Đánh thức trách nhiệm gìn giữ di sản

Ngày 24/2, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức toạ đàm “Chia sẻ ký ức – Phát huy di sản” với mục đích đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản, nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội. Đồng thời góp phần nhỏ bé vào sứ mệnh gìn giữ di sản, đánh thức cộng đồng để họ không vô tình đánh mất những điều quý giá của di sản.

Được tổ chức trong không khí trang trọng, ấm cúng tại không gian triển lãm "Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử", toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia đầu nghành như: Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ; Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I,… và nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm và các cá nhân đam mê di sản.

Đánh thức trách nhiệm gìn giữ di sản - 1

Quang cảnh toạ đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Buổi tọa đàm đã thu hút được đông đảo người quan tâm trao đổi xung quanh các vấn đề: Kinh nghiệm chia sẻ ký ức qua triển lãm Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử; Thực trạng việc chia sẻ tài liệu của các cá nhân (sở hữu hoặc sưu tầm) với các cơ quan Lưu trữ hiện nay; Đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân; Nâng cao ý thức phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; Các hình thức chia sẻ tài liệu, quy định pháp luật, vấn đề bản quyền; Kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân; Đề xuất giải pháp và phương hướng trong thời gian tới.

Đánh thức trách nhiệm gìn giữ di sản - 2

Buổi tọa đàm đã thu hút được đông đảo công chúng đam mê di sản tham dự. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát huy giá trị tài liệu là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước để lan toả giá trị đến với đời sống xã hội. Hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác trong các bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức cũng như trong các câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau giúp phác hoạ được bức tranh về đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử.

Đánh thức trách nhiệm gìn giữ di sản - 3

Phát huy giá trị tài liệu là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. (Ảnh: Huyền Thương)

Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ kí ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội. Các cá nhân và tổ chức đã chủ động chia sẻ thông tin phục vụ cho đông đảo công chúng. Do đó, chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất.

Khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ tư liệu và tài liệu, nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng mỗi con người chúng ta là một thành phần cấu thành của quá trình lịch sử đất nước, mỗi ký ức về di sản của chúng ta là một phần tạo nên những cái chung. Sự chia sẻ những ký ức di sản giúp đánh thức trách nhiệm, nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ, gìn giữ, trao truyền di sản.

Đánh thức trách nhiệm gìn giữ di sản - 4

Nhà Sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Ông khẳng định: “Chia sẻ là cách bảo tồn bền vững nhất” và “Chia sẻ là tích hợp. Tích hợp để trở thành tài sản chung phục vụ cộng đồng”.

Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm bằng nhiều hình thức phát huy khác nhau đã tổ chức được nhiều hoạt động viết bài, xuất bản sách, trưng bày triển lãm, toạ đàm, hội thảo,… về di sản. Qua đó, Trung tâm cũng đã đón nhận được tình cảm, phản hồi tích cực từ phía công chúng.

Bà Trần Thị Mai Hương khẳng định phát huy giá trị tài liệu là nhiệm vụ đặc biệt của Trung tâm, với đặc thù tài liệu cổ bằng tiếng Pháp, Hán Nôm, người quan tâm tài liệu lưu trữ gặp không ít khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Trung tâm đã đưa tài liệu đến gần hơn với công chúng, được công chúng đón nhận. Người yêu lưu trữ khắp nơi cũng đến với Trung tâm, chia sẻ tài liệu tư liệu quý và tin tưởng gửi gắm “những đứa con tinh thần” vào Trung tâm.

Chia sẻ về sự thành công của triển lãm gần đây nhất của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Triển lãm "Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử" bà Trần Thị Mai Hương cho biết, triển lãm được thực hiện chủ yếu bằng việc kêu gọi những đóng góp từ cộng đồng, đặc biệt từ các cá nhân, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia với những tư liệu về cầu Long Biên để chia sẻ các ký ức về cây cầu lịch sử này từ khi xây dựng cho đến ngày hôm nay. Triển lãm tạo được sức lan toả lớn bởi đã có rất nhiều những ký ức cá nhân, những câu chuyện riêng vô cùng xúc động được chia sẻ.

Đánh thức trách nhiệm gìn giữ di sản - 5

Triển lãm "Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử" với sự kết hợp giữa tài liệu lưu trữ và những ký ức sống động sẽ vẽ lên một không gian đa sắc về sứ mệnh của cây cầu trong dòng chảy lịch sử. (Ảnh: Huyền Thương)

“Chúng tôi luôn đặt ra phương châm lắng nghe và thấu hiểu, đón nhận tình cảm, những chia sẻ qua những câu chuyện tư liệu của các cá nhân. Những hình ảnh, tư liệu mà các cá nhân trao tặng sẽ góp phần làm dày dặn lên những tư liệu quý báu về di sản”, đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia khẳng định.

Tuy nhiên, việc để nhận được những tình cảm, sự chia sẻ từ cộng đồng đối với các trung tâm lưu trữ là một việc còn gặp nhiều khó khăn, bởi theo ông Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong một chừng mực nào đó có một quan điểm từ xưa đến nay người ta vẫn thường cho rằng những trung tâm lưu trữ là nơi để cất, nơi để trữ và chính vì suy nghĩ đó khiến nhiều người thấy cái lưu trữ là một nơi xa lạ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Huy cho biết, hiện nay còn tồn tại một khó khăn nữa là các tài liệu nằm rải rác trong cộng đồng rất nhiều, chính vì có nhiều người không ý thức được, hiểu hết được những giá trị của của các tư liệu đó nên đã không có sự bảo vệ nó một cách cẩn thận, dẫn đến nhiều trường hợp các tư liệu quý bị hư hại, đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Đánh thức trách nhiệm gìn giữ di sản - 6

Các diễn giả chia sẻ tại phiên thứ 2 của toạ đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước khẳng định: “Thông tin chỉ có giá trị khi được chia sẻ với cộng đồng, trên phạm vi rộng nhất có thể. Mong rằng trong tương lai gần, cộng đồng xã hội sẽ được chứng kiến, được hưởng lợi ích chung từ việc chia sẻ rộng rãi giá trị tài liệu lưu trữ".

Sự chia sẻ của các diễn giả tại toạ đàm được kỳ vọng là những gợi mở quan trọng, hướng tới mục đích cuối cùng là di sản được phát huy hiệu quả vì lợi ích chung của toàn xã hội. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, chia sẻ và phát huy di sản góp phần giáo dục tình yêu di sản, là tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học nước nhà. Người xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.