3 miền Bắc - Trung - Nam, vừa mang tính chung thống nhất của dân tộc để thực sự trở thành “sức mạnh nội sinh” góp phần quan trọng đưa Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”.
Hợp tác phát huy giá trị văn học nghệ thuật trong phát triển kinh tế văn hoá, kinh tế du lịch, công nghiệp văn hoá
Nhiều tham luận cũng chỉ ra một số tồn tại trong hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh như: Xuất hiện một số hiện tượng, một số tác phẩm văn học nghệ thuật đang sa đà đáp ứng vào nhu cầu, thị hiếu tầm thường, hoặc nội dung tác phẩm còn sơ lược; Nhiều đề tài lớn của nền văn học nghệ thuật cách mạng không được giới văn nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến năng lực tuyên truyền - cổ động trong công tác tư tưởng của Đảng; Nhiều bộ môn văn học nghệ thuật truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, đứng trước nguy cơ mai một…
Đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại nói trên, các ý kiến cho rằng: Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới và các văn bản chỉ đạo của cấp trên có liên quan đến hoạt động văn học nghệ thuật. Xây dựng hoàn thiện các chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài và chăm lo đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để phát huy vai trò, trách nhiệm đem tài năng, sức sáng tạo, gắn bó và cống hiến lâu dài vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật; gắn phát triển văn học, nghệ thuật với giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc…
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, nhiều tác giả cũng đề xuất những ý kiến về việc phối hợp tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật của 3 thành phố kết nghĩa như cần có những hội thảo bàn sâu về triển khai Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội Nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021; những vấn đề liên quan đến thực hiện NQ 23/NQ-TW của Bộ Chính trị về VHNT; những hội thảo đi sâu vào đặc điểm văn học nghệ thuật của riêng từng vùng đất, của từng chuyên ngành văn học nghệ thuật. Các Hội văn học nghệ thuật của 3 thành phố cần năng động tổ chức các hoạt động liên quan đến nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng miền.
Cần có sự hợp tác giữa 3 thành phố nhằm phát huy các giá trị văn học nghệ thuật trong phát triển kinh tế văn hoá, kinh tế du lịch, công nghiệp văn hoá. Các giá trị văn học nghệ thuật của 3 thành phố là hết sức lớn, rất cần được đánh thức trên cơ sở giao lưu, liên doanh, liên kết để phát triển.
Các ý kiến cho rằng, trước mắt năm 2024 cần có những hoạt động văn học nghệ thuật quy mô ở Hà Nội. Năm 2025 sẽ tổ chức ở TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Văn học nghệ thuật với 50 năm thống nhất non sông”. NSND Ứng Duy Thịnh bày tỏ mong muốn: “Với chuyên môn của ngành múa, biết đâu sẽ xuất hiện một “Vũ điệu Thống nhất” - vũ điệu Việt Nam sẽ đi qua các thế kỷ, cả nước cùng nhảy múa trong vòng tay đoàn kết, lạc quan, khí thế. Và biết đâu đó “Vũ điệu thống nhất” sẽ trở thành một điệu nhảy truyền thống của nhân dân Việt Nam, trở thành di sản văn hóa Việt Nam”.
Nhiều ý kiến cũng kỳ vọng, từ hội thảo lần này sẽ gợi mở nhiều chương trình hoạt động mang tính định hướng bởi các hội văn học nghệ thuật đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam của cả nước; từ đó góp phần mở đường, thúc đẩy văn nghệ địa phương, vùng miền và cả nước phát triển.
Sáng ngày 23 tháng 05 năm 2023, tại Thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp...
Bình luận