Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh"

Chuỗi hoạt động “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh” không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mà còn chuyên chở tình cảm sâu sắc của hai thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” do UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã chính thức khai mạc tối 23/8 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đây là dịp để hai thành phố tăng cường giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, nghệ thuật, di sản, truyền thống lịch sử, sản phẩm du lịch, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, tiêu biểu đến với nhân dân và du khách trong nước, quốc tế. Đồng thời, qua đó thắt chặt hơn nữa tình cảm, mối quan hệ hợp tác bền vững giữa thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.

Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" - 1

Các đai biểu thực hiện nghi thức khai mạc "Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh". Ảnh: NL

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội - trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước - là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Với bề dày hơn một nghìn năm lịch sử, Hà Nội sở hữu hàng chục nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó có nhiều di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Thành phố đã tập trung phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa với những sản phẩm đặc sắc và độc đáo để phát triển ngành công nghiệp văn hoá và du lịch mang đậm dấu ấn, đặc sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, từng bước định vị thương hiệu văn hóa Thủ đô và quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa danh sở hữu kho tàng văn hoá độc đáo, phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, cách mạng; hệ thống bảo tàng, nhà hát, công trình kiến trúc lâu đời, nhiều lễ hội văn hoá, trung tâm mua sắm, du lịch đặc sắc, hấp dẫn...

"Chương trình “Những Ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh” là dịp để hai thành phố ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, gặp gỡ, chia sẻ, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc, tiềm năng và con người của mỗi địa phương đến với công chúng và du khách; làm sâu đậm thêm tình cảm gắn bó, bền chặt giữa hai địa phương, khẳng định vai trò vững chắc của hai đầu tàu kinh tế, gắn kết tạo thành sức mạnh tổng hợp để cùng phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước", bà Vũ Thu Hà khẳng định.

Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" - 2

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NL

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải cho rằng, những kết quả đạt được của Thủ đô Hà Nội trong 70 năm (sau ngày Giải phóng Thủ đô) và của TP Hồ Chí Minh trong gần 50 năm qua (sau Ngày Thống nhất đất nước) – là rất quan trọng, xứng đáng với vai trò trung tâm, hạt nhân, đầu tầu của hai vùng động lực phát triển của cả nước, góp phần thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 31/12/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị.

Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" - 3

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NL.

Điểm nhấn của đêm khai mạc là chương trình nghệ thuật có chủ đề "Dấu son Hà Nội" với nhiều tiết mục được dàn dựng hoành tráng, quy tụ đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng tham gia biểu diễn. Chương trình khắc họa Dấu son của lịch sử, Dấu son của hiện tại và Dấu son của tương lai trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tất cả đã tạo nên một Thủ đô Hà Nội kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.

Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" - 4

Chương trình nghệ thuật "Dấu son Hà Nội". Ảnh: PV

Cùng với đó là các hoạt động tham quan không gian trưng bày, triển lãm các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội và không gian văn hóa sản phẩm, du lịch, làng nghề, trình diễn của nghệ nhân Thủ đô Hà Nội.

Đến với chương trình, các đại biểu, nhân dân và du khách được tham quan không gian trưng bày với điểm nhấn là các biểu tượng lịch sử, văn hoá của Thủ đô với tinh thần “Hào khí Thăng Long”, các hình ảnh tư liệu tiêu biểu giới thiệu về Thủ đô qua 70 năm xây dựng và phát triển.

Không gian "Hào khí Thăng Long" được thiết lập với cổng chào tái hiện biểu trưng logo Hà Nội và Tượng đài Cảm Tử, tạo nên một không khí trang trọng, đầy ý nghĩa. Tại đây, di sản cầu Long Biên được tái hiện ấn tượng trên đường hoa Nguyễn Huệ, các tiểu cảnh như Trung thu Hà Nội, Hồ Gươm, phố Bích họa, Sắc hoa Hà thành, Trụ sở Báo Hà Nội Mới… cũng góp phần làm phong phú thêm không gian sự kiện, giúp người dân miền Nam có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, nét đẹp của Thủ đô Hà Nội.

Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" - 5

Người dân và du khách đến tham quan không gian trưng bày "Hào khí Thăng Long". Ảnh: Người đưa tin

Bên cạnh đó, hai trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” và “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng là hoạt động có ý nghĩa để giới thiệu tới công chúng Thành phố Hồ Chí Minh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Di sản cho mai sau” đem đến cái nhìn toàn cảnh về kiến trúc và giá trị văn hóa - lịch sử của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đã được Unesco vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới. Trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tinh hoa đạo học Việt Nam” lại giúp công chúng tham quan, đặc biệt là giới trẻ thêm hiểu về giá trị tiêu biểu của Đạo Học Việt Nam cũng như tiếp cận những di sản của cha ông dưới góc nhìn mới bằng các công nghệ hiện đại.

Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" - 6

Các đại biểu tham quan trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bên cạnh đó, không gian trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô; không gian văn hoá, du lịch, ẩm thực, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội; không gian giao lưu văn hóa, nghệ thuật; hoạt động giao lưu nghệ thuật của tuổi trẻ hai thành phố; hoạt động giao lưu thể thao... cũng thu hút đông đảo người dân và du khách.

Ấn tượng "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" - 7

Không gian văn hóa Thủ đô cũng được gợi mở qua biểu tượng của ngôi chợ truyền thống, tái hiện qua các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống và các hoạt động giao lưu văn hóa hấp dẫn. Ảnh: Báo điện tử Tổ quốc

Chương trình “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh” sẽ diễn ra đến hết ngày 25/8.

Minh Thư (TH)

Tin liên quan

Tin mới nhất