Tôn vinh tinh hoa nghề thêu Việt Nam
Sáng 12/2 (tức 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại đình Tú Thị (số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai), UBND phường Hàng Gai đã tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 419 năm ngày sinh của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành và báo cáo tổng kết dự án nghệ sĩ lưu trú "Tơ óng - Màu cây: Đường thêu nét nhuộm Xưa – Nay” do nghệ sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm thực hiện.
Lễ dâng hương được diễn ra với các nghi thức truyền thống, đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tri ân bậc tiền nhân đã có công khai sáng và phát triển nghề thêu, đồng thời khẳng định giá trị trường tồn của nghề truyền thống trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Lễ dâng hương kỷ niệm 419 năm ngày sinh của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành tại đình Tú Thị. Ảnh: Nguyên Anh
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành sinh năm Bính Ngọ (1606) tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội) và mất ngày 12 tháng sáu năm Tân Sửu (1661) thọ 56 tuổi.
Ông đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (năm 1637), được triều đình phong đến chức Thượng thư Bộ Công. Năm 1646, ông được cử đi sứ Trung Hoa. Là người thông minh và nhanh nhạy, ông đã học được kỹ thuật tinh xảo của nghề thêu và nghề làm lọng, đưa các nghề này về truyền dạy cho người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh cho biết, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Quận ủy - UBND quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Gai đã tổ chức các hoạt động triển lãm nghề thủ công truyền thống nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách, khách thập phương nghề truyền thống có lịch sử lâu đời của người dân Việt Nam, gắn với di tích đình Tú Thị.
Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Huyền Thương
Nằm trên phố Yên Thái, phường Hàng Gai, đình Tú Thị có tên nôm là đình Chợ Thêu, tên chữ là Tú Đình thị, nghĩa là “Chợ đình thợ Thêu”, đình được xây dựng năm 1891 bởi những người dân làng thêu Quất Động tới tụ cư tại kinh thành Thăng Long.
Là di tích lịch sử cấp quốc gia, thờ tự cụ tổ nghề Lê Công Hành và là nơi hành hương bái tổ của nhiều thế hệ người làm nghề thêu khắp cả nước, đình Tú Thị không chỉ mang giá trị tinh thần và tâm linh lâu đời mà còn có những đóng góp thiết thực cho hành trình tiếp nối di sản: một phần không gian Đình trở thành trung tâm giao lưu, gìn giữ và thực hành nghề thêu, vừa để vinh danh tổ nghề, vừa góp phần giới thiệu tinh hoa tới thế hệ trẻ và du khách thập phương.
Theo Chủ tịch UBND phường Hàng Gai, với việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa về nghề thêu truyền thống, đến nay, đình Tú Thị đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước, của những nhà nghiên cứu nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thêu nói riêng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật thêu.
Một hoạt động trong dự án “Nghệ sĩ lưu trú với chủ đề Tơ óng - Màu cây” tại đình Tú Thị. Ảnh: BTC
Năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 419 năm ngày sinh ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, tiếp nối dự án “Chuyện đình trong phố”, phường Hàng Gai đã phối hợp với nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm tổ chức dự án “Nghệ sĩ lưu trú với chủ đề Tơ óng - Màu cây” tại đình Tú Thị.
Chương trình cho phép nghệ sĩ tới sáng tác, chia sẻ và mở xưởng trong thời gian 8 tuần tại đây, nhằm mang lại những trải nghiệm, tìm tòi và cảm hứng sáng tác mới nhờ tiếp xúc và nghiên cứu sâu sắc các yếu tố văn hóa, con người, không gian… giàu tính di sản của đình.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm có nhiều năm nghiên cứu và thể nghiệm trong lĩnh vực vật liệu mềm textile arts, đặc biệt là các kỹ thuật thêu và nhuộm cổ. Ảnh: NVCC
Trực tiếp thực hành kỹ thuật thêu tại đình tạo ra một không gian giao lưu, tương tác với các nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật, nhân dân, học sinh và khách du lịch trong thời gian vừa qua, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm mong muốn định hình, làm dày dặn và nuôi dưỡng mối dây liên hệ giữa cá nhân mình với Tổ nghề và nguồn cội nghề thêu qua nghệ thuật đương đại.
Đồng thời, bày tỏ mong muốn di sản thêu Việt Nam sẽ trở lại đúng vị trí đáng quý ở trên nền nghệ thuật sáng tạo Việt Nam và thế giới.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm chia sẻ về dự án nghệ sĩ lưu trú với chủ đề “Tơ óng - Màu cây”. Ảnh: Huyền Thương
Trong thời gian lưu trú, nghệ sĩ cũng đưa ra những tương tác và đóng góp tới cộng đồng thông qua các hội thảo, triển lãm, workshop và góc đọc sách chuyên ngành thêu. Qua các hoạt động này, công chúng đã có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của nghệ thuật thêu tay, đồng thời cảm nhận được sức sống bền bỉ của tinh hoa nghề thêu Việt Nam.
Các bạn trẻ tìm hiểu về nghề thêu tại đình Tú Thị. Ảnh: Huyền Thương
Sự kiện lần này đã góp phần đánh dấu một bước tiến trong hành trình phát huy giá trị di sản, đồng thời khẳng định vai trò của nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại.
![Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành: Con người - thời cuộc - thời đại - giai thoại](https://cdn.arttimes.vn/upload/1-2024/images/2024-03-18/1710740086-thumbnail-width750height563.jpg)
Với danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606 - 1661), đúng là một cơ duyên khi nhóm nghiên cứu chúng tôi ban đầu gồm...
Bình luận