Sức lan tỏa của văn hóa nhà trường, văn hóa doanh nghiệp tới vùng núi cao Quế Phong
Hội thảo khoa học nội dung và giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục phổ thông vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được Sở GD&ĐT - Sở Khoa học và Công nghệ - Trung tâm GDTX số 2 Nghệ An tổ chức tại Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong) nhằm thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Đánh giá thực trạng, đề xuất nội dung và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tại các vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Được Ban tổ chức mời đến dự buổi Hội thảo lần thứ nhất công bố kết quả nghiên cứu của đề tài chúng tôi thấy, từ thực tiễn của giáo dục các huyện miền núi, Hội thảo đã đề cập tới nhiều giải pháp có tính mới nhằm nâng chất lượng công tác quản lý giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của Nghệ An. Trong đó có hai nội dung được đại biểu dự Hội thảo quan tâm là xây dựng văn hóa nhà trường và tìm những cách thức tối ưu cho công tác xã hội hóa giáo dục cho vùng đặc biệt khó khăn.
TS Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu khai mạc Hội thảo.
Sau khi kết thúc Hội thảo vào buổi sáng 17/8, vào buổi chiều cùng ngày chúng tôi lại cùng theo chân đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vượt theo đường nhựa lên phía tây cách thị trấn Kim Sơn hơn 40 km để dự lễ trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà bán trú cho học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (Trường TH&THCS) xã Nậm Nhoóng.
Quế Phong là một huyện trong số 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh của giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam, nằm ở biên giới vùng cao của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm tỉnh 180 km, có diện tích tự nhiên là 1.888,43 km2. Toàn huyện có 12 xã và 01 thị trấn, với 107 thôn bản, dân số trên 75 nghìn người, với 04 thành phần dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh) trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Toàn huyện có 43 Trường học với 96 điểm trường lẻ, gồm 13 trường Mầm non, 16 trường tiểu học, 4 trường TH&THCS và 10 trường THCS. Tại Quế Phong có xã Nậm Nhoóng là một xã nghèo đặc biệt khó khăn, thuộc chương trình dự án 135 của Chính phủ, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,41%. Trên địa bàn xã có 2 trường gồm một trường TH&THCS và 1 trường mầm non.
Trường TH&THCS Nậm Nhoóng nằm trong địa bàn xã miền núi, vùng cao, biên giới, thuộc một trong những xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Nhà trường có 5 điểm trường, 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ, năm học 2023-2024, toàn trường có 438 học sinh, trong đó học sinh tiểu học 275, THCS 163 em, với 21 lớp (TH gồm 16 lớp; THCS 05 lớp), các em chủ yếu là con em hộ nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống trên địa bàn xã.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cho các hoạt động của nhà trường. Hiện nhà trường chưa có các phòng học chức năng, khu nhà ở bán trú chỉ có 60/136 học sinh có chỗ ở ổn định, số còn lại 30 em phải ở trong phòng thưng tôn tạm bợ, 46 em phải ở các phòng xuống cấp và phòng làm việc của khu vực trường mầm non.
Cũng vì Trường TH&THCS Nậm Nhoóng đóng trên một huyện nghèo như vậy nên 300 trung tâm hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Trung tâm Tin học, Trung tâm ngoại ngữ và Trung tâm giáo dục kỹ năng sống) đã cùng hưởng ứng lời kêu gọi của Sở và Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã đóng góp được 1,7 tỷ đồng giúp nhà trường xây nhà bán trú cho học sinh.
Chiều ngày 17/8, trước thềm kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám, Công đoàn, Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An với hợp với UBND huyện Quế Phong tổ chức Lễ trao tặng kinh phí hỗ trợ xây nhà bán trú cho học sinh trường TH&THCS Nậm Nhóong.
TS Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An và Đại diện các đơn vị tài trợ đã trao biển tượng trưng tiền từ nhà tài trợ tới đại diện Lãnh đạo UBND huyện; Đại diện Lãnh đạo Phòng GD&Đ, lãnh đạo Trường TH &THCS Nậm Nhoóng huyện Quế Phong, Nghệ An.
Tham dự buổi lễ, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có Tiến sỹ Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban của sở.
Đại diện cho các đơn vị tài trợ có các ông, bà: Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Anh ngữ AMA Vinh; Đậu Thị Huệ, Tổng Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Việt Úc 3; Nguyễn Thị Hiền, Tổng Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Cleverlearn Nghệ An; Ngô Văn Hoạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị (CTHĐQT) Trung tâm Anh ngữ ODC Diễn Châu; Tôn Chí Hùng, Tổng Giám đốc Trung tâm Anh ngữ AES; Nguyễn Tiến Cường, CTHĐQT Trung tâm Anh ngữ Happyland; Trần Đăng Thạch, CTHĐ QT Trung tâm Anh ngữ Skyline; Lê Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Học mãi; Lê Thị Hường, CTHĐQT Trung tâm IMA; Nguyễn Hữu Nam, CTHĐQT Trung tâm KNS Smart Edu; Bùi Công Tuyên, CTHĐQT Trung tâm KNS Biển Xanh.
Về phía Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong có các ông, bà: Sầm Văn Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Bí thư Huyện ủy; Lưu Văn Hùng, Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Lô Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện; Thạc sỹ Lữ Thanh Hà, Trưởng phòng GD&ĐT.
Về phía xã Nậm Nhoóng và Trường TH&THCS Nậm Nhoóng có ông Lữ Trung Thành, đại diện Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN xã Nậm Nhoóng; các nhà giáo Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Hồng Hiệp đại diện Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên và đông đảo học sinh Trường TH&THCS Nậm Nhoóng.
Tại buổi lễ các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục kỹ năng sống trong tỉnh đã trao tặng kinh phí hỗ trợ xây nhà bán trú cho học sinh Trường TH & THCS Nậm Nhoóng. TS. Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá cao sự đồng hành của các Trung tâm với ngành Giáo dục Nghệ An trong việc từng bước hỗ trợ các trường học ở vùng đặc biệt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng củng cố cơ sở vật chất của các trường mần non, tiểu học, trung học cơ sở bán trú.
Đồng thời, ông Khoa cũng nêu rõ ý kiến của ngành đã cùng thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong về cách thức sử dụng kinh phí để xây dựng nhà bán trú Trường TH &THCS Nậm Nhoóng đạt được yêu cầu mà nhà trường và địa phương mong muốn.
Tại buổi lễ ông Trần Đăng Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Anh ngữ Skyline đại diện các đơn vị đồng hành tài trợ chia sẻ:
Nhận thức được rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Do đó giáo dục không còn là nhiệm vụ của riêng ai mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Công cuộc xã hội hóa giáo dục trong nhiều năm qua đã được triển khai. Từ khắp mọi miền đất nước cũng bắt đầu xuất hiện hàng triệu triệu tấm lòng hảo tâm cùng chung tay góp sức vì thế hệ trẻ. Việc các trung tâm Tin học, Ngoại ngữ, Giáo dục kỹ năng sống hưởng ứng lời kêu gọi của Sở và Công đoàn giáo dục Nghệ An hôm nay hiện diện tại đây để trao tặng món quà mà 300 trung tâm ủng hộ nhà trường xây dựng nhà bán trú cho học sinh của Trường TH & THCS Nậm Nhoóng là một trong những biểu hiện của văn hóa doanh nhân doanh nghiệp đối với giáo dục vùng khó của huyện Quế Phong…
Ông Trần Đăng Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Anh ngữ SkyLine thay mặt các đơn vị tài trợ đang phát biểu tại buổi lễ.
Chỉ trong một ngày được tham dự hai sự kiện do ngành GD&ĐT Nghệ An tổ chức tại huyện Quế Phong thuộc vùng núi cao Nghệ An, chúng tôi không kìm nổi xúc động khi gặp những nhà giáo đã dạn dày với khó khăn gian khổ, những con đường, những dãy phố của thị trấn Kim Sơn, những bản làng, trường học tuy đã có nhiều thay đổi lớn.
Thay đổi đến nỗi trước đây chúng tôi muốn đến Quế Phong công tác phải đi bộ vượt rừng mấy tiếng đồng hồ từ sáng cho đến trưa mới đến Trường cấp 2 Hạnh Dịch cách Phòng Giáo dục Quế phong hơn 10 km mà bây giờ xe của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An xuất phát từ thị trấn Kim Sơn lúc 14 giờ chỉ chưa đầy một giờ sau đã tới Trường TH &THCS Nậm Nhoóng cách xa thị trấn gần 50 km. Tuy nhiên miền đất Quế Phong này ngoài các chính sách ưu việt của Nhà nước vẫn đang cần tiếp tục cần có nhiều nguồn lực tiếp sức để văn hóa và giáo dục Quế Phong được phát triển, để Quế Phong tiến tới văn minh và giàu đẹp./.
Bình luận