Khẳng định những giá trị lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua nhiều hoạt động ý nghĩa

Sáng 22/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo tuyên truyền các sự kiện, hoạt động Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023).

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).

Khẳng định những giá trị lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua nhiều hoạt động ý nghĩa - 1

 Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Theo đó, có 5 hoạt động chính kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”; Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Tuần phim Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam;...

Khẳng định những giá trị lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua nhiều hoạt động ý nghĩa - 2

Các hoạt động nhằm khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Thông tin về Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Hội thảo chứa đựng trong đó khát vọng không chỉ của những người làm trong công tác quản lý về văn hóa mà còn trong đó chứa đựng cả tâm huyết của rất nhiều trí thức, nghệ sĩ và của giới trẻ. Ban đầu Hội thảo đặt mục tiêu nhận được khoảng 60 bài tham luận của các tác giả là các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà thực hành văn hóa nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ban tổ chức đã nhận được 154 bài tham luận.

Khẳng định tính thiết thực, tập trung thảo luận về giải pháp chấn hưng văn hóa của Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh: “Ở Hội thảo này chúng ta sẽ không né tránh, chúng ta đã coi văn hóa là một mặt trận thì chúng ta phải có một sự đầu tư cho mặt trận đó để biến văn hóa thực sự trở thành trụ cột, trở thành ngọn đuốc soi đường quốc dân đi. Tại phiến thứ hai của Hội thảo sẽ tập trung vào những giải pháp mang tính liên ngành, bởi câu chuyện phát triển văn hóa không phải là câu chuyện của riêng ngành văn hóa mà đây là sự phối hợp, đồng bộ, là trách nhiệm của toàn xã hội. Đặc biệt, tại Hội thảo sẽ có một phiên thảo luận bàn tròn, sẽ có 7 cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề, tập chung vào những giải pháp để có thể phát triển văn hóa trong giai đoạn tới”.

Khẳng định những giá trị lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua nhiều hoạt động ý nghĩa - 3

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết thêm, Việt Nam là một quốc gia vô cùng giàu tài nguyên văn hóa, nhưng cho đến nay, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam chỉ mới chiếm 3,61%, nghĩa là chỉ bằng mặt bằng trung bình của thế giới, trong khi đó chúng ta được coi như là một trong những quốc gia giàu có về tài nguyên văn hóa, vậy điều gì khiến cho văn hóa chưa thực sự phát huy được chính thế mạnh của mình? Điều gì giúp chúng ta có thể định vị được văn hóa Việt Nam trên thế giới? Bằng trách nhiệm, sự tận tụy, các thành viên tham gia Hội thảo sẽ cùng ngồi lại bàn bạc, thảo luận để tìm ra câu trả lời cho những điều đó.

Về Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Triển lãm đã thông tin về một số bức ảnh quý sẽ được trưng bày tại triển lãm. Đó là bản Đề cương về văn hóa Việt Nam; những hình ảnh về Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa văn nghệ và văn nghệ sĩ,…

Khẳng định những giá trị lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua nhiều hoạt động ý nghĩa - 4

Ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Triển lãm thông tin về Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Thông tin về Tuần phim kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Tuần phim giới thiệu những bộ phim có chủ đề về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước con người Việt Nam. Theo bà Dung, qua Tuần phim chúng ta có thể nhìn lại một chặng đường phát triển văn hóa, điện ảnh của đất nước và cùng xem lại những tác phẩm của các nghệ sĩ đã cống hiến, đã đạt được những giải thưởng nhất định.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) sẽ tổ chức vào 20h00, ngày 28/02/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Theo ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình nghệ thuật này sẽ không đi theo lối mòn, sẽ có những bất ngờ, có những điều lần đầu tiên được đưa lên sân khấu và có ít nhất 3 bài hát mới được đặt hàng riêng cho chương trình.

Khẳng định những giá trị lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua nhiều hoạt động ý nghĩa - 5

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi họp báo.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước thấm nhuần ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Đồng thời, khẳng định tầm nhìn của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất