Nhiều tư liệu quý tại triển lãm ''Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội”
Triển lãm ''Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội” trưng bày hàng trăm tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra đến ngày 13/10/2022 tại Nhà Trưng bày triển lãm, số 93 phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất” (1987 - 2022) và kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tổ chức triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội”.
Triển lãm do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Ban quản lý Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức.
Triển lãm trưng bày hơn 150 hình ảnh tư liệu quý, tài liệu, bản trích và hàng chục hiện vật, đầu sách quý liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hai nội dung chính: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội” và “Di tích lưu niệm và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới”.
Không gian ấn tượng tại triển lãm.
Triển lãm mang tới những câu chuyện, hình ảnh, bài viết, bài nói chuyện, kỷ niệm, tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Nội. Qua đó, cho thấy lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của người dân Hà Nội, người dân Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của bạn bè quốc tế đối với Người.
Hình ảnh tư liệu về một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô.
Trong suốt cuộc đời hoạt động “vì nước, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Hà Nội cũng là nơi gắn với những dấu mốc quan trọng trong hoạt động cách mạng của Người, là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân của Bác.
Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào. Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” cũng ở Hà Nội, tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông.
Tư liệu liên quan đến quá trình Người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Thủ đô Hà Nội là nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm, đến thăm và căn dặn. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các chiến sĩ bộ đội, anh em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, tri thức, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ già, các em nhỏ,… đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần.
Các bài nói, bài viết, bức điện, những chuyến thăm của người đều để lại những dấu ấn không thể nào quên trong trái tim của những người dân Thủ đô.
Khu trưng bày di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Một em nhỏ đang chăm chú đọc những chú thích trên các hình ảnh tư liệu.
Thông qua triển lãm, Ban tổ chức hy vọng sẽ mang đến cho người dân nhiều hiểu biết hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Hiện nay ở nước ta có khoảng 700 di tích, 30 tượng đài, quảng trường và hơn 100 công trình tưởng niệm Bác Hồ. Trong đó có thể kể đến Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Khu di tích K9 Đá Chông; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Huế; Trường Quốc học Huế... |
Bình luận