Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố

Đối với lĩnh vực Văn học nghệ thuật, Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021) là dịp cổ vũ, động viên các văn nghệ sĩ nâng cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Không khí phấn khởi sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã lan rộng khắp mọi miền Tổ quốc, ý kiến Kết luận chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của các Hội Văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, bầu không khí phấn khởi, tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục được lan tỏa với nhiều hình thức sinh động và thiết thực. Văn nghệ sĩ các Hội Văn học nghệ thuật trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố đã góp một phần công sức không nhỏ vào việc lan toả những giá trị của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đặc biệt là triển khai thực hiện ý kiến Kết luận chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 1

Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021.

Đời sống văn học nghệ thuật của nước ta vô cùng phong phú, đa dạng, mỗi vùng miền, mỗi địa phương lại có bản sắc riêng của mình nhưng lại khéo léo kết nối với nhau một cách nhịp nhàng để hoà chung vào dòng chảy văn hoá của dân tộc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã tạo nên một bước ngoặt lớn, đem lại luồng sinh khí mới thúc đẩy văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển.

Để có cái nhìn rõ hơn về những chuyển động của văn học nghệ thuật tại các địa phương sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) đã có dịp gặp gỡ một số đại diện của các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố.

Làn gió tốt lành lan toả khắp muôn nơi

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong một năm qua tình hình Văn học nghệ thuật tại các tỉnh thành phố đã có nhiều chuyển động mới.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc.

Nhiều chương trình, sự kiện, chính sách mới cho văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai tại các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố. Văn nghệ sĩ giữ được tinh thần chủ động, say mê và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc sáng tạo, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đời sống Văn học nghệ thuật tại các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố có bước khởi sắc, ngày càng phong phú, đa dạng.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 3

Ảnh minh hoạ

Thạc sỹ Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định cho biết: Sau khi các đại biểu của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định được tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc với hình thức trực tuyến thì anh em văn nghệ sĩ rất phấn khởi, bởi vì được dự trực tiếp, được lĩnh hội trực tiếp những quan điểm, những tư tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nhà lý luận phê bình Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh nhận định, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, tâm lý của Văn nghệ sĩ thuộc tỉnh nhà mang tính ổn định, có sự phấn khởi và hăng say hơn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tạo nên các điểm nhấn trong hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa trong năm qua.

Theo nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, với tâm huyết, trách nhiệm và đam mê của mình, hàng trăm tác phẩm Văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Hải Dương đã ra đời, tạo nên âm hưởng rất riêng trong đời sống văn hoá, văn học nghệ thuật trong tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Nhiều tác phẩm Văn học nghệ thuật của Hải Dương được tôn vinh trong khu vực, toàn quốc và cả quốc tế. Đặc biệt giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương (giải thưởng được trao định kỳ mỗi 5 năm) với sự tôn vinh 69 tác phẩm của các tác giả đã thể hiện rất rõ những thành tựu của văn học nghệ thuật Hải Dương sau 1 năm thực hiện nghị quyết của Hội nghị Văn hoá toàn quốc (11/2021).

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 4

Từ trái qua phải: Thạc sỹ Nguyễn Công Thành - Nhà văn Trương Thị Thương Huyền - Nhà lý luận phê bình Thy Lan

Nguồn kinh phí hỗ trợ vẫn dừng ở mức độ cầm chừng

Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, văn nghệ sĩ nói riêng, những người làm công tác văn hóa nói chung thêm phấn khởi, tích cực thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, theo Nhà lý luận phê bình Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa hiện nay văn nghệ sĩ vẫn còn một số trăn trở chung về chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 5

Nhà lý luận phê bình Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.

Nhà lý luận phê bình Thy Lan cho biết, đời sống kinh tế của văn nghệ sĩ ở các tỉnh nhìn chung còn thấp vậy mà nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học nghệ thuật, báo chí hiện nay vẫn chỉ dừng ở mức độ cầm chừng và triển khai chậm.

Văn học nghệ thuật là một thành tố của văn hóa, văn nghệ sĩ là những người đi tiên phong trên mặt trận văn hoá, họ có vị thế và vai trò quan trọng cả trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc và trong sự nghiệp phát triển đất nước. Vì vậy, theo nhà phê bình Thy Lan, văn nghệ sĩ xứng đáng nhận được sự quan tâm, quan tâm ở đây không phải theo cách nói lý thuyết mà họ mong muốn nhận được sự quan tâm thực sự, gắn với thực tiễn.

“Để văn nghệ sĩ thêm yên tâm, yêu hơn cái nghiệp của mình, say mê hơn và cống hiến nhiều hơn nữa” - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa nhấn mạnh.

Thời điểm thích hợp nhất để chấn hưng văn hoá

Thạc sỹ Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định cho biết: Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc là thời điểm hết sức thích hợp để chúng ta thực hiện nghị quyết của Đảng về vấn đề chấn hưng văn hóa.

Theo ông, chấn hưng văn hóa, làm cho văn hóa hưng thịnh hơn là một vấn đề có tính truyền thống, một vấn đề tiềm ẩn trong quá khứ và cần phát huy mạnh mẽ ở hiện tại.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 6

Thạc sỹ Nguyễn Công Thành (ngồi ghế thứ ba từ trái sang) và các hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nam Định.

Trước hết, Thạc sỹ Nguyễn Công Thành khẳng định tầm quan trọng của văn hoá. Một đất nước nếu chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hoá, đời sống tinh thần của nhân dân thì sẽ không thể phát triển toàn diện được. Nếu mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhan nhản những thông tin phản ánh về cái ác, nếu một xã hội mà cái ác xuất hiện nhiều hơn cái thiện thì có lẽ văn hoá vẫn chưa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định đề nghị phải quyết tâm chấn hưng văn hoá, phải thấy được cái truyền thống, bản chất truyền thống của văn hóa dân tộc. Ví dụ, đối với di sản văn hoá dân tộc phải thực hiện biện pháp bảo tồn tối ưu nhất quyết không nhân danh đổi mới văn hoá mà phá vỡ các giá trị truyền thống, cũng không nhân danh văn hoá để bảo vệ những gì lạc hậu. Ông cho rằng, làm văn hoá phải khéo léo, hiểu biết rộng và có tầm nhìn sâu.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 7

Rước kiệu trong hội Phủ Dầy (Nam Định).

Theo Thạc sỹ Nguyễn Công Thành, chấn hưng văn hóa phải gắn với giáo dục: Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, muốn văn hoá phát triển thì phải giáo dục thật tốt.

Chúng ta có Văn Miếu, một hiện thân của tuyên ngôn văn hoá mà cha ông ta để lại. Chúng ta có lời dạy của Bác Hồ với mục tiêu giáo dục vừa “hồng” vừa “chuyên”. Chúng ta có tấm gương Đại tướng Võ Nguyên giáp - một nhà giáo mẫu mực. Trong căn cốt ấy, hãy thử ngẫm mà xem, đó chính là văn hóa! - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định nhấn mạnh.

Cần những đòn xeo cụ thể

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương cho biết, Hội nghị Văn hoá toàn quốc là một trong những hành động thiết thực nhất thể hiện sự quan tâm tới lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước. Khẳng định sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi", nói lên tầm nhìn, thái độ đánh giá và trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với vị trí vai trò của văn hoá, văn học nghệ thuật trong thời điểm hiện tại và cả mấy chục năm sau nữa.

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương nhận định, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này là làn gió lành, là hơi thở ấm thổi bùng giá trị văn hoá của dân tộc ta, đánh thức trách nhiệm và lương tri của cả dân tộc đặc biệt là của văn nghệ sĩ với văn hoá, văn học nghệ thuật và nhất định sau Hội nghị này văn hoá sẽ và đang được đánh giá đúng mức, được quan tâm đầu tư thích đáng để phát triển, để làm nền cho sự phát triển chung của dân tộc.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 8

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương.

Chúng ta đều hiểu trong nền văn hoá thì văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế nhất, sáng tạo nhất và có sức lan toả rộng nhất. Vì vậy sau khi Hội nghị văn hoá toàn quốc, với tư cách là người trực tiếp tham gia tổ chức, động viên các văn nghệ sĩ sáng tạo và tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật, tôi thực sự mong Đảng và Nhà nước, các ban ngành có sự quan tâm cụ thể, xứng đáng bằng những chính sách, chế tài cụ thể đối với Văn học nghệ thuật trong các hoạt động của các loại hình chứ không phải chỉ là những câu khẩu hiệu hô hào chung chung - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Sức sống của Hội nghị văn hóa toàn quốc trong các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thành phố - 9

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương nhận định, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này là làn gió lành, là hơi thở ấm thổi bùng giá trị văn hoá của dân tộc ta.

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền đề xuất một số chính sách, chế tài cụ thể như: chế độ đãi ngộ xứng tầm đối với những văn nghệ sĩ tài năng; chế độ đặc thù khi tổ chức các hoạt động đặc thù của văn học nghệ thuật; tư duy tổ chức của hệ thống Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ trung ương tới các địa phương và chế độ thống nhất đối với những công chức viên chức đang công tác tại các Hội, các cơ quan liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Theo nhà văn, đó chính là đòn xeo thúc đẩy hoạt động văn học nghệ thuật có tầm vóc quy mô và tổ chức chặt chẽ, đồng thời qua đó cũng xác định trách nhiệm của văn nghệ sĩ khi họ tham gia các hoạt động của lĩnh vực này.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất