Tăng cường sức mạnh, hiệu quả công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật

“Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi” (Goethe) “Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng” (Lenin)

Dẫn liệu về mạng lưới tổ chức và nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức khác

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tiền thân là Hội Văn nghệ Viêt Nam, thành lập từ 1948); hiện nay có hơn 40.000 hội viên hoạt động trong 10 hội chuyên ngành trung ương và 63 hội địa phương trên 63 tỉnh thành (văn học, văn học dân gian, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc, múa, mỹ thuật, điện ảnh).

Nhận rõ tầm quan trọng của công tác lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật, ngày 15/11/2022, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức sự kiện ra mắt Hội đồng lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tăng cường sức mạnh, hiệu quả công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 1

Lễ ra mắt Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức ngày 15/11/2022. (Ảnh: Trần Viết Điệp)

Hội đồng gồm 15 thành viên (có 3 thành viên Thường trực Hội đồng, 11 Ủy viên Hội đồng, 1 Thư ký; danh sách kèm theo đăng trên Thời báo Văn học nghệ thuật số 46, ra ngày 17/11/2022). Trong số các thành viên Hội đồng, chúng ta nhận ra những tên tuổi các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ có uy tín xã hội và thành tựu sáng tạo. Dư luận của giới văn nghệ sỹ là có “lý do để hy vọng” về đội hình đẹp này. Mở rộng tầm quan sát, chúng ta sẽ thấy có mối liên hệ mật thiết của hệ thống:

Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X, 2020-2022 (hiện có hơn 1600 hội viên, tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), có Hội đồng Lý luận phê bình văn học (gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 7 thành viên khác). Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương khóa mới (2021-2026) gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, và 33 thành viên khác. Các hội văn học nghệ thuật địa phương (63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) đều có Ban Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật (5 hội địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Mính, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Hải Phòng được xem là những cơ sở mạnh về công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật).

Như vậy chúng ta có một mạng lưới, một tổ chức mạnh (về số lượng) người chuyên trách làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật từ trung ương tới địa phương, trải rộng ra nhiều lĩnh vực hoạt động trong số các hội chuyên ngành (số lượng hội thành viên tùy thuộc tình hình địa phương).

Nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam được xác định rõ ràng, ngắn gọn: “Tham mưu, tư vấn giúp Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch trong công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, định hướng sáng tác, phản biện xã hội phù hợp với đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình hiện nay” (theo Thời báo Văn học nghệ thuật, số 46/2022).

Những vấn đề/ nhiệm vụ thách thức của công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trong tình hình hiện nay

Trong 3 nhiệm vụ quan trọng (tham mưu, tư vấn/ định hướng/ phản biện), theo chúng tôi, nhiệm vụ thứ hai (định hướng) là khó khăn hơn cả. Vì sao? Xin được trở lại sự kiện văn hóa các đây 3 năm: ngày 5/12/2019, tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”.

Gần 100 tham luận đã được gửi đến BTC Hội thảo, sau đó Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã chọn in hơn 50 tham luận trong sách Phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển (xuất bản năm 2020). Phần viết về “thực trạng” thì sáng rõ, thuyết phục (cảm quan chung là “thiếu và yếu”). Nhưng phần viết về “định hướng”, thì đa số các ý kiến đều tỏ ra chưa tường minh, thuyết phục cao.

Tăng cường sức mạnh, hiệu quả công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật - 2

Ngày 5/12/2019, tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”. (Ảnh: HMT)

Vì sao khó tường minh khi viết về định hướng như là một nhiệm vụ của lý luận, phê bình văn, không chỉ ở ta mà trên toàn thế giới? Bởi vì, hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù, một bộ phận tinh tế nhất của văn hóa. Ứng xử với một đối tượng như thế đòi hỏi một chính sách văn hóa phù hợp, một đội ngũ quản lý văn hóa vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa có phẩm chất liên tài (biết nhìn ra người tài và sử dụng người tài, vì “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”).

Lãnh tụ Lenin ngay từ đầu thế kỷ XX, trong luận văn nổi tiếng Tổ chức Đảng và văn học có tính Đảng (1905) cũng đã công nhận một khoảng rộng tự do cho nghệ sỹ sáng tạo là vô cùng quan trọng. Ở lĩnh vực đặc thù này không có chủ nghĩa bình quân, cào bằng, chia đều.

Ở ta, trong giới nghệ sỹ vẫn lưu truyền câu thơ của thi sĩ Trần Dần “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”. Thực tiễn văn học nghệ thuật từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã chứng minh - những văn tài đích thực, chính họ đã sáng tạo ra những chân trời mới (sáng tạo ra thế giới thứ hai).

Vấn đề thứ hai khó khăn khi định hướng, bởi vì lao động nghệ thuật là lao động đặc thù (đơn độc, khổ sai như đối diện với “pháp trường trắng”, với thất bại dễ đến hơn thành công).

Khó khăn thứ ba khi định hướng văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường (điều tiết theo quy luật cạnh tranh, văn học nghệ thuật phải cạnh tranh khốc liệt với văn hóa nghe nhìn và công nghiệp giải trí, đang bành trướng và ở thế thượng phong, để tồn tại khi có nguy cơ bị đẩy xa ra khỏi trung tâm văn hóa).

Khoa học đã cho thấy một thực tế: Y học cá thể hóa, Giáo dục cá thể hóa đang là hướng phát triển tương lai. Liệu quản lý văn học nghệ thuật có thể theo hướng “cá thể hóa”, như một định hướng khả thi? Đa số trong giới văn nghệ sỹ sáng tác, cũng như người quản lý, đều hiểu đơn giản - định hướng là định hướng về đường lối, chính sách, chủ trương trên phương diện quản lý nhà nước về văn hóa, văn học nghệ thuật.

Chính vì thế nhiệm vụ “định hướng”, như đã nêu trong chiến lược/sách lược hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cũng như các tổ chức tương tự, sẽ là rất khó khăn và lâu dài. Nếu nói “định hướng” là một “đại lộ”, thì ngay từ thiết kế đầu tiên đã hàm tính chiến lược, vĩ mô.

Định hướng trong sáng tạo VHNT nói chung, lý luận - phê bình văn học nghệ thuật nói riêng, phải vừa “cứng” (nguyên tắc), lại phải vừa “mềm” (linh hoạt, thông thoáng, hợp lý hợp tình). Bởi lao động nghệ thuật tựa hẳn vào quy luật tình cảm (từ trái tim đến trái tim), theo sự dẫn dắt của quy luật “chân - thiện - mỹ”.

Định hướng, nghe có vể chính xác và đơn giản dễ thực thi. Nhưng đi vào thực tiễn thì đôi khi rối như tơ vò khiến không ít nghệ sĩ sáng tác và người quản lý lúng túng. Có một nguyên tắc tối thiểu sau cần được thực hiện tốt trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật: có thể chúng ta còn lạc hậu, nhưng nhất quyết không được phép lạc hướng (lạc lối, lạc trôi).

Sự nghiệp thành công trên bất cứ lĩnh vực nào cũng là công lao của một tổng hợp sức mạnh của nhiều người, kết đoàn trong một tập thể đội ngũ sáng suốt, tài giỏi và trong một tổ chức khoa học, văn minh, tương thân tương ái.                                   

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn