Festival Ninh Bình 2022: Nơi hội tụ, kết nối di sản

"Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" có 5 hoạt động chính bao gồm: Lễ khai mạc; Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống; Lễ hội đường phố; Đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng hiện đại; Lễ bế mạc. Là dịp để người dân và du khách có cơ hội thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, độc đáo mang dấu ấn của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới.

Tối 17/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình diễn ra Lễ khai mạc “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản”. Sự kiện do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, nhằm kết nối các di sản văn hóa giữa các vùng miền, quốc gia, cùng chung định hướng cốt lõi là bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa. Dự Lễ khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Lễ khai mạc "Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" mở màn bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" với 4 phần trình diễn, là: Tinh hoa di sản Ninh Bình, Di sản văn hóa Bắc Bộ, Di sản văn hóa Trung Bộ và Tây Nguyên, Di sản văn hóa Nam Bộ.

Festival Ninh Bình 2022: Nơi hội tụ, kết nối di sản - 1

Tinh hoa Bắc Bộ được tôn vinh tại Festival Ninh Bình. (Nguồn ảnh: Báo Hànộimới)

Hòa vào sắc màu rực rỡ của di sản văn hóa hội tụ tại Festival, còn có màn trình diễn của đoàn nghệ thuật từ tỉnh Udomxay - Lào, phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của các người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam, đem đến bức tranh nghệ thuật lộng lẫy và mãn nhãn cho công chúng và du khách trong, ngoài nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Ninh Bình là vùng đất in dấu con người từ thời tiền sử, có địa hình đa dạng, được thiên nhiên và con người dành tặng nhiều di sản văn hoá giá trị, tiêu biểu. Tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên và con người dành tặng nhiều di sản văn hóa giá trị, trong đó tiêu biểu là Quần thể danh thắng Tràng An - hình mẫu nổi bật về tương tác giữa con người và môi trường, được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Festival Ninh Bình 2022: Nơi hội tụ, kết nối di sản - 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Festival, Ninh Bình tiếp tục dành ưu tiên cho xây dựng văn hóa, con người, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các văn hóa, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của “vùng đất cố đô Ninh Bình” nói riêng; đặc biệt, chú trọng các giải pháp để huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Festival Ninh Bình 2022: Nơi hội tụ, kết nối di sản - 3

Di sản văn hóa hội tụ trong Festival Ninh Bình 2022. (Ảnh: Báo điện tử Văn hóa)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng ban tổ chức “Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản” cho biết, là một vùng văn hóa độc đáo, có nhiều đóng góp trong bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tích cực nghiên cứu, nhận diện,làm rõ và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, để di sản văn hóa thực sự là nguồn lực và động lực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

“Thông qua sự kiện, tỉnh Ninh Bình cũng mong muốn đưa sự kiện trở thành hoạt động văn hóa du lịch quy mô lớn, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, một thương hiệu mới cho văn hóa Ninh Bình” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nói.

Festival Ninh Bình 2022: Nơi hội tụ, kết nối di sản - 4

"Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản" tạo cơ hội kết nối các miền di sản trong nước và các nước láng giềng anh em. (Nguồn ảnh: Báo Hànộimới)

Đây là lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, kiến trúc, du lịch tâm linh, để thực sự trở thành tỉnh Festival của Việt Nam.

Sự kiện diễn ra từ ngày 17- 19.11, với sự tham dự của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Cà Mau và Ninh Bình. Tại đây, các tỉnh, thành đã cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, nhằm tôn vinh, quảng bá tinh hoa di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch di sản phát triển.

Nguyễn Hoàng Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Công diễn vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy”

Công diễn vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy”

Chiều ngày 25/3 tới đây, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức công diễn miễn phí vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy". Buổi công chiếu này nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023) và Tháng Thanh niên năm 2023.

“Em đi làm tín dụng” và “Agribank – điểm tựa đến mùa xuân

“Em đi làm tín dụng” và “Agribank – điểm tựa đến mùa xuân"

Bài hát “Em đi làm tín dụng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra mắt công chúng năm 1971, đến nay tròn 52 năm, được kể như bài hát đầu tiên của ngành ngân hàng, là bài hát “Ngân hàng ca”. Những người yêu âm nhạc xếp bài hát nằm tốp đầu những bài viết hay nhất về ngành ngân hàng, về người làm công tác ngân hàng của chúng ta...